“Phía nào sương thôi rơi” của nhà văn Niê Thanh Mai

898

                                                                                                            Nguyễn Phương Hà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cầm trên tay tập truyện ngắn với một tên đề khá lạ và gợi nhiều liên tưởng: “Phía nào sương thôi rơi” của nhà văn Niê Thanh Mai (Nxb Văn học, 2021), cảm giác như đến với một miền thơ tình yêu của một thi sĩ nào đó, kỳ thực không phải thế! Đây là một tác phẩm với 17 truyện ngắn đầy góc cạnh, độc đáo và có sức ám ảnh. Độc đáo vì nói đến tình yêu nhưng không phải truyện ngôn tình mà là chuyện phận người, độc đáo ở tình huống truyện hấp dẫn, độc đáo ở lời văn nghệ thuật mới mẻ, sáng tạo.

nie thanh mai

Không hướng đến những sự kiện thời sự, chính trị, những biến cố lớn của lịch sử, phần lớn các truyện đề cập đến con người trong quan hệ gia đình, tình yêu, với những cảnh ngộ éo le, phức tạp, những mối quan hệ tình cảm mong manh, dễ vỡ vụn trước những biến động của đời sống. Niê Thanh Mai đã đặt vấn đề thân phận con người trong tình yêu và hôn nhân giữa cái sôi động, bộn bề của cuộc sống hiện tại. Không có cảnh máu lửa chiến tranh, cũng không còn cảnh đói rét, túng quẫn như thời bao cấp mấy chục năm trước, cuộc sống của đất nước, của buôn làng và người dân đã được cải thiện, thay đổi tích cực trong thời kỳ đổi mới, ấy thế mà con người vẫn phải chịu nhiều khổ đau, bất hạnh bởi muôn vàn nguyên do chẳng đâu vào đâu. Trong những không gian nhỏ hẹp của làng buôn, của góc phố, những ràng buộc của quan hệ và định kiến xã hội, của luật tục, con người là những cá thể đầy tâm trạng, cô đơn ngay giữa gia đình mình, giữa cộng đồng làng buôn của mình. Đọc tác phẩm, ta gặp nhiều nhân vật phải chịu đựng bi kịch, chủ yếu là bi kịch tình yêu, tình cảm gia đình, trong những cảnh ngộ cụ thể. Có thể thấy, thân phận con người là niềm trăn trở, day dứt không nguôi trong tâm hồn nhà văn, là chủ đề khá tập trung, xuyên suốt các truyện trong tác phẩm này.

