Phùng Tá Chu – Vị công thần của hai triều đại

1427

Phùng Hiệu

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhận thấy tình hình không thể cứu vãn được nhà Lý, khi vua Hiển Tông cũng không đủ tài lực, trí đức để điều hành đất nước, có vùng vẫy cách mấy cũng vô vọng. Kinh nghiệm trong suốt thời gian theo phò nhà Lý, Phùng Tá Chu đã quá hiểu thời vận của nhà Lý đã đến lúc suy tàn. Ông sáng suốt trong trong vai trò kẻ sĩ, vì trong bối cảnh này, ông không thể làm vị quan ngu trung, không muốn nhìn thấy cảnh đất nước điêu tàn, nhân dân lầm than, đói khổ trong cuộc nội chiến sẽ kéo dài nên ông âm thầm cùng với Trần Thủ Độ tìm cách phế truất vua Lý, thay đổi triều đại để cứu nguy dân tộc.

Đền Hạ, nơi thờ các vị công thần

Quan Thái Phó Phùng Tá Chu là một công thần của nhà Lý, qua các đời vua Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng. Phùng Tá Chu được triều đình nhà Lý tin dùng phong chức Thái phó, là chức quan cao trong triều lúc bấy giờ. Vì vua, vì nước, vì dân, Phùng Tá Chu đem hết tài trí và mưu lược của mình phò vua, giúp nước. Tuy nhiên, bấy giờ cũng là lúc nhà Lý đã bắt đầu suy vong. Triều đình chia nhiều phe phái, giặc giã nổi lên khắp nơi khiến cho Phùng Tá Chu phải tìm ra kế sách nhằm tránh cho dân tộc một cuộc đổ máu vì nội chiến. Vì vậy, ông đã chủ trương cùng với Trần Thủ Độ làm cuộc “đảo chính phong kiến” nhằm thay đổi triều đại.

Phùng Tá Chu quê ở Phụng Thiên (quận Tây Hồ, Hà Nội ngày nay). Có nhiều sử gia cho rằng ông là hậu duệ của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Cha ông là Phùng Tá Thang, một cư sĩ tri thức thời bấy giờ. Vào khoảng những năm cuối thế kỷ 12, ông bắt đầu vào triều làm quan, phò tá vua Lý Cao Tông. Lúc này quan đại thần phụ chính Tô Hiến Thành vừa mất sau 6 năm phò trợ vua Lý Cao Tông. Trước khi mất, Tô Hiến Thành tiến cử Trần Trung Tá, là người trung thực, có tài trí thay mình phụ chính nhà vua, vì vua Cao Tông lúc này mới vừa lên 7 tuổi. Nhưng triều đình sau đó không nghe lời ủy thác của ông, đã cho Trần Trung Tá làm Thái phó phụ chính cho vua, dẫn đến sau này khi lớn lên vua Cao Tông không được dạy bảo điều hành chính sự mà chỉ lo ăn chơi, khiến cho nhà Lý dần bị suy yếu và đi đến diệt vong.

Là một công thần có mưu lược và tài trí sáng suốt hơn người, sau nhiều năm giúp vua Cao Tông trị nước nhưng không mang lại hiệu quả, Phùng Tá Chu thức thời nhìn thấy rõ nhà Lý đã đến thời suy vong và ông đang phò tá một vị vua không phải là bậc anh minh, đức độ, yêu nước thương dân như ông mong muốn.

Suốt thời gian dài, ông chứng kiến cảnh nhà vua ham mê tửu sắc, bắt dân xây hàng loạt đền đài, cung điện xa hoa lãng phí khiến cho trăm họ lầm than khốn khổ. Đã vậy, vua có tính tham lam, vơ vét, thích đi săn bắn bỏ bê chính sự làm cho đất nước suy tàn, lòng dân oán hận. Trong triều phân chia phe phái, ngoài cõi giặc đem quân cướp phá. Phía Nam quân Chiêm Thành đánh phá Nghệ An, phía bắc quân Tống xua quân xâm nhiễu biên cương. Trong nước các hào trưởng nổi dậy chống lại triều đình, hình thành 3 thế lực lớn mạnh xâu xé lẫn nhau làm cho muôn dân cơ cực, nước nhà ly loạn lâm vào nội chiến. Nhiều lần, ông vạch ra kế sách an dân, dẹp loạn. Ông khuyên nhà vua tập trung vào chính sự, phân phát lúa gạo cho nhân dân đang lâm vào nạn đói nhưng vua Cao Tông đều bỏ ngoài tai.

