Phở – Tản văn của Vũ Xuân Hồng

1637

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ông bạn già ở gần nhà tôi, với đồng lương hưu ít ỏi, bản thân lại mắc bệnh phổi mãn tính, cho nên hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc chi tiêu trong gia đình phải rất dè sẻn. Mỗi dịp tôi sang nhà ông chơi, ông tâm sự thật lòng, thèm được ăn bát phở bò. Dù tuổi cao, sức yếu, ông cố gắng vay mượn, sắm chiếc máy xay bột, phục vụ bà con, đồng thời có thêm thu nhập, thuốc thang, dư dật thì  ăn bát phở…

Thuở nhỏ, tôi biết đến hương vị của phở thông qua bát mỳ gạo được chan nước luộc thịt lợn do mẹ nấu. Thời bao cấp theo chế độ tem phiếu, cả nhà có chung một lạng thịt lợn đem luộc lấy nước, thêm chút mỳ chính vào cho ngọt để làm nước dùng. Đem chan vào bát mỳ gạo, rắc thêm vài nhánh hành tươi, cọng rau mùi, thế là thành một bát phở. Mỗi người trong nhà, được ăn theo tiêu chuẩn một bát, sao mà ngon thế! Thời bao cấp, loại phở chan nước dùng, không có thịt gọi là “phở không người lái”, thường dùng để ăn với bánh mỳ hoặc cơm nguội.

Các cửa hàng mậu dịch quốc doanh ngày ấy cũng có bán phở thịt lợn. Do điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn “người khôn của hiếm”, cho nên đã nảy sinh hiện tượng móc ngoặc, tiêu cực trong đội ngũ nhân viên bán hàng. Cùng một giá tiền như nhau, nhưng có 2 loại bát phở khác nhau, được đưa ra. Bát phở dành cho khách hàng, thì nước lõng bõng với vài miếng thịt mỡ nhỏ xíu, mỏng dính. Bát phở dành cho người thân quen với nhân viên cửa hàng, thì được nguỵ trang bằng mấy lát thịt mỏng bên trên, nhưng khi đảo bát phở lên thì những miếng thịt lạc ngon, được giấu ở dưới những sợi mỳ sẽ hiện ra…

Đất nước bước vào thời mở cửa, hội nhập kinh tế thị trường. Những hàng phở được mọc lên khắp nơi từ làng quê, thị trấn, thị tứ, đến các khu công nghiệp, các thành phố lớn. Phở đã trở thành món ăn sáng bình dân, khoái khẩu cho mọi tầng lớp trong xã hội. Bát phở được chế biến ngon hơn, đa dạng hơn, đủ các loại phở, nào là phở bò, phở gà, phở ngan, phở tim gan lợn… Giá cả thì rất linh động, tuỳ theo nhu cầu, sở thích và túi tiền của khách hàng. Ở các thành phố lớn, trong những quán phở nổi tiếng, thì bát phở được chế biến với chất lượng đặc biệt. Nước dùng được chế bằng xương ống bò, ninh nhỏ lửa trong thời gian hàng chục tiếng đồng hồ. Ngoài ra còn cho thêm vào đó, là những con sái sùng khô cùng những hương liệu tự nhiên như đinh hương, thảo quả, trần bì… tạo lên nồi nước dùng trong, sóng sánh vị ngọt rất đặc biệt. Những tảng thịt bò tươi rói, những con gà, con ngan luộc, thịt săn chắc, vàng ươm. Những rổ bánh phở óng mượt, trắng tinh. Hành, tỏi ớt, rau thơm còn ngậm hơi sương buổi sáng… Tất cả được bàn tay khéo léo của người đầu bếp chế biến thành những bát phở thơm ngon, bốc hơi nghi ngút… Phở bò Nam Định, phở gà Hà Nội, đã trở thành những thương hiệu phở ngon nổi tiếng của Việt Nam.

Phở là món ăn ngon, gần gũi của người Việt Nam, cho nên những câu chuyện hàm ý ẩn dụ của phở đã trở thành câu chuyện vui trong đời sống tình cảm vợ chồng, như “Chán cơm, thèm phở không phải vì cơm dở, mà vì phở lạ miệng hơn cơm”. Hay “Chán cơm có phở, nhưng chán phở quay lại, thì chưa chắc đã còn cơm”…

Mỗi lần đi qua nhà ông bạn già, nhìn thấy ông đang cặm cụi xay bột, tôi nói đùa vọng vào: “Dạo này, ông có còn thèm phở không?”. Ông liếc vội vào trong nhà, sợ bà vợ già có tính hay ghen bóng, ghen gió, nếu bà ấy nghe thấy, hiểu lầm, thì ầm ĩ cửa nhà… Ông giãy nảy lên, trả lời cố tình để bà vợ trong nhà nghe thấy: “Tôi vẫn thèm, nhưng chỉ là thèm bát phở bò thôi, tôi đang cố gắng xay bột để lấy tiền ăn phở đây, ông ạ…”

V.X.H