Picasso: Họa sĩ lập thể hay lập dị – Tản văn của Đan Thanh

1257

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong thế giới mỹ thuật và không gian tiêu thụ tranh vẽ toàn cầu hiện nay, không ai còn xa lạ với tên tuổi của người nghệ sĩ bậc thầy Picasso, cánh đại bàng nghệ thuật của thế kỷ 20. Ông vốn người Tây Ban Nha tên thật là Pablo Ruiz Picasso (1881-1973). Sớm nổi tiếng là thần đồng hội họa ngay từ năm mới lên 8 tuổi tại quê hương Malaga, Picasso đã trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm nghề nghiệp qua nhiều khuynh hướng nghệ thuật: thời kỳ lam-thời kỳ hồng, cắt dán, điêu khắc lập thể (cubism), tân ấn tượng (neo-impressionism), siêu thực (surrealism), biểu hiện (neo-expressionism)… với số lượng phong phú tác phẩm hiện nay còn trưng bày tại các phòng tranh lớn ở Pháp (Paris), Tây Ban Nha (Barcelona), Mỹ, Anh…

Họa sĩ Pablo Ruiz Picasso

Dấu ấn đậm nét nhất trong cuộc đời làm mỹ thuật của Picasso, cùng với họa sĩ Braque (1882-1963) được coi là những bức tranh lập thể mang tính cách xa lạ thuần lý, rất khó hiểu với nhiều người. Do vậy, dù đã là cánh đại bàng nghệ thuật của thế kỷ 20, những tác phẩm giá trị có khi lên tới hơn trăm triệu đô la Mỹ của ông, vẫn còn là vấn đề băn khoăn, gây tranh cãi cho người thưởng ngoạn cái đẹp, các nhà phê bình mỹ thuật, nhà báo và văn nghệ sĩ.

Vào khoảng tháng 03 năm 1966, tờ báo văn nghệ ở Pháp: Khu vườn nghệ thuật (Le jardin des Arts) có tổ chức cuộc phỏng vấn để biết thêm dư luận về Picasso. Đa phần những người được mời phát biểu ý kiến là người uy tín có tên tuổi với tiếng nói có trọng lượng như nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ tại Paris.

Dưới đây là một số ý kiến được coi là ấn tượng nhất xin được trích lại để bạn đọc nhất là các ‘fan’ từng hâm mộ danh họa này cùng thưởng thức:

– “ Picasso cũng quan trọng bằng Adam và Eve, bằng một ngôi sao, một dòng suối, một cái cây, một tảng đá, một câu chuyện thần tiên và cũng sẽ còn trẻ mãi mãi, già mãi mãi. Như Adam và Eve. như một ngôi sao, một dòng suối, một cái cây, một tảng đá, một câu chuyện thần tiên”. (1) Arp (1887-1966), họa sĩ, điêu khắc gia, thi sĩ đã khá văn vẻ và sâu lắng khi nói về Picasso. Bạn đọc hãy tự suy ngẫm về ý kiến này theo cảm nhận riêng của  mình.

– “Trong khoảng 60 năm, toàn thể tác phẩm của Picasso được tạo thành một bản mục lục kỳ dị của nhà mua bán đồ cổ. Người ta thấy diễn ra trước mắt các tác phẩm của những nhà danh họa: Goya, Sainsbourough, Ingres, Manet, Toulouse-Lautrec, Cézanne, Renoir… Bức tranh nào cũng ký tên Picasso. Tất cả mọi nghệ sĩ tài danh xưa nay đều hiện diện ở đấy, trừ Picasso” – Jean Dutourd (1920- ?) đã khôi hài về Picasso một cách rất tế nhị. (2)

– “Picasso thần thánh hóa các lỗi lầm. Theo tôi thì đó là phương pháp duy nhất của bậc thiên tài. Ngoài ra tất cả mọi cái khác đều là thể thao!” (3) – Jean Cocteau, nhà văn, phê bình Picasso với giọng hoạt kê ‘hàn lâm viện’ hơn một chút, nhưng cũng đã chua chát không kém.

– “Nếu tôi có kiểu vẽ như Picasso, một kiểu của thời lam và một kiểu hiện đại, tôi sẽ giữ kiểu thứ nhất kia để hưởng thụ thẩm mỹ của nó, và tôi sẽ bán kiểu thứ hai để hưởng thụ sự lừa bịp của nó… Nhưng kiểu thứ nhất tôi không có, mà kiểu thứ hai tôi cũng chả có” – Nhưng với Wladimir d’Ormesson, như bạn đã thấy giọng điệu phê phán Picasso thật là tàn nhẫn với bậc nghệ sĩ thiên tài độc nhất vô nhị của chúng ta! (4)

Thật ra, chính Picasso cũng đã thú nhận.

