Ngày 8/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định 1685/QĐ-TTg phê duyệt Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 – 2025 thông qua ngày 24/11/2020.
Điều lệ này thay thế Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Nhà văn Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX thông qua ngày 11/7/2015.
Hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện
Theo Điều lệ mới, Hội Nhà văn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp tự nguyện của công dân Việt Nam là các nhà văn, được thành lập nhằm mục đích tập hợp đoàn kết và động viên hội viên phát huy trí tuệ và tài năng để xây dựng nền văn học Việt Nam yêu nước, nhân văn, dân chủ, đổi mới, sáng tạo; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên trong hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật; góp phần xây dựng nền văn học Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hội tôn trọng phong cách riêng của mỗi nhà văn và khuyến khích đổi mới trong sáng tạo văn học, nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, vì hòa bình và hợp tác hữu nghị với các dân tộc trên thế giới.
Hội hoạt động trong phạm vi cả nước, trong lĩnh vực văn học theo quy định của pháp luật.
Hội hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam theo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong lĩnh vực văn học và các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.
Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; có quan hệ hoạt động về chuyên môn với các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành, các hội văn học nghệ thuật địa phương và các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và địa phương.
Hội có quan hệ với các hội nhà văn, các tổ chức văn học và các nhà văn nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau đóng góp vào tình hữu nghị giữa các nền văn học trên thế giới.
Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản; tự bảo đảm kinh phí hoạt động; dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phát huy vai trò chủ động sáng tạo của hội viên; không vì mục đích lợi nhuận; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội.
Nhiệm vụ của Hội Nhà văn Việt Nam
Hội có nhiệm vụ chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức hoạt động của Hội. Tổ chức, hoạt động theo Điều lệ Hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Không được lợi dụng hoạt động của Hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Tập hợp, đoàn kết hội viên; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Hội; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Hội nhằm tham gia phát triển lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức cho hội viên; cung cấp thông tin cần thiết cho hội viên theo quy định của pháp luật; hướng dẫn hội viên tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và Điều lệ, quy chế của Hội.
Đại diện cho hội viên tham gia, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật; hòa giải tranh chấp, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Hội theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, xây dựng và ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động của Hội; quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí của Hội theo đúng quy định của pháp luật; bảo vệ quyền hành nghề và quyền tác giả của hội viên được quy định trong pháp luật nhằm phát huy tính sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao của hội viên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tạo điều kiện tinh thần và vật chất để hỗ trợ công việc sáng tác, giúp hội viên gắn bó chặt chẽ với sinh hoạt chính trị – xã hội của đất nước, với đời sống của nhân dân; chú trọng, phát hiện và giúp đỡ các tài năng văn học trẻ và văn học các dân tộc thiểu số…
Theo chinhphu.vn