Phụ nữ Việt Nam trong truyền thống qua góc nhìn sử gia Mĩ

522

Trong công trình Vietnamese Tradition on Trial: 1920 – 1945 (Truyền thống Việt Nam trước thử thách: 1920 – 1945), David Marr (sinh năm 1937, sử gia người Mĩ, chuyên gia lịch sử hiện đại Việt Nam) bắt đầu chương viết về “vấn đề phụ nữ” (the question of women) bằng một dẫn chứng thú vị được tóm lược lại từ cuốn Nam nữ bình quyền (1928) của Đặng Văn Bảy: Một buổi tối nọ, một ông giáo học tính tình lăng nhăng đi chơi mà không hề dặn trước vợ khi nào về. Theo đúng chuẩn mực lễ giáo truyền thống, cô vợ hoãn bữa tối tới tận 11 giờ khuya để chờ mà vẫn không thấy chồng đâu nên bảo cậu con trai lớn đi kiếm cha về. Không tìm thấy cha, nhìn lũ con đói lả, người mẹ quyết định dọn cơm. 2 giờ sáng, khi mâm bát đã được thu dọn xong đâu đấy và những đứa trẻ đã say ngủ, người cha mới trở về. Mặc dù người vợ bày cơm nước phục vụ, người chồng vẫn nổi trận lôi đình về việc cô vợ và những đứa con đã ăn cơm trước anh ta. Khi người vợ cự lại rằng lẽ ra anh ta nên cho cô biết trước đi khi nào về, thì người chồng không kiềm chế được cơn thịnh nộ, dữ dằn buộc tội cô đã quên đi đạo “tam tòng tứ đức” và đã bị hư hỏng vì những tư tưởng phương Tây cô được học ở trường. Đến lúc này, cô vợ của anh thầy giáo kia, nếu theo lẽ thường là phải tỏ ra ngoan ngoãn nghe lời, nhất là khi những đứa con trong nhà cùng vài môn sinh theo học đã bị đánh thức bởi tiếng cãi vã ồn ào và đang để ý lắng nghe. Thế nhưng, cô lại lên tiếng tranh luận, nhất là về việc anh lên án cô bị phương Tây làm cho hư hỏng. Cô cho rằng lời lẽ của anh chồng đã xúc phạm cô và anh ta không được quyền nói như thế. Đến lúc này thì anh chồng không thể kiềm chế được nữa, quát mắng, dọa sẽ trừng phạt cô nghiêm khắc, đuổi cô ra khỏi nhà như thể cô là một thị tì tệ hại. Người vợ vẫn tiếp tục nói lại và anh chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với cô. Việc này chỉ ngừng khi những người hàng xóm chạy vào can ngăn. Tuy nhiên, không dừng ở đó, người chồng cảm thấy bị bóc mẽ và hơn lúc nào hết, anh ta muốn khẳng định vị thế của một giáo học hay rao giảng những cách ứng xử truyền thống, đem việc nhà ra kể với tất cả mọi người anh ta gặp trong làng, dùng đủ mọi lập luận truyền thống để củng cố lí lẽ của mình. Ngược lại, người vợ, như bao phụ nữ khác, dành gần như trọn thời gian ở trong nhà và điều ấy khiến cô không có cơ hội bảo vệ chính kiến của mình trước những người trong làng. Dư luận làng xã, trong đó phải kể đến những người phụ nữ miệng lưỡi đáo để nơi chợ búa, đều đứng về phía anh chồng. Hệ quả là, người vợ bị kì thị như một con người kì cục đã bị “Tây hóa” và đáng bị li dị.

Câu chuyện này, được kể theo lời Đặng Văn Bảy – một nhà giáo, như David Marr nhận ra, cho thấy rất rõ sự mơ hồ trong chính sự luận bàn của người viết về vấn đề bình đẳng giới. Cũng giống như hầu hết các trí thức Việt Nam giai đoạn đó, Đặng Văn Bảy nhận thức sâu sắc rằng xã hội Việt Nam đang đối mặt với những thay đổi từ gốc rễ và hệ quả tất yếu là những quan hệ liên cá nhân (interpersonal relations) không còn, hay không thể mãi giữ nguyên như cũ. Vậy phải hiểu những thay đổi đó ra sao, nên có thái độ như thế nào và đâu là con đường đi trong tương lai? David Marr lựa chọn Đặng Văn Bảy để mở đầu cho những luận bàn về vấn đề phụ nữ bởi ông là một trong những đại diện tiêu biểu cho quan điểm lấy/chọn hệ thống gia đình Việt làm điểm tựa tranh biện then chốt nhất. Động hướng này khá phổ biến và ngay trong việc xem xét các mẫu hình truyền thống Việt Nam, gia đình đã luôn được trao cho một vị thế gần như mang tính tôn giáo (nearly-religious status), trong đó người cha được cấp một chức năng gần như linh mục (quasi-priestly functions). Từ đó, David Marr lấy trục chuẩn mực gia đình như một áp lực truyền thống đè nặng lên phụ nữ để đánh giá mức độ giải phóng nữ quyền.