Nhìn thấy dân tình đói khổ, giặc giã nổi lên, các hào trưởng địa phương nổi dậy chống lại triều đình, các cứ khắp nơi, ông đau xót và âm thầm quan sát, theo dõi sát sao các diễn biến chính trị nhằm tìm kế sách đối phó.

Sau khi vua Lý Cao Tông mất, tình hình đất nước lại càng rối ren. Thái tử Sảm, tức vua Lý Huệ Tông phải nhờ đến thế lực của họ Trần mới lên ngôi trong hoàn cảnh hoàn toàn bế tắc về quyền lực. Lúc này các phe phái càng chống đối đánh nhau, xâu xé, tranh giành quyền lực, chia cắt đất nước. Phe phái họ Trần khống chế Huệ Tông chiếm Thăng Long, Thiên Trường. Phía Bắc sông Hồng Nguyễn Nộn chiếm giữ và tự xưng là Hoài Đạo Vương. Phía Đông thì Đoàn Thượng chiếm cứ Châu Hồng, không chịu sự sai khiến của triều đình, đất nước lâm vào cảnh nội chiến triền miên. Vua Huệ Tông bất lực trong việc bình định các cánh quân nổi loạn. Nhà vua chỉ biết dựa vào thế lực họ Trần để mong dẹp loạn. Điều này đã tạo đều kiện cho họ Trần có cơ hội chuyển giao quyền lực và thâu tóm thiên hạ.
Thấy được nguy cơ nhà Lý đã thật sự suy vong, bắt đầu từ thời vua Lý Cao Tông, mà bản thân Phùng Tá Chu cũng không thể nào giúp được nhà Lý cứu vãn tình thế. Ban đầu, ông khéo léo giữ sự trung lập với các sứ quân và âm thầm theo dõi. Cuối cùng, ông nhận ra thế lực của họ Trần và ông nhận định chỉ có họ Trần mới có khả năng bình được thiên hạ. Lúc này, ông cùng với nhóm nho sĩ tri thức Long Hưng tuy vẫn phò vua Lý, nhưng “bắc thang” đến với họ Trần. Đây cũng là việc hết sức khó khăn nhưng vô cùng sáng suốt của ông.
Sau khi Trần Tự Khánh mất, quyền hành lọt vào tay Trần Thủ Độ. Thủ Độ tuy là người ít học nhưng lại nhiều mưu lược, quyết đoán và biết dụng người tài, trọng kẻ sĩ, biết chớp thời cơ. Ông giữ Huệ Tông trong tay và khống chế như một vị vua bù nhìn nhằm mục đích bình định và thu phục các sứ quân đang các cứ, và ra sức vỗ yên thiên hạ.

Nhận thấy tình hình không thể cứu vãn được nhà Lý, khi vua Hiển Tông cũng không đủ tài lực, trí đức để điều hành đất nước, có vùng vẫy cách mấy cũng vô vọng. Kinh nghiệm trong suốt thời gian theo phò nhà Lý, Phùng Tá Chu đã quá hiểu thời vận của nhà Lý đã đến lúc suy tàn. Ông sáng suốt trong trong vai trò kẻ sĩ, vì trong bối cảnh này, ông không thể làm vị quan ngu trung, không muốn nhìn thấy cảnh đất nước điêu tàn, nhân dân lầm than, đói khổ trong cuộc nội chiến sẽ kéo dài nên ông âm thầm cùng với Trần Thủ Độ tìm cách phế truất vua Lý, thay đổi triều đại để cứu nguy dân tộc.

