Phim ‘Bố già’ thừa bố trí – thiếu già dặn

462

Trong khi nhiều tác phẩm điện ảnh thế giới tiếp tục trì hoãn trình làng vì dịch Covid-19, điện ảnh Việt Nam thừa thắng xông lên với nhiều tác phẩm làm mưa làm gió tại phòng vé. Năm ngoái là Ròm, một dự án điện ảnh độc lập và Tiệc trăng máu, bộ phim làm lại từ kịch bản nguyên gốc của Ý. Năm nay, phim Bố già do Trấn Thành sản xuất với số vốn hơn 20 tỉ đồng vừa xác lập kỉ lục là bộ phim Việt có doanh thu cao nhất.

Ra mắt chính thức ngày 12/3/2021 nhưng Bố già đã kịp tạo nhiều kì tích từ các suất chiếu sớm trước đó. Chỉ trong 6 tiếng của ngày chiếu sớm đầu tiên 5/3, Bố già thu về 10,6 tỉ đồng, trở thành phim nội địa có doanh thu suất chiếu sớm cao nhất từ trước tới nay. Sau 4 ngày, phim nhanh chóng cán mốc 100 tỉ đồng tiền vé, sự khởi đầu ấn tượng chưa phim nào trong câu lạc bộ trăm tỉ của Việt Nam đạt được. Ngày 14/3, sau 9 ngày công chiếu, Bố già gặt hái doanh thu tổng cộng 200 tỉ đồng. Với thành tích này, Bố già đã vượt mặt Cua lại vợ bầu (doanh thu gần 192 tỉ đồng, cũng do Trấn Thành đóng vai chính) và Hai Phượng (doanh thu hơn 200 tỉ nhưng được chiếu ở cả nước ngoài), trở thành bộ phim đầu tiên chạm mốc doanh thu 200 tỉ – một kỉ lục của phim Việt. Bố già vẫn đang được xếp chiếu ở các rạp với mật độ suất chiếu dày đặc, hứa hẹn tiếp tục tạo ra những cơn sóng lớn ở phòng vé.


Poster phim “Bố già”

Thiên thời địa lợi nhân hòa…

Những tưởng việc Bố già và các phim Việt Nam khác lỡ hẹn với khán giả vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua sẽ khiến các nhà sản xuất ngã ngựa, nhưng dường như, việc bắt khán giả chờ đợi thêm có tác dụng khá tích cực. Việc các hoạt động giải trí bị bó buộc từ trước Tết do dịch Covid-19 bùng phát khiến khán giả yêu nghệ thuật bồn chồn và thấp thỏm. Chưa bao giờ khán giả rơi vào tình trạng ăn “mầm đá” như vậy với bộ tứ Lật mặt 5Trạng Tí, Gái già lắm chiêu 5 và Bố già vốn hứa hẹn mang tới một bữa tiệc thịnh soạn vào dịp Tết nhưng đồng loạt rút lui. Trong cuộc đua này, Bố già của Trấn Thành có vẻ như chọn đúng điểm rơi để ra mắt (cùng với Gái già lắm chiêu 5), khi mà niềm mong ngóng từ Tết chưa kịp lắng và khán giả vẫn còn tương đối rủng rỉnh thời gian cũng như tiền bạc trong không khí “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Chính sự náo nức này đã góp phần vào thành công không ngờ của Bố già ngay từ những suất chiếu sớm đầu tiên.

Bên cạnh yếu tố “thiên thời” nêu trên, một điểm được coi là “địa lợi” của Bố già là phim chỉ cạnh tranh duy nhất với Gái già lắm chiêu 5, thay vì phải cạnh tranh trực tiếp tới ba bộ phim khác nếu các phim đều ra mắt vào dịp Tết như dự kiến. Từ “một đấu ba” giảm xuống “một đấu một” rõ ràng là một thuận lợi không nhỏ. Trong cuộc “cung đấu” này, Bố già có cơ hội vượt lên mạnh mẽ một phần vì chủ đề ngôn tình và vương giả của “Gái già 5” đã trở nên quá quen thuộc với khán giả. Trong khi đó, chủ đề gia đình mà Bố già truyền tải lại là món ăn tương đối lạ bởi điện ảnh Việt Nam những năm gần đây chủ yếu khai thác thể loại tình yêu hài – lãng mạn (rom com) hoặc hành động. Đó là chưa kể vô số bộ phim không thể xác định nổi chủ đề do kịch bản quá yếu. Vì vậy, Gái già lắm chiêu 5 dẫu thời trang, dẫu diễm lệ, dẫu nhiều nút thắt cũng không thể cạnh tranh với cơn gió lạ mang tên “tình thân gia đình”.

