Nguyễn Thanh Tâm
(Vanchuongphuongnam.vn) – Thời gian, với sức mạnh của nó, có thể làm phai nhòa mọi thứ, nhưng có một nơi thời gian cũng trở thành bất lực (một ngày, một mùa hay một đời vẫn thế), đó là nơi tình yêu đã trú ngụ rồi, nơi trái tim còn đập, cũng là nơi chất chứa những tâm tư nỗi niềm không còn trọn vẹn…
Phùng Hiệu
Sự nuối tiếc trào dâng khi ta còn yêu, muốn yêu mà không thể tiếp tục yêu? Dường như tâm sự mà nhà thơ Phùng Hiệu đã gửi gắm trong thi phẩm tuyệt bút này cũng thế. Bài thơ như một lời than thở rất nhẹ, rất khẽ, nhưng cũng rất xót xa, đủ để đọa đày con người khi phải sống chung với nỗi nhớ nhau mà cứ dần xa nhau, thành cơn bão lòng ghê gớm:
Từ ngày bão réo sang đêm,
Em còn thút thít gọi thêm mưa về
Phố chiều ướt trắng cơn mê,
Bão giông về phía câu thề ngày xưa
Anh ngồi hong mấy đêm mưa,
Vẫn chưa khô nổi chỗ vừa ướt nhau….
(Bão lòng – Phùng Hiệu)
Mạch thơ có thể tái hiện tương đối đơn giản: Câu chuyện về hai người yêu nhau, sau bao cách trở họ gặp lại nhau và đau xót chia tay nhau lần nữa. Bài thơ như một lời tự sự chất chứa nhiều nỗi niềm sâu kín, muốn kể lại qua hiện thực phũ phàng của cơn bão về mơ ước một đời chưa với tới đã dần xa .
Lữ Liên đã từng dịch một câu hát rằng “ Thuyền tình nửa đường chuyển bến, cho mơ ước ngàn năm gió bay. Nỗi đắng cay, như lửa thiêu đốt mãi trong lòng…” để diễn tả sự dang dở của tình yêu – như lửa thiêu, như sóng gió cuồn cuộn. Cái tiếc nuối, xót xa ấy, cũng là cảm xúc chung của những cuộc tình chưa đến đích đủ để vỡ òa cảm xúc:
Từ ngày bão réo sang đêm
Em còn thút thít gọi thêm mưa về.
Cốt truyện tự sự hòa với trữ tình, thi nhân đã tái hiện lại cho người đọc mốc thời gian thật đặc biệt , mốc thời gian vô hạn định, mờ nhòe trong kí ức, gợi những suy nghĩ miên man : “ từ ngày” ! Đó là từ khi “ bão réo sang đêm”. Bức tranh hiện thực khốc liệt trước mắt , bão rủ nhau, “ réo” gọi nhau “ từ ngày sang đêm” ầm ầm ào ào không ngơi nghỉ, gầm rú vang lên từng hồi, gay gắt không hề mệt mỏi . Bão réo vào đêm, một khoảng thời gian đặc biệt- ta trở về chính mình ,suy nghĩ và chiêm nghiệm- khi đó, ta sống thật nhất với mình , cảm xúc mãnh liệt nhất, rõ ràng nhất.
Bất ngờ hơn nữa , tình ý thơ cứ ngỡ gợi sự tương phùng ai dè dự báo thêm bão tố.
Bão tố như là một cái cớ như một môtip mở đầu rất đổi quen thuộc rót đột ngột xuống câu bát đầy tâm trạng:
Em còn thút thít gọi thêm mưa về.
