(Vanchuongphuongnam.vn) – Tập thơ Mùa thu trong đôi mắt em của nhà thơ Phú Bông (tên thật: Nguyễn Văn Đình Diệu, ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành tháng 12 năm 2020, gồm hơn 100 bài thơ với 140 trang in là những dòng cảm xúc miên man, lắng đọng về tình yêu lứa đôi, tình yêu thương, kính trọng cha mẹ, tình yêu thương con cái, tình thầy trò, tình yêu quê hương… Trong những tình cảm ấy thì tình yêu lứa đôi chiếm phần lớn.
Nhà thơ Phú Bông.
Tập thơ “Mùa thu trong đôi mắt em” của nhà thơ Phú Bông.
Gấp tập thơ lại rồi mà trái tim tôi vẫn cứ rung động, tôi có xúc cảm tình yêu lứa đôi như một dòng chảy khôn nguôi ám ảnh trong tâm thức của nhà thơ Phú Bông. Dường như trong tâm thức sáng tạo thơ của anh, tình yêu lứa đôi luôn gắn kết với mùa thu. Theo anh mùa thu cũng là mùa yêu:
Mùa thu khát vọng một mùa yêu
Chiếc lá bên hiên rụng cuối chiều.
(Mùa thu và khát vọng)
Cảm thức mùa thu trong thơ anh là mùa tương tư, mùa chia xa của tình yêu:
Hồn theo gió hoang vu chiều xuống
Đếm lá rơi lòng luống tương tư
Tình em xóm nhỏ tạ từ
Mùa thu tiễn biệt bây chừ em đâu.
(Chiều thu lá đổ)
Những câu thơ trên đã khiến lòng tôi xao xuyến, bởi một cái gì đó vô hình, hay bởi những vần thơ say tình của một người luôn “khát vọng một mùa yêu”. Chính khát vọng đó đã làm cho tâm hồn anh cứ trải ra mênh mông với những buồn vui của riêng mình, với những vết cứa của cuộc đời để làm nên hồn cốt tập thơ Mùa thu trong đôi mắt em. Vì thế mà tập thơ này đã tạo được sự đồng cảm nơi người đọc. Đọc những bài thơ như: Mùa thu và thiếu phụ, Chiều thu lá đổ, Mùa thu và lãng tử, Hồn thạch thảo chết theo mùa thu, Thôi khép lại, Dạ khúc cho tình nhân, Em thôn nữ và đêm trăng khuyết, Tình em thôn nữ… lòng ta không khỏi ngậm ngùi, xót xa cho mối tình đầu không trọn vẹn:
Trên rừng núi ta ngồi đây rét mướt
Mất nhau rồi
xin em bước sang trang.
(Hồn thạch thảo chết theo mùa thu)
Khát vọng tình yêu là vô biên, nhưng hành trình đến với khát vọng ấy lại luôn gặp rất nhiều rào cản. Bởi không phải lúc nào mọi sự cũng đều chiều theo ý muốn của con tim. Chính điều đó đã khiến anh phải thốt lên:
Thu đã chết rồi mùa đông kế tiếp
Quốc lẻ bầy giọt máu tím trong sương
Thiết tha kêu như bi khúc đoạn trường
Chén rượu nhạt tiễn người thương sang bến.
(Tình em Trường Hóa)
Âm điệu khổ thơ buồn thống thiết, diễn tả nỗi lòng của một người đang “tiễn người thương sang bến”. Phải chăng sự tiễn biệt người yêu ngày ấy, nó cứ lưu giữ trong trái tim anh để bây giờ mỗi đêm ngắm vầng trăng khuyết hay nghe văng vẳng bài ca Ngày xưa Hoàng Thị của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư anh lại thầm gọi tên em:
Từng kỷ niệm quay về. Ôi! tang tóc
Hồ xanh rêu hàng cây khóc liêu xiêu
Cõi hoang vu vắng lặng dưới mây chiều
Ta thầm gọi tên người yêu bé nhỏ.
(Em thôn nữ và đêm trăng khuyết)
Trong Mùa thu trong đôi mắt em mỗi câu thơ, mỗi bài thơ được Phú Bông chắt ra từ một trái tim “khát vọng một mùa yêu”. Tuy có lúc anh chìm vào cô đơn hoang vắng, buồn quạnh hiu, nhưng chính những lúc ấy nó lại đi vào cõi lòng của người đọc. Thường thường khi chia tay người yêu, người ta trách người yêu, nhưng ở anh lại không. Anh nghĩ do đời anh “mang nặng kiếp phong trần”. Nên mỗi khi “Ngồi gặm nhấm một mối tình hoang phế” anh lại khóc:
Một ảo ảnh
khiến đời ta lăn lóc
Trái tim hồng
bỗng rỉ máu
khóc tình tan.
(Dạ khúc cho tình nhân)
Và anh than thở:
Cuối đường tình một mình ta lầm lũi
Em đâu rồi để lại chuỗi đau thương.
(Cuối đường tình)
Đọc Mùa thu trong đôi mắt em ta thấy cảm thức tình yêu lứa đôi trong thơ Phú Bông luôn bị ám ảnh bởi đôi mắt của người em gái:
Đôi mắt em là cả một mùa thu
Cơn mưa nhỏ làn sương mờ khoé mắt
Hàng cây trút lá vàng chiều hiu hắt
Đôi mắt em chất ngất góc trời thơ
…
Gió thu về chiếc lá úa bay bay
Hàng cây chết hay là cây đang khóc
Vài giọt nước lăn dài trên suối tóc
Đôi mắt em cả một góc trời yêu
(Mùa thu trong đôi mắt em)
Chính đôi mắt ấy mà hai mươi năm anh đã đi tìm “Bóng hình giấu trong tim”:
Làm sao tôi không tìm
Gặp rồi, toại con tim
Chúc em, luôn hạnh phúc
Suốt đời chẳng còn em.
(Bóng hình xưa)
Đọc bài thơ Bóng hình xưa tôi lại nhớ đến hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Ba sinh đã phỉ mười nguyền
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.
Kim Trọng đi tìm Thúy Kiều mười lăm năm mới gặp. Còn anh phải hai mươi năm mới gặp được “Bóng hình xưa”. Gặp được người yêu, con tim anh toại nguyện, nhưng suốt đời anh đã mất em. Giờ anh chỉ biết cầu chúc cho em luôn hạnh phúc bên chồng.
Đến đây người đọc đã nhận ra Phú Bông là một tình nhân say đắm và chung thủy. Dẫu tình đầu không thành, nhưng cách anh thể hiện trong thơ cũng rất nhân văn.
Nói tóm lại, tập thơ Mùa thu trong đôi mắt em, là tiếng lòng của nhà thơ Phú Bông, một người giàu trải nghiệm, muốn gửi gắm sẻ chia cùng bạn đọc. Tất nhiên tập thơ không thể tránh khỏi những thiếu sót nhất định, nhưng những gì nhà thơ viết ra là đáng trân trọng.
Hy vọng tập thơ này sẽ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Phạm Văn Hoanh