Quang Dũng – Người thơ của xứ Đoài mây trắng

711

Nguyễn Quỳnh Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Quang Dũng – Bùi Đình Diệm (1921-2021) là nhà thơ tài hoa của quê hương xứ Đoài giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những đóng góp của ông với nền văn học nước nhà.

Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài trên nhiều lĩnh vực: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc nhưng ông nổi tiếng trước hết là thơ mặc dù Quang Dũng viết không nhiều và không liên tục. Thơ Quang Dũng tài hoa, dung dị, hồn nhiên, đa cảm và giàu dư vị lắng sâu nhất là thơ viết về người lính và mảnh đất xứ Đoài với những trầm tích văn hóa ngàn đời.

Nhắc đến Quang Dũng, người đọc nghĩ ngay đến bài thơ Tây Tiến và ngược lại, bài thơ ra đời cuối năm 1948 khi người lính Quang Dũng rời xa đơn vị Tây Tiến một thời gian. Bài thơ lúc đầu có tên Nhớ Tây Tiến, in năm 1949 trong tập “Thơ” do nhà xuất bản Vệ quốc quân Liên khu III ấn hành, đến năm 1957 khi đưa vào tập Rừng biển quê hương, in chung với Trần Lê Văn (NXB Hội nhà văn), Quang Dũng mới bỏ chữ “Nhớ” đi. Hơn 70 năm đã trôi qua, bài thơ Tây Tiến đã ngấm vào lòng bao thế hệ bạn đọc về hình ảnh người lính trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ mà hào hùng. Người lính trong bài thơ Tây Tiến là những thanh niên trí thức Hà Nội nhưng cũng trải qua đời sống chiến trường gian khổ, thiếu thốn. Họ chiến đấu ở nơi rừng thiêng nước độc, bệnh sốt rét hoành hành nên tóc rụng, da xanh xao nhưng vẫn toát lên vẻ oai nghiêm, dữ dằn khiến kẻ thù khiếp sợ, mọi khó khăn đó không quật ngã được họ:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

                                        Tây Tiến

Người lính ra đi với một lý tưởng cao cả: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh, họ sẵn sàng hiến dâng đời xanh, tuổi trẻ cho Tổ quốc, dân tộc:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

                              Tây Tiến

          Ngoài bài thơ Tây Tiến, hình tượng người lính còn trở lại trong nhiều bài thơ của Quang Dũng như Đường 12, Quán nước, Nhớ, Lính râu ria… mỗi bài thơ đều đã phác họa, ghi nhận những hình ảnh chân thực về người lính trong kháng chiến chống Pháp với những nét dung dị, đời thường. Nỗi nhớ vợ con, người thân, quê hương luôn da diết trong nhiều bài thơ, câu thơ. Người lính trẻ ghé qua quán nhỏ trên đường hành quân gặp mẹ con chị bán hàng, hình ảnh cháu bé gợi cho anh nỗi lòng bâng khuâng vời vợi:

                    Cô bé năm tháng tròn

                    Tuổi anh vừa ba mươi

                    Vợ anh giờ này đâu?

                    Anh mỉm cười rười rượi

                    …

                    Khuya khoắt sông bờ vắng

                    Tiếng súng rền xa xa

                    Lính mấy chàng phanh ngực

Hát nhẹ lên bài ca

                              Lính râu ria

Bên cạnh hình ảnh người lính, quê hương, đất nước cũng là mảng đề tài quen thuộc trong thơ Quang Dũng. Những địa danh Sài Sơn, Bương Cấn, Phủ Quốc, Sơn Tây, Ba Vì… trong thơ ông luôn rưng rưng hoài niệm, bảng lảng khói sương huyền thoại, lắng sâu trầm tích văn hóa ngàn đời của mỗi làng quê Việt. Bài thơ Mắt người Sơn Tây là một thi phẩm toàn bích của Quang Dũng  và cũng là một trong những bài thơ hay nhất của thi ca Việt Nam hiện đại về quê hương. Mỗi dòng thơ, mỗi hình ảnh đều chứa đựng cảm xúc về một miền quê vời vợi nhớ thương trong khói lửa chiến tranh:

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?

                                                  Mắt người Sơn Tây

          Vượt lên những đau thương mất mát, Quang Dũng hướng người đọc đến một ngày mai thanh bình, hết mùa chinh chiến, chỉ còn tiếng ca hân hoan chiến thắng để trở về những gì gần gũi, thân thương. Một nhà thơ đã từng nói tình yêu nước bắt đầu từ những gì gần gũi, thân thuộc với mỗi con người.

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

                              Mắt người Sơn Tây

          Trong những bài thơ Quang Dũng để lại, có một bài mang tinh thần phản đối chiến tranh rất rõ, điều đặc biệt của bài thơ là nhà thơ xót thương cho người lính trẻ bên kia chiến tuyến đã nằm lại trên đất Việt Nam, với nhan đề rất lạ Chabbi Chabbi. Một cái tên khắc trên mộ chí của người lính trong tiểu đoàn Âu Phi nằm lại trên quê hương Việt Nam khiến Quang Dũng không khỏi nhói đau. Nhà thơ còn hình dung nỗi mong chờ của bao người thân phia bên kia chân trời để xót xa người lính trẻ nằm xuống khi tuổi đời vừa hai mươi, nỗi đau của người mẹ mất con dù ở bên nào cuộc chiến chắc cũng đều giống nhau, Chabbi Chabbi một bài thơ mang đậm chất nhân văn:

Chabbi Chabbi
Tên như một bài thơ rất đẹp
Bằng thứ tiếng nước nào
Chabbi đã nằm dưới mộ

Còn bao giờ về tới quê hương…
Chabbi Chabbi
Tuổi còn xanh, mắt còn tha thiết

Chabbi Chabbi
Có bao giờ qua biển
Để về với đất trời bên ấy
Hai mươi tuổi trẻ nằm đây
Lòng đất Việt Nam hiền hậu

Thôi những ai bên kia chân trời
Đừng dành góc nhà nhỏ thân yêu
Đừng mong bóng trang phục quân nhân
Hiện về quê cũ
Mang những tấm hình
Những thành phố viễn chinh
Về làm quà cho em nhỏ, họ hàng
Hỡi mẹ nghèo ơi!
Thôi cũng đừng mong

                    Chabbi Chabbi

          Hơn ba mươi năm Quang Dũng đã rời xa cõi thế nhưng những vần thơ ông để lại vẫn thao thức trong lòng người bạn đọc. Tôi cứ hình dung hồn thơ ấy đang rong ruổi trên những áng mây khắp dải Ba Vì, thành Sơn, phủ Quốc hay những mảng đá ong trầm tích xứ Đoài. Để khép lại bài viết nhỏ này xin mượn mấy câu của nhà thơ Yên Thao viết về ông, nhà thơ của Mây đầu ô, của xứ Đoài mây trắng:

                    Duyên thơ để mãi cho đời

          Nghìn năm mây trắng xứ Đoài nhớ anh.

N.Q.A