Qua vùng bão nổi và Chạm nẻo người dưng của nhà thơ Nguyễn Thành Tâm

1806

                                                                                              (Vanchuongphuongnam.vn) – Nguyễn Thành Tâm, bút danh Đại Ngàn, là cô giáo Toán dạy ở trường phổ thông, sinh năm 1974, quê Vĩnh Long, Vĩnh Lộc, Thanh Hoá. Mấy năm nay, cô vừa dạy Toán ở Hà Nội, vừa làm thơ say sưa và nồng nhiệt. Thơ cô đã được in trên nhiều báo, tạp chí địa phương và Trung ương, đã được xuất bản thành sách, và đặc biệt xuất hiện ngày càng nhiều trên Facebook, được nhiều bạn bè mến mộ và đồng cảm. Hiện nay cô đã in được 3 tập thơ và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Thành Tâm

Có thể nói, Nguyễn Thành Tâm là một cây bút nữ viết khoẻ, viết nhanh và viết khá nhiều. Cuối năm 2016, tôi có may mắn được dự buổi ra mắt tập thơ đầu tay của Nguyễn Thành Tâm với cái tên rất đáng yêu “Tràn trong nỗi nhớ” tại Ban Văn học Công nhân Hội Nhà văn Việt Nam. Và bây giờ là buổi ra mắt hai tập thơ “Qua vùng bão nổi”“Chạm nẻo người dưng” của Nguyễn Thành Tâm như một đứa con tinh thần song sinh cùng vào thởi điểm cuối năm 2017.

Từ tác phẩm đầu tay “Tràn trong nỗi nhớ” đến hai tập thơ mới này, với tinh thần đọc thực sự cẩn trọng và nghiêm túc của mình, tôi có thể dự báo rằng thơ Nguyễn Thành Tâm còn có khả năng đi xa hơn, gặt hái những mùa màng bội thu hơn. Tôi tin và mong như thế.

“Qua vùng bão nổi”“Chạm nẻo người dưng” chỉ có ý nghĩa song sinh về mặt thời gian, chứ thực ra đó là hai tập thơ với chủ đề, ý tứ độc lập khác nhau, nhưng lại có mối quan hệ biện chứng, gắn bó khăng khít với nhau, dung chứa một ý đồ sáng tạo có chủ đích của chủ thể trữ tình. Không “Qua vùng bão nổi” thì làm sao có thể “Chạm nẻo người dưng” một cách sâu sắc và ý vị với một giá trị nhân bản nhất định; và ngược lại. Đó là mối quan hệ nhân quả để ta có thể nhìn ra cái được của hai tập thơ này, có thể coi là thành công bước đầu rất đáng khích lệ của Nguyễn Thành Tâm.

“Qua vùng bão nổi” gồm 59 bài thơ với độ dài ngắn và thể loại khác nhau. Trong tập này, ở “Lời ngỏ” đầu sách, Nguyễn Thành Tâm đã bộc bạch: “Cuộc sống nhiều nỗi trăn trở. Đôi lúc ta muốn tĩnh lặng, trải lòng cùng thơ, phiêu du cõi ảo, muốn thoát ra chính mình…”. Đó là duyên cớ để có tập thơ này. Nhưng tôi cho rằng đấy cũng chỉ là một cách nói của chị. Bởi các bài thơ trong tập đã nói thay cho chị như một xác quyết. Đó chính là tinh thần hướng nội của tập thơ, là sự trải lòng của chủ thể trữ tình trước cuộc đời.

