Phong thư cũ niêm mối tình thơ dại

633

Lê Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ Đoàn Vị Thượng được bạn đọc yêu thích từ những ngày trước giải phóng với nhiều bài thơ viết về tình yêu tuổi học trò. Anh dạy học, làm báo, viết văn. Vừa nghỉ hưu ở báo Giáo dục và Thời đại được thời gian ngắn thì bị bệnh hiểm nghèo, anh từ giã cõi tạm về miền cực lạc. Bạn bè yêu thơ anh đã sưu tầm thơ trước và sau giải phóng in thành tập “Thơ Đoàn Vị Thượng” (NXB Hội Nhà văn T12-2020). Sau lần giỗ đầu, nhà văn Từ Nguyên Thạch (tức Trần Quang Ân – anh trai Đoàn Vị Thượng) đã sưu tầm và bổ sung thêm in thành tập “Thơ tình và những bài áo trắng” (NXB Hội Nhà văn – Quý 1- 2022). Tôi bình bài “Trước cổng trường con gái” của anh như một kỷ niệm đẹp những ngày cùng anh làm báo ở Giáo dục và Thời đại.


Nhà thơ Đoàn Vị Thượng.

Trước cổng trường con gái

                                       Đoàn Vị Thượng

Khi các em ùa ra như đàn bướm
Bao anh chàng đứng dựa dưới hàng cây
Tôi, ngoài cuộc, đứng bên và thấy hết
Nhiều thư tình vội vã lén trao tay.

Tôi cũng có một phong thư muốn gửi
Suốt mười năm lỡ thất lạc số nhà
Nào các em hãy nhận dùm tôi với
Cũng cổng trường này, cô gái ấy đi ra.

Cô gái ấy đi ra… mười năm không thấy lại
Chỉ các em vẫn lũ lượt tan trường
Phong thư cũ niêm mối tình thơ dại
Tay tôi cầm muốn gỡ ngại tơ vương.

Nên cứ mỗi buổi chiều tan lớp học
Khi các em đang rối rít hẹn hò
Mắt lơ đễnh thoáng ngạc nhiên bắt gặp
Có một người đãng trí đứng buồn xo.
Tp HCM – 1986

Lời bình của Lê Xuân:

PHONG THƯ CŨ NIÊM MỐI TÌNH THƠ DẠI

Đoàn Vị Thượng là nhà thơ gốc Huế, lớn lên ở Quảng Ngãi trong những năm khói lửa chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Sau giải phóng anh dạy học rồi làm báo – Phó trưởng ban Biên tập báo Giáo dục – Thời đại và Tạp chí Tài Hoa Trẻ tại TP Hồ Chí Minh. Anh đã xuất bản các tập: “Ngôi trường, hoa phượng và tôi” (Thơ 1987), “Thơ Đoàn Vị Thượng” (1988), “Chuyện tình chim hót” (Truyện dài – 1989), “Môi thơ” (Truyện dài – 1990), “Tóc em còn thả mùa đi học” (Truyện dài- 1991)… Nhiều bài thơ anh viết về nhà trường như: Bụi phấn, Ánh mắt trường, Hồn nhiên áo trắng, Lời ru của thầy, Một ngày cô giáo về… được thầy cô giáo và học sinh nhiều thế hệ yêu thích.

Năm tháng trôi mau, và cứ mỗi khi qua ngôi trường cũ, kỷ niệm xưa lại ùa về. Anh đã kịp ghi lại cảm xúc khá chân thành và lãng mạn về một phong thư tình mười năm về trước mà anh chưa kịp gửi Trước cổng trường con gái… Bài thơ như một đoạn phim ngắn quay cận cảnh, tái hiện cảnh tan trường thật đáng yêu:

Khi các em ùa ra như bướm trắng
Bao anh chàng đứng dựa dưới hàng cây.

Tác giả nhập vai một người quan sát, vô tình đã thấy hết, cảm hết khi: Nhiều thư tình vội vã lén trao tay.

