Phương Dung – Hoa khôi trường Áo tím

714

                                                                                                 Nguyễn Thị Dạ Thảo

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những con đường ta đi trong đời thường mang ý nghĩa về thân phận và sinh mệnh con người. Có con đường phía trước vươn tới tương lai, rực rỡ ánh bình minh, hàm chứa biết bao hy vọng…

Con đường ấy… hôm nay mang tên Võ Thị Sáu – một nữ anh hùng miền đất đỏ nằm giữa trung tâm một thành phố lớn miền Tây. Đường tỏa mát bóng của những tán me xanh um được nhiều người thi vị gọi nó là “con đường có lá me bay”. Hơn năm mươi năm trước – vào giữa thế kỷ hai mươi, con đường ấy mang tên Pasteur, nhà bác học đã tìm ra căn bệnh chó dại. Lúc đó, nó còn nhỏ hẹp vắng vẻ, nhà cửa cây cối thưa thớt. Gần đầu đường trông về Nhà Đèn – nay là Công ty Điện lực – phía bên phải, ai cũng biết có phòng điều tra của cảnh sát đặc biệt Pháp PS (police spéciale). Tên hung thần chỉ huy là một gã Tây lùn mũi lỏ (không nhớ tên), nước da trắng bềnh bệch, mũi két nhọn trông rất khó ưa. Nó hay thả rểu một mình trên con đường ngắn ấy vào giờ hết việc. Bà con ai có dịp đi ngang qua đó cũng lấm la lấm lét, không dám nhìn vào nơi nó làm việc vì thường phát ra tiếng la hét, khảo tra phạm nhân của bọn đồ tể tay sai thuộc cấp của Phòng nhì Pháp (deuxième bureau).

Cuối đường hướng về Tây Nam, bên cạnh phòng xét nghiệm hôm nay, nằm im ỉm cách xa lề vài mét là một ngôi nhà cổ vuông vắn tường mái phong rêu, nóc nhọn, kiến trúc theo phong cách Pháp trông như một biệt thự. Dù ở thành phố Cần Thơ lâu cũng ít người có cơ hội biết rõ cuộc đời người nữ chủ nhân hiện đang sống trong ngôi nhà ấy.

*

Mở mắt chào đời tại Kratié, Cam – Bod (Cambodge) năm 1934, Nguyễn Thị Phương Dung là ái nữ hết sức được nuông chiều của một gia đình công chức.

Lên mười tuổi, bé gái xinh xắn Phương Dung theo cha là Nguyễn Đăng Lâm cùng mẹ là Phạm Thị Trước rời xứ Chùa Tháp, chuyển về làm việc tại Sài Gòn để được sống giữa lòng quê hương. Lớn lên, Phương Dung càng rực rỡ như một đóa hoa xinh. Trong gia đình và trường học, cô được người thân, thầy cô giáo và bạn bè yêu mến quan tâm đặc biệt nhờ tính vui vẻ dịu dàng và chăm học. Dù vậy, Phương Dung không bao giờ tỏ ra ỷ lại. Sau những buổi học ở trường về, cô thường giúp mẹ nấu cơm, giúp anh khâu lại chiếc nút áo sứt chỉ, hoặc tắm giùm đứa cháu thay người chị bận rộn công việc. Mỗi sáng, cô thức sớm, nấu nước pha trà cho cha, lau bụi bàn ghế, quét nhà xong mới ngồi vào bàn học. Cuộc đời thơ trẻ mới bước sang giai đoạn tuổi teen (1) nhưng Phương Dung: “Em là con gái trời cho đẹp/ Tuổi mới mười ba đã đẹp rồi”. Dong dỏng cao vừa với một dáng hình cân đối nở nang. Đôi mắt hạt nhãn đen tròn, long lanh làm rạng rỡ thêm khuôn mặt trái xoan ngây thơ ai cũng thích nhìn. Với ngần ấy vẻ đẹp mới khả dĩ minh họa được phần nào tính đằm thắm và sự thông minh của Phương Dung, cô nữ sinh trường Trung học Gia Long (2) (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai). Dạo ấy, người ta gọi trường Trung học Gia Long tại Sài Gòn là trường Áo tím bởi lẽ đồng phục của nữ sinh đều là áo dài màu tím. Đây là trường nữ trung học nổi tiếng qui tụ con em những gia đình khá giả, nề nếp qua được một kỳ tuyển chọn nghiêm túc về hạnh kiểm và học lực. Học sinh trường Áo Tím là những người đẹp của lứa tuổi học trò. Cũng tại ngôi trường này, chàng nhà văn Sơn Nam đa tình thời trẻ đã có lần bị “bảo vệ” rượt đuổi “chạy có cờ” khi tác giả “Chim quyên xuống đất” (3) cả gan lân la đến gần trường để lén chiêm ngưỡng người đẹp. Phải chăng “chim quyên xuống đất” là để đi tìm…? Dù được thầy cô và bạn bè phong tặng là hoa khôi của trường, Phương Dung vẫn khiêm tốn, chan hòa với mọi người quanh mình và không hề vắng mặt trong bất cứ sinh hoạt nào của nhà trường.