Theo tôi, “Qua vùng bão nổi” ở đây chính là “bão nổi” trong tâm tưởng, trong cảm xúc nhân thế đối với cuộc đời, đối với kiếp người, đối với tình yêu và tình người, tình đời. Đó là “vùng bão” dấy lên từ trong lòng ta, từ trái tim ta, để ta nhận ra tính bản thiện, nhận ra nhân văn, nhân bản, và lấy đó làm vũ khí hữu hiệu tấn công cái ác, cái đớn hèn, cái ti tiện. Tôi nghĩ, có lẽ đấy là thông điệp tinh thần tác giả muốn gửi gắm ở tập thơ này. Chẳng thế mà tác giả đã thốt lên: “Ta thưa thớt lần về/ Mộ cha đan dày cỏ/ Gió va tràn nẻo quê”. Chẳng thế mà tác giả đã xa xót khi “Niềm tin vá chắp rối bời/ Nhát dao chém giữa tả tơi cuộc tình” : “Tam tòng thả rác bậc thềm/ Bão xô tứ đức,… lạt mềm buộc đâu?/ Theo người nào biết nông sâu/ Làm sao tránh sóng vỗ đau mạn thuyền”. Và khi “Niềm tin vụn vỡ” thì: “Trời xanh giông tố ai lường/ Niềm tin vụn vỡ, trăm đường đắng cay/ Chuông chùa vọng đến chân mây/ Mà không ngăn nổi trời đầy bão giông”, v.v…

Còn có thể kể vài bài thơ nữa về “vùng bão nổi” trong tâm tưởng, trong cảm thức và trong một số ngẫu cảm của Nguyễn Thành Tâm – Đại Ngàn. Nhìn chung, khi nào những câu thơ có sức dồn nén sau những ý thơ, tứ thơ được hoài thai một cách công phu, thì khi đó sự khai phát ở những câu then chốt sẽ gây được hiệu ứng bất ngờ và sâu sắc. Nói như nhà thơ Chế Lan Viên là: “Cái nhát thiên tài loé ở cuối câu”. Bởi theo ông, mỗi bài thơ là một trận chiến chữ nghĩa, nên “đà đao” là vô cùng quan trọng: “Đánh giáp lá cà trong trận chữ/ Đừng lui vào thế thủ/ Bước đường cùng thì cũng phải đà đao”. Không “đà đao”, không thể có “nhát thiên tài”. Theo tôi, ở tập thơ “Qua vùng bão nổi”, Nguyễn Thành Tâm khai triển cảm xúc trên nhiều bình diện, nhiều lát cắt của cuộc sống do mình trải qua, có một số bài do chưa được đầu tư công phu, chưa được chọn lọc kỹ, đôi khi dàn trải, thậm chí dễ dãi nên chưa tạo được hiệu ứng cảm xúc cần thiết. Nghĩa là khi cần “đà đao” thi chưa “đà đao” được. Tỷ như các bài: Thơ và Tổ quốc tôi, Tháng Tư, Lời chúc cho mẹ – ngày 20/11, Đi thôi em… Song, phải khẳng định rằng, thành công của “Qua vùng bão nổi” chính là sự hướng nội của một tiếng thơ nhân hậu đã tạo đà, tạo độ nén nhất định cho sự thành công của tập thơ thứ hai “Chạm nẻo người dưng”.

 

“Chạm nẻo người dưng” bao gồm 65 bài thơ được xếp sắp không theo trình tự thời gian sáng tác, có phần tuỳ hứng cho tăng độ phiêu bồng. Trong tập này, Nguyễn Thành Tâm thổ lộ: “Trên những nẻo thăng trầm, buồn vui chạm tới tâm hồn. Những khoảnh khắc hư thực của thơ sẽ giúp ta phần nào tách mình ra khỏi bộn bề cuộc sống hiện tại… Chạm nẻo người dưng sẻ chia, đồng cảm, cho bước chân ta thi vị, bao dung, hướng thiện… Trên đường đời, thương nhé cả cỏ cây/ Bởi bao kiếp luân hồi ta đâu tỏ/ Sỏi đá dưới chân biết đâu nghe ta thở/ Lặng im thương trên mối lối ta về”. Đó là tâm nguyện của chị, cũng là thông điệp tâm hồn của chị ở tập thơ này.

