Ra mắt 21 đầu sách của Hội viên Hội Nhà văn Cần Thơ xuất bản trong 9 tháng đầu năm 2020

832

Ngày 10-10-2020, tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, Hội Nhà văn Cần Thơ đã tổ chức giới thiệu 21 đầu sách của 18 tác giả xuất bản từ tháng 01 đến tháng 9 năm 2020. Nhà văn Nguyễn Trung Nguyên – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Cần Thơ đã có bài điểm những nét nổi bật về nội dung và nghệ thuật một số đầu sách. Văn Chương Phương Nam xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Các tác phẩm trong buổi ra mắt

Nguyễn Trung Nguyên

  (PCT thường trực Hội Nhà văn Cần Thơ)

9 tháng với 21 đầu sách hầu hết đều tự bỏ tiền túi ra in ấn, tôi không biết đó có phải là kỷ lục trong các Hội Văn học nghệ thuật địa phương hay không và nhất là hoạt động này lại rầm rộ nhất trong hai đợt dịch bệnh và giãn cách xã hội vừa qua. Nhưng với tôi nó minh chứng cho một điều văn chương có một chỗ đứng riêng biệt, một vị trí vượt lên trên những biến động xã hội. Chỗ đứng ấy ở ngay trong lòng mỗi người cầm viết, hòa mình với tình tự chung để vận động trở thành sức mạnh văn hóa, nuôi dưỡng truyền thống Việt Nam trước mọi biến cố lớn nhỏ.

Điểm khá lý thú trong lần ra mắt sách này là chúng tôi có tác phẩm của một trong những hội viên cao tuổi nhất là nhà thơ Phan Huy đã 80 tuổi với tuyển 101 bài thơ in bìa cứng trang trọng, và người cầm viết trẻ nhất Phát Dương cùng lúc in hai tập truyện ngắn “Bộ móng tay màu đỏ” và “Mở mắt mà mơ” do Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ phát hành.

Tự bỏ tiền túi ra in ấn hay được một đơn vị nào đó đầu tư đều có chung một xuất phát điểm là năng lực sáng tạo của người cầm viết và mỗi một tác phẩm đến với bạn đọc là một giấy chứng nhận hùng hồn nhất cho công việc nhọc nhằn mà nhà văn suốt đời theo đuổi.

Ra mắt sách tập thể lần này chúng ta không đủ thời gian để chia sẻ đến đầu đến đũa một tác phẩm, một tác giả nên tôi chỉ xin có đôi nét chấm phá cho từng đầu sách hôm nay.

Đầu tiên là tác phẩm có “cấp bậc” cao nhất “thiếu tướng” do nhà văn Vũ Thống Nhất chấp bút “Người lính hát trọn khúc quân hành” là những ký ức của Thiếu tướng Trần Văn Niên (Tư Niên) nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9 về quê hương, gia đình, buổi đầu tham gia cách mạng và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam; những chiến dịch, những trận đánh điển hình của đơn vị, mà ông là một trong những nhân chứng trên cương vị từ người lính đến người chỉ huy; những vùng đất con người, đặc biệt là chiến trường Tây Nam bộ với những trận đánh hào hùng đã đi vào sử sách; những mất mát, hy sinh của đồng đội, những người vợ, người mẹ trong chiến tranh đã được Nhà văn Vũ Thống Nhất thể hiện một cách sinh động, khúc triết, giúp bạn đọc hiểu thêm về chân dung một người “Lính Cụ Hồ” ở chiến trường miền Tây sông nước. Thông qua tác phẩm này đem đến cho bạn đọc, gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng đội và thế hệ trẻ hiểu thêm về cuộc đời một con người giản dị, hiền từ trong cuộc sống đời thường, nhưng rất sáng tạo, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu và năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế. Cuốn sách cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về thực tiễn chiến đấu trên chiến trường sông nước miền Tây, để lực lượng vũ trang học tập, vận dụng vào quá trình huấn luyện, chiến đấu; là lời tri ân với Đảng, với Bác Hồ, với đồng bào, đồng chí, bà con, gia đình, người thân đã cưu mang, đùm bọc những lúc khó khăn, gian khổ để Thiếu tướng Trần Văn Niên an tâm chiến đấu, công tác.

