Phiên chợ chiều của mẹ – Truyện ngắn Hồ Xuân Đà

831

(Vanchuongphuongnam.vn) – Có khi hát, mà cô Ba chẳng biết hình như mình đang oán than, hờn trách ai. Chỉ biết rằng, sau khi gân cổ hát hết nhiệt tâm vào cái micrô kia, cô Ba cảm thấy đầu óc và cả trong người thoải mái hơn.

Nhà văn Hồ Xuân Đà

Đã mấy hôm rồi, cứ rao mãi, sắp khàn cả giọng cũng chỉ với câu:”Cá rô phi 30 ngàn/1kg, cá diêu hồng 50 ngàn/1kg, tép 10 ngàn/1 lạng bà con ơi, ghé vô, cân đi, vừa tươi vừa rẻ, nhanh nhanh chị em ơi, có ngay bữa cơm chiều cho gia đình”. Tiếng cô Ba vừa rao, vừa thoăn thoắt cái kéo cắt đầu tép, cho thật  gọn gàng để mong người mua hài lòng, về nhà đỡ đi phần nào giai đoạn chuẩn bị làm bếp. Vừa làm cô vừa rao, người mua đến đâu thì cô làm cá đến đó. Tay luôn tay, miệng luôn miệng. Nhìn sang hàng rau cải kế bên, người ta dùng cái loa, thu âm giọng nói của chính họ rao hàng thật tiện lợi.

Cô Ba thầm nhủ, hứa hẹn với chính mình: “Chiều nay, bán xong đợt hàng này, thì phải ghé mua cho bằng được cái loa công nghệ ấy, nhằm hạn chế bớt sức lao động của mình. Chứ cứ rao kiểu này, rồi cũng có ngày dây nói của mình sẽ hết công suất rồi tắt luôn cả giọng nói trời cho”. Giọng rao ngọt sớt như mía lùi của cô Ba bao người từng ghen tị, chẳng may tắt luôn thì tiếc lắm. Còn đâu để thỉnh thoảng khi buồn cho sự đời của người đàn bà bỏ chồng thỉnh thoảng uống vài ly bia, ca vài câu vọng cổ, cho vơi bớt đi sự căng thẳng, của việc gạo tiền cơm áo, nuôi cả ba đứa con ăn học.

Có khi hát, mà cô Ba chẳng biết hình như mình đang oán than, hờn trách ai. Chỉ biết rằng, sau khi gân cổ hát hết nhiệt tâm vào cái micrô kia, cô Ba cảm thấy đầu óc và cả trong người thoải mái hơn. Cứ thế, cô Ba cứ hát, mặc kệ ngoài kia hàng xóm đang chê hay khen, đang liếc xéo. Cô có hát vào giờ cấm đâu, mà họ phải ý kiến. Miệng đời thị phi, để ý nhiều làm gì chỉ thêm bận tâm. Cuộc đời của người đàn bà học chỉ hết lớp chín, rồi đi theo con đường buôn bán, không ổn định chút nào. Người ta cứ nói. “Phi thương bất phú” làm nghề buôn bán sẽ nhanh giàu chăng? Rồi được tự do, rồi thế này thế kia, khi có rất nhiều bà bán hàng cá, hàng thịt đeo vòng vàng đỏ cả người. Cô Ba cũng một thời chạy theo cái gu ấy, nhưng rồi sợi dây chuyền vàng mỏng manh gần 2 chỉ vàng tây, dành dụm mãi mới sắm được, cho có nữ trang với chị em, bị cái bọn cướp giật choai choai nó ép xe rồi giật mất.

Lần ấy cô Ba phải nhập viện vì bị té xe, cô không báo công an, nghĩ rằng bọn này cũng chỉ bằng tuổi con của mình, thấy thương cha mẹ tụi nó. Cô Ba chẳng kiện cáo, hay báo công an làm gì. Cô Ba còn cầu nguyện cho bọn nó có ăn xài rồi thì cũng có giờ phút hối hận, mà quay đầu là bờ, chứ mấy bà bạn của cô Ba thì liên tục mắng rủa bọn cướp không ngưng miệng, vì ít nhiều trong số họ cũng từng là nạn nhân. Cô Ba cũng muốn nói gì đó cho hả cơn giận lắm, nhưng không lên tiếng được, bởi cô Ba cũng có đứa con đang tuổi vị thành niên ấy, cô nghĩ mình cũng có con, con mình chắc sẽ ngoan tới khi trưởng thành hay không.