“ Em”, tiếng gọi thân thương đủ để ta thấy cô ấy là tình yêu, là hạnh phúc. Nhưng cô ấy lại “gọi thêm mưa về”, gieo thêm nỗi niềm vốn đã nặng trĩu trong tâm hồn rất nhiều bão tố của chàng trai. Từ “ còn” được nhà thơ sử dụng rất đắt như một lời trách móc thật tinh tế cho sự vô tâm (hay cố tình) của cô gái. Sự đồng diễn âm thanh của đất trời (giữa bao la thiên địa bão bùng) và tiếng khóc của người yêu dấu, đã đánh thức lại kỉ niệm xưa. Có thể nói, bản thân Phùng Hiệu cũng không bao giờ hiểu hết và kiểm soát được sự “ thút thít” ấy, không thể nào hiểu được hết ý nghĩa của tiếng khóc ấy? đó là sự nén lại cảm xúc bao năm trong lòng, không dám khóc cho thỏa nỗi nhớ niềm đau, mà chỉ khóc để vừa đủ hiểu nhau. Cô gái đã rất “biết điều” nén lại rồi bất ngờ bật ra đột ngột làm anh rối bời, tiếng khóc “vừa đủ” đệm ấy lại có sức mạnh đưa cảm xúc của anh lên trên cả bạo tàn ngoài kia, một cơn bão lòng ập đến không gì che chắn nổi, một nổi buồn sâu lắng lên ngôi.
Tự nhiên, tôi nhớ thơ Lê Thị Kim – Lê Thị Ngà:
“ Đừng nhìn em như thế /Cháy lòng em còn gì… Đừng nhìn em như thế /Khắc giờ thành thiên thu”
Thì ra, chỉ một cái nhìn thôi thì cả đời hóa thành si daị
Thì ra, chỉ cần một lần “ thút thít” thôi là cả một đời mưa bão.
Như vậy, chỉ bằng cặp câu thơ lục bát đầy trữ tình đã lộ ra một tâm hồn giông bão cuồn cuộn, quay quắt, đầy xót xa. Thi nhân đã chọn sự khởi đầu chủ đạo cho thi phẩm bằng sự tương phản kín dáo mà gay gắt: Bão réo/em thủ thỉ (một âm thanh chói gắt/ một âm thanh khiêm nhường, một âm thanh kinh hoàng của hiện thực tàn khốc/ một âm thanh của duyên phận bẽ bàng …) Đến đây, ta chợt nhớ đến biết bao người con trai con gái, đã từng một mình đối diện với cuộc tình dang dở, với giông tố trong tâm khảm. Một trong số đó có thể kể đến Trần Kim Thanh với “ Cơn bão lòng”:
“Đã có lần em nghe từ cơn bão
Chẳng phải bão thường mà bão lòng anh
Cơn bão này nó kéo đến rất nhanh
Vô tình cuốn tuổi xanh em từ đó!”
Và chính nơi đây, chàng trai ấy, u mê ở thực tại với những kí ức thời quá khứ
Phố chiều ướt trắng cơn mê…
Phố này là nơi ta hẹn hò lần đầu, nơi trao cho nhau cái ôm nồng nàn, nơi nụ hôn mãnh liệt. Những kỉ niệm thật đẹp ấy nay đã trở thành cơn mê, đắm vào nhau trong chiều mưa trắng nước, “ ướt trắng” không chỉ mang màu sắc mà là sự biến tấu về cảm giác. Để rồi đang đắm chìm trong những vấn vương, bỗng giật mình nhớ lại “ câu thề ngày xưa”. Mọi niềm tin, hạnh phúc, hy vọng bỗng chốc hóa thành nỗi đau. Có quá nhiều lí do, có quá nhiều câu trả lời (Chắc hẳn mỗi mảnh ghép trong cuộc tình ấy đều có những vết nứt). Người ra đi cũng có những nỗi đau, người ở lại cũng đang trong mình vô số vết thương.
Bắt đầu từ câu thơ thứ ba :
Bão giông về phía câu thề ngày xưa.
Gợi nhớ về lời thề tình yêu của đôi trai gái Thái trong truyện thơ “ thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa: “Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông/ Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già”, yêu nhau, thề hẹn nhau là bằng chứng của một tình yêu chân chính.
Mạch thơ đổi khác, không còn chảy theo dòng mưa bão nữa mà nó phát triển ý thơ sang một hướng bất ngờ – theo mạch cảm xúc:
Anh ngồi hong mấy đêm mưa,
Vẫn chưa khô nổi chỗ vừa… ướt nhau
Phùng Hiệu đã xử lý thi liệu là những kết nối tương đồng rất hợp lý, rất phổ biến ở cách nói tượng trưng hóa, những ẩn dụ khéo léo: “ bão réo”, “ mưa về”, “ ướt trắng cơn mưa”, “chỗ vừa ướt nhau”… Tuy là nhiều hình ảnh nhưng chỉ chứa đựng trong một dạng thể nhất định chính là cơn “ bão lòng”! Thế mới thấy được sự xúc tích của bài thơ.
