Nguyễn Thanh Duyên
(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi đậy lại lồng bàn cơm, không quên nhìn lên đồng hồ, chín giờ mười hai, cậu con trai vẫn chưa về. Tôi lên sân thượng xem mấy vợ chồng con cái nhà chim đã về yên trong tổ chưa, hôm qua giông bão đầu giờ chiều nên có mấy con chim lạc bầy. Công việc này là của ông xã tôi. Hiếm hoi hôm nào được nghỉ giãn cách giữa những buổi trực, tôi về nhà lại tranh thủ lên sân thượng thăm khu vườn nhỏ của ông xã, thăm tổ chim của các vợ chồng nhà chim trú ngụ trên sân thượng nhà tôi.
Nhìn xuống phố, con đường sáng rực ánh đèn điện, thưa thớt người qua lại khi mà hơn tháng nay cả thành phố giãn cách. Các phương tiện giao thông giam hẳn chỉ có xe cứu thương, xe thu dung chở người đi cách ly huýt còi trên phố. Các hoạt động hầu như đóng cửa.
Người ta ngủ về đêm, nhưng Sài Gòn tôi không ngủ, cô công nhân tan tầm, bác thợ vào ca, bác bán bánh mì, tào phớ đẩy xe đêm và siêu thị, nhà hàng luôn sáng ánh đèn tạo nên một thành phố mê say việc làm, thành phố công nghiệp, thành phố đầu tàu của nước nhà.
Nhưng bây giờ Covid-19 ập đến, thành phố phải giãn cách, các công trường nhà máy giảm bớt giờ làm, từ anh công nhân đến chị bán vé số hạn chế ra đường. Người người ở trong nhà, theo chỉ thị của uỷ ban thành phố.
Vậy là “phố đêm đèn mờ giăng giăng giăng, đường vắng như vì sao gối đầu ngủ yên”, hoạ hoằn lắm mới có tiếng xe, tiếng guốc đi về. Tôi cũng như bao nhiêu cán bộ, y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên đều tăng ca trực liên miên. Một năm nay đã quen trong lớp quần áo bảo hộ to bùng nhùng, xanh và nóng bức đến ngạt thở. Dịch bệnh lại phát mạnh với biến chủng của con Covid tai ác này, mỗi ngày số ca dương tính đã tặng lên từ hai con số lên ba con số rồi bốn con số.
Tất cả thành phố, tất cả các bệnh viện gồng mình lên chống trị. Số ca bệnh vẫn tăng nhanh và lan ra các tỉnh khác. Mạnh nhất vẫn là thành phố và bệnh viện tôi vẫn từng giây từng giờ đấu tranh với dịch bệnh. Bệnh viện bây giờ như một chiến trường và chúng tôi là những chiến sĩ. Chiến sĩ trên mặt trận áo trắng, mặt trận không tiếng súng nhưng không phải là mặt trận thầm lặng nữa.
Cả thành phố hôm nay đã vào ngày giãn cách theo chỉ thị 16 được 6 ngày. Trên đường phố chỉ còn lại những người đi ra ngoài khi có giấy tờ của cơ quan quản lý cho phép. Nhiều nhất chỉ còn là tiếng còi xe của những xe cứu thương, xe thu dung người bệnh hay xe chở cán bộ y bác sĩ tình bạn tăng cường cho các bệnh viện Sài Gòn.
Tôi bao quát nhìn thành phố một lần nữa. Đèn đường đã sáng hẳn, tất cả một vùng sáng lung linh của ánh sáng khu đô thị cao tầng, thành phố yên tĩnh quá chừng, nghe rõ cả tiếng lá cây xào xạc vào nhau, tít xa kia thấy như cả tiếng dòng sông Sài Gòn chảy. Chưa bao giờ thành phố như này. Nhưng tôi cũng như bao nhiêu người dân thành phố tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ủy ban thành phố, của Trung Ương, mọi người cùng chung tay đồng lòng thực hiện nghiêm chỉ thị 16 chắc chắn dịch bệnh sẽ được khống chế và đẩy lùi.
Cậu con trai nhắn tin: “Đêm nay con không về, con ở lại trực má à, má bữa nay có được về qua nhà không, má nhắc ba chú ý giữ sức khoẻ nha. Bữa trước con thấy ba kêu mấy viên bom bi chỗ thành phổi ba nó lại đi chơi dung dăng đó. Đáng ra là đến thời gian cho ba đi tái khám rồi, nhưng đợt này dịch Covid quá, nên ba chưa đi được.”