Quyển thứ 2 có cùng mạch cảm xúc về chiến tranh là tập bút ký Huyền thoại giữa đời thường tác giả Trần Thanh Chương do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành gồm 16 bài ký sự và tản văn được nhà văn chắt chiu từng số liệu, từng sự kiện. Phần lớn nội dung trong tác phẩm này là những bài ký sự, trong đó có ba bài vừa mang chất văn học vừa mang tính báo chí như: Ký sự Philippin, Một thoáng Tokyo, Biên cương ngày ấy.

Tuy nhiên, nổi bật nhất là ba bài ký sự nhân vật:

– Bài thứ nhất Lão phi công huyền thoại viết về anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy. Đây là nhân vật nổi tiếng từ những năm 60 của thế kỷ trước sau khi ông đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc.

– Bài thứ hai Huyền thoại giữa đời thường cũng chính là tên cuốn sách viết về cựu tù binh Nguyễn Đức Hoè là người chỉ huy cuộc đào hầm vượt ngục thành công nhất trong lịch sử Trại tù binh Phú Quốc. Đây là cuộc vượt ngục ly kỳ như huyền thoại khi 41 tù binh thoát ra qua đường hầm dài hơn 80m được đào trong thời gian hơn 5 tháng. Có 26 tù binh về được đến chiến khu phía Bắc đảo và tiếp tục chiến đấu cho đến ngày thắng lợi. Những con người đã đi vào huyền thoại ấy, bây giờ vẫn đang âm thầm sống quanh ta, trong đó có anh Nguyễn Đức Hoè tại Cần Thơ.

– Bài thứ ba Tiến sỹ nước dừa viết về Đại tá, bác sỹ Võ Tá Thông, nguyên Giám đốc Bệnh viện 121, Quân khu 9. Ông là vị Tiến sỹ y khoa đầu tiên của Quân khu này. Có nhiều sự kiện đặc biệt và độc đáo gắn liền với cuộc đời ông: Nam tiến 1946, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, đi vào chiến trường Nam Bộ bằng “tàu không số” 1964. Điều lý thú, ông là bác sĩ đã sử dụng nước dừa nhiều nhất thay thế dịch truyền (một kỹ thuật độc nhất vô nhị trên thế giới) để cứu sống hàng ngàn thương bệnh binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Có thể gọi cả ba nhân vật trên là huyền thoại. Những con người ấy giờ đây phần lớn đã đi vào cõi vĩnh hằng. Vì vậy, các bài viết của nhà văn Trần Thanh Chương không chỉ đơn thuần là ký sự nhân vật mà còn là ký sự lịch sử rất giá trị.

Cùng chung đề tài về chiến tranh quyển tiểu thuyết “Mẹ Việt Nam ơi!” của nhà văn Nguyễn Thị Thanh Ngọc nói về một số nhân vật đã được ít nhiều người biết tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc. Đó là nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định. Nguyên bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình. Chị Sứ (Phan Thị Ràng). Bà Sáu Mẫn (giả trai đi bộ đội). Những người con đất Cần Thơ như: Bà Thái Thị Nhạn (người treo cờ búa liềm ở chợ Bình Thủy năm 1930). Nữ tình báo anh hùng Trần Thị My (người đánh tàu Pháp trận Vàm Xáng Xà No năm 1947). Gia tộc họ Đào làng Phú Thứ (nổi bật là vị trung đội trưởng Trung đội Cộng hòa vệ binh làng Phú Thứ, cùng vợ và con gái ông là 2 nữ tù chính trị bị giam cầm nơi nhà tù Côn Đảo) vân vân… Những người phụ nữ ấy xuất thân từ các tầng lớp khác nhau, quê quán khác nhau, nhưng có một đặc điểm chung nổi bật là: ai cũng vượt lên chính mình, vượt nỗi niềm riêng, gia cảnh riêng, một lòng đi theo cách mạng, tham gia kháng chiến trường kỳ giành lại nền độc lập, tự do cho Tổ Quốc! Không chỉ người mình! Tác giả còn có cái nhìn của người trong cuộc phía bên kia đánh giá về nỗi đau và ý chí của người Việt Nam trong cuộc chiến tranh Việt Nam! Mà theo bác sỹ tình nguyện Mỹ tại Việt Nam Allen Hassan, thì “Nước Mỹ không thể chuộc lỗi về những gì đã gây ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam!” – với những sự thật chưa từng được tiết lộ (vào thời điểm ông cho ra đời quyển sách “Không thể chuộc lỗi” – xuất bản giới thiệu tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt ở Đức năm 2006).