Nếu như “Qua vùng bão nổi” là một điểm tựa cho “Chạm nẻo người dưng” trong mối quan hệ nhân quả, thì Nguyễn Thành Tâm trong “Chạm nẻo người dưng” cũng đã đặt được một điểm trụ khá vững để từ đó khai triển các cảm thức của mình qua bài thơ “Say trong mơ” ở trang 70 của tập sách thứ hai này. Ta hãy đọc toàn văn bài thơ “Say trong mơ”:

 

Nào thì ấy cứ rót đi

Say say tỉnh tỉnh đêm thì mặc đêm

Dìu nhau một quãng nên duyên

Nhỡ mai sấp mạn neo thuyền bến xa.

 

Nào thì ấy cứ nói ra

Dối gian cũng được miễn là ta say

Bờ vai đủ dựa canh này

Giấc mơ khép mở cho ngày chưa qua.

 

Ừ thì, ta lạc bên ta

Trăm năm một cuộc dẫu là phiêu du.

 

Có thể nói, “Say trong mơ”, nhưng lại rất tỉnh, tỉnh ở “nhỡ mai sấp mạn neo thuyền”, ở “bờ vai đủ dựa canh này”. Bài thơ đứng chênh vênh giữa lạ và quen, giữa vực ý và vực nhạc, theo tôi, bài thơ có sức gợi. Tôi coi đây là một điểm trụ cho bước chân Nguyễn Thành Tâm “thi vị, bao dung, hướng thiện” mà chị hằng ấp ủ, ao ước. Và chính như vậy, các “nẻo người dưng” đã được Nguyễn Thành Tâm khai triển với các khuôn hình thấm đẫm chất nhân văn qua các thân phận, các cuộc đời người. Đây là bốn câu thơ động lòng trắc ẩn trong bài “Mũ ni”: “Khói chiều quẩn mái chùa cong/ Sương giăng vây tấm nâu sòng tội ai… Sương rơi đẫm vạt cỏ mềm/ Mõ khua trầm tích… thiên đường còn xa”. Đây là sự xót xa, nuối tiếc một mối tình đã mất trong bài “Còn gì”: “Vượt qua/ Bao nẻo non cao/ Tôi về/ Ngụp lại thuở nào tìm em/ Đáy sông/ Sỏi đá còn quen/ Nỡ nào/ Em bỏ/ Tôi bên nắng trời!”. Và đây là nỗi đau của người mẹ mất con trong bài “Con đâu?”: “Gió lùa bao đợt phên thưa/ Ngày xưa mẹ chắn bão mưa bao lần/ Giờ đây đơn bước tủi thân/ Bóng con mãi cứ xa gần chiêm bao”. Còn đây là tấm lưng bà của mặt trời bé thơ trong bài “Lưng bà”: “Còng lưng cõng cháu thung xa/ Mạ non, tóc bạc vương nhoà ruộng sâu/ Bàn tay rớm máu bùn nâu/ Mồ hôi đẩy nắng bấc cầu cháu qua”, v.v… Mỗi câu thơ một ân tình với từng “nẻo người dưng” trên đường đời ẩn chứa một tấm lòng nhân hậu của Nguyễn Thành Tâm – Đại Ngàn, khiến tôi hết sức cảm động và gửi gắm một niềm tin vào thơ chị.

Khép lại bài viết về hai tập thơ “Qua vùng bão nổi”“Chạm nẻo người dưng”, tôi hy vọng Nguyễn Thành Tâm sẽ có những bước tiến mới trên hành trình thơ ca của mình, thực hiện được điều chị hằng mong muốn: “… Sau cuồng phong sông cuộn mình mắt đỏ/ Lại lắng dòng dâng hết những xanh trong”. Tôi cầu mong chị hãy “dâng hết những xanh trong” cho đời và cho thơ!

                         Phố Vương Thừa Vũ – Hà Nội

       3 giờ sáng 26-1-2018

 >> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…