Có lẽ đến một lúc nào đó, khi tâm hồn đã trĩu nặng, khi đã quá muộn phiền và mất đi hy vọng, phải nỗ lực quên! Anh muốn “ hong” bầu trời mưa kỉ niệm không ngừng tuôn rơi kia, muốn “ hong” những cảm xúc yêu thương rạn vỡ. Thế nhưng, nếu để ý kĩ, sẽ thấy rằng dù có cố gắng mấy “ vẫn chưa” thể được – Bởi lẽ, việc “Hong khô mấy đêm mưa” nghe thật vô lí. Trái tim nào đủ mạnh mẽ, đủ cứng rắn, đủ vô tình để có thể quên đi miền kí ức đẹp đẽ ấy?
Vẫn chưa khô nổi chỗ vừa ướt nhau.
“ Ướt nhau”? (Ướt nước mưa? Ướt nước mắt? Ướt kỉ niệm? Ướt những ái ân mặn nồng? Ướt câu thề? Ướt hình bóng nhau?…) ẩn ý đó để tô đậm một niềm tin đủ đầy vào tình yêu chung thủy. Hơn hết, không thể dùng lí trí và ý thức để có thể tìm quên – nhất là quên lời thề với người yêu dấu – mà chỉ có thể nhờ thời gian.“ Chưa khô nổi” là một sự thú nhận, một lời nhắn gửi : Có một lời thề còn mãi trong nhau. Như Văn Cao đã từng viết:
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước.
(Thời gian)
Con người dù muốn thương cũng không dễ mà thương, dù muốn quên cũng không dễ mà quên. Dù dang dở nhưng kỉ niệm làm cho cuộc sống tinh thần ta trở nên phong phú, trọn vẹn hơn, ta mạnh mẽ và thấu hiểu hơn.
Chắc hẳn chính tác giả đã từng trải qua, hoặc chí ít đã chứng kiến những điều như thế. Chỉ có thể là sự trải nghiệm của một vốn sống phong phú, một trái tim đong đầy tình cảm, mới có thể truyền tải một cách tài hoa và tinh tế thông điệp tình yêu đến người đọc. Đó là những thông điệp mang tính phổ quát với giá trị cốt lõi: Cuộc đời có những điều ngỡ là vĩnh viễn, nhưng thực ra không có gì là mãi mãi, có những điều ngỡ có thể quên, nhưng lại chẳng thể phai nhòa. Hãy biến những điều muốn quên thành những điều không thể quên. Hãy biến những đau thương thành những hồi ức đẹp. Hóa giải những nỗi đau thành liều thuốc chữa cho trái tim. Có như thế, cuộc sống của ta sẽ trở nên thật nhẹ nhàng, thanh thản.
Bài thơ cứ thế từng bước chinh phục trái tim tôi bằng sự hòa quyện giữa hệ thống thi pháp, nội dung và tư tưởng, thi nhân đã kết hợp giữa yếu tố mang tính cổ điển, truyền thống và cũng rất hiện đại (sử dụng thể thơ lục bát cổ truyền của dân tộc, cách tạo nên nhịp điệu cho bài thơ giúp tăng sức gợi, bộc lộ được cảm xúc, hình ảnh chọn lọc, cách nói lạ hóa, cách sử dụng ngôn ngữ đắt giá …) góp phần tạo nên sự thành công cho bài thơ, để lại những hiệu ứng nhất định trong lòng người đọc.
Nếu gặp nhà thơ Phùng Hiệu, tôi sẽ hỏi anh rằng: Năm tháng trôi qua, thời gian dầu đổi khác, song không biết anh đã “ hong khô” được chỗ “ ướt nhau” ngày nào hay chưa? Hay lòng vẫn say một giấc ngủ tình duyên khi nào trời vẫn còn mưa bão?
N.T.T.T