Ngoài ra, trong tiểu thuyết Mẹ Việt Nam ơi! còn có những “trích đoạn” các triều đại Việt Nam – có thể giúp giới trẻ lượm lặt được những điều cốt lỏi nhằm ghi lòng, tri ân các bậc tiền nhân dốc sức xây dựng nước nhà, giành độc lập, giữ cơ đồ và mở rộng cõi bờ cho đất nước Việt Nam.

Các tác giả có sách giới thiệu trong đợt này 

Ở thể loại thơ trong số 8 thi phẩm ra mắt lần này thì tuyển 101 bài thơ có tên “Ngược bến sông mơ” của nhà thơ Phan Huy vượt trội hơn các tập khác cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhà thơ lớn tuổi nhất, tập thơ đầy đặn nhất, số lượng bài trong tập nhiều nhất. Thơ của ông lập tứ chặt chẽ, quan sát tinh tường bằng con mắt của người trọn đời làm báo. Như đã có lần ông chia sẻ: “Không nhất thiết phải trở thành nhà thơ chuyên nghiệp nhưng nhất thiết mọi người yêu thơ nên là nhà thơ của chính mình”. Bản thân tôi rất thích mảng thơ tình của nhà thơ U80 này mà hai câu: “Khi nào nhắm mắt xuôi tay/ Thì ta mới dám là người thủy chung” chắc đã nói thay không ít người.

Cũng cùng thể loại thơ, cùng “tuổi hưu” như nhà thơ Phan Huy nhưng tập thơ ra mắt lần này lại là tác phẩm đầu tay của nhà thơ Trần Thi. Nhà thơ tóc trắng của chúng ta trở lại với sự rung động của tâm hồn qua những vần điệu khi gánh nặng cơm áo đời thường đã không còn là nỗi trăn trở. Và thơ đối với anh là sự góp nhặt đúng như cái tên tập thơ “Những vần thơ góp nhặt”; đó là nỗi lòng của người con gởi đến mẹ, là tâm tình cùng người chung chăn xẻ gối, là lặng thầm tháng Sáu, là uống rượu một mình…

Bốn câu thơ đầu tiên như một tuyên ngôn của anh:

Tôi chưa là nhà thơ

Chỉ trải lòng trên giấy

Đời có sao viết vậy

Thêm một chút mộng mơ

Chưa phải là nhà thơ như mình tự nhận nhưng xuyên suốt 72 bài được in trong tập thơ, người đọc sẽ nhận ra một tâm hồn mẫn cảm biết bao với sự vật, con người và cả thời cuộc. Nghĩ sao viết vậy không quá lệ thuộc vào câu chữ nhưng không ít câu thơ khiến người ta quặn lòng.

Tác phẩm đầu tay đối với người cầm viết chắc chắn là đứa con tinh thần được cưng chiều nhất, cái gì cũng muốn đưa vào như chính nhà văn Quốc Nam tự nhận: Nơi tình yêu ở lại là tập hợp các bài viết đầu tay nên ít nhiều còn vụng về trong câu chữ, văn phong, ý tứ xây dựng bố cục và tình tiết khắc họa tư tưởng cần truyền tải. Phần lớn bài viết trong tập này là những câu chuyện thật xoay quanh gia đình, người thân ruột thịt với nhiều kỷ niệm vui buồn trong cuộc sống, nên có thể xem đây là một món quà tinh thần mà tác giả dành trọn cho gia đình và bè bạn tri âm. Khi bạn đọc có trên tay quyển sách nhỏ bé này thì nhiều người trong các trang viết nay đã hóa ra người thiên cổ. Nhà văn Quốc Nam nghĩ vậy nhưng với tôi khi viết về những điều mình yêu thương cũng chính là lúc người viết hạnh phúc nhất. Đó là những trang viết không vướng bận chuyện áo cơm, không mơ màng danh vọng, không toan tính điều gì. Đó là những con chữ vắt máu từ trái tim, quặn lòng mà viết; những con chữ thấm đẫm nước mắt yêu thương và cồn cào nỗi nhớ.