Tôi nhắn tin bảo con cứ yên tâm, mấy viên bom bi đó ba con có thể khống chế được, đợi giãn dịch ba vô bệnh viện điều trị sau, ổng kiên cường lắm, đang cùng toàn dân chống dịch mà con.
Đi xuống nhà xem lại thùng gạo, sắp xếp mấy kí bầu bí ông xã hái trên tầng cùng với lẵng thiên lý, tôi mang ra bếp cơm từ thiện đầu hẻm quyên góp. Vừa ra khỏi cổng gặp chị Vân cán bộ phụ nữ phường đi tới. Chị bảo:
– Ủa cô Lê, cô về nghỉ đi, còn vào viện với các bệnh nhân, để chị mang mấy thứ này ra bếp từ thiện của phường cho cô ha. Cám ơn tấm lòng thơm thảo của cô chú. Cô giữ gìn sức khoẻ nha, sức khoẻ các y bác sĩ lúc này là quí lắm đó ha, có sức khoẻ mới lo cho được người bệnh chớ.
– Dạ, chị mang giùm ra bếp cho em nha. À mà dạo này em đi trực hoài, cậu con trai cũng vậy. Ông xã nhà em trái gió trở trời vẫn đau vết thương tái phát. Thỉnh thoảng chị nhìn sang sân thượng xem anh ấy nhà em có hay ra chăm cây không ha chị, chăm cây được là còn khoẻ, em yên tâm.
Chị cười:
– Cô cứ yên tâm. Ai chứ chú thì tôi biết, ngày nào cũng chăm cây, rau, hoa, cho chim ăn. Từ lầu ba nhà chị nhìn chéo sang thấy hoa lan nhà cô đong đưa đẹp quá cô à – Chị đỡ cái giỏ từ tay tôi rồi nói tiếp.
– Quan tâm các gia đình chính sách, các mẹ liệt sĩ, các thương binh là công việc của các chị và các đoàn thể mà cô ba.
– Dạ, em cảm ơn chị, em vào nhà chuẩn bị vô viện đây ha chị.
– Mỗi ngày càng thêm nhiều ca bệnh, vất cả các y bác sĩ quá trời!
– Dạ! Mỗi người dân thành phố cùng chung sức đồng lòng dịch sẽ nhanh lui thôi chị à.
Buổi tối ngồi coi thời sự, nhìn những chuyến xe các y bác sĩ, những chuyến rau quả, gạo, nhu yếu phẩm của đồng bào các tỉnh tiếp ứng cho thành phố. Ngoài Bắc các trường đại học y Thái Bình, sở y tế Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương đang hối hả chi viện y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên, trang thiết bị chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống y tế thành phố cũng đã lập nên các bệnh viện dã chiến có sức chứa hàng ngàn người. Cả đất nước đang dõi theo miền Nam, đang chung tay với niềm Nam, với thành phố mang tên Bác.
Tôi cầm chén nước trên tay xoay xoay, nhỏ giọng nói:
– Anh à, mai mốt bệnh viện em được Trung Ương và thành phố điều động chi viện cho bệnh viện dã chiến, em đã xung phong đi đợt này.
Chuông điện thoại reo teng teng, tôi chưa kịp cầm, anh xã đã nhanh tay nhấc máy… là con gái gọi, vợ chồng con gái tôi công tác ở bệnh viện Hà Nội. Anh bảo:
– Em nghe con nói chuyện này.
Con nói ngày mai con cùng đoàn quân tình nguyện vào Nam “chia lửa” với mẹ. Tôi bảo:
– Cám ơn các y bác sĩ, các tình nguyện viên, cám ơn con gái, mai mẹ cũng đi tình nguyện cho bệnh viện dã chiến đây!
– Ý à, biết đâu mẹ và con lại cùng đơn vị ha! Chúc ba mẹ mạnh khoẻ và nhất là ba, ba ở lại hậu phương nhớ chăm sóc bản thân nha. À mà con vô thành phố, nhưng không rẽ thăm nhà được đâu, hẹn hết chiến dịch con ra sẽ ghé thăm ba mẹ với em Nam. Thôi ba má nghỉ đi, vợ chồng con mang con gái bé sang gửi bà nội đây. Mai mẹ đi tiếp viện mạnh khoẻ nha! Hẹn gặp ba mẹ.