David Marr chỉ ra một sự thật rằng, nhìn từ phương diện lịch sử, phụ nữ Việt Nam chưa bao giờ bị buộc phải hỏa táng cùng chồng như phụ nữ Champa và Ấn Độ. Họ cũng chưa bao giờ phải đeo mạng che mặt như ở các quốc gia Hồi giáo, không bị bó chân như phụ nữ Trung Quốc. Có một số bằng chứng cho thấy trong thời tiền sử, nữ giới thực sự được hưởng sự bình đẳng, thậm chí, được nắm quyền lực. Phụ nữ chắc chắn cũng là những thành viên tích cực trong lao động sản xuất. Tuy nhiên, các triều đại phong kiến Việt Nam đã ra sức thuyết phục phụ nữ rằng họ thấp kém từ bản chất, họ chỉ có vai trò rất hạn chế và tốt nhất là họ cứ nên tuân thủ chứ đừng nên đứng đầu. Dù chưa bao giờ có được thành công tuyệt đối, nhất là với bộ phận phụ nữ nông thôn, sự truyền bá liên tục như thế đã gây một tác động lớn. Qua nhiều thời kì lịch sử, phụ nữ dần “nội tại hóa” (internalized) những chuẩn mực về sự phục tùng gần như tới mức tin rằng đó là lẽ tự nhiên, chỉ có một số bài hát dân gian hay một số tác phẩm thơ ca phi chính thống mới đưa ra được bằng chứng về sự tồn tại của một hệ giá trị khác. Tuy nhiên, đến những năm đầu thế kỉ XX, những câu hỏi căn bản đầu tiên về tất cả các phương diện trong xã hội Việt Nam đã bắt đầu được đặt ra, trong đó phải kể đến vấn đề về sự phụ thuộc của nữ giới. Đến thập niên 1920, “phụ nữ và xã hội” đã trở thành một tiêu điểm để soi chiếu mọi vấn đề khác trong tương quan và liên đới. Hàng trăm cuốn sách giáo khoa, sách bỏ túi và báo chí được xuất bản theo đủ mọi hình thức. Phụ nữ bắt đầu nhận thức về chính mình như một nhóm xã hội với những quyền lợi riêng, không ngần ngại nêu lên những sự bất bình và đòi hỏi.


Quan họ Bắc Ninh.