Cuối cùng, nếu mang thương hiệu cá nhân lên bàn cân, rõ ràng cặp đôi đạo diễn Bảo Nhân – Nam Cito của Gái già lắm chiêu 5 không thể đọ với bộ đôi Vũ Ngọc Đãng – Trấn Thành của Bố già. Về con bài diễn xuất, sự kì cựu của Lê Khanh và Hồng Vân lẫn nhan sắc và nội lực tiềm tàng của Kaity Nguyễn không thể át nổi tên tuổi của Trấn Thành. Trấn Thành sở hữu trang facebook hiện có gần 18 triệu người theo dõi, trang instagram có 5 triệu và kênh youtube có 4,6 triệu tài khoản đăng kí. Tháng 12 năm ngoái, Tạp chí Forbes đưa Trấn Thành, Chi Pu và Đông Nhi vào top 100 ngôi sao mạng xã hội của châu Á. Trong bộ ba này, Trấn Thành hiển nhiên chiếm ngôi đầu.

Đó là chưa kể tên tuổi của Trấn Thành đang trở nên nóng hơn sau khi hoàn thành xuất sắc vai trò MC của chương trình tìm kiếm tài năng rap Việt đình đám kéo dài từ tháng 8 tới tháng 11/2020. Không thể phủ nhận Trấn Thành là một thương hiệu “khủng” của showbiz Việt. Việc Trấn Thành cùng lúc là nhà sản xuất kiêm đạo diễn, biên kịch, vừa dựng phim vừa đóng vai chính trong Bố già là cuộc thử lửa cho thương hiệu Trấn Thành trong lĩnh vực điện ảnh.

Giỏi bố trí…

Bố già có thời lượng 128 phút, xoay quanh câu chuyện về gia đình nhỏ và gia đình lớn của ông Ba Sang. Phim dường như muốn kể câu chuyện xung đột thế hệ thông qua góc nhìn trái ngược về trách nhiệm họ hàng, tình thân anh em của ông Ba Sang (Trấn Thành đóng) và con trai ông – Quắn (Tuấn Trần), một youtuber chớm thành danh. Bối cảnh xuyên suốt phim là một con hẻm cũ ở Sài Gòn, nơi nước ngập là điều không cần bận tâm, nơi các vụ cãi lộn luôn chực chờ và những cuộc nhậu, đám hát karaoke có thể kết thúc trong bạo lực.

Là một MC tài năng, Trấn Thành biết cách tạo sức hút cho các chương trình truyền hình nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa lối ăn nói dí dỏm và sự thăng hoa cảm xúc trên sân khấu. Trấn Thành có sự nhạy cảm đặc biệt với các câu chuyện đời, và vì sự nhạy cảm này mà anh có thêm biệt danh “Thành cry” (Thành khóc). Trấn Thành đã phát huy tốt sở trường “bi – hài” này trong Bố già. Xuyên suốt phim là sự cài cắm tương đối bất ngờ các tình tiết hoặc câu thoại vui vào những phân đoạn về xung đột gia đình và những phân đoạn lấy nước mắt. Việc giỏi bố trí một “món khô” lại tới một “món nước” giúp bộ phim trở nên dễ xem với đa phần khán giả, dù thời lượng phim khá dài. Phim cũng giỏi bày soạn một gia đình lớn khá đặc trưng ở Sài Gòn, nơi các anh chị em ruột thường mạnh ai nấy sống, rạch ròi trong tiền bạc, vừa thực dụng nhưng cũng rất “hiểu chuyện” khi cần.

Tuyến diễn viên phụ đảm nhiệm vai anh chị của Ba Sang (Ngọc Giàu – Hai Giàu, Hoàng Mèo – Tư Phú, La Thành – Út Quý) góp phần lớn tạo dựng chất “Sài Gòn” của bộ phim. Lê Giang trong vai cô hàng xóm Cẩm Lệ, Lan Phương vai thím Ánh hoàn thành xuất sắc việc lột tả tính khí của một người phụ nữ miền Nam và một người miền Bắc. Trong khi điểm yếu của nhiều bộ phim Việt Nam là quá tập trung cho vai chính và lơ là các nhân vật phụ, Bố già đảm bảo các nhân vật dù chính dù phụ đều được đầu tư có da có thịt, tạo ra sự hài hòa về mặt bằng diễn xuất và sự đầy đặn trong cốt truyện.

Trên hết, Bố già tỏ ra khá chắc tay trong việc mượn nhân vật để đề cập tới các câu chuyện đậm chất đương đại: kiếm tiền nhờ internet của giới trẻ, xung đột thế hệ trong việc ở nhà đất hay chung cư, người già đối mặt với bệnh hiểm nghèo và lựa chọn sống tốt hay sống đúng của mỗi cá nhân. Điểm mạnh của Bố già là lồng được tương đối tự nhiên các vấn đề thú vị của đời sống vào câu chuyện của một gia đình. Quan hệ cha – con và quan hệ họ hàng được khắc họa thông qua những tình huống sinh động, không lạm dụng những tình tiết thuần túy minh họa như nhiều phim Việt thường mắc phải.

Có thể nói, Bố già đã thành công trong việc “đi chợ nấu cơm”, tạo ra một bộ phim đáng để nhiều người học tập trong cách bố trí tình huống và dàn dựng bối cảnh.