*

Vào đầu thập niên năm mươi của thế kỷ trước, trong những ngày nhân dân xuống đường chống tàu Pháp cập bến Sài Gòn, Phương Dung đã hăng hái tham gia phong trào sinh viên học sinh.

Từng đoàn người lũ lượt mang biểu ngữ, kéo đi mít-tinh, biểu tình… Đỉnh điểm của phong trào này nổ ra sau sự kiện học sinh Trần Văn Ơn bị Pháp bắn chết. Cũng như bao nhiêu người Việt Nam khác khi nhận ra tự ái dân tộc mình bị xúc phạm, Phương Dung cảm thấy sục sôi trong lòng một mối căm thù sâu sắc. Một ngày đầu tháng giêng năm 1950, cô thức dậy sớm ăn vội chén cơm hấp do mẹ làm rồi cùng nhóm bạn đã hẹn trước, đến điểm tập trung đúng giờ, chuẩn bị tham gia cuộc biểu tình.

Năng động và quả cảm hiếm thấy, cô nữ sinh trẻ đẹp trường Áo Tím hồ hởi đi hàng đầu, miệng không ngớt hô khẩu hiệu giữa rừng người đông nghẹt hai bên đường với vẻ mặt căm giận cao độ bọn thực dân. Dòng người như thác chảy, hừng hực khí thế đấu tranh. Đối phó với làn sóng biểu tình, vài tên Pháp và cảnh  sát tay sai có mặt đúng lúc, nhảy xuống từ mấy chiếc xe Jeep túa ra các ngả đường trước đoàn biểu tình. Bọn chúng trang bị sẵn khiên, dùi cui cầm tay, súng lục, lựu đạn đeo hông. Xa xa đàng sau chúng là mấy chiếc xe vòi rồng màu đỏ nặng nề chứa sẵn nước đầy. Vẻ mặt đằng đằng sát khí, thái độ hùng hổ, chúng yêu cầu anh chị em sinh viên học sinh giải tán. Nhưng đoàn người xuống đường như thế nước tràn. Anh em bắt đầu khép chặt hàng ngũ, cánh tay móc chặt vào nhau, dàn hàng ngang theo hình chữ nhất từ từ tiến lên. Trong khi bọn cảnh sát cũng gần chạm mặt đoàn biểu tình, miệng vẫn oang oang lời yêu cầu như ra lệnh. Bắt đầu có va chạm giữa hai bên dẫn đến hỗn loạn xô xát. Những khiên che lấy mặt, những cánh tay vũ phu vung lên cùng ma trắc. Những lời hô đả đảo mạnh mẽ vang dậy trong cơn mưa gạch đá xối xả từ đám người không vũ khí. “Yêu cầu đoàn biểu tình dừng ngay và giải tán”. Bọn cảnh sát tay sai lại oang oang hò hét từ những chiếc loa mắc trên mui xe Jeep. Bất chấp lời kêu gọi liên tục của chúng, thanh niên học sinh vẫn rầm rộ tiến lên thấy không hiệu quả, bọn tay sai khởi sự tung lựu đạn cay và ngay sau đó, tên chỉ huy ngó lại phía sau, khoát tay ra dấu cho xe vòi rồng bò lên xịt nước. Phía biểu tình nhiều người bị hơi cay nước mắt ràn rụa không kịp lấy khăn tay che mặt. Có người bị vòi nước mạnh đẩy bật ngửa. Từng bọc chanh cắt sẵn để đối phó với hơi lựu đạn cay, được chuyền tay từ phía quần chúng. Những người bị kiệt sức bất tỉnh ngả quỵ được đồng bào đưa đi cấp cứu. Lớp học sinh phía sau lại tiến lên thay thế để tiếp tục cuộc đấu tranh. Nộ khí xung thiên, những  tên cảnh sát thực dân xông lên, dùng ma trắc đánh tới tấp vào đám đông.

Có nam sinh chống cự phải ăn đòn rồi bị khóa tay đẩy lên xe bít bùng. Có nữ sinh bị xô lùi hoặc ăn dùi cui trong cuộc đàn áp… Phương Dung xông lên trước hô khẩu hiệu và đôn đốc anh chị em, nên nhận phải mấy cú ma trắc “trời giáng” vào đầu. Cô bị ngất xỉu, lịm đi lúc nào không hay… Khi tỉnh lại, Phương Dung mở mắt ra thấy mình đang nằm ở bệnh viện trong sự chăm sóc của mẹ cha và các bạn học.