David Marr bắt đầu từ một tiền đề là hầu hết những giáo điều quy định điều gì mà một phụ nữ Việt Nam chuẩn mực nên là/làm đều được lấy từ các văn bản Nho giáo chính thống. Trước hết là nguyên tắc đạo đức về chữ “trinh” (chasity), không chỉ là sự bảo vệ trinh tiết trước hôn nhân, mà còn bao hàm ý nghĩa về sự chung thủy tuyệt đối với chồng, dù chồng còn sống hay đã chết, cùng sự trinh khiết của tinh thần hay khả năng vượt lên trên những ham muốn trần tục. Tiếp đến là quy định về “tam tòng”, chia đời sống người phụ nữ thành ba giai đoạn: tuổi thơ, sau khi kết hôn và sau khi thành góa bụa – lần lượt lệ thuộc vào cha, chồng, con trai. Cùng với đó là những phẩm chất quy thành “tứ đức”: công (nữ công), dung (dung mạo hình thức bề ngoài), ngôn (phát ngôn đúng mực), hạnh (đúng đắn trong hành vi). Về nữ công gia chánh, người phụ nữ phải giỏi nấu nướng, may vá thuê thùa, nhưng thường không cần biết đọc hay biết viết. Về ngoại hình, người phụ nữ phải học cách hấp dẫn chồng mình nhưng không quyến rũ người khác. Trong lời ăn tiếng nói, phụ nữ phải học cách khiêm cung, hạ mình, lịch thiệp. Trong hành vi, nữ giới phải luôn thành thực và tuân phục những người ở cấp bậc trên mình. Ngoài những thiết chế cứng nhắc như thế, còn có những luật tắc bất thành văn mà cha mẹ liên tục nhắc nhở con gái mình; ấy là chưa kể đến vô số tiền lệ được rút ra từ sách vở kinh điển cũng như những bài học dân gian, được dẫn lại để dạy nữ giới ngay từ khi còn nhỏ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Nữ công, có thể bao gồm từ những thú vui văn hóa của giới thượng lưu đến việc nhổ cỏ, cấy gặt, kiếm nhiên liệu, lấy nước, nấu nướng, khâu vá và nuôi gia súc gia cầm mà người phụ nữ nông dân vẫn làm, tất cả đều không được đánh giá cao, cũng không được vinh danh như những công việc to tát của đàn ông. Cũng thế, người phụ nữ được trông đợi sẽ mang thai nhiều nhất có thể. Những biến chứng về thể chất thường làm suy yếu thân thể họ vĩnh viễn. Mặt khác, nếu một cặp đôi không thể có con sau vài năm, áp lực nhanh chóng dồn lên vai người phụ nữ và cô ta buộc phải đi kiếm một người vợ lẽ cho chồng và gia đình chồng. Vợ lẽ lại thường là phận bị đối xử tệ bạc không khác gì con ở, và như thế, xuất hiện một lớp phụ nữ khác thậm chí còn ở cấp thấp hơn và chịu nhiều thua thiệt hơn giới nữ thông thường. Trong thực tế, đòi hỏi thiết yếu là người vợ cả hay vợ lẽ đều cần có một đứa con trai (“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”; “Một trăm đứa con gái không bằng hòn dái đứa con trai”). Vào những dịp cúng lễ, nữ giới là người mất công chuẩn bị những thức ngon nhất nhưng đàn ông mới là người dâng cúng tổ tiên và nhận được sự ban phước. Người mẹ là người nuôi nấng chăm sóc con cái, nhưng cha và những bậc tổ tiên bên nội mới được đón nhận phú quý vinh hoa nếu cậu con trai đỗ đạt cao trong các kì thi hay nếu cô con gái làm hài lòng bên nhà thông gia. Trong một môi trường như thế, một người phụ nữ được tiếp thu nền giáo dục chính thống hay được tôn trọng vì sự thông minh và trí tuệ thực là một hiện tượng hi hữu bất thường.

Tuy nhiên, rất có thể sẽ là nhầm lẫn nếu từ những luận bàn trên đây để đi đến giả định rằng các nhà đạo đức Nho gia đã hoàn toàn thành công trong việc tuyên truyền, khiến phụ nữ Việt thời tiền hiện đại phục tùng. Vẫn có những tiếng nói thẳng thắn và sự đa dạng trong trải nghiệm đời sống. Chẳng hạn, mỗi một châm ngôn Nho giáo sẽ tạo cơ hội cho sự xuất hiện một tiếng nói đối thoại. Như câu “Trăm đứa con gái không bằng hòn dái đứa con trai” sẽ bị phản đối bởi câu: “Trăm thằng con trai không bằng dái tai con gái”. Hay như sự đảo lộn, hạ bệ trong bài ca dao: Ba đồng một mớ đàn ông/ Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha/ Ba trăm một mụ đàn bà/ Mua về mà trải chiếu hoa cho ngồi. Đối với phận vợ lẽ cũng có nhiều câu mang tính phản biện: Đói lòng ăn nắm lá sung/ Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng. Trong những cuộc hát đối đáp, phụ nữ được thể hiện công khai những kĩ năng của mình, chỉ trích hành vi của đàn ông, khéo léo chủ động đưa ra lời ướm hỏi cầu hôn, thậm chí thu hút quyến rũ người đàn ông. Rất nhiều bài dân ca gắn mật thiết với các hoạt động lao động của người phụ nữ, thể hiện tình yêu và niềm tự hào với công việc của mình, và điều ấy, dưới con mắt của David Marr, hơn bất cứ điều gì khác, là cái giữ cho người phụ nữ không bị khuất phục hoàn toàn trước đạo đức thống trị vốn ấn định cho họ một địa vị thấp kém và tội lỗi.

