Ra mắt bộ sách quý về lịch sử Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX

699

Bộ sách đồ sộ “Nam Kỳ và cư dân” gồm hai tập (NXB Tổng hợp TPHCM và Omega Plus ấn hành) của bác sĩ thuộc địa J. C. Baurac vừa được phát hành tại Việt Nam. Sách được chia thành hai tập: Tập 1: Các tỉnh miền Tây và Nam Kỳ và cư dân; Tập 2: Các tỉnh miền Đông.

Theo đó, tập đầu được chia làm hai phần. Phần một gồm 8 chương giới thiệu tổng quan về vùng đất Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh xưa); trong đó, tác giả dành những phần nội dung trang trọng để giới thiệu về Chợ Lớn và Sài Gòn. Phần thứ hai gồm 12 chương giới thiệu cụ thể về 11 hạt tham biện thuộc miền Tây thời Pháp thuộc (Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, Rạch Giá, Châu Đốc, Hà Tiên (và đảo Phú Quốc), Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu).

Tập 2 Nam Kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Đông sẽ giới thiệu các hạt thuộc miền Đông Nam Kỳ (Mỹ Tho, Gò Công, Tân An (theo cách xếp của người Pháp, 3 địa phương này thuộc miền Đông Nam Kỳ, khác với cách xếp của chúng ta ngày nay là thuộc miền Tây Nam bộ), Chợ Lớn, Gia Định, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Bà Rịa, Cap St-Jacques, Poulo-Condore (quần đảo Côn Lôn/Côn Đảo ngày nay).

Được biết, tác phầm của  J. C. Baurac  được hình thành thông qua những tư liệu đã được ông ghi chép ở Nam Kỳ từ năm 1886. Đây là những điều mắt thấy tai nghe trong quá trình ông thực địa sâu sát đến từng địa phương của Nam Kỳ để khảo sát về dịch tễ. Tiếp xúc với người dân bản xứ và quan chức thuộc địa cả người An Nam lẫn người Pháp, ông đặc biệt thấu hiểu xứ sở thông qua hành trình tác nghiệp dọc theo hệ thống sông ngòi chằng chịt của vùng đất này, cùng với đó là khả năng tiếp cận những dữ liệu về dân cư, địa chí, các đặc điểm địa lý và tự nhiên, lịch sử…

Theo giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử, tính đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều tài liệu viết về Bắc Kỳ thời xưa nhưng về Nam Kỳ lại hiếm. Bộ sách của bác sĩ J. C. Baurac nằm trong những cuốn sách sớm nhất về Nam Kỳ thế kỷ XIX qua con mắt người Pháp.

Theo Thảo Vy/Báo Văn Nghệ