Trong lần ra mắt sách tập thể lần này tôi nhận ra một điều lực lượng sáng tác văn học của thành phố Cần Thơ rất mạnh. Các anh chị âm thầm sáng tác, tự bỏ tiền ra in ấn mà không chờ mong một điều gì. Dù đó là tác phẩm đầu tay hay đã là tập thứ 1, 2, 3, 4… đến tập thứ 9, thứ 10. Đều chuyển tải đến bạn đọc những cảm xúc dạt dào của “Người thư ký thời đại’, mang thông điệp yêu thương gởi đến mọi người và luôn ước mong cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Trở lại với buổi ra mắt tác phẩm mới hôm nay có một quyển thuộc thể loại Phê bình văn học của nhà văn Lê Xuân. Đó là cuốn “Cảm nhận vẻ đẹp văn hoá, văn nghệ dân gian”.

Hãy nghe anh tự bạch:

Từ ấu thơ tôi đã được tắm mình trong lời ru của bà, của mẹ qua mỗi câu ca dao và những chuyện kể xen lẫn tiếng võng đưa kẽo kẹt của những buổi trưa hè hay khi hoàng hôn buông xuống.

Lớn lên, trong quá trình “kiếm sống” tôi đã đặt chân tới nhiều vùng, miền của đất nước, và tìm thấy nhiều vẻ đẹp của văn hóa, văn nghệ dân gian. Điều đó, in đậm dấu ấn trong lời ăn tiếng nói, trong chế biến những món ăn dân dã, trong cách sinh hoạt, trong kiến trúc đình chùa, nhà cửa, trong các lễ hội ở làng xã, vùng miền, quốc gia… Tôi cảm ơn “người thầy” văn hóa dân gian đã giúp tôi lớn khôn về trí tuệ và tâm hồn.

Vì thế, mỗi lần đọc một câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, hay nghe một làn điệu dân ca, thưởng thức một món ăn, hoặc xem một mái đình, ngôi chùa, nhà cổ nào đó… tôi đều cố gắng ghi lại những cảm nhận của mình. Và như tìm được sự tiếp nối, đồng cảm của dòng chảy văn hóa giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Một điệu hò dô huầy của xứ Thanh, một điệu chầu văn, cò lả, hay một làn hát xẩm, hát ghẹo, hát xoan của đồng bằng Bắc Bộ, một câu quan họ Bắc Ninh, một giọng hò mái nhì, mái đẩy của xứ Huế, hoặc một câu hò, điệu lý Nam Bộ… luôn xao xuyến hồn tôi…”.

Dù những trang viết ở tập sách này chỉ là những cảm nhận mang sắc thái cá nhân của nhà văn Lê Xuân ở một góc độ nhất định về vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian, thì quyển sách cũng chính là một kho tư liệu quý giá cho những ai cần nghiên cứu, tham khảo.

Cùng mảng văn xuôi như nhà văn Lê Xuân chúng ta có thêm một tác phẩm của nhà văn Đặng Phúc Minh. Cuốn “Từ niềm tin đến niềm vui” là tác phẩm thứ 8 của anh. Hiện nay anh cũng đã in ấn xong cuốn thứ 9 có tên “Mẹ nguồn yêu thương vô bờ” sẽ được ra mắt vào một dịp khác tới đây. Như một người đi rao giảng về những điều tốt đẹp “Niềm tin” mà nhà văn Đặng Phúc Minh đặt ra trong tác phẩm thứ 8 của anh đó chính là Tình yêu. Và cho dù tình yêu thật mong manh như sợi tơ trời nhưng lại rất vững bền, cột chặt đời anh vào em; cột chặt đời em vào anh. Điều đó đã được chính tác giả mô tả trong 4 câu thơ:

Nhện giăng ít sợi tơ trời

Đong đưa ru võng nào rơi được mình

Tình yêu chẳng sợi tơ mành

Mà sao cột chặt chúng mình hỡi anh.