Những ngày gần đây, thằng Tí nó không chịu ra phụ bán hàng với cô Ba nữa, mà chỉ có con bé Xíu ra phụ mẹ. Nó cứ cho rằng công việc bán cá của mẹ thật là chán, mùi tanh của cá, bụi đường của chợ chiều thật là bẩn thỉu, rồi thỉnh thoảng phải chạy công an trật tự đô thị, do lấn chiếm lòng lề đường. Nó cảm thấy xấu hổ, và nói với mẹ rằng, lớn lên sẽ không bao giờ theo nghề bán cá. Cô Ba cảm thấy lo, cái tuổi dễ nổi loạn, luôn cho suy nghĩ chưa tới của mình là đúng. Nên cô Ba rất để ý nó. Cô mua rất nhiều sách bày lên kệ, nơi để nó dễ nhìn thấy. Cô mong ngoài thời gian học hành, thì sách là môn giải trí hữu ích cho nó.

Với hy vọng, sách sẽ thay cô Ba khơi nguồn và giải đáp tâm tư của thằng con tuổi khó bảo này. Nó cảm thấy công việc bán cá thật sự không tự hào chút nào. Tại sao mẹ của nó, không phải là một giáo viên, một bác sĩ, hay công nhân cũng được. Nó muốn mẹ của nó thơm tho và xinh đẹp, thì ba của nó đã không bỏ rơi mẹ con nó, để đi theo một người phụ nữ khéo léo ăn nói, duyên dáng và đặt biệt rất sành điệu thời trang, son phấn. Mẹ của nó mãi mưu sinh, mãi lo cơm áo, mãi tính toán thiệt hơn, rồi mãi mãi là người nhà quê lam lũ trong những phiên chợ vội vàng sớm tối. Nó tự ti về hoàn cảnh của mình, nó lầm lì ít ra đường, nó mặc cảm cho cuộc sống của chính mình. Nó đâu biết rằng cuộc sống hiện tại, mẹ của nó đã rất nhiều lần nuốt ngược nước mắt vào trong dạ, rồi nuốt ừng ực, xem như là một món ngon tinh thần, một động lực để bước vào ngày cùng cơm áo gạo tiền, vươn lên trong cuộc sống, không chỉ cho riêng mình.

Cô Ba thấy điều đó, nên thỉnh thoảng dành thời gian để nói chuyện với nó. Có những đêm, tiếng thở dài nghe mệt nhoài, của một người đàn bà vừa nuôi, vừa dạy con, nghe buồn não nề. Vừa làm mẹ vừa làm cha, công việc ấy nặng trĩu trên đôi vai gầy guộc. Tiếng côn trùng kêu hoài không dứt, mưa tháng bảy vừa nỉ non, vừa dai dẳng, khiến cô lo ngay ngáy.  Nếu trời bão thì sẽ không có cá, chợ thì vắng khách. Mấy tháng hè này, cô luôn dặn số lượng cá tôm tăng gấp đôi, cô muốn bán thêm để có nguồn thu nhập chuẩn bị lo nhập học cho bọn trẻ. Cả ba đứa, thằng Tí lên lớp mười, con Xíu vào lớp Sáu, bé Na học lớp lá. Cô nhẩm tính trong đầu, tiền sách vở, đồng phục, rồi bút viết, tiền học phí, cơ sở vật chất, ngót nghét cũng hết cả nguồn thu nhập của tháng.

