Qua cơn giông – Truyện ngắn của Lê Hoàng Kha

1535

(Vanchuongphuongnam.vn) – Một mùa gió bấc lại về, đôi lúc thấy hơi lạnh ngoài da, nhưng trong lòng thì ấm lạ thường. Mặt trời vẫn sẽ mọc đằng đông, người ta sẽ sống đến cái hơi thở cuối cùng của cuộc đời. Có bao nhiêu giông bão, mà đời người không vượt qua cơ chứ. 

Tác giả Lê Hoàng Kha 

Trời hừng sáng, người ta đi chợ ngang nhà. Thấy mấy ông già ngồi uống trà, dưới gốc cây trứng cá trồng trước sân. Cây trứng cá hễ có trái chín, là tụi nhỏ ở xóm mê tít mắt. Đứa nào cũng lăm le hái, trái chín đỏ có vị ngọt ngon. Tôi còn chết mê, chứ nói gì tụi nó. Mấy ổng kể chuyện đồng áng, từ xóm trên chạy dọc xuống xóm dưới, không biết bao nhiêu là chuyện. Mà cái hay của mấy ổng là nói có căn, có kệ lắm. Ai ngồi nghe thì tưởng như thiệt, về ngẫm lại thì cứ cười một mình. Khoái nhất là bàn chuyện chơi cờ, nào là lạc nước hai xe đành bỏ phí, gặp thời một tốt cũng thành công, phản phong mã… Kiểu như đánh trận trong mấy bộ phim tàu, mà chiều nào mấy đứa nhỏ trong xóm cũng xúm lại xem.

Đang thao thao bất tuyệt, thấy bảy Rắn đi ngang sáu Nổ gọi:

– Còn sớm, uống trà rồi đi mần anh bảy?

Bảy Rắn đứng lại cười, cái miệng móm mà răng độ chừng mấy cái. Ổng cũng rụng gần hết rồi, nhưng được cái chịu chơi. Ai cho mía, thằng chả cũng ăn ngon lành. Như chưa hề mất cái nào, bảy Rắn nói:

– Ra sớm coi cái lú, trưa uống nghen anh sáu.

Ổng quay lưng bỏ đi, cái dáng khắc khoải của người đàn ông ngoài sáu mươi. Khuất xa dần, sau mấy dòng bắp đang trổ bông.

Mười Dễ kể:

– Nhìn thằng chả vậy, chứ giỏi đòn lắm nghen. Năm ngoái ổng đặt lú, hai thằng nhóc bên sông định trộm của thằng chả. Hai thằng móc dao làm liều, định đâm ổng. Một mình thằng chả chấp cả hai, ra đòn tung cước đá nhào một thằng. Thằng còn lại quýnh quá, đứng sớ rớ không dám nhảy vào. Đành phải bỏ chạy, bảy Rắn gọi cho công an xã ra giải quyết.

Sáu Nổ chen ngang:

– Thằng bị bảy Rắn tung cước vào ngực, trước khi đưa về trụ sở xử lý. Nó nói ổng già mà khoẻ dữ, trúng một cước của ổng nó đau chạy không nổi.

Kể đến đó mấy ông già cười, tỏ vẻ khoái chí lắm. Gọi là bảy Rắn chứ thiệt ra thằng chả thứ bảy tên Được. Mà là Nguyễn Văn Được, sự là ổng bắt rắn rất tài tình, nào là hổ đất, hổ hành, hổ ngựa… Gặp ổng là tiêu đời, bắt trọn ổ ráo trọi. Nên người ta quen miệng, kêu luôn bảy Rắn.

Rồi mười Dễ hạ giọng, trầm tư kể:

– Thấy vậy, chứ hồi xưa thằng chả cực lắm. Cực nhất là nuôi con Mén, mà trăm bề khổ.

Mười Dễ nói có lý lắm, thằng chả một mình phải nuôi con Mén. Từ lúc nó mới đỏ hỏn, vợ thì bỏ đi không biết cơ sự ra làm sao. Hay người ta lại thay lòng đổi dạ, vứt bỏ máu mủ ra đi cho đành. Kể từ ấy, bảy Rắn trở thành gà trống nuôi con. Một người đàn ông làm gì có sữa cho con bú, đành phải bồng con đi khắp xóm để xin sữa. May là lúc đó, má tôi cũng mới sinh thằng Út. Nên cho con Mén bú ké, người ta thấy vậy trêu má tôi:

– Chèn đét ơi! Tư Lan sinh đôi nghen.

Bảy Rắn vô tình nghe người ta nói, trong lòng buồn rười rượi, chua xót lắm. Rồi nghĩ bụng: “Mình mất vợ, con mình thì mất má rồi, trời ơi!”.