Bạn đọc còn tìm thấy tình yêu trong tác phẩm: Từ niềm Tin đến niềm Vui, qua các bài viết về: Sự chung thủy, Hy sinh yếu tố giữ gìn hạnh phúc, Một tấm lòng… Không chỉ gói gọn trong khía cạnh tình yêu, Niềm tin mà nhà văn Đặng Phúc Minh chuyển tải trong tác phẩm còn là: Sự chân thật, trung thực cộng với tình yêu là ba đức tính cần thiết đã đem đến hạnh phúc cho con người và xã hội loài người. Vì nơi nào có tình yêu, có sự chân thật nơi đó có sự lòng nhân ái, sự công bằng, tiến bộ, và văn minh… Tác giả cổ vũ cho cách sống nhân hậu, trung thực chan chứa tình yêu để mọi người cùng hạnh phúc và xã hội văn minh tiến bộ.

Trong số 21 đầu sách của anh chị hội viên Hội Nhà văn thành phố Cần Thơ phát hành 9 tháng đầu năm 2020 thể loại văn xuôi chiếm ưu thế với 13 đầu sách. Trong đó gồm: 5 truyện ngắn, 2 tiểu thuyết, 2 ký và 2 thể loại khác… Có người ra 2 đầu sách như nhà văn Nhật Hồng với tập thơ “Con số chẵn lẽ” và tập tiểu thuyết “Chuyện thế gian”.

Tập thơ “Con số chẵn lẻ” là một tập thơ khá dày dặn và nhiều tâm huyết được nhà văn Nhật Hồng thực hiện ngay trong những ngày giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 tháng 4 vừa qua. Hầu hết bài thơ của anh là những xúc cảm văn chương mới lạ, cho thấy sự đổi mới, phá cách trong phong cách sáng tác. Nhà thơ Nhật Hồng cho biết: “Con số chẵn lẻ” gồm có 3 phần. “Con số ảo” là sự chênh lệch giữa người bán và người mua, người ta đưa ra để có sự lựa chọn. “Con số phức tạp” là sự biến đổi khôn lường của vạn vật, không sự vật gì nằm yên một chỗ. Để nắm trong tay vật đó âu cũng là định mệnh! Còn với phần cuối “Con số chẵn lẻ”, theo nhà thơ Nhật Hồng, đời luôn có sự may rủi, điều gì đến sẽ đến, đó cũng là cái duyên. Ông lý giải thêm: “Cái duyên trong cuộc sống đời thường, thường hiếm hoi nhưng quý giá, như thơ chẳng hạn!”.

Chuyện thế gian” là tiểu thuyết thứ hai của anh, sau Chợ quê. Chuyện thế gian dày 196 trang, gồm có 16 chương: Với nhân vật “Hắn”; những năm nghèo đói khó khăn, Hắn lao động làm đủ mọi công việc để có cái ăn và tiền nuôi gia đình. Hết xuống sông đâm hà bá lại lên rừng phá sơn lâm cuối cùng duyên nợ thế nào lịa đưa hắn đến với nghề quét rác. Bằng giọng văn Nam bộ trải dài toàn tập nhà văn Nhật Hồng đã dẫn dắt người đọc say mê từ tình tiết này sang tình tiết khác, bất ngờ và cảm xúc mới lạ. Đáng khích lệ trong tiểu thuyết của anh là một tâm hồn luôn phấn đấu vươn lên dù trong nghịch cảnh, luôn tạo cho mình một thần thái an vui tích cực và chịu đựng.

Ở hai tác giả truyện ngắn “không còn trẻ” khác là Nguyễn Thanh và Thúy Kiều lại có cùng một điểm chung là công tác trong ngành giáo dục nên hầu hết những sáng tác gắn liền với công việc mà cả hai đang theo đuổi.

Yêu chỉ một lần” của nhà văn Nguyễn Thanh là tập hợp 21 truyện ngắn đã đăng trên các báo, tạp chí văn nghệ từ 5 năm trở lại đây.

Yêu chỉ một lần” là bản thông điệp nhân sinh cộng hưởng đến tình yêu, đạo nghĩa và ánh sáng triết lý của con người. Đọc qua tập truyện giàu tính trữ tình này, người đọc dễ dàng bắt gặp chân dung một nhà giáo thủy chung với vợ qua nhân vật Đan (tôi ngờ đây chính là nhà văn Nguyễn Thanh của chúng ta) giàu tính nghệ sĩ mà tác giả tự ví von như thế này “chẳng khác một chú trâu ngờ nghệch bị bũa vây bởi những chiếc cột sóng đa tình”.