Tôi cứ cầm mãi cái điện thoại trên tay như là cầm tay cô con gái vậy. Năm 1995 gia đình tôi chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh theo điều động của cấp trên. Và cũng bởi anh xã tôi sau khi ở chiến trường ra với vết thương mảnh đạn pháo đầy người, đặc biệt vết thương ở phổi, rất dễ bị tái phát khi gió mùa đông bắc, ở thành phố Hồ Chí Minh tiện cho anh vô viện mỗi khi trở bệnh. Còn cô con gái lớn học Đại học y Hà Nội nên ở lại thủ đô. Sau cháu lại công tác và xây dựng gia đình tại Hà Nội, nên nhà tôi từ xưng hô tới dùng từ đều Nam – Bắc giao hoà.
Anh xã tôi đã gọn gàng tư trang cho tôi còn mang bỏ vô vali cho tôi gói kẹo vừng bảo mang đi lúc nào mệt nhấm nháp cho vui. Tôi bảo:
– Em cũng vừa mang hết số bí xanh, bí đỏ nhà mình cho các cô bác nấu cơm từ thiện rồi nha anh.
– Số rau củ đó anh định mang vô bệnh viện góp với nhà bếp thêm chút rau xanh cho y bác sĩ và bệnh nhân. Em mang ra bếp thiện nguyện cũng được. Mấy nữa có lứa bí mới anh gửi vào bệnh viện sau.
Tôi cười:
– Cái vườn rau sân thượng chơi chơi của anh mà nhà ta hàng ngày có rau mang biếu bà con khu phố, nay lại chi viện cho chiến dịch được nhiều ha!
– Chuyện, diệt dịch như diệt giặc cô bác sĩ của tôi ạ.
– Anh ở nhà giữ gìn sức khoẻ, bằng giờ năm ngoái là đang cấp cứu vì những viên bom bi với mảnh đạn pháo trong người anh đó ha.
– Ờ nhỉ, năm nay mấy viên bom bi với đạn pháo nó sợ Covid nên nó nằm im, em khỏi lo.
– Thôi đi ông đừng có giỡn hoài, mấy cái mảnh ở đầu gối nó cứ “lạc lạc” đi chơi là ông lại ngồi một chỗ bó gối đấy nha. Em đi vắng, bệnh viện đang quá tải và em sẽ còn ở viện dã chiến nhiều ngày liền. Anh ở nhà tự chăm lo sức khoẻ nha, bây giờ không sức trai trẻ như ngày trước trên mặt trận Tây Nam đâu anh ạ.
– Ok, ok anh nghe lời bà xã, bà xã “năm bờ oăn”!
Anh nắm tay tôi:
– Ba mươi năm trước em là cô y tá chăm sóc anh thương binh ngoài mặt trận trở về. Bây giờ em lại ra trận tuyến mới, anh thương binh này lại ở hậu phương dõi theo em. Em đi nhớ giữ gìn sức khoẻ nhé, cùng anh em đồng đội mau dập dịch để thành phố nhanh trở lại mạnh khoẻ
Sáng ngày 14/7, cán bộ nhân viên y bác sĩ bệnh viện tôi lên đường chi viện cho bệnh viện dã chiến số 8. Lễ xuất quân gọn nhưng trang nghiêm mà đầm ấm. Ban giám đốc ân cần dặn dò, bắt tay từng nhân viên, căn dặn công tác tốt không quên giữ gìn sức khoẻ.
Tôi – cô bộ đội năm xưa ra quân cùng đoàn quân ra trận, đoàn quân đi chiến đấu tiêu diệt dịch bệnh Covid -19.
Xe chuyển bánh qua sân bệnh viện, xa những bàn tay vẫy vẫy. Xe chạy trên trục phố chính, lâu lắm hôm nay tôi mới có dịp ngước nhìn thành phố. Thành phố huy hoàng với bao cao ốc, chung cư, văn phòng, biệt thự toà hành chính, hàng cây mấy mươi năm tuổi cùng vút lên trời xanh. Đường phố rộng như chưa bao giờ rộng vậy, toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị 16, thoảng hoặc mới có người chạy xe. Các cửa hàng, shop nhỏ lẻ hay nhà dân đều đóng cửa.
Nắng mới đã lên trên cao trên những cao ốc. Nắng tháng bảy trong và xanh, trời xanh một màu xanh yên tĩnh, thư thái vài gợn mây trắng bớt đi vẻ trống trải mênh mông của bầu trời. Gió trên đường phố được dịp rong ruổi, chạy sườn sượt bên ngoài cửa kính xe.
Thành phố đang đau, thành phố đang bệnh, thành phố ơi hãy ngủ yên. Nhưng có chúng tôi – những công dân thành phố cùng cả nước quyết tâm đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh Covid-19.
N.T.D