Bảy Rắn nhờ người ta dọ hỏi khắp nơi, xem vợ mình đang ở đâu. Mà biệt tin mấy tháng trời, rồi người ta đi chợ trên tỉnh. Thấy vợ bảy Rắn đang cặp kè với một người đàn ông lớn tuổi, còn gọi là vợ với chồng nghe sao ngọt lắm. Nghe đến đó, bảy Rắn giận run người, răng cứ nghiến chặt. Rồi lấy tay đấm thật mạnh vào cây sầu đâu, bàn tay bắt đầu rướm máu. Chắc là đau lắm, nhưng làm sao đau hơn vết thương lòng. Nhìn bảy Rắn người ta thấy chạnh lòng, ngoài chợ thì bàn tán xôn xao:

– Chắc là bảy Rắn nghèo, nên con vợ nó bỏ. Kiếm thằng giàu hơn, thấy mà tội cho đứa nhỏ.

Rồi người ta lại thở dài, đầy nghẹn ngào. Thương tía con bảy Rắn, thương cho cái đời nghèo khó. Người ta không chịu được cực, không chịu được khổ. Nên người ta đã ruồng bỏ, mà đi thế này cho đành lòng.

Lúc con Mén chừng bốn tuổi, vợ bảy Rắn có về nhà một lần, định bắt con Mén đi. Thằng chồng hờ của bả ngồi ngoài xe đợi, cứ nhấn còi inh ỏi. Như ra dấu kêu bả phải nhanh lên, trong nhà thì bảy Rắn giằng co không cho vợ bắt con Mén. Con Mén thì khóc um lên, níu chân bảy Rắn không muốn đi. Mà bả bỏ nó đi lúc còn đỏ hỏn, thì làm sao mà nhớ được mặt mũi, rồi cái dáng của má ra làm sao nó còn không biết, sao mà đi theo cho được. Con nít không bao giờ chịu đi với người lạ, và má nó chính là người lạ đó. Biết mình không thể bắt được con Mén, bằng cái giọng chanh chua sẳn lè bả nói:

– Ở nhà nuôi nó, lần sau tôi về rước. Thứ gì khó ưa, chẳng biết điều.

Bảy Rắn giận tím người, định đánh bả bạt tai. Nhưng nghĩ lại, không còn tình thì vẫn còn chút nghĩa. Đánh sao nỡ, rồi lấy tay lau nước mắt cho con Mén. Trong lòng bảy Rắn như đứt từng đoạn ruột, phải chi lúc đó có ai thấy tình cảnh của bảy Rắn. Trước khi đi, bả để lại trên bàn ít tiền. Rồi ngoe nguẩy guốc cao bước ra xe, mắt liếc quanh mà không quên quay lại nói trổng:

– Cái nhà nghèo rách mồng tơi, chả muốn ở chút nào. Chạy đi anh, ở đây thấy dơ bẩn quá chừng.

Thằng chồng hờ nhếch mép cười, rồi lái xe ra khỏi xóm. Chiếc xe dần khuất xa, sau đám bắp chưa trổ bông. Bảy Rắn bồng con Mén chạy vội ra ngó theo, con Mén hỏi:

– Ai vậy tía?

Câu hỏi ngây thơ của con Mén, mà làm tim của bảy Rắn như đau nhói thêm. Bảy Rắn như nghẹn lời:

– Người dưng con à!

Đôi mắt hồn nhiên còn ngấn lệ chưa khô của con Mén nhìn tía, thấy mà tội lắm.

Người ta kêu bảy Rắn ra xã mần giấy khai sinh, để sau này cho con Mén đi học. Bảy Rắn nhờ tía tôi dẫn ra đó gặp cán bộ xã, người ta hỏi:

– Anh đặt con tên gì?

Bảy Rắn ấp úng nói:

– Nguyễn… Nguyễn Thị Mén.

Cán bộ cười, thấy cứ kì kì. Tía tôi nói:

– Chèn ơi! Đặt tên Mén nghe kì quá anh Bảy. Cán bộ ghi Nguyễn Thị Hồng Hoa giúp tôi nghen.

Anh cán bộ nghe vậy phải lắm, rồi viết vào giấy: “Nguyễn Thị Hồng Hoa”. Đặt cái tên đẹp, cũng chỉ mong là sau này cuộc sống của con Mén được tốt hơn đời của tía nó. Bảy Rắn nghĩ bụng: “Mình cũng tên Được, sao mà mất hoài vậy trời!” Mắt bảy Rắn lại đỏ hoe, như ai vừa đánh vào ngực mình thêm đau.

Hôm bữa má tôi đi chợ ghé nhà, bảy Rắn đi mần ngoài ruộng chưa về. Con Mén ngồi bệt trước cửa, mặt mày lấm lem. Thấy nó đang bưng tô nước cơm uống, má tôi giả đò hỏi:

– Con uống gì đó?