Đó là nhân vật H’Ban trong truyện Gió thổi thì buốt sống lưng, cảm thấy “lạnh buốt” mỗi khi mí trở về nhà sau “hơn hai mươi mùa rẫy” bỏ cha con cô để đi biệt tăm biệt tích theo người đàn ông lạ lên thành phố. Cũng vì thế, H’Ban cùng cha và em nhỏ sống trong nghèo đói, lam lũ, khóc hết cả nước mắt. Hơn nữa, cũng vì mí bỏ nhà đi như thế mà H’Ban phải chịu tủi nhục giữa buôn làng, cô không thể “bắt” được chồng và bao lo toan, trăn trở cho một tương lai mờ mịt. Truyện Ngày mùa đông khép lại kể về quan hệ yêu đương ngoài luồng của nhân vật nữ đã có chồng với Thịnh – một người đàn ông từ Hà Nội vào Ban Mê công tác. Chồng nàng là một nghệ sĩ, lớn hơn nàng đến hai mươi tuổi. Trước đây, nàng say mê tiếng đàn rồi trở thành vợ của người ấy khi mới mười tám tuổi. Bây giờ, sự chênh lệch về tuổi tác đã trở thành vấn đề của gia đình nàng: “Mỗi khi trở về nhà, đối diện với chồng, nàng bỗng thấy gã chồng của mình sao chán chường quá, già nua và cũ kỹ như cái phản gỗ nứt nẻ”. Cuộc tình vụng trộm với người đàn ông lạ và trẻ trung, hết sức cuồng nhiệt đã đem đến cho nàng những cảm giác ái ân, hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đó thật ngắn ngủi khi Thịnh trở về Hà Nội, trở về với đời sống của anh ta và lãng quên người đàn bà đẹp nơi phố núi xa xôi. Sau nỗi bất hạnh và một trận ốm, nàng trở về cuộc sống buồn tẻ, chán chường, với người chồng cũ kỹ của mình. Truyện Phía nào sương thôi rơi kể về mối tình một phía, đầy trớ trêu của Y’Kanh, chàng trai Ê Đê – con nuôi của mí Loan. Khổ nỗi, người mà Y’Kanh thương thầm nhớ trộm là H’Dương lại yêu Y’Long, người em nuôi thân thiết như ruột thịt của anh. Từ ngày H’Dương “bắt” YLong về làm chồng, Y Kanh đau khổ, thất vọng, tìm quên trong men rượu cô độc: “Còn bây giờ, đêm nào cũng say. Hễ say vào là khóc, khóc kiểu người ta oán trời đất. Có đêm nằm còng queo trên chiếc chiếu giữa nhà, ôm khư khư chai rượu, ngáy um cả nhà”. Nhưng rồi H’Dương cũng không hạnh phúc khi Y’Long bỏ gia đình và buôn làng, “Đi làm công nhân ở thành phố rồi sống như vợ chồng với một cô cùng xưởng… Nó nằng nặc đòi chia tay vợ”. Khi gặp lại Y Kanh, H’ Dương đã cảm nhận được tình yêu của anh: “Bàn tay Y’Kanh đặt lên bờ vai đang run bần bật của H’Dương tự lúc nào. Thốt nhiên, H’Dương thấy mình yếu đuối quá đỗi. Cô tựa vào bờ vai ấy. Ấm quá. Vững quá. Cái hồi nào đó sao mình không cảm nhận được hơi ấm này, từ bàn tay đang siết chặt lấy tay Dương, chai sần và run rẩy”. Nhưng rồi, Y’Kanh cũng không thể đến được với H’Dương vì mí không thể chấp nhận mối quan hệ éo le giữa một người anh trai và cô em dâu trong gia đình. Hy vọng hạnh phúc chợt lóe lên rồi tan biến, Y’ Kanh bỏ nhà đi trong sự chờ đợi mỏi mòn của người mẹ. Một gia đình trồng rau tan nát, chia đàn sẻ nghé, đầy bất hạnh, khi “Cha đưa về nhà một người lạ. Người đàn bà có khuôn mặt dài, áo xanh nhàn nhạt bước vào nhà…” (Sớm mai thoang thoảng) và người mẹ cũng không chịu đựng nổi cú sốc, đã bỏ nhà đi, để lại nhà một cô con gái chưa kịp lớn sống cùng bà ngoại với đầy những vết thương lòng. Truyện Làng của cha tôi kể lại chuyến về thăm làng quê cha đầu tiên của một cô gái thành phố, từ đó, tác giả gợi lên thân phận của một thiếu nữ bị người chồng chưa cưới bỏ rơi. Khi chàng trai đi bộ đội, mọi người trong nhà đều mong đợi người ấy trở về, “Họ để dành cho ông một cô gái xinh đẹp và giỏi giang. Cô ấy đến nấu cơm ở cái bếp lửa giữa nhà. Giã gạo dưới gầm sàn cùng những đứa em…”. Thật trớ trêu, “Nhiều năm sau, cha tôi trở về làng và dắt theo mẹ của tôi”, rồi “Ba ngày, cha dắt mẹ rời khỏi làng. Đi mãi. Chừng ấy năm và không quay lại lần nào”. Dù bị phụ tình nhưng cô gái buôn làng đã “không bắt vạ” mà xin làm con nuôi trong nhà, “Ngủ chung với mí của cha trên chiếc giường chật” và chăm lo mọi việc trong gia đình, việc nương rẫy. Cô không “bắt chồng”, lúc nào cũng “côi cút”, “nuôi bà già và và hai đứa em gái nhỏ của người đã từ chối mình”, còn tặng quà cho con gái của người đó nữa. Câu chuyện buồn thương gợi bao niềm xót xa, cay đắng cho thân phận của người phụ nữ thôn quê nhưng cũng ngời lên những phẩm chất tốt đẹp của chị, đó là đức hy sinh, lòng vị tha cao cả.

