Phim Việt dự thi quốc tế: Vẫn còn tình trạng tiền trảm hậu tấu

487

Trung tuần tháng 7 vừa qua, bộ phim “Vị” (Taste) của đạo diễn Lê Bảo đã bị cấm phổ biến trên toàn quốc vì nội dung không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Trước đó, phim đã từng bị phạt 35 triệu đồng vì mang đi tham dự Liên hoan phim (LHP) quốc tế khi chưa qua kiểm duyệt của cơ quan chức năng. Chuyện một số đạo diễn, nhà làm phim cố tình lờ đi quy định của cơ quan quản lý đã không còn là chuyện lạ và mang đến nhiều hệ lụy…

Giữa tháng 7 vừa qua, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh đã ký quyết định cấm phổ biến phim “Vị” (Taste) vì không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Quyết định được đưa ra sau khi Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện tiến hành thẩm định bộ phim cũng như tham khảo ý kiến của một số cơ quan văn hóa. Cơ quan kiểm duyệt cho biết lý do bộ phim bị cấm phổ biến vì phim có trường đoạn các nhân vật khỏa thân kéo dài tới vài chục phút và nhiều cảnh khỏa thân trực diện.

Việc một bộ phim không được phép phổ biến không là chuyện lạ. Điều này cũng đã từng xảy ra với “Bụi đời Chợ Lớn” khi phim có quá nhiều cảnh chém giết phản cảm không thể “chữa” được. Nhưng “Vị” thu hút được sự quan tâm nhiều của dư luận bởi đây là dự án phim có có thời gian thực hiện khá dài. Cuối năm 2016, dự án phim từng nhận giải “Dự án triển vọng nhất” trong Lễ trao giải Màn Bạc (Silver Screen Awards) tại Singapore. Trước đó, khi còn là một bộ phim ngắn, “Vị” từng được trình chiếu tại LHP ngắn và video Thái Lan (Thai Short Film & Video Festival 2016) tháng 8 – 2016. Sau này, phim được sản xuất ở phiên bản dài.


Một cảnh trong phim “Vị”.

Đây là bộ phim đầu tay của đạo diễn Lê Bảo, hợp tác với một số nhà sản xuất Singapore, Pháp, Thái Lan, Đức và Đài Loan. Phim dài 97 phút, lấy bối cảnh khu ổ chuột ở TP. Hồ Chí Minh. Chuyện phim kể về một cầu thủ người Nigeria bỏ lại cậu con trai ở quê hương để đến TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Hợp đồng bị chấm dứt khiến anh lâm vào cảnh khốn khó. Anh kết bạn và chuyển đến sống cùng bốn phụ nữ trung niên Việt Nam trong xóm lao động nghèo.

Đầu tháng 3 vừa qua, phim giành giải đặc biệt của Ban giám khảo hạng mục “Encounters” (Những cuộc gặp gỡ) lại LHP Berlin (Đức) lần thứ 71. Được biết, hạng mục mà phim đạt giải nhằm thúc đẩy các nhà làm phim độc lập sáng tạo về cấu trúc, thẩm mỹ, áp dụng những quan điểm mới trong điện ảnh.

Tuy nhiên, tháng 4/2021, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Le Bien Picture có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, công ty đã gửi bộ phim “Vị” tham dự LHP Berlin lần thứ 71 tổ chức tại Đức khi phim chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Điều này đã vi phạm Nghị định số 158 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Chia sẻ trên báo chí, một số thành viên trong Hội đồng duyệt phim đều đánh giá Lê Bảo là đạo diễn trẻ, luôn có những thử nghiệm, tìm tòi nhất định khi thực hiện bộ phim này như ánh sáng kỹ càng và khác lạ, đặc biệt ít lời thoại, nhiều hình ảnh phim mang tính ẩn dụ cao… Tuy nhiên, như đại diện Hội đồng duyệt phim cho biết, bộ phim “Vị” đã vi phạm những quy định về văn hóa khi để cảnh khỏa thân trực diện mô tả các bộ phận nhạy cảm kéo dài hơn 30 phút. Thậm chí, không chỉ một người khỏa thân mà có tới bốn, năm người. Điều đó khó có thể phù hợp để công chiếu rộng rãi. Bộ phim không phù hợp với văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa Á Đông nói chung.

Nhiếp ảnh gia Việt Văn, thành viên Hội đồng kiểm duyệt cũng chia sẻ thêm trên báo chí rằng hình ảnh phụ nữ Việt Nam trong phim hiện lên nhếch nhác, có phần bệ rạc. Các nhân vật được đặt trong bối cảnh với ánh sáng tối tăm, u uất, bí bách, tù túng. Phim còn có những hình ảnh phản cảm gây ức chế dễ tạo liên tưởng giữa những người phụ nữ với con heo: Hành động cân 4 người phụ nữ không khác cân heo, cảnh người đàn ông ngoại quốc sấy tóc cho bốn người phụ nữ đang nằm, một người bò qua mấy người còn lại… Đành rằng, phim có thể phản ánh hiện thực đói nghèo, những bi kịch trong cuộc đời một hoặc một số người nào đó. Tuy nhiên, người xem phải cảm nhận được giá trị nhân văn từ những hình ảnh phim, là những điều tốt đẹp mà con người muốn vươn lên trên hiện thực ấy.

