Định giá sản phẩm còn là một khái niệm khá mơ hồ ở Việt Nam. Bộ sách Pricing everything (Alphabooks và NXB Công thương) được biên soạn bởi các chuyên gia kinh tế hàng đầu Hoa Kỳ. Bộ sách mang đến cho bạn đọc một cái nhìn tổng quát, hệ thống và toàn diện về vai trò và tầm quan trọng của việc định giá đối với doanh nghiệp.
Trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, hay nghĩ tới việc truyền thông sao cho hiệu quả, để thu được lợi nhuận và tránh thất thoát vốn, vấn đề đầu tiên mà chủ doanh nghiệp cần quan tâm đó là: định giá sản phẩm, dịch vụ sao cho chính xác. Thế nhưng phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước còn khá mơ hồ về việc này. Họ cũng đang loay hay đi tìm cho mình một lời khuyên hữu ích để định giá sao cho chuẩn xác.
Bộ sách Pricing everything gồm 7 chủ đề về 7 phía cạnh liên quan đến định giá. Hiện nay có 3 chủ đề đã được dịch và xuất bản, đó là: Định giá dựa trên giá trị (Pricing done right), Những đòn tâm lý trong định giá sản phẩm (Priceless) và Từ bỏ thói quen giảm giá (Pricing with confidence).
3 cuốn sách đầu tiên trong bộ sách “Pricing everything” vừa được giới thiệu đến độc giả trong nước.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường chỉ chú trọng vào việc đẩy sản phẩm ra thị trường, chứ ít quan tâm đến việc định giá. Thế nhưng, theo Tim J.Smith người sáng lập và đồng thời là CEO hãng Tư vấn Chiến lược Định giá Wiglaf lại cho rằng: Chúng ta cần có một mô hình mang tính cụ thể để định giá cho sản phẩm.
Mô hình đó là “khung định giá dựa trên giá trị” gồm 5 khía cạnh: chiến lược kinh doanh, chiến lược định giá, chính sách phương sai giá và thực hiện triển khai giá. Để thực hiện được mô hình này, người chủ doanh nghiệp cần phải có một tư duy tổng quát trong quá trình định giá. Phải bao quát tất cả các yếu tố cấu thành sản phẩm đều được liệt kê đầy đủ để định giá sản phẩm. Tránh việc bỏ qua các yếu tố nhỏ, vì nếu tính trên tổng doanh thu, đó sẽ là một khoản tiền không hề ít.
Để tăng sức mua, các nhãn hàng đều đưa ra nhiều chiến dịch giảm giá. Chúng có thể chỉ diễn ra trong vài ngày, hoặc kéo dài đến nửa tháng. Dĩ nhiên, doanh số bán hàng sẽ tăng. Nhưng đôi khi, việc giảm giá quá mức hay các chương trình sale đến 50% thậm chí là 80% sẽ khiến lợi nhuận bị giảm mạnh. Bởi vì chi phí sản xuất là số tiền cố định, để có lãi, các doanh nghiệp đã phải tính toán để đưa ra mức giá ban đầu sao cho hợp lý.
Thế nên, việc giảm giá không phải là phương án tối ưu. Để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận cho công ty của bạn, việc mà một nhà quản lý phải làm là bán nhanh số hàng trong kho với giá hời và hạn chế các đợt giảm giá. Có như vậy, lợi nhuận mới tăng trưởng một cách bền vững.
Đã bao giờ các bạn tự hỏi, tại sao các doanh nghiệp vẫn đưa ra các chiến dịch giảm giá không? Đơn giản, bởi vì việc này tạo ra những “ảo giác” về lợi nhuận. Bởi khi giảm giá, doanh số sẽ tăng, thế nên, chúng ta cần tính toán một cách kỹ càng để tránh cái bẫy này.
Tâm lý học và kinh tế là hai lĩnh vực có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nhất là trong việc bán hàng. Để thu hút người mua, nhà phân phối phải nắm được các yếu tố tâm lý then chốt ảnh hưởnng đến quyết định mua hàng của họ. Vậy những yếu tố tâm lý đó là gì? Hãy đi tìm trả lời có trong cuốn sách Những đòn tâm lý trong định giá sản phẩm (Priceless) của Willam Pounsdstone.
Rủi ro là điều luôn khiến khách hàng lo sợ, lúc nào họ cũng mong muốn bản thân được lợi trong các thương vụ mua bán. Lợi dụng tâm lý này, nhà sản xuất thường đưa ra các sản phẩm tặng kèm, nhưng thực chất là chi phí của chúng đều đã được tính vào giá của sản phẩm chính. Việc này khiến cho khách hàng tưởng mình được lợi, để họ sẵn sàng chi một số tiền lớn hơn so với giá trị thực tế để mua sản phẩm.
Pricing everything là bộ sách về kinh tế học rất thú vị. Với văn phong khúc chiết và hài hước, cùng cách kể chuyện lôi cuốn, những triết lý kinh doanh tưởng chừng rất khô khan, đều được trình bày một cách dễ hiểu. Ngoài ra, có thể coi những cuốn sách này như một bộ “sử thi” thú vị về quá trình hình thành và phát triển của những thương hiệu lớn, với những bài học thực tiễn đầy hữu ích và thú vị.
Theo Sài Gòn giải phóng