Tính nhân văn của “Yêu chỉ một lần” còn bàng bạc trong những truyện còn lại của Nguyễn Thanh: tình anh em ruột rà trong Nghĩa Trần Huynh; lòng hiếu học hiếm thấy trong Thằng Mực; đạo đức gia đình cao quý trong Phương ngoại, thông điệp về nghĩa kim bằng trong Hệ lụy văn chương.

Ở nhà văn Thúy Kiều hầu hết những sáng tác của chị đều liên quan đến công việc dạy học như tên các truyện: Gia sư, Lập trình, Viên phấn… Với cô tình yêu môn văn chương nói chung và nghề dạy văn nói riêng luôn là niềm đam mê. Người đọc có cảm giác như tác giả không cố ý làm văn chương mà chỉ thủ thỉ độc thoại nội tâm những điều đã ám vào cuộc đời mình. Tác giả đã hóa thân vào mỗi nhân vật để chia sớt những vui buồn của cuộc đời họ, và kết thúc ở mỗi truyện đều có hậu.

Riêng truyện ngắn “Phải chi”“Viên phấn” xem như lời tự bạch của cô về sự nghiệp “trồng người”: “Chủ nhiệm giống như người mẹ quản lý một bầy con, phải quan tâm đứa này, phải chăm sóc đứa kia, phải kịp thời phê bình, tuyên dương để nhắc nhở động viên. Chủ nhiệm lớp như vị “quan tòa” giải quyết những việc thưa gởi vặt vãnh, của đám học trò “già con nít, non người lớn” kia”. Bằng lối văn đôn hậu trong giọng kể và từ ngữ chọn lọc đậm chất Nam Bộ, tác giả đã để lại trong tâm trí người đọc những nhân vật, những cảnh sắc thiên nhiên đầy ấn tượng.

Có hai nhà thơ “hai kẻ ngụ cư đáng yêu” tôi muốn gọi như thế vì cả hai người phụ nữ này quê quán đều không phải miền đất Cần Thơ nước trong gạo trắng. Nhà thơ Huệ Thi chôn nhau cắt rốn ở Quảng Nam, còn nhà thơ Đặng Tuyết cất tiếng khóc chào đời nơi quê hương Hà Tĩnh. Hai người phụ nữ sau bao thăng trầm của cuộc sống đã chọn Cần Thơ làm quê hương thứ hai, để sống, để yêu thương và làm thơ.

Với nhà thơ Đặng Tuyết “Về miền sông Hậu” là tập thơ thứ 3 sau tập “Quê hương nỗi nhớ trong tôi” in năm 2015 và “Điệu ví tình quê” năm 2016. Đây là một tập thơ mang nhiều ý nghĩa sâu sắc trong cuộc đời nhà thơ, kỷ niệm tròn 30 năm gắn bó với vùng đất Tây nam bộ này.

Ba mươi năm

Về miền sông Hậu

Bao nhiêu ký ức

Vui buồn ngẩn ngơ

Đúng vậy, Cần Thơ chính là quê hương thứ hai của chị. Cuộc hành trình ba mươi năm về miền sông Hậu đã mang lại nhiều dấu ấn không thể nào quên trong đời nhà thơ với biết bao niềm vui nỗi buồn xen lẫn những đau thương tưởng chừng không thể vượt qua nổi nghịch cảnh của cuộc đời.

Nhưng với sự nỗ lực của bản thân và sự động viên an ủi của gia đình, bạn bè, người thân đã tiếp thêm nghị lưc giúp chị vượt lên số phận. Và những buồn vui, tâm sự của riêng mình ấy được nhà thơ giải bày qua từng con chữ và cái nghiệp văn chương cũng bén duyên với chị từ đó như là một lẽ sống ở đời.

Qua rồi bão tố phong ba

Vần thơ kết trái nở hoa tặng đời.

Còn ở nhà thơ Huệ Th – cô MC duyên dáng của chúng ta tôi nghĩ biệt danh “người đàn bà đẹp làm thơ tình” dành cho cô là chính xác và phù hợp không sai vào đâu được. 6 tập thơ in riêng, 3 tập thơ in chung với số lượng mấy trăm bài “toàn là thơ tình”.