Điều đáng nói, “Vị” không phải là bộ phim đầu tiên hay trường hợp đặc biệt của điện ảnh Việt Nam tự gửi phim dự thi quốc tế khi chưa có giấy phép phổ biến (theo quy định của Luật Điện ảnh). Trước đó, những bộ phim như “Vợ ba”, “Ròm” cũng đã từng đi theo hướng này. Bộ phim “Vợ ba” cũng từng được giải quốc tế trước khi ra mắt khán giả trong nước. Tuy nhiên, bản chiếu ở rạp lại khác với bản được duyệt. Vì hành động này, nhà sản xuất phim bị phạt 50 triệu đồng.


Phim “Ròm” đã được công chiếu trong nước sau nhiều lần chỉnh sửa.

Bên cạnh những cảnh gây tranh cãi, phim còn vướng lùm xùm cho diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nhạy cảm. Vì thế, phim đã nhanh chóng bị rút khỏi rạp. Trước khi chiếu tại Việt Nam, “Ròm” là bộ phim nhận được một số giải thưởng tại các LHP quốc tế. Để phim “Ròm” được công chiếu, đạo diễn đã phải chỉnh sửa nhiều lần. May mắn, phim tạo được “cơn sốt” phòng vé với doanh thu cao. Rõ ràng, các nhà làm phim đều biết việc cần phải xin phép cơ quan quản lý rồi mới mang phim đi dự thi nhưng đã cố tình không thực hiện và sẵn sàng nộp phạt.

Thực tế hiện nay, nhiều LHP quốc tế đang áp dụng quy trình tuyển phim trực tiếp với các cá nhân, đơn vị sản xuất mà không thông qua cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Nhưng để đảm bảo quy trình cấp phép phổ biến và phân loại phim đúng quy định, hầu hết các nhà sản xuất đều chủ động liên hệ với cơ quan chức năng để được hướng dẫn và tiến hành những thủ tục cần thiết. Thời gian qua, đã có những bộ phim Việt được cấp phép đưa đi tham dự LHP quốc tế được khán giả yêu thích như “Song lang”.

Tình trạng “tiền trảm hậu tấu” ở một số phim Việt tham gia LHP quốc tế là có thật. Tức là phim công bố, đạt giải ở LHP nước ngoài sau đó mới về nước xin phép phổ biến và phân loại phim. Phần nhiều tình trạng đó đều bắt nguồn từ tâm lý của các đạo diễn lo ngại cơ quan kiểm duyệt cắt đi phần (được cho là) táo bạo hoặc ý tưởng mới của mình. Mà biết đâu, đoạn đó lại “hợp nhãn” quốc tế. Chi bằng cứ đưa đi tham gia, về chịu phạt sau… Điều này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý mà còn cho thấy ý thức chấp hành quy định của một số nhà sản xuất, đạo diễn chưa cao.

Bản phim được duyệt để cấp phép phổ biến và công chiếu trên hệ thống rạp Việt Nam sẽ khác với bản phim dự thi hay đạt giải tại các LHP quốc tế. Một tác phẩm điện ảnh tồn tại nhiều phiên bản sẽ làm khó cho nhà quản lý, gây hoang mang cho khán giả. Mục đích của việc kiểm duyệt phim là để đảm bảo tác phẩm không lọt tác phẩm có nội dung nhạy cảm, phản cảm ảnh hưởng tới mọi mặt của xã hội và con người cũng như hình ảnh quốc gia, dân tộc. Ngay ở nhiều nước trong khu vực có nền điện ảnh phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc thì việc nhà sản xuất để phiên bản khác đi chiếu ở nước ngoài cũng sẽ bị phạt rất nặng.

Điều đáng nói là việc phim đạt được giải thưởng quốc tế nào đó cũng chưa chắc đã khẳng định phim đó hay. Có thể phim phù hợp với tiêu chí của hạng mục đó, LHP đó. Một xu hướng khá rõ hiện nay ở một vài LHP quốc tế là Ban giám khảo thường tâm đắc với những góc nhìn lạ về cuộc sống ở một đất nước, khu vực nào đó. Vì thế, một vài bộ phim của tác giả độc lập nhận được sự ghi nhận của Ban giám khảo. Nhưng điều đó chưa khẳng định giá trị tác phẩm điện ảnh với số đông công chúng.

Không khó để nhận thấy ở những giải thưởng điện ảnh danh giá, tầm cỡ thì tác phẩm điện ảnh là dù phản ánh vấn đề gì nhưng chắc chắn đều mang giá trị thẩm mĩ cao và thông điệp nhân văn, khơi dậy tình yêu cuộc sống và khát vọng vươn lên ở mỗi con người. Vì vậy, nếu các đạo diễn thực hiện đúng Luật Điện ảnh, ý thức đưa ra quốc tế những bộ phim mang bản sắc văn hóa Việt Nam, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam thì mới hạn chế được tình trạng “tiền trảm hậu tấu”.

Theo Khánh Thảo/VNCA