Mấy người bạn hàng, luôn túm tụm với nhau, về việc cho con học thêm môn này môn kia, học năng khiếu,… Điều đó, làm cho nỗi lo việc học của bọn trẻ con nhà cô Ba ngày một tăng lên. Cô ước gì mình có thật nhiều khả năng để lo được như người ta. Có như vậy đời con mới khởi sắc sáng tươi, nhàn hạ, hơn đời của mẹ chúng nó. Cô có lúc cũng nghĩ đến chồng, định gọi kêu chồng cần có trách nhiệm với bọn trẻ nhưng rồi cô lại thôi, khi nghe phong phanh rằng, chồng cô, đã chuẩn bị đón đứa con sắp chào đời cùng người vợ trẻ. Người đàn bà ít học như cô mà tự trọng thì chẳng ai tin. Mang danh là một người bán hàng cá, người đời luôn đinh ninh rằng cô sẽ là người rất hung dữ, chẳng chịu thua ai, nhưng ngược lại với cái nhận định theo số đông ấy cô là người đàn bà rất hiểu chuyện, lại tìm nguồn vui sống. Cô biết đọc báo, biết ca hát, và biết đọc cả thơ. Môn văn của các con học, cô luôn là người đọc và tìm hiểu bài giảng cùng các con. Những lúc tan chợ, cô gom những đồng tiền lẻ, mua một bó hoa còn sót lại của cửa hàng hoa bị ế, vì người mua chê không được tươi, cô mua rẻ và cắm vào bình xem như món quà tự thưởng cho mình, sau một ngày lao động mệt nhọc.

Cô chẳng buồn tâm sự cùng ai, bạn bè thân không có, chỉ có vài bà bạn hàng, tám chuyện vài câu lúc vắng khách. Đại loại các câu nói cũng chỉ là về việc học và sinh hoạt của bọn trẻ. Hình như tất cả các bà mẹ “buôn gánh bán bưng” trên thế gian này đều chỉ có nỗi ưu tư về con. Mong cho con cái nên người đỗ đạt, làm giúp họ phần tự hào, ngẩng cao đầu với cuộc đời bằng con đường học vấn. Cô Ba là người đàn bà kiểu đó, gánh hàng của ngày hôm nay, hay gánh cả của một đời lam lũ, bon chen, xông xáo trong những phiên chợ chiều len lỏi, âu lo bên đường với khát vọng cho đời con của mình sẽ khá hơn. Cảnh dậy sớm lấy hàng, hay cảnh phải gom cả mấy thau cá bán ế đi ướp đá, khiến con người ta chỉ muốn dồn hết tiền bạc để cho con cái ăn học. Có nỗi lo nào đau đáu hơn nỗi lo của người mẹ cho tương lai của con.

Sáng nay, cô Ba mừng thầm trong bụng vì trời đẹp, hứa hẹn sẽ không mưa, nên cô Ba lấy thêm rất nhiều tôm cá, toàn loại ngon, dù giá hơi cao so với mọi khi. Mấy hôm nay, ngoài biển đang có vài cơn áp thấp nhiệt đới, cô tự tin phiên chợ này sẽ bán chạy hàng. Chiều hôm qua, cô đã ghé lấy cái loa phát thanh, có thu âm giọng nói của cô để rao hàng, cô chẳng chịu thua bất cứ bạn hàng nào, ai đổi mới gì thì cô sẽ đổi mới cái đó, cả phiên chợ náo nhiệt hẳn lên vì cửa hàng nào cũng có loa, loa của cô rao cũng xôm lắm, mà sao khách vẫn loe ngoe vài người quen, cô cầm cái kéo ngồi tỉa tót mấy cái đầu con tép cho bớt râu ria, mà nghèn nghẹn trong dạ. Vài hôm nữa, là đi làm hồ sơ nhập học cho mấy đứa nhỏ rồi, mà sao buôn bán mãi chẳng có dư dả. Tiền gạo, tiền điện, tiền nước, tiền này tiền kia, đủ các loại tiền cho sinh hoạt của một gia đình. Rồi tiền đi khám bệnh, chạy thuốc cho tụi nhỏ ốm đau lúc trái gió trở trời, khiến thân cô oằn đi, tiếng rao ngọt như mía lùi ngày nào giờ thay vào tiếng khàn khàn đục ngầu. Tiếng nói trong trẻo, như ca như hát ngày mới gia nhập hội bán buôn giờ chỉ còn là ký ức.