Những phản biện mang tính ngoại biên ấy, theo David Marr, là lí do khiến giới quan lại và các học giả Khổng giáo phong kiến Việt Nam càng lúc càng nhận ra rằng những giáo huấn một chiều, cứng nhắc của họ áp đặt lên nữ giới đã gây ra những tác dụng ngược. Họ đưa ra những giải pháp để củng cố hệ thống giá trị này từ những khía cạnh tinh tế, uyển chuyển hơn. Một trong những ví dụ thú vị về tài liệu hướng dẫn phụ nữ là Gia huấn ca, được cho là của Nguyễn Trãi, một chiến lược gia, chính khách, nhà văn và cũng là nhà đạo đức lừng lẫy thế kỉ XV. Được viết bằng chữ Nôm, rõ ràng văn bản này dễ dàng được lưu hành rộng rãi hơn, nếu không phải qua con đường đọc thì cũng qua phương thức học thuộc lòng. Các phân khúc khác nhau của bài thơ 796 dòng này thực sự đã đi vào truyền thống dân gian truyền miệng. Giống như ở châu Âu trung cổ, một trong những chiêu pháp của Nguyễn Trãi là đặt phụ nữ lên bệ, tôn vinh sự chịu đựng và chấp nhận của họ. Chẳng hạn, trinh tiết (female chasity) của phụ nữ gần như được đặt lên ngang tầm với những phẩm chất nam nhi như “trung” (loyalty) và “nghĩa” (righteousness). Nếu hành động đúng như được chỉ dạy, cô con gái có thể có cơ hội được lưu danh sử sách: Hạt mưa chút phận lênh đênh/ Tấm son tạc lấy chữ trinh làm đầu/ Kìa mấy kẻ làu làu tiết ngọc/ Đem sắc danh nguyện lúc lửa châm/ Con hiền cha mẹ an tâm/ Một nhà khen ngợi, nghìn năm bia truyền. Nếu một cô gái không được may mắn, bị gả cho một người đàn ông ham mê rượu chè, gái gú, cờ bạc, thì điều quan trọng là phải che giấu những nhược điểm đó của chồng, qua đó, gìn giữ thanh danh cho gia đình nhà chồng. Và, nếu như Gia huấn ca đặt lên người mẹ trọng trách lớn lao trong việc giáo dục dạy dỗ con cái, thì cũng chính phụ nữ sẽ bị khiển trách nếu những đứa trẻ trở nên hư hỏng, vô ơn.

David Marr đã lấy Gia huấn ca làm nền tảng để đưa ra những nhận định khá xác đáng về cách đặt vấn đề phụ nữ trong các tác phẩm văn chương trung đại khác. Ông chỉ ra rằng, ở những thế kỉ tiếp theo, rất nhiều lần, văn chương nam giới Việt Nam đã thêm thắt nhuận sắc Gia huấn ca, bổ sung những quan điểm của riêng từng thời kì. Chẳng hạn, vào thế kỉ XVIII, Đặng Trần Côn đã viết Chinh phụ ngâm, phê phán một thời kì chiến tranh liên miên không dứt, nhưng cũng lồng ghép vào đó sự lí tưởng hóa hình ảnh những người phụ nữ chung thủy chỉ mòn mỏi quanh quẩn chốn buồng loan chờ chồng và trong khi người chinh phu lên đường vì nghiệp lớn thì người vợ chỉ dự phần vào những công việc nhỏ bé dành riêng cho nữ giới. Đến thế kỉ XIX, Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều đã tạo nên một cơn bão tranh luận học thuật suốt nhiều thế kỉ, với cách diễn giải mang tính thách thức truyền thống về chữ trinh. Tuy nhiên, những tư tưởng căn bản về sự lệ thuộc của nữ giới, về lòng hiếu thuận của con gái với cha mẹ và lòng chung thủy tuyệt đối với người bạn đời vẫn được duy trì trong tác phẩm, thậm chí có vẻ còn được tăng cường thêm bởi mức độ phổ biến quá lớn của tác phẩm. Đến những năm 1850 xuất hiện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, kể về những bất hạnh của một nho sinh trẻ (Lục Vân Tiên) cùng người con gái phải lòng chàng nhưng luôn phải sống trong xa cách là Kiều Nguyệt Nga. Được viết trong khoảng thời gian Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc xâm lăng lớn từ phương Tây, Lục Vân Tiên đã cương quyết trung thành với những chuẩn mực truyền thống, trong đó đề cao cả sự lệ thuộc của phụ nữ. Đó là lí do khiến cho dù chỉ gặp gỡ, nhìn mặt và trao đổi thơ với Vân Tiên một lần, Nguyệt Nga đã cảm thấy một sự quy thuộc tới mức cố tự sát khi trinh tiết và lòng chung thủy nàng dành cho chàng bị đe dọa. Được Phật bà Quan Âm cứu nạn, nữ nhân vật chính cuối cùng cũng được đoàn tụ với người yêu lí tưởng của mình. Thực vậy, cách phản ứng trước đời sống của cả hai nhân vật chính trong câu chuyện gần như được lí tưởng hóa tới mức có thể nghĩ rằng tác giả đang viết một câu chuyện ngụ ngôn một cách công phu để chỉ ra những điều xấu xa tàn ác của đời sống đương thời, song song đó là một nhu cầu tương ứng trong việc tái khẳng định mạnh mẽ nền tảng đạo đức truyền thống. Bản thân Nguyễn Đình Chiểu đã sống theo đúng như những gì ông thuyết giảng, từ chối bất cứ một sự thỏa hiệp nào với chính quyền phong kiến thối nát cũng như với những kẻ thực dân Pháp huênh hoang ngạo mạn.