Vẫn thiếu già dặn…

Trong khi khâu sản xuất và dàn dựng của Bố già rất đáng được ghi nhận thì những điểm hạn chế của bộ phim này đáng tiếc lại cũng đến từ chính Trấn Thành.

Trước hết là tạo hình nhân vật Ba Sang chưa đủ thuyết phục để khắc họa một ông bố nhiều nỗi niềm. Dù đã được nhuộm tóc bạc, gắn râu giả và trang bị dáng đi hơi còng, Ba Sang của Trấn Thành không tỏ rõ được dấu vết thời gian thông qua thần thái của nhân vật. Cái nọng cằm, đôi mắt thiếu nét chân chim và làn da mướt mẻ như thầm tố cáo một Trấn Thành đang “đóng phim” hơn là một Trấn Thành đang “hóa thân”.

Không chỉ thiếu già dặn về ngoại hình, nhân vật Ba Sang còn thiếu sự già dặn trong cách thể hiện cảm xúc. Có lẽ vì nghề MC “lậm” vào Trấn Thành khá đậm, nên Bố già, dù kể một câu chuyện nhiều kịch tính, dễ dãi để tác giả chui vào bụng nhân vật phát ngôn lộ liễu.

Trong phim, các nhân vật đều có khả năng ăn nói lưu loát, thậm chí lên trầm xuống bổng và biết gieo vần dù sống trong xóm lao động. Tất cả xung đột về tính cách, về quan điểm sống giữa các nhân vật được thể hiện qua các màn đấu khẩu. Nếu như với nhân vật Quắn, lối nói chuyện sôi nổi tương đối hợp lí vì Quắn là youtuber thì việc để Ba Sang mồm miệng tía lia, giỏi lí luận khiến những phân đoạn cần sự sâu sắc trở nên kém thuyết phục. Vì vậy, ở rất nhiều trường đoạn, người xem có cảm giác hai cha con Ba Sang – Quắn đang cố gắng trả bài môn… giáo dục công dân. Phim vẫn có khả năng lấy nước mắt của khán giả nhờ vào một số đàm thoại mang hơi hướng “hạt giống tâm hồn” nhưng tuyệt nhiên thiếu sự chín muồi, già dặn trong tâm lí. Kết thúc mỗi trường đoạn kịch tính, nhân vật Ba Sang luôn được đạo diễn cho đưa ra một tuyên bố, không mảy may chừa chỗ cho sự ngưng đọng cảm xúc và sự liên tưởng sâu kín của khán giả. Với một tác phẩm nghệ thuật, một khi nỗi đau, nỗi buồn, sự trớ trêu được nói lên quá rành mạch, thông điệp vô hình trung trở nên thiếu tinh tế và kém… thiêng.

Ngôn ngữ điện ảnh cũng thiếu vắng trong Bố già. Những cú máy chậm đặc tả chi tiết bối cảnh và lột tả chiều sâu của nhân vật hoàn toàn không có. Người xem không thấy được sự liên hệ của nhân vật và bối cảnh. Chính vì vậy, con hẻm dù được dày công dựng để toát lên vẻ tạp nham, xù xì thì các nhân vật dường như không thể hiện được là mình lớn lên và gắn chặt với nó. Điển hình như cảnh nhân vật Quắn lội nước ngập để nhờ người anh họ bán nhà nhưng vẫn đi giày tây. Hoặc việc ông Ba Sang nhanh chóng bán nhà mà không lưu luyến bất kì món đồ nào.

Một điểm trừ nữa của Bố già là cách xây dựng một số nhân vật còn thiếu thuyết phục. Nhân vật bé Bù Tọt được thoải mái nói chuyện kiểu “trả treo” dù mới 6 tuổi, lứa tuổi còn quá nhỏ để có thể làm chủ cảm xúc của mình khi đối mặt với những thay đổi chấn động. Nhân vật mẹ của Bù Tọt, vốn xuất hiện để tạo ra các bước ngoặt trong cuộc đời Quắn, bị các nhà làm phim cho biến mất nửa vời. Và cả câu chuyện nghề nghiệp của Quắn cũng không được giải mã tới nơi tới chốn. Khán giả thắc mắc liệu sau những biến cố cuộc đời, Quắn còn tiếp tục theo đuổi con đường kiếm tiền trên youtube nữa không hay sẽ có hướng đi mới cho tương lai của mình.

Sự thành công ở phòng vé của Bố già là nhờ may mắn chọn đúng điểm rơi, chia sẻ một câu chuyện gần gũi với số đông khán giả và biết kể chuyện duyên dáng. Nhưng Bố già vẫn thiếu sắc vóc cần có của một tác phẩm điện ảnh, nơi mỗi bộ phim mang sứ mệnh dẫn dắt khán giả tới những bến bờ lạ của thẩm mĩ và nhận thức.

Theo Cẩm Hà (VNQĐ)