Cuộc thay đổi triều đại được dàn xếp hết sức chi ly, khéo léo và đầy mưu lược. Một kịch bản được dựng lên và nhân vật Lý Chiêu Hoàng được triều đình trong đó Phùng Tá Chu và Trần Thủ Độ là những người giữ vai trò chính lập lên làm Hoàng Thái Nữ theo kế hoạch đã vạch ra.

Năm 1224, Lý Huệ Tông phải nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng và hai năm sau ông bị giết chết. Thời phong kiến, để tránh xảy ra hậu hoạ cho đời sau, người ta buộc phải chọn giải pháp diệt cỏ tận gốc nhằm tạo sự an toàn cho triều đại tiếp theo vì sợ lòng dân còn nhớ về vua cũ. Chiêu Hoàng lên ngôi khi mới vừa 7 tuổi, cũng là nữ hoàng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Tiếp theo là một cuộc chuyển giao quyền lực, thay đổi triều đại một cách khá nhẹ nhàng và thuận lợi khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh được diễn ra theo sự sắp đặt khá hợp lý của Trần Thủ Độ và Phùng Tá Chu bày sẵn. Một vương triều cũ suy yếu nhanh chóng được thay đổi bằng một vương triều mới có tiềm lực quân sự và kinh tế mạnh nhất lúc bấy giờ trong sự công nhận hợp lý của các quần thần, tướng sĩ và điều quan trọng là lấy được lòng dân vào thời điểm đấy.

Một triều đại mới được mở ra mà không gây ra sự đổ máu, và nhanh chóng lớn mạnh nhất trong lịch sử Việt Nam là triều Trần. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhà Trần đã dẹp yên các sứ quân, bình định được thiên hạ trong tình hình quân Mông Nguyên phương Bắc đang lớn mạnh và bành trướng trên khắp châu lục. Một triều đại ba lần đánh thắng quân Mông Nguyên giữ yên bờ cõi. Có thể nói công đầu thuộc về hai vị đại thần Phùng Tá Chu và Trần Thủ Độ.

Phần mộ Phùng Tá Chu

Sau khi trần Thái Tông lên ngôi, Phùng Tá Chu tiếp tục lập được nhiều công lớn . Ông được nhà Trần trọng dụng, được quyền ban chức vị cho người dưới quyền rồi tâu sau. Năm 1226, vua Trần Thái Tông cử ông đi trấn thủ Nghệ An rồi được phong tước Hưng Nhân Vương, năm Bính Thân (1236), lại được gia phong Hưng Nhân đại Vương. Năm 1239, ông làm nhập nội thái phó, trông coi việc xây dựng cung điện gồm 5 sở hành cung ở Thanh Hóa cho các Thượng hoàng về nghỉ dưỡng. Ông chính là Kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam. Và ông cũng là người ngoài hoàng tộc được phong tước vương, lại được phong khi còn sống, chứng tỏ nhà Trần rất coi trọng những đóng góp của ông cho vương triều.

Để có một công thần như Phùng Tá Chu, cần phải nhắc đến một người đã quyết định đến toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Phùng Tá Chu chính là người cha Phùng Tá Thang. Sinh thời, Phùng Tá Thang là người rất nổi tiếng về tài năng và nhân cách. Ông được triều Lý vốn rất sùng đạo luôn tin dùng và trân trọng, luôn coi là bậc rường cột về đạo giáo của quốc gia. Vốn tinh thông tam giáo cửu lưu, bách gia chư tử, thông kim bác cổ, giỏi y nho lý số… Phùng Tá Thang luôn được coi là bậc đạo cao đức trọng, kiến thức thâm hậu của đương thời. Triều Lý là triều đại tam giáo đồng nguyên, các kiến thức và thực hành của các đạo giáo được tự do phát triển. Những cao đồ các đạo giáo luôn được giao lưu, luận bàn, tham bác sự học, sự hiểu, sự hành lẫn nhau. Đó là điều tiến bộ chưa từng thấy trong triều đại phong kiến.