Một điểm đáng kể là khi bước vào thế kỉ XX, giữa lí tưởng về chữ trinh và sự chính trực về chính trị có một mối liên kết mật thiết. David Marr dẫn lại câu chuyện được lưu truyền về một vị quan, từng hợp tác với chính quyền xâm lược Pháp đầu những năm 1860, muốn thay đổi lập trường chính trị, từ chối tiếp tục bắt tay với Pháp. Thay vì được chào đón, ông bị lên án bằng những lời phê phán như: gái đã thất tiết thì không bao giờ có thể gọi là gái trinh được nữa. Vị quan ấy (chính là Phan Thanh Giản) trở về làng, viết bức tâm thư cáo lỗi với cộng đồng, rồi tự sát. Trớ trêu thay, chỉ vài năm sau, chính một vị quan trong triều từng lên tiếng buộc tội ông lại cũng phải tự sát vì lí do tương tự. Chữ trinh được đặt trong liên tưởng về sự chính trực, lòng trung thành (chính trị) đã cho thấy ý nghĩa của nó trong việc xét đoán, đánh giá về nhân phẩm con người. Đối với những người phụ nữ Việt Nam hiện đại, việc làm thế nào tách biệt cặp liên tưởng ấy trong tâm trí cộng đồng thực sự là một thách thức lớn.

Tiến hành khảo sát từ giai đoạn đầu của lịch sử Việt Nam, David Marr chỉ ra rằng ngay từ đầu, vai trò của nam giới và nữ giới gần như không có sự khác biệt đáng kể: sự ràng buộc bên cha và bên mẹ có tầm quan trọng gần như ngang bằng; nữ thần lửa và sinh sản được xếp cao ngang hàng với các nam thần; người cha cũng chịu nhiều trách nhiệm trong việc chăm sóc trẻ nhỏ; phụ nữ có thể kết hôn với anh trai của người chồng quá cố (trong khi đàn ông có thể lấy chị em gái của người vợ đã qua đời); vị trí lãnh đạo, cai quản mở cơ hội ngang bằng cho cả hai giới. Bất kể việc Khổng giáo lên án đó là những lối sống “man di mọi rợ” cùng việc triều đình cho ra đời hàng loạt luật cấm đoán, những hình thức còn sót lại vẫn tồn tại dai dẳng ở nhiều địa phương. Không chỉ thế, mỗi người Việt cũng vẫn lưu giữ kí ức và quen thuộc với hình ảnh những nữ anh hùng trong lịch sử. Chẳng hạn, Hai Bà Trưng và hai thế kỉ sau là Bà Triệu (Triệu Thị Trinh). Dù thất bại trong việc đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc, những câu chuyện về những nữ anh hùng nói với chúng ta rất nhiều về ước mơ của người phụ nữ Việt Nam cũng như sự kiêng nể của những người đàn ông đối với những người phụ nữ này trong các thế kỉ sau.

Tóm lại, David Marr kết luận, quan lại và giới trí thức phong kiến Việt Nam đã dung dưỡng và tinh chỉnh một hệ thống áp bức áp đặt lên phụ nữ. Dù có sự khác biệt tùy theo tầng lớp xã hội, sự áp chế ấy đè nặng lên tất cả những người phụ nữ. Bước vào thế kỉ XX, phụ nữ Việt Nam có vô số lí do và cơ hội cất lên tiếng nói phản kháng. Tuy nhiên, những bước đấu tranh hiệu quả đầu tiên có được, một phần là bởi họ chưa bao giờ hoàn toàn chịu khuất phục và đàn ông cũng chưa bao giờ có thể hoàn toàn ứng xử với họ như những món đồ sở hữu.

Theo Đặng Thị Thái Hà/VNQĐ