Con Mén nhăn hàm răng bị sún cười, rồi trả lời:

– Dạ! Con uống sữa.

Má tôi không nhịn được cười:

– Tổ cha mày! Sữa đâu Mén, nước cơm đó con.

Nó hồn nhiên ngước lên, ánh mắt long lanh nhìn má tôi. Tự nhiên má tôi khóc, má nghĩ bụng: “Trời ơi! Con nhà người ta được ăn ngon mặc đẹp, còn con Mén thì…!” Nghĩ đến đó thôi, má tôi lại không kìm được nước mắt.

Cái năm, con Mén học hết lớp chín. Thì nó xin bảy Rắn nghỉ để lên Sài Gòn mần, lúc đầu bảy Rắn nằng nặc không cho. Rồi con Mén năn nỉ miết, nên bảy Rắn cũng xiêu lòng cho đi. Nói ra thì mới biết, ở xã này đứa nào cũng học hết lớp chín rồi nghỉ. Đa số là nhà nghèo, hai bữa còn lo chưa tới thì tiền đâu cho tụi nó đi học. Không riêng gì nhà bảy Rắn, hai bên nhà nội ngoại cũng nghèo, không ai giúp được nhiều. Có khi cho được lon gạo, bó rau vậy là quý lắm rồi. Chứ cố xin thêm cũng không có, nghĩ thôi cũng đã thấy buồn, chứ biết làm sao hơn. Con Mén xin người ta phụ bán cơm ở Sài Gòn, nghe nói được bà chủ cũng thương. Chủ quán cơm cũng là dân ở xứ này lên lập nghiệp, thấy hoàn cảnh nó họ thương lắm. Coi như người trong nhà, sáng thì phụ bán cơm. Tối thì cho đi học bổ túc để lấy bằng cấp ba, bảy Rắn ở quê mần được ít đồng dành dụm gửi lên cho con Mén.

Con Mén giờ trổ mã đẹp người, ra dáng thiếu nữ lắm, hình giống má nó hồi xưa. Nhưng cái tính thì không giống, nó chịu cực chịu khổ giỏi lắm. Năm nó thi đậu đại học, bảy Rắn chạy khắp xóm để khoe. Cả xóm ai nấy cũng vui lây:

– Trời đất! Con bảy Rắn học giỏi quá hén. Cả xóm này chắc được mình nó, bảy Rắn có phước dữ nghen.

Mấy năm sau con Mén ra trường, xin dạy học ở Sài Gòn. Những lúc nó không về được, thì gọi điện hỏi thăm bảy Rắn. Còn nghỉ hè, thì nó chạy về quê ở gần cả tháng. Nó giỏi giang lắm, về là xắn ống quần ra đồng giúp tía. Sáu Nổ đi ngang đồng trêu:

– Trên đó không có ruộng, chắc nhớ lắm hén cô giáo?

– Dạ! Nhớ lắm chú Sáu, nhớ nhất là hương lúa non đó chú.

Sáu Nổ nghe vậy khoái lắm, đâu có được mấy đứa như nó. Đi Sài Gòn cả chục năm trời, mà vẫn nhớ hương lúa non, nhớ mùi sình mùi phèn. Nó đâu có quên được cái quê nghèo của tía nó, sáu Nổ ngẫm mà thấy thương con Mén. Rồi nghĩ đến con mình, sáu Nổ lại thở dài.

Bữa con Mén đi chợ về, gặp ở đầu ngõ tôi trêu:

– Út Mén! Đi chợ về đó hén?

Nó nhìn tôi cười, lộ ra cái răng khểnh rất duyên:

– Người ta lớn rồi, mà cũng không phải tên Mén, mà là Hồng Hoa nghen. Cái tên tía anh đặt cho, sao anh không kêu?

Hồng Hoa tên đẹp lắm, mà người cũng đẹp. Nhưng đối với tôi nó là con Mén, cái đứa uống nước cơm ngồi bệt dưới đất, mà má tôi hỏi thì nói uống sữa. Cái hình ảnh mà giờ nhớ lại, vẫn thấy thương dữ lắm.

Một mùa gió bấc lại về, đôi lúc thấy hơi lạnh ngoài da, nhưng trong lòng thì ấm lạ thường. Mặt trời vẫn sẽ mọc đằng đông, người ta sẽ sống đến cái hơi thở cuối cùng của cuộc đời. Có bao nhiêu giông bão, mà đời người không vượt qua cơ chứ. Bảy Rắn đã cực khổ gần hết nửa đời người, để nuôi cho con Mén nên người. Giờ thấy con Mén đã được ăn học thành tài, lại hiếu thảo với tía. Vậy là cái phúc lành, cũng đã mỉm cười với cuộc đời của cha con bảy Rắn. Nghĩ đến đó thôi, mà lòng thấy thương dữ lắm.

L.H.K