Đọc Huệ Thi, cái đầu tiên ta thấy là cô không hề vất vả làm thơ. Ai đó có thể căng mình, căng cả óc đánh vật với con chữ để cho ra vần ra điệu. Đấy là mới chỉ vần điệu thôi nhé, làm được một, hai câu thơ ra thơ thì khó lắm. Và để được một bài thơ có hồn có cốt được người đọc chấp nhận là một kỳ công. Vâng, Thơ là một cuộc chơi vắt kiệt tâm linh chứ không hề đùa. Nhiều người lao vào cuộc chơi thi ca đã bị tha nhân gọi là người cõi trên – và – khốn thay người của thơ đi đến cảnh giới của ngẩn ngơ mà vẫn không nắm được sự tuyệt diệu của nàng thơ. Đơn giản là họ làm thơ.

Huệ Thi và tất cả những bài thơ trong tập “Thăng Hoa” không hề có động từ “Làm” dính dấp vào. Người đọc thấy rất rõ là tác giả đã rất – thậm chí – vô tư phóng bút mà thơ vẫn cuồn cuộn, như nhu cầu đói phải ăn, khát phải uống, nó tự nhiên như một cô gái có tý nhan sắc nên luôn cười để làm đẹp cho cuộc đời. Huệ Thi hay làm thơ Lục bát – Loại thơ rất dễ làm nhưng khó hay. Nếu non tay nó sẽ hóa ca dao hay hò vè thô thiển. Trong thơ Huệ Thi sẽ không tìm thấy những ngôn từ mang tính hàn lâm, kinh viện, sáng tạo, cách tân… nhưng lại mượt mà như nhung. Như đã nói ở trên hầu hết thơ của cô là thơ tình. Yêu. Dang dở… có cảm giác như chính tác giả đang nói về những vụng dại ban đầu của mình.

Quán xưa

Ghế cũ còn đây

Đắng cay hôm ấy là hay đã rồi!

Trách gì kẻ trót đứng ngồi

Hờn gì câu bạc mấy hồi cũng tan…

Rõ ràng tác giả đã cắn viết suy tư nhiều lắm trước khi viết ra nhưng định hình xong những câu thơ trên thì lại cho ngươi đọc cái cảm giác tác giả viết như đùa, như chơi… và ngộ ra nếu không có cái duyên trời cho thì dễ chi có được nhưng câu thơ lay động mượt mà dường ấy.

Sau buổi ra mắt này tôi tin rằng Huệ Thi vẫn con đầy ắp những trang bản thảo chuẩn bị “sinh nở” tiếp những đứa con tinh thần khác.

Ở phần cuối của bài viết này tôi muốn dành thời gian giới thiệu hai hội viên “trẻ nhất” tuy mới bước vào giai đoạn khởi đầu của nghề viết, lại có bút lực sung mãn đang được chú ý trên văn đàn cả nước.

Đó là một Hoàng Khánh Duy chỉ từ năm 2017 đến nay đã in ấn 7 tác phẩm (1 tập tạp văn đang chuẩn bị in) và 8 tập in chung. Tập truyện ngắn “Đời sông như đời người” (NXB Dân trí) tham gia buổi ra mắt sách hôm nay lấy cảm hứng từ mùa nước nổi đồng bằng và hình ảnh con người lênh đênh mưu sinh trong mùa nước nổi, tác phẩm vừa tái hiện hiện thực cuộc sống, vừa ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người miền sông nước, đứng trước nghịch cảnh họ vẫn mạnh mẽ, có niềm tin vững chãi, khao khát những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Tập truyện bao gồm 12 truyện ngắn, do NXB Dân trí mua bản quyền, đầu tư in ấn.

Tôi muốn nhấn mạnh điều này tất cả những tác phẩm của Hoàng Khánh Duy đều được các nhà xuất bản mua bản quyền. Em chưa phải tự bỏ tiền ra in ấn cuốn nào.