Một người đàn ông sống cô độc khi vợ đi học thạc sĩ kinh tế ở nước ngoài, anh mòn mỏi chờ đợi vợ trở về để chung sống hạnh phúc, sinh con đẻ cái, khi mẹ anh ngày đêm mong có cháu nội (Hoa giấy bao giờ thôi rực rỡ). Nhưng cô ấy không về nước  mà tranh thủ học lên Tiến sĩ. Ở nhà một mình, anh thường đạp xe thể dục dọc con đường phố vắng, thi thoảng có ghé vào cái quán nước mía của hai dì cháu nghèo bên đường rồi quen biết với họ, cũng đôi lần nói chuyện, hỏi thăm nhau. Vợ anh trở về nhưng cũng chẳng mặn nồng, chẳng chịu sinh con cho anh, cô ấy mải mê với công việc của một doanh nhân và những mối quan hệ mới với những người rất khác anh. Thậm chí, cô ta còn theo dõi và biết anh đã ghé đến quán nước mía kia, nói chuyện với người phụ nữ chủ quán. Cô đã ghen tuông vơ vẩn, nặng lời xúc phạm người phụ nữ tội nghiệp kia dù chị chẳng làm gì nên tội, cô còn căn vặn, xúc phạm chồng một cách vô lý. Sự chịu đựng vượt quá giới hạn, anh đã bỏ nhà ra đi. Trong hoang vắng, cô lạnh, cô ấy đã cảm nhận được phần nào ý nghĩa của gia đình, chân giá trị của những gì gần gũi và bình dị nhất trong cuộc sống.

Nhân vật Nhu trong Hôm qua trời lất phất mưa… là một cô bé mới lớn, mồ côi cha mẹ, kiếm sống bằng việc lau nhà thuê cho một gia đình khá giả có cậu chủ đẹp trai. Rồi người ta không thuê Nhu làm nữa, cô bé lại đi kiếm việc làm nơi khác. Dù rất cảnh giác với đàn ông nhưng rồi Nhu cũng dính vào lưới tình và chịu cay đắng, tủi nhục: “Con bé Nhu không lấy chồng lần nào, nó yêu anh chàng thợ may ở góc chợ phường Tân Tiến. Anh chàng nghe đâu đẹp mã, chỉ phải tội đam mê bài bạc. Nó đi làm không đủ trả nợ cho người yêu. Vậy mà cũng đâm đầu thuê nhà ở chung, sáng lau nhà, trưa cơm nước, chiều lại cắm mặt lau nhà, nghe đâu còn chăm sóc mẹ chồng nằm viện cho mấy cô hay tập Êrôbic nào đó. Cũng chẳng đủ trang trải nợ nần”. Ấy thế mà anh chàng thợ may lại bỏ Nhu đang mang thai ba tháng để đi chung chạ với con nhỏ mở quán cà phê karaoke ở lừng chừng dốc, một thời gian sau thì bị bệnh rồi chết. Nhu bơ vơ một mình với một sinh linh đang lớn dần trong bụng, bấp bênh giữa cuộc đời rồi không biết tương lai mờ mịt sẽ về đâu.