Bao lần, ngồi bên vệ đường của chợ tự phát, cố bán cho hết số tôm cá còn ế, rồi thấy bóng dáng trật tự đô thị là bê bưng tháo chạy. Cô biết mình sai chứ, lấn chiếm lòng lề đường, gây ách tắc giao thông, gây ảnh hưởng đến đường phố, mỹ quan đô thị. Cô cũng muốn vào chợ ngồi bán như buổi sáng, nhưng có người mua hàng nào chịu khó vào chợ đâu, khi người đi chợ không muốn vào. Người lao động vào giờ tan tầm, họ chỉ tạt ngang ghé xe vào mua nhanh mua đại để về nhà, nên khắp đường phố của ngoại thành Sài Gòn đều có rất nhiều xe đẩy, họ bán đầy đủ, bán đủ tất cả các mặt hàng. Cô Ba cũng theo cái thời cái thế, cái thói quen mà quy luật của cuộc sống tạo nên. Thành ra, có khi cô Ba bị tịch thu cả mâm cá về phường, cô cũng đành chấp nhận, cho tới ngày mai cô cũng phải tiếp tục kiếm vốn, để mua lại cái mâm khác mà tiếp tục cuộc hành trình mưu sinh.

Buổi chợ chiều nay, cô hy vọng mình sẽ bán được hết số cá còn lại trong ngày, cô mở cái loa rao hết công suất, thỉnh thoảng, cô cũng mời vài người khách đi ngang qua mua tôm, mua cá. Cuối ngày rồi, vào cô bán rẻ cho. Giọng rao tuy không trong lắm, nhưng nghe vẫn đầy thiện chí “Bà con, cô Bác ơi, còn ít tôm cá, em bán rẻ để về nhà với con nè, mua đi, mua dùm em đi, em giúp làm cá, làm tép sạch sẽ giúp các cô các bác luôn”. Vừa rao, cô Ba vừa vẫy tay khách hàng, giọng nói đon đả, đầy thuyết phục người mua. Có vài người khách ghé chọn lựa những con cá còn tươi. Cô Ba, tay vừa cho cá lên cân vừa tranh thủ hỏi thăm, nhằm kiếm thêm khách quen. Có khách quen ổn định, thì cô Ba bớt đi phần nào lo lắng.

Đang khấp khởi trong lòng, thì bầu trời bỗng chốc chuyển thành tối đen, những đám mây to, màu xám ngắt, có đám đen ngòm, như dòng sông giận dữ đục ngầu bao vây lấy mặt trời, vừa nãy đang thả hoàng hôn vàng trên đường phố. Thì giờ đây những đám mây đủ loại của thể màu tối mịt, kèm theo gió lớn bắt đầu chuẩn bị tạo thành cơn mưa to. Cô Ba không kịp làm cá cho khách hàng, người khách cũng không thể đợi, nên cô cho cá vào bịch và đưa cho khách. Cô Ba, chẳng còn thời gian để nghĩ gì, gom cá cho hết vào cái giỏ lớn rồi cho ít tép còn lại lên trên, cô không kịp mặc được chiếc áo mưa vào. Khi dọn xong hàng thì mưa đã ướt. Người cô bắt đầu ớn lạnh, cô gắng gượng chịu đựng. Cô đứng bên mé hiên nhà của một tiệm tạp hóa. Lấy hai tay xoa vào nhau cho cơ thể ấm lên. Cô gọi điện về nhà cho con trai cô ra đón. Cô bảo, khi nào tạnh mưa hãy ra, nhưng khi trời đang tiếp tục những đợt xối nước làm ngập hết các lối đi, thì cô thấy thằng Tí con Xíu đang cầm dù, áo mưa ra rước mẹ:

– Mẹ ơi, anh Tí biết thương mẹ lắm đó, cứ hối con ra rước mẹ sớm, vì sợ mẹ bị lạnh.

– Ai hối, con có hối em đâu, chỉ tại con muốn biết, hôm nay mẹ bán hết hàng không để mai có tiền làm hồ sơ nhập học cho con chứ bộ.

– Con lo làm gì, cứ lo ăn học, bằng cách nào mẹ cũng đủ tiền lo cho các con mà. Chỉ cần các con lo ăn học thì mẹ lo đầy đủ mà không phải ưu tư điều gì. Thôi. Mẹ con mình về nhanh chứ để em Na ở nhà khóc nhè bây giờ.