Tuổi học trò với bao kỷ niệm đẹp về tình thầy nghĩa bạn, về mái trường và hàng cây yêu dấu. Nhưng có lẽ không có kỷ niệm nào đẹp và ngọt ngào bằng sự rung động đầu đời của con tim ở tuổi đầy mộng mơ. Tình yêu ở lứa tuổi học trò có khi chỉ là tình cảm về bạn khác giới, muốn nói mà không dám cất lời, phải mượn những phong thư nói hộ. Nhà thơ sống lại với kỷ niệm xưa Cũng cổng trường này, cô gái ấy đi ra. Anh vẫn giữ mãi môt phong thư mười năm chưa kịp gởi. Tác giả chỉ viện cớ thất lạc số nhà thôi, vì không có địa chỉ của người mình yêu, cũng là cái cớ để tự an ủi lòng. Có lẽ đó là một tình yêu đơn phương? Nó vừa khấp khởi lo âu, vừa hồi hộp chờ đợi mà không dám tâm sự, giãi bày, ngập ngừng kiểu Cởi ra khó cởi, trao lời khó trao (Xuân Diệu). Cô gái ấy đã đi ra từ cổng trường này mười năm không trở lại. Còn tác giả thì cứ hy vọng, cứ cầu mong Nào các em hãy nhận dùm tôi với. Cảnh vẫn còn đó, người xưa đâu thấy. Đây là tứ thơ từ đông, tây, kim, cổ nhiều người đã viết. Nhưng Đoàn Vị Thượng đã vượt lên cách diễn đạt ước lệ ấy bằng một câu thơ đẹp, rất dân tộc mà hiện đại:

Phong thư cũ niêm mối tình thơ dại
Tay tôi cầm muốn gỡ ngại tơ vương.

Tác giả khẳng định đó là mối tình thơ dại, nhưng nó có một mãnh lực lớn, khắc đậm trong tim sợi tơ lòng quấn quýt “muốn gỡ ngại tơ vương”. Đó là cái tình Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu (Đỗ Trung Quân). Thế mới biết tình yêu bao giờ cũng bất tử trước thời gian. Câu thơ đã gắn quá khứ với hiện tại, gắn sự thơ ngây đầu đời với nhận thức lý trí khi ta đã trưởng thành, gắn tình yêu vi mô mong manh với không gian, thời gian vĩ mô vĩnh hằng. Có thể xem câu thơ trên là điểm sáng thẩm mỹ, là thần cú, là hồn vía của cả bài thơ.

Khổ cuối bài đưa người đọc trở về với cảnh tan trường như ở khổ đầu, nhưng đã được nâng lên ở cấp độ cao hơn về thời gian: trưa, chiều tan lớp học. Cảnh các em đang rối rít hẹn hò thật hồn nhiên, trong sáng, đáng yêu. Chỉ có nhân vật trữ tình ở đây là mang đầy tâm trạng khi các em lơ đễnh bắt gặp: Có một người đãng trí đứng buồn xo. Nói đãng trí mà không phải đãng trí, vì anh đang sống lại với kỷ niệm xưa. Nỗi nhớ nhung và hoài vọng ấy đồng điệu với chàng thi sĩ nọ trong bài Phượng hồng của nhà thơ Đỗ Trung Quân: Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu/ Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ. Đúng là nỗi nhớ của một gã khờ với cái buồn xo thật đáng yêu, không đáng trách chút nào. Một nỗi buồn lâng lâng khó tả choán ngợp tim anh nhưng không một chút bi luỵ. Nỗi buồn ấy đong đầy kỷ niệm đẹp của tình yêu thuở học trò đã trải qua hơn mười năm mà vẫn tươi rói, vẫn rung lên bao cung bậc vui, buồn, lưu luyến nơi trái tim ngời đọc.

L.X
(Hội viện Hội Nhà văn VN)