Với viễn kiến hơn người, Phùng Tá Thang đã sớm rèn đúc người con Phùng Tá Chu ngay từ nhỏ. Tá Chu được cha trực tiếp rèn luyện và đưa về sơn môn Yên Tử, nơi trung tâm trí tuệ của các đạo giáo, nhất là Phật giáo để học tập, tu dưỡng. Tá Chu vốn ham học, đặc biệt nổi trội Nho học, luôn muốn trau dồi kiến thức để sau này giúp nước, an dân. Người cha Phùng Tá Thang sớm đạt đạo, luôn coi đạo giáo mới là đỉnh cao của con người nhưng không vì thế ông không tôn trọng chí hướng của con còn hết sức giúp đỡ. Chính điều này đã cho Phùng Tá Chu sau này đảm đương trọng trách nơi triều đình đã có những tư duy độc lập, quyết đoán, vượt trên người thường rất nhiều, nhưng cũng rất khác người cha.
Trong mười năm ở sơn môn Yên Tử, giới trí thức tinh hoa Đại Việt đã truyền không chỉ kiến thức mà cả một ngọn lửa mãnh liệt cho chàng thanh niên Phùng Tá Chu. Đây chính là thời gian trui rèn một bản lĩnh lớn của một ý chí lớn không gì suy suyển. Và cũng chính bản lĩnh lớn đó đã tạo nên một Phùng Tá Chu – Chính trị gia lão luyện trong thời kỳ chuyển giao hai vương triều Lý – Trần.

Năm 1241, công thần Phùng Tá Chu mất khi đang ở tuổi chín mùi về tài năng khi mới 50 tuổi. Ông mất đã để lại sự tiếc thương lớn của triều đình nhà Trần, đặc biệt là người học trò, nay đã là một vị vua anh minh. Trần Thái Tông thân đến viếng, liệt ông vào hạng đệ nhất công thần, cho tìm nơi đất tốt để an áng, lại cho tổ chức tang lễ trọng thể. Đặc biệt sau đó vua Trần luôn cho tiến hành các sách lược mà Phùng Tá Chu đã vạch ra, thực hiện triệt để, càng cho thấy sự nhớ tiếc hiếm có của vua Trần đối với vị Thái phó lưỡng triều. Nhớ công lao của ông, triều đình phong Phúc Thần, dân chúng thờ ông làm Thành Hoàng ở đình làng Quảng Bá, cùng thờ chung với Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Từ Tống quân Từ Mục.

Hiện tên của ông được đặt cho một con đường ở phường An Lạc A, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy lập được nhiều công lớn trong cả hai triều đại Lý, Trần nhưng các sử gia thời phong kiến vẫn không ghi nhận công lao của ông vì họ có định kiến phong kiến cho rằng ông có tội với nhà Lý vì đã đạo diễn đường đi nước bước cho Trần Thủ Độ phế bỏ nhà Lý lập nên vương triều nhà Trần.

Ngày nay, chúng ta đã nhận thấy được vai trò và ý nghĩa của một cuộc “đảo chính cung đình” diễn ra trong bối cảnh suy vong của một triều đại không còn đủ sức đảm đương, điều hành đất nước được thì phải thay thế bằng một triều đại mới có đủ khả năng lãnh đạo đất nước đi đến thái bình, thịnh vượng. Một cuộc đảo chính không có binh biến, không gây ra sự đổ máu và một thành công lớn nữa là cứu nguy cho dân tộc thoát khỏi cuộc nội chiến kéo dài đau khổ. Đó cũng là nhờ vào tri thức của một danh nhân yêu nước và thức thời không cố bám vào một triều đại suy tàn, đổ nát trong thời mạt Lý.

Vì vậy, công trạng to lớn của Phùng Tá Chu ngày nay được ghi nhận và ông xứng đáng được trân trọng, được thế hệ ngày nay tôn vinh và được đặt tên đường lưu mãi về sau.

P.H