Nhân vật Din trong Thương anh bằng núi bằng sông là một cô gái không có cha mẹ, Ma Siên đưa Din về nuôi và “muốn Din làm dâu trong nhà”, làm vợ Siên. Nhưng “Siên xem Din như em gái. Nhưng cũng chẳng nói chuyện như với em gái”. Anh say mê cô gái xinh đẹp buôn Lum và sổ sàng từ chối tình yêu của Din: “Sao tôi lại lấy Din làm vợ. Din xấu lắm, da nhăn nheo. Lúc nào cũng lầm lầm, lì lì”. Nhưng rồi, Siêng bị căn bệnh lạ, mù mắt, cô gái buôn Lum lên phố lấy chồng Việt kiều còn Din vẫn luôn ân cần chăm sóc Siêng trong quãng đời đầy nước mắt. Người ta bảo Siêng hãy lấy Din làm vợ nhưng Siêng vẫn từ chối, nhưng bây giờ là sự từ chối vì tình thương đối với Din: “Din ơi! Thương em thì phải để em đi lấy người đàn ông lành lặn làm chồng thôi. Tôi thương em thì tôi đuổi em ra khỏi nhà tôi”. Din đã xuống cầu thang để đi khỏi nhà Siêng, nhưng rồi cô đã không đi, cô sẽ ở lại. Tác phẩm đầy nước mắt, nước mắt của Din, của Siêng, của những phận người khổ vì yêu, nhưng cũng ngời lên phẩm chất tốt đẹp, tình yêu chung thủy và lòng vị tha ngọt ngào của người phụ nữ.

Truyện Mật đắng cũng thể hiện những số phận bi kịch của con người trong tình yêu và hôn nhân. Dung có một người chị dâu sống trong nhà, là vợ của anh trai cô, điều này khác với tục lệ của người Ê đê: “Con gái Ê đê đi hỏi chồng, rồi cưới được chồng thì về nhà làm rể. Làm rể ba năm, bảy năm rồi cả đời. Sống ở nhà vợ mà chết cũng làm ma của nhà vợ”. Gia đình đang sống yên ổn, vui vẻ thì anh trai Dung bị tai nạn, ngã cây khi trèo lấy mật ong và qua đời. Bi kịch đến đột ngột làm mọi người đau đớn xót xa, khóc hết nước mắt, lầm lũi như những chiếc bóng. Chị dâu còn bị mang tiếng là bị ma ám, “Cây độc không trái, gái độc không con… Con ma toàn mang điều xui rủi đến cho gia đình chồng”. Nhưng rồi, nỗi đau qua dần theo thời gian, chị dâu lại “có người đàn ông mới”. Trớ trêu thay, người mà chị dâu đang yêu lại là Y’ Thôn, người mà “Dung yêu thầm từ khi ngực mới chớm nhú. Chàng trai mà mỗi lần chạm mặt, Dung đều đỏ bừng mặt mũi, chạy vội vàng núp sau lưng đám con gái cùng làng”. Dung đau đớn, thất vọng khi vô tình chứng kiến cảnh “Y Thôn kéo tay chị dâu lên chòi canh… Dung run lẩy bẩy khi thấy họ quấn chặt lấy nhau. Chặt đến mức họ không thể nghe thấy trời đang đổ mưa sầm sập…”. Dù yêu nhau tha thiết, say đắm nhưng chị dâu và Y Thôn cũng không thể lấy nhau, không thể thành vợ  chồng vì những thành kiến xã hội nặng nề đối với chị dâu, như lời mí Thôn đã nói: “ Tôi không ưng nó về ở với con trai tôi. Đàn bà như nó, đàn ông ngủ chung một đêm thì thành ma chứ không còn là người nữa”. Cuộc tình tan vỡ đã làm Y Thôn, chị dâu và cả Dung phải buồn khổ, thất vọng, nhưng rồi, Y Thôn về làm rể nhà khác, chỉ còn nỗi buồn đọng mãi trong đôi mắt của người phụ nữ và cô gái.

