(Vanchuongphuongnam.vn) – Dù đi đâu và xa cách bao nhiêu, dù được ăn bao món sơn hào hải vị, nhưng với tôi, cái mùi ngai ngái, đăng đắng, bùi bùi của rau má xứ Thanh – quê choa, như đã ngấm vào máu thịt, tâm hồn làm sao có thể quên được!
Ảnh minh họa – Nguồn internet
Từ xưa các cụ đã dặn con cháu: Đói thì ăn rau má, đừng ăn quấy ăn quá mà chết. Tôi nhớ mãi những ngày đói quay đói quắt khi lên năm, lên bảy đã theo mẹ, theo chị ra đồng, men theo những bờ vùng, bờ thửa, tìm kiếm từng cọng rau má, và mỗi khi gặp được một dây rau má tôi lại reo lên vui sướng.
Trong các loại rau dại thì rau má được xếp vào hàng đầu để cứu đói. Nó vừa mát lại vừa bổ. Cây rau má cũng như người dân quê tôi, bất chấp mọi thời tiết khắc nghiệt, hay bom đạn của kẻ thù vẫn sinh sôi nảy nở “Cho dù đá sỏi, đất vôi bạc màu” (Nguyễn Duy). Khi ruộng đồng hạn hán, khô khốc ít cây sống được, thì những cây rau má mọc thành từng dây lớn hơn sợi chỉ vẫn bám vào đất cỗi cằn để sống, vẫn bung ra những chùm hoa tim tím, những chiếc lá mỏng manh như cúc áo.
Rau má có nhiều loại: có rau má mỡ lá bóng mượt xanh nhạt, có rau má ma, rau má chuột lá nhỏ rất đắng, có rau má cơm, rau má xanh, thân mập lá to như đồng xu thường mọc từng cụm riêng lẻ. Gần đây ta còn nhập giống rau má Thái Lan, lá to tròn bóng mượt nhưng mùi vị hơi hăng hắc, có sức sống mãnh liệt, nhưng không ngon bằng rau má quê nhà. Dù là loại rau má nào, nó đều là bạn của những người nông dân nghèo, giúp họ vượt qua cơn đói kém khi giáp hạt, lúc mùa màng thất bát. Nhờ có rau má với củ chuối và đu đủ xanh mà biết bao người dân quê tôi qua được nạn đói lịch sử năm Ất Dậu- 1