Bắt đầu từ một ngày mưa thay sương mai rơi xuống làm mềm mặt đất, tôi đón mặt trời trong nỗi nhớ, cũng từ đâu ùa về, những mầm xanh chen bật trước mắt, leng teng nẩy đua nhau lên như lo nỗi một mai không có chỗ cho mình góp mặt. Tôi nghe tiếng mưa rơi xuyên không đậu xuống hạt vi lau xào xạc bến bờ đầu bãi.
Tranh sơn dầu của họa sỹ Trần Thế Vĩnh
Đông Hà có một bãi sông…
Bãi sông đó ngày xưa khi còn thơ gái, những chiều hoàng hôn tôi đã biết thơ thẩn nhặt nắng tãi trên bóng cây bắp ai kia trồng bởi tiếc đám đất bồi. Đám đất bồi bé bằng bàn tay trẻ nít mọc doi lên giữa sông, từ cầu Đông Hà ngó xuống như một thỏi đồ chơi tí xíu của bạn nhỏ nào một hôm theo mẹ qua sông lỡ tay đánh rớt. Những buổi tối mùa hè năm cũ, tôi thường đạp xe lên cầu, tựa vào lan can, nghe gió chạy lên từ sông, ngắm nhìn bãi đất bồi mà lòng tự hỏi, đâu là quê nhà của Đất?
Rồi sau mang thân đi khắp nơi cùng chốn, đến mỗi vùng tôi vẫn thường ngồi bệt xuống nơi xứ, chỉ để được chạm vào đất, vào cát, vào từng hạt sỏi gồ ghề khơi lên những vỉa mạch đang chở che đôi chú côn trùng lấp ló dưới những con đường ngoằn ngoèo mang đời sống riêng của muôn loài khác. Những lúc như thế, tôi lại không ngừng nguôi nghĩ, quê nhà của Đất, rốt cuộc, là nơi đâu?
Quê nhà nơi đâu? Quê nhà của Đất nơi đâu? Vẫn là câu hỏi ám ảnh tôi cho đến lúc đầu tóc hai thứ bạc. Để những ngày mưa tuôn như suối như sông cuốn phăng bao nguồn cơn rừng núi về thả lại đồng bãi những ngổn ngang, tôi lại càng dằng dai tâm khảm những hạt nổi trôi phù sa không biết nơi đâu cội rễ. Năm hai ngàn không trăm hai mươi, con người xứ tôi đã trải qua những tàn khốc dâu bể. Tôi không biết nhà tiên tri nào đã đưa ra những dự báo kinh khủng như một quy luật trời dành, tôi cũng không biết những nghiên cứu khoa học nào đã chứng minh những đổi thay mất mát của thế giới tự nhiên, tôi cũng không biết những trò lobby nào để ngôi vị cao nhất hành tinh có thể rơi vào tay lãnh tụ hay lãnh chúa… Nhưng tôi rõ mười mươi một điều, nơi tôi đã sống, đang sống và hằng sống, những Hạt Đất đã trôi qua bao điêu tàn thương khốc để hôm nay nở hoa trên bồi bãi.
Khi tôi trở lại Đông Hà sau những ngày bão lũ, lại một chiều ngợp gió đứng trên cầu Đông Hà nối đôi bờ sông Hiếu, doi đất dưới sông tí tách nở hoa đón cười. Một màu nâu mướt rượi thơm tho đang chờ tay người xới và trỉa gieo. Tôi đi men theo con sông. Dòng sông trôi hay bờ sông đang trôi hay chính tôi trôi về ký ức của nụ hôn bến sông thuở yêu người. Hôm nay sông đang hát lời mời về một dòng mới của bãi bờ phù sa. Chiếc xe lang thang một mình mà tôi ngỡ mình là du tử, đã đưa tôi đứng ngút ngàn gió chiều trong cơn say mây trên cầu Cam Lộ, ngược mắt nhìn xuống chao ơi triền sông hoa mướp vàng chao liệng bóng nước ngăn ngắt ngày nắng xanh. Mùa này, ai trồng cải trồng mướp bao giờ đâu sao tôi hoa mắt màu vàng ấy? Ồ không, bật về trong tôi dòng tin của Facebooker Huy Nguyen: “Từ 2/12 đến 14/12 trời yên, biển lặng. Ai cưới hỏi, dựng nhà, đi chơi cứ thế tiến hành… Bà con miền Trung cũng có thể phục hồi lại hoạt động sản xuất kinh doanh, trồng rau xanh ngắn ngày, nuôi gia cầm và trồng hoa phục vụ tết Nguyên đán.” Tôi thầm cảm ơn biết mấy con người tài trí chưa một lần gặp mặt đã giúp đồng bào tôi trong cơn bão lũ lịch sử tháng 10, 11 vừa rồi biết mấy. Và tôi biết sức sống của Đất mãnh liệt vô cùng. Chỉ cần trời xanh lại, nắng vàng lên, con người lại miệt mài gieo trồng bao mùa vụ. Mà thương quá là thương, thời gian này, chưa trúng mùa, vẫn vại cải gieo ngò vun thêm giàn mướp, cho đất được lên xanh để ít ra mắt nhìn lại được thấy màu tươi mới.
Tôi bắt gặp màu tươi mới ấy trong đôi mắt chị Trang, người chị gái hồn hậu với nồi cháo vịt xông hương thơm lừng ký ức ngay nơi góc nhỏ nép bên lề đường vào ra chợ Đông Hà. Một hôm về chợ, cái đứa tôi lơ ngơ hỏi thăm những mảnh vỡ tuổi thơ một thời líu ríu dắt nhau chạy bãi dọc bãi ngang ngùng ngoằng trong nỗi nhớ, bỗng nhiên nghe dậy mùi tao tao nồng nã mà ấm êm cái ký ức thuở thiếu thời, tôi lần theo sợi gió đưa hương, bắt gặp đôi mắt trong veo, nụ cười đẫm tình yêu thương của người chị năm xưa có lần dắt tôi dạo chơi trên triền đồi Cọ Dầu xanh thẳm. Trái tim tôi reo lên mấy nhịp, chị Trang, phải đúng chị Trang rồi. Ríu ríu ran ran đôi tay chị thoăn thoắt múc từng sợi từng thanh từng dòng từng giọt… sao tôi nghe thương lắm bàn tay không còn cầm được thanh xuân nhưng sao mỗi nhịp thoắt đưa lại khiến cái đứa tôi nghe giàn giụa mùi tuổi nhỏ trở về. Chị bây giờ, sống ra sao? Hành ngò em ăn, đó là từ nương vườn nhà chị. Nước lút xong rồi, chị dọn vén cửa nhà sửa lại vườn rau gầy lại đôi gióng. Bây giờ, tất cả lại lên xanh.
Đồng bãi đã lên xanh. Thị thành thay áo mới. Tôi không cần thời gian chờ đợi nỗi u hoài bởi những con đường hôm nay vẫn thâm trầm màu của Đất. Mà Đất thì bao giờ cũng nuôi dưỡng sự Hồi sinh. Đất tự thẳm sâu, đã tự tính nên thành một Quê Nhà.