Mới sang tuổi mười sáu đầu dạt dào tình yêu trong sáng và lãng mạn của thời học trò, Phương Dung phải nghỉ học vì ở đầu có vấn đề sau lần bị thương. Nhan sắc vẫn như xưa, nhưng tâm tính cô trở nên bất thường. Nói cười, buồn vui bất chợt, đôi lúc vô nghĩa, ngu ngơ như không xuất phát từ một động cơ tình cảm hay nhận thức hợp lý nào. Thấy con gái yêu không thể đến trường tiếp tục việc sách đèn, bác Nguyễn Đăng Lâm tìm xin cho Phương Dung một chân y tá ở bệnh viện gần nhà. Chính tại nơi làm việc này, cô gặp bác sĩ Lê Văn Khoa như một mối duyên tiền định. Chàng là một tri thức còn rất trẻ, tài hoa, giàu tinh thần dân tộc, hiểu nhân cách đạo đức chứ không phải chỉ vì sắc đẹp của Phương Dung nên quyết định xin cưới nàng.

Chung sống hạnh phúc bên nhau được mấy năm, qua cởi mở tâm sự giữa vợ chồng, bác sĩ Khoa bằng chuyên môn ngành y của mình đã nhận ra được chứng bệnh ở người vợ. Bác sĩ Khoa, với kiến thức uyên bác của nhà khoa học, hy vọng sẽ chữa trị hoặc xoa dịu được phần nào nỗi đau nghiệt ngã đang dằn vặt xoáy mòn tâm hồn và thể xác người vợ yêu thương của mình.

Bệnh trạng của Phương Dung đã rõ ràng, thuốc thang đầy đủ, chính mình lo chạy chữa tận tình ngay từ những ngày đầu nhưng bác sĩ Lê Văn Khoa dù rất giỏi chuyên môn, vẫn chịu bất lực trước chứng bệnh “vô hình” quái ác đang dần dần “tha hóa” phũ phàng tinh thần Phương Dung. Chị nói năng và hành động trong trạng thái vô thức những lúc có thân nhân, bạn bè đến hỏi thăm, an ủi. Từ mấy mươi năm qua, bệnh ác đã cướp đi bản tính hồn nhiên của một nữ sinh ngây thơ ngày nào, chị buộc phải sống thui thủi một mình trong phòng riêng cách ly với người thân, luôn cả chồng là bác sĩ Khoa. Cuộc đời vô cùng bất hạnh trong thế giới nặng nề không khí ngưng đọng của một không gian chật hẹp tù túng, khiến mái tóc chị đã sớm bạc phơ lúc chưa vượt quá tuổi trung niên.

Trong những lần gặp chị để an ủi động viên, tôi không tránh khỏi phân vân, nghĩ đến một định luật khắt khe của hóa công: “Tạo vật đố hồng nhan” được nhiều người nhắc đến.

Tôi cũng băn khoăn tự hỏi: Trên đất nước mình từ trước tới nay còn có bao nhiêu nạn nhân như chị Phương Dung đã phải chịu đau thương suốt đời do hành động tàn ác vô nhân của thế lực thù địch ngoại bang. Phải chăng còn đó vô số những nạn nhân dị hình dị tật đáng thương của chất độc da cam do chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ gây nên.

Thời gian thấm thoát đã trôi qua đã bảy mươi năm với bao nhiêu đổi thay trên con đường định mệnh của cuộc đời. Ngôi nhà số 9 nơi tôi mượn làm cơ quan vẫn nằm bất di bất dịch tại chỗ, tương phản với cuộc đời người chủ nhân của nó. Con đường Pasteur ngày nào vắng lặng bao trùm một bầu không khí âm u bây giờ đã là con đường Võ Thị Sáu với bộ mặt mới mẻ sáng tươi của một con đường vui. Ngày đêm, những dòng người và xe cộ dập dìu cuồn cuộn qua lại trên mặt nhựa bằng phẳng sạch sẽ giữa những cao ốc tư nhân và cơ quan nhà nước. Nhiều lần tôi thấy chị Phương Dung lúc tỉnh táo đến bên cửa sổ nhìn khung cảnh chung quanh, đôi mắt như sáng lên một niềm vui tự hào về sự đóng góp một phần tâm huyết của mình trong quá khứ. Lúc không bình thường, Phương Dung thường đứng một mình bên cửa sổ đăm chiêu nhìn xa xôi như thể hiện một nỗi nuối tiếc vì công sức và thời gian dành cho quê hương của mình còn quá nhỏ nhoi. Nhìn chị, tôi bất giác nghĩ đến bao nhiêu người khác đã và đang chịu đựng, hy sinh một cách thầm lặng cho hòa bình và sự cường thịnh của đất nước ta hôm nay.

  1. 02. 2020                                                                                                 N.T.D.T

 

* Nguyễn Thị Phương Dung thường trú từ năm 1955 đến nay tại số 9 Võ Thị Sáu, phường An Hội, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Chị Phương Dung có Giấy Chứng nhận có công trong Kháng chiến chống Pháp do chính quyền địa phương cấp (Chủ tịch TP. Cần Thơ Nguyễn Hà Phan ký) năm 1985).

(1) teen-age: giai đoạn phát triển của thiếu niên trong khoảng tuổi 13-19.

(2) Trung học Gia Long: nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai.

(3) “Chim quyên xuống đất”: tên một tác phẩm của nhà văn Sơn Nam.