Với nhà văn trẻ Phát Dương tôi xin đọc đoạn văn sau đây: “Thôi, ngưng cười. Cười chi mỏi miệng. Người ta trả oán rồi, mình cười có ốm bớt được kí lô nào đâu. Thì thôi ngưng cười. Giang khóc”. Vậy đó, đọc truyện ngắn của Phát Dương ta sẽ bắt gặp những cuộc truy vấn nội tâm đầy trắc ẩn, đầy ngóc ngách và ngày càng tinh xảo. Bao nhiêu thứ ấm ức vẫn tràn ra đó và rồi vẫn tự mình gỡ từng mối nhỏ. Nhỏ nhưng lại là tất cả. Khi sự nhạy cảm đủ tinh tế thì sự tháo gỡ cũng không kém phần tinh tế. Bề ngoài của nhà văn trẻ này thật mềm mỏng, dịu dàng nhưng khi thể hiện lại bộc phá dữ dội, dễ dàng khiến độc giả lầm tưởng của một kẻ trải đời viết ra. Những nhân vật của Phát Dương trăm bề bi đát và kiểu gì họ cũng sống được để mơ ước một ngày mai nào đó. Thế giới nhân vật của “Bộ móng tay màu đỏ” tập truyện ngắn ra mắt hôm nay dường như không có ai đang sống cả. Họ đang đơ và lặn ngụp. Ngay cả khi hể hả, khi lợi lộc về rồi đều là đang lặn hụp. Phát Dương đồng cảm hay đang quất một nhát roi căm phẫn vào khoảng không câm nín của một xã hội đang cùng mòn lẩn quẩn. Mọi thứ rõ ràng như vậy. Cuộc sống rõ ràng như vậy. Nhưng còn lâu nó mới thôi như vậy. Được biết tập truyên ngắn thứ 2 “Mở mắt mà mơ” của em cũng vừa được Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ in ấn xong. Chúc mừng em khởi sắc trên con đường văn chương đầy vinh quang nhưng cũng không ít nhọc nhằn.

Hội Nhà văn thành phố Cần Thơ hiện nay có trên 100 hội viên, hầu hết cư ngụ trên địa bàn thành phố hoặc quận, huyện lân cận. Có một số anh chị hội viên do hoàn cảnh gia đình đã chuyển đi các địa phương khác trong cả nước như: Bạc Liêu, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc. Tuy nhiên, họ vẫn gắn bó sinh hoạt và thực hiện mọi quy chế hội viên. Trong đó có nhà thơ Nguyễn An Bình hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh (anh được mệnh danh là người có nhiều thơ được phổ nhạc nhất Việt Nam trên 800 bài), nhân sự kiện ra mắt sách lần này anh gởi về tham dự 2 quyển: Tập truyện ngắn Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà gồm 15 truyện ngắn là 15 hạt phù sa lấp lánh trên dòng sông chữ nghĩa ghi lại mỗi tình cảnh, mỗi số phận khác nhau của kiếp người nhưng trong hoàn cảnh nào họ cũng vươn lên tìm ánh sáng và hạnh phúc cho mình và gia đình. Tập truyện “Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà” còn đem lại cho ta những khám phá thú vị nét văn hóa tinh tế, cung cấp thêm chút ít kiến thức về các vùng miền đất Việt hay ở những phương trời xứ bạn. Tác phẩm thứ 2 là Tập thơ Đường ngẫu dịch Đêm trăng đọc thơ Đường: Gồm 101 bài thơ của các thi nhân đời Đường được dịch theo cảm nhận riêng của tác giả một cách ngẫu hứng nhưng vẫn thể hiện nội tâm phong phú, tính cách phóng khoáng của các nhà thơ tài hoa trong một triều đại tương đối kéo dài trên một đất nước Trung Hoa cổ xưa bao la rộng lớn. Từ đó giúp ta hiểu được nhiều triết lý nhân sinh và người đọc tự tìm ra lời giải ở những góc độ khác nhau để hình thành nhân cách và chân lí cuộc sống cho riêng mình.

Trước khi chấm dứt bài tổng hợp này tôi xin giới thiệu 2 tập thơ: thứ nhất là tập Đêm sa nghiêng tác giả Mạc Tố Hồng vì lý do đặc biệt chị không thể đến tham dự hôm nay; thứ hai là tập Thơ trên tường facebook của tôi. Xin được trình bày ở một dịp khác.

N.T.N