Tình yêu bồng bột của thiếu nữ mới lớn và hệ luỵ của nó được nhà văn đề cập trong truyện Con gái đi lấy chồng. Đó là “Con bé mới 19 tuổi, vừa tốt nghiệp lớp 12, lên phố ở trọ ôn thi đại học. hai đứa con gái ở cạnh phòng hai thằng con trai, đứa học nghề mộc, đứa học nghề sửa xe Honda”. Sau những lần qua lại, con bé yêu đứa con trai học nghề mộc, “Nghe đâu con bé mới dắt bạn trai về nhà chơi tháng trước thì tháng sau báo có thai. Hai đứa vừa qua tuổi trẻ trâu vội vàng lấy nhau, rồi chẳng biết sống với nhau thế nào. Rồi làm gì ăn…”. Bao nhiêu vấn đề phức tạp nảy sinh trong cuộc sống vợ chồng, trong quan hệ giữa con dâu trẻ khờ khạo với gia đình chồng: “Con nhỏ mới nứt mắt, chưa kịp làm người lớn bữa nào thì đã đi lấy chồng, trăm thứ phải lo, chuyện riêng, chuyện tư, chuyện mẹ chồng. Rồi thì ăn ở làm sao với bốn bà chị chồng với một gã chồng mẹ nói gì cũng gật đầu dạ dạ”. Thật không dễ dàng có thể giải quyết được. Truyện Triền đồi nắng rát kể về tình yêu của Dương – một cô gái nhà nghèo, sống bằng nghề chăn bò thuê ở một vùng đồi núi xa xôi, cằn khô sỏi đá. Tình cờ, Dương bắt gặp một công nhân công trình bị ngất lịm vì say nắng, cô đã cứu giúp và chăm sóc người đó, rồi họ yêu nhau, đắm đuối trao thân sau mấy lời tán tỉnh và hứa hẹn của anh chàng công nhân. Chẳng bao lâu sau, anh chàng trở về thành phố với công việc và gia đình của anh ta, để lại Dương với niềm nhớ thương, mong đợi và đau khổ. Dương quyết bỏ làng quê heo hút, bỏ việc chăn bò, đi lên thành phố để tìm hạnh phúc trong vô vọng. Chẳng biết được cuộc đời Dương sẽ trôi về đâu?

Quan hệ yêu đương lắm sự oái ăm, như nhân vật cậu Dong trong Đừng uống rượu trước hiên nhà, con gái trong buôn thiếu gì không yêu, lại yêu ngay chị H’ Thảo, là người cùng họ Niê với mí: “Người cùng buôn, cùng họ. Dù họ hàng xa mấy đời thì bà cũng không chịu cho cậu Dong về làm rể nhà chị Thảo”. Vậy là bi kịch xảy ra, chị Thảo “ biết chuyện Dong không thể làm rể nhà mình” thì chị lấy chồng người Kinh rồi theo chồng ra thị trấn để buôn bán còn Dong bỏ làng đi suốt năm năm trời. Chị Thảo sống với chồng cũng không hạnh phúc và có lẽ, cơ hội đã mở ra với Dong khi mí đã thay đổi thái độ và mời Thảo về gặp gỡ cả gia đình. Đây là một trong số ít truyện kết thúc có hậu, gợi ra cảm giác ấm áp cho người đọc.

Tác giả không trực tiếp lý giải nguyên nhân bi kịch tình yêu nhưng người đọc vẫn nhận thức được những nguyên nhân đó qua hình tượng các nhân vật trong truyện. Đúng là “Người ta khổ vì thương không phải cách/ Yêu sai duyên mà mến chẳng nhằm người” (Xuân Diệu). Tình yêu vốn dĩ là một loại tình cảm rất đặc biệt của con người, là thứ tình cảm mãnh liệt nhất, nồng nàn và say đắm và cũng phi logic nhất. Nó đã đem đến cho con người những cảm xúc thăng hoa, những niềm hạnh phúc dạt dào, nhưng cũng gây ra nhiều hệ luỵ, nhiều trắc trở và bi kịch, bởi nó đặc biệt nhạy cảm trước những hiện tượng và biến động của đời sống. Một điều dễ nhận thấy, phần lớn nhân vật bất hạnh vì tình yêu trong tập truyện đều còn rất trẻ, “chưa kịp làm người lớn”, chưa có kinh nghiệm sống, còn phụ thuộc vào gia đình, đã vội vã lao vào tình yêu và hôn nhân. Vì thế, những tình yêu đó thiếu ý thức xã hội, mang tính chất cảm tính, hời hợt, thiên về hưởng thụ thể xác và khó bền vững. Một số quan hệ tình cảm vợ chồng rạn nứt, tan vỡ, bất hạnh vì thiếu hiểu biết, thiếu đồng cảm hoặc vì cảm xúc, ham muốn, dục vọng nhất thời dẫn đến thương tổn. Những dư luận xã hội và thành kiến méo mó của người đời cũng nhiều khi cản trở con đường đến với hạnh phúc cá nhân của con người.

Thể hiện vấn đề thân phận con người trong bi kịch tình yêu ở cuộc sống hiện tại, tác phẩm đã thể hiện giá trị nhân đạo khá sâu sắc. Đó là niềm cảm thương cho số phận đau khổ, cô đơn, bất hạnh của các nhân vật, nhất là các nhân vật trẻ tuổi, những người lao động nghèo ở các làng buôn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về đời sống vật chất. Tác giả đã miêu tả cuộc sống vất vả, nhọc nhằn và tâm trạng buồn đau, cô đơn, tủi nhục, thất vọng của họ trong hoàn cảnh bi kịch một cách chân thực, xúc động, tạo được sự đồng cảm sâu sắc trong lòng người đọc, đồng thời thể thiện thái độ trân trọng và khẳng định phẩm chất của người lao động, nhất là người phụ nữ, đó là đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, tình yêu chung thuỷ, lòng vị tha, đức hy sinh thầm lặng và khát vọng tình yêu, hạnh phúc. Qua tác phẩm, người đọc tiếp nhận được thông điệp về cuộc sống: Tình yêu là tình cảm cao quý gắn với bản chất của con người, là vẻ đẹp của tâm hồn con người, là nguồn hạnh phúc bất tận của loài người nhưng phải là tình yêu chân thực, chân thành, dựa trên cơ sở ý thức xã hội và trách nhiệm của con người đối với cuộc sống, đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Về phương diện nghệ thuật, Niê Thanh Mai đã thành công trong việc xây dựng cốt truyện, kết cấu chặt chẽ, hợp lý, mỗi truyện ngắn đều có tình huống truyện khá độc đáo và có sức lôi cuốn, phần lớn là những tình huống hành động – tâm lý, giúp nhân vật thể hiện tính cách và số phận của mình. Nghệ thuật xây dựng nhân vật sinh động, có bản sắc riêng, kết hợp miêu tả ngoại hình, hành động với việc thể hiện nội tâm. Ở một số truyện, ngòi bút của tác giả đã khám phá được những ngõ ngách sâu kín của tâm hồn nhân vật trong những cảnh ngộ cụ thể như các truyện: Phía nào sương thôi rơi, Hoa giấy bao giờ thôi rực rỡ, Đừng uống rượu trước hiên nhà, vv… Những đoạn miêu tả thiên nhiên, cảnh vật cũng rất sinh động, phù hợp với tâm trạng và cảnh ngộ của các nhân vật. Tuy viết về không gian Tây Nguyên, Đắk Lắk nhưng tác giả đã không dùng những hình ảnh quen thuộc đã trở thành ước lệ, sáo mòn trong văn chương và nghệ thuật nói về Tây Nguyên như: “Đại ngàn hùng vĩ và hoang sơ”, “những núi đồi trùng điệp, bạt ngàn màu xanh”, “những sông suối trong lành với những thác nước mù mịt, trắng xoá”, “những vườn cà phê, cao su tươi tốt”, vv… mà mà sáng tạo những hình ảnh chân thật, cụ thể, có nét riêng như: “Triền đồi nắng rát”, “Đêm dài hun hút”, dòng suối khô cạn trơ ra những gộp đá, hòn đá sắc nhọn, những không gian buôn làng còn thưa thớt, hiu hắt và bộn bề, một nhà canh rẫy chiều mưa xối xả, một đàn bò con nào cũng gầy trơ xương vì thiếu cỏ giữa mùa khô Tây Nguyên khắc nghiệt, một mái nhà bốn phía đều lợp tôn nóng phừng phừng đứng một mình giữa khu đất rẫy cằn khô, một gầm sàn lầy lội bùn đất lẫn phân bò, phân gà, vv… Tất cả tạo nên không gian nghệ thuật phù hợp với tính cách, số phận của nhân vật trong bi kịch tình yêu và âm hưởng chung của tác phẩm. Một số truyện kết hợp bút pháp hiện thực với những yếu tố siêu thực, huyền ảo, vô thức và tâm linh, tạo nên những sắc màu lung linh, đa nghĩa cho hình tượng, như các truyện: Thương anh bằng núi bằng sông, Trời bảng lảng sương… Tác phẩm có lời văn, nghệ thuật khá đặc sắc, tạo được giọng điệu riêng, đó là một giọng văn trẻ trung, phóng khoáng, tự nhiên và đậm chất Tây Nguyên. Chủ yếu, tác giả kể chuyện ở ngôi thứ ba (11 truyện), tạo ra khoảng cách giữa người kể chuyện và nhân vật, người kể cũng như người đọc như đứng từ xa mà ngắm nghía và suy ngẫm về sự kiện và nhân vật một cách khách quan. Những truyện: Sớm mai thoang thoảng, Làng của cha tôi, Hôm qua trời lất phất mưa…, Cây thằn lằn lá xanh, Trời bảng lảng sương…, Đêm dài hun hút được kể ở ngôi thứ nhất với nhân vật “tôi” (Tất nhiên là nhân vật “ tôi” hư cấu chứ không phải là tác giả) tham gia và chứng kiến các sự kiện, đồng thời thể hiện cảm xúc trực tiếp đối với những sự kiện đó. Sự kết hợp các phương thức ấy đã tạo nên sự phong phú, đa dạng cho nghệ thuật biểu hiện của tác phẩm. Những chi tiết, hình ảnh được lặp lại một cách có ý nghĩa, thể hiện ý đồ nghệ thuật, tạo ra sức ám ảnh trong tác phẩm: Chi tiết nhân vật ngồi lặng lẽ, đầy trăn trở, suy tư, nhân vật đau khổ tìm đến rượu và cơn say, tiếng khóc và giọt nước mắt, hình ảnh những bông hoa giấy giàu sức gợi, vv… Đặc biệt, tác giả đã lồng những câu đối thoại của nhân vật vào trong những câu, những đoạn trần thuật một cách tự nhiên và hợp lý, tạo nên nhịp điệu gấp gáp, khẩn trương, liền mạch phù hợp với tiết tấu của đời sống hiện tại.

Hạn chế của tác phẩm chính là ở nghệ thuật xây dựng nhân vật. Tác giả tập trung miêu tả ngoại hình, hoàn cảnh, hành động để thể hiện nội tâm nhân vật nhưng việc miêu tả quá trình tâm lý nhân vật chưa thật tinh tế và sâu sắc. Tác phẩm thiếu những điển hình nghệ thuật sống động, vừa sắc nét về cá tính và có sức khái quát ý nghĩa xã hội rộng lớn. Nếu tác giả đầu tư tài năng và tâm sức hơn nữa vào một vài truyện để tạo nên những điểm nhấn đặc sắc thì tác phẩm sẽ có giá trị lớn hơn.

Trở lên là những cảm nhận ban đầu về tập truyện ngắn Phía nào sương thôi rơi của Niê Thanh Mai, chắc chắn còn nhiều điều để nói về tác phẩm này. Tựu trung, đây là một tập truyện ngắn hay, hấp dẫn và khá độc đáo, thể hiện tài năng của một cây bút giàu nội lực và có bản sắc riêng. Tác phẩm đã gợi lên những bài học nhân sinh có ý nghĩa nhận thức và tình cảm sâu sắc đối với thế hệ trẻ, những người đang yêu và sẽ yêu. Đây là một thành công đáng ghi nhận và là đóng góp của nhà văn Niê Thanh Mai đối với thể loại truyện ngắn nói riêng và nền văn học Việt Nam đương đại nói chung.

N.P.H