Trong một tờ báo Libro Nero của nhà văn Ý Giovanna Papoini ấn hành tại Y-ta-li-a có ghi lại lời tuyên bố của Picasso mà nhiều tạp chí văn nghệ Pháp và ngoại quốc đều đã ghi lại: “Tôi, từ lối vẽ lập thể và sau đó, tôi đã làm thỏa mãn các nhà phê bình với muôn nghìn cái kỳ quái trong trí tưởng tượng của tôi. Và họ cành không hiểu bao nhiêu, họ lại càng khâm phục bấy nhiêu. Tôi đã cố đùa giỡn với các trò chơi ấy, các hình phù phiếm nhảm nhí ấy, các nét vẽ hóc búa ấy, kỳ quái ấy, bí hiểm ấy, nhờ vậy mà tôi trở nên nổi tiếng rất mau chóng… Ngày nay, như anh đã biết, tôi đã thành một bậc danh nhân, và tôi rất giàu. Nhưng khi một mình một bóng, tôi tự nhìn tôi, thì tôi không có can đảm tự cho mình là nghệ sĩ theo cái nghĩa cao quý, tốt đẹp và cổ kính của nó. Goya, Rembrant, le Titien, Giotto… đấy mới thật là những họa sĩ vĩ đại. Còn tôi chỉ là một chú hề làm trò quỷ thuật cho thiên hạ vui chơi chốc lat, và tự biết mình đã lỗi thời rồi”. (5)

Thế thì các bạn nghĩ sao? Những lời thú nhận chân thành của Picasso trước công chúng, văn nghệ sĩ về hội họa lập thể mà chính ông là thủy tổ và một số người sùng bái, theo đuôi. Những lời khai thật trên đây không khác nào một cái tát mạnh vào mặt thời đại. Một số người chạy a dua theo ‘mốt tân kỳ’ của ‘tranh lập thể’ hay ‘siêu thực’ cũng như của ‘thơ bí hiểm’ đã nghe chính Picasso chính thức tuyên bố như vậy. Có thể đó là cả một sự bịp bợm của thời đại để phỉnh gạt giới nhà giàu thích bỏ tiền ra mua những đồ chơi quái lạ như một cách rửa tiền của các đại gia khoe của và để lòe những kẻ ngây thơ thực thà thích xem phường hề làm trò quỷ thuật! Vâng, chính Picasso khẳng định như thế.

Riêng tôi, với lòng đam mê hội họa suốt cả đời đứng lớp dạy mỹ thuật và cũng từng nhiều lần vẽ tranh triển lãm, nhưng thú thật tôi chưa có đủ kiều kiện để đánh giá Picasso. Bởi lẽ chưa bao giờ tôi tìm được cảm xúc thẩm mỹ hay rung động vì cảm quan nghệ thuật trong lòng khi đứng trước một họa phẩm vẽ theo khuynh hướng lập thể như Picasso đã làm.

Đ.T

Chú thích:

(1)  “Picasso est aussi important qu’Adam et Eve, qu’une étoile, une source, un arbre, qu’un rocher, un conte de fées, et restera aussi jeune, aussi vieux qu’Adam et Eve, qu’une étoile, une source, un arbre, qu’un rocher, un conte de fées.”                                                                                                                   Arp

(2) “L’oeuvre de Picasso, en soixante ans, constitue un curieux catalogue de salle des ventes. Goya, Gainsbourough, Ingres, Manet, Toulouse – Lautrec, Césanne, Renoir, etc… défilent: c’est toujours signé Picasso, tout le monde est là, sauf lui.”                                                                                                           Jean Dutourd

                                                                                                          (3)  “Picasso sanctifie des fautes. Voilà, il me senble, la seule règle du génie. Tout le reste est du sport.”                                                                                                                     Jean Cocteau

 

(4)  “Si j’avais deux Picasso, l’un de l’époque bleue et l’autre, récent, je garderais le premier pour profiter de sa beauté et je vendrais le second pour  profiter de son imposture… Mais je n’ai ni l’un ni l’autre.”                                                                                                           Wladimir d’Ormesson

(5)  “… Moi, depuis le cubisme et après j’ai satisfait ces Messieurs les riches qui cherchent l’extravagant et les critiques avec toutes les multiples bizarreries qui me sont venues en tête, et moins ils comprenaient plus ils admiraient. À force de m’amuser à tous ces ceux, à toutes ces fariboles, à tous ces casse têtes, rébus et arabesques, je suis devenu très rapidement célèbre… Aujourd’hui, comme vous me savez , je suis illustre et très riche. Mais quand je suis seul avec moi-même, je n’ai pas le courage de me considérer comme un artiste, dans le sens grand et antique du mot. Ce furent de grands peintres que Goya, Rembrandt, le Titien, Giotto… Je suis seulement un amuseur public qui a compris son temps…”                                                                                                    Giovanna Papoini

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Tạp chí Phổ thông – Nguyễn Vỹ chủ biên, số 182 ra ngày 15. 12.1966 Sài Gòn
  2. Nghệ thuật Mô-đéc và Hậu Mô-đéc , Lê Thanh Đức NXB Mỹ thuật –Hà Nội 2003
  3. Tìm đẹp – Đoàn Thêm, Nam Chi tùng thư- Sài Gòn, 1964
  4. Những khuynh hướng chủ yếu của HỘI HỌA TƯ SẢN HIỆN ĐẠI – Nguyễn Phúc – NXB Văn hóa Hà Nội, 1978
  1. Tạp chí Le jardin des Arts – số ra Mars 1966, Paris
  2. Câu chuyện hội họa – Thái Tuấn, NXB Cảo thơm, Sài Gòn 1963
  3. Tim hiểu hội họa – Đoàn Thêm, Nam Chi tùng thư- Sài Gòn, 1962
  4. L’Art moderne – Joseph-Emile Muller, NXB. Livre de poche –France 1963
  5. Les peintres cubistes – Apollinaire, NXB. Hermann 1965
  6. Cubisme – FRY E , NXB. La connaissance – Bruxelles-Diff. Weber 1966
  7. Le cubisme – Habasque G, NXB. Skira 1959
  8. Pablo Picasso – Antonina Valentin, NXB. Albert Michel 1957