Trên đường về, bóng dáng cô Ba lúc gần con trai, lúc gần con gái. Họ nương tựa vào nhau, thì thầm với nhau những câu nói như :

– Mẹ không cần mua sách mới cho con đâu, con đã xin được sách của một người bạn, anh của nó vừa học xong lớp mười nên nó cho con, ba nó đã mua cho nó sách mới rồi. Nên nó bảo con lấy sách của anh nó mà dùng.

– Mẹ nè, đồng phục của con mẹ mua một bộ thôi, còn lại con sẽ mang đồng phục cũ, mẹ để dành tiền lo cho em Na đi nha.

Những câu nói cứ râm ran đi theo tiếng mưa rơi khiến cô Ba thấy ấm lòng. Đường về nhà hôm nay sao gần quá. Vừa bước vào căn nhà nhỏ, chưa kịp tháo chiếc áo mưa ra thì cô nói:

– Ở nhà, ai đọc sách mà không sắp xếp gọn gàng vậy. Mẹ dặn các con khi đọc sách xong phải như thế nào?…

Thằng Tí đang đứng gần mẹ lên tiếng:

– Con xin lỗi mẹ, tại con thấy trời mưa nên lo mẹ bị lạnh, lo kiếm dù đi đón mẹ nên chưa kịp xếp sách vào ngay ngắn.

– Lần sau lấy cuốn nào ra đọc cũng phải xếp gọn gàng vào khi đã đọc xong. Mẹ nghèo, không có nhiều kiến thức như những bà mẹ khác, mẹ chỉ có sách. Nên các con thương mẹ thì siêng năng đọc sách. Sách sẽ là bạn của các con khi mẹ vắng nhà.

Đêm hôm đó, trời vẫn tiếp tục mưa dầm cho đến sáng, bé Xíu và Thằng Tí thì ngồi bao tập, dán nhãn tên. Cô Ba luôn tay làm sạch hết số cá ế hồi chiều, cho vào tủ lạnh để ăn dần. Vừa làm vừa nhìn các con, ánh mắt của cô Ba long lanh giọt nước mắt hạnh phúc. Tiếng thở đều của bé Na, tiếng nói cười mấy mẹ con làm căn nhà của cô thêm hồng bếp lửa, khi ngoài trời đang lâm râm những cơn mưa đêm, lay động lòng người.

Khi làm xong, hết số cá, cho vào tủ lạnh, phân chia theo từng loại, từng bữa, như cá nào để nấu canh chua, cá nào để kho, cá nào để chiên, rồi đính kèm ghi chú rõ ràng, để khi cô Ba bận ở ngoài chợ, thì bọn trẻ ở nhà biết cách mà nấu ăn. Hoàn tất mọi việc đâu đó, cô Ba đi rửa tay, làm công việc cuối cùng của một ngày tất tả, là đếm tiền. Lau quệt mồ hôi, những đồng tiền nghe mùi cá, cô Ba cẩn thận xếp và nó vuông góc, khi đã nhẩm tính đâu đó, cô buông tiếng thở dài nặng nhọc, như một người đau tim đang lên cơn khó thở, cô Ba lẩm bẩm một mình: “Mưa gì mà mưa nhanh mưa vội, không cho người ta kịp chuẩn bị, để mình bán cá chẳng kịp lấy tiền gì hết trơn, uổng công một ngày buôn bán phơi nắng phơi mưa, giờ tính tiền thì lời lãi không có, mà lỗ hết mấy trăm ngàn nè trời!”

Cô ba lên giường mà chẳng thể nào chợp mắt được, đám trẻ con thì đã ngủ say, cơn mưa đêm lành lành lạnh, vẫn không thể đưa cô Ba vào giấc ngủ. Cô Ba nói thầm một mình: “Ước gì ngày mai, người mua cá trong cơn mưa đột ngột chiều qua, quay lại gửi số tiền mà họ đã quên thanh toán vì phải vội trốn mưa mà mà chưa kịp đưa cho mình”.

Ước mơ ấy, đi theo vào giấc ngủ của cô Ba, cho tới khi cô thức dậy, chuẩn bị cho phiên chợ sáng mai.

                                                                H.X.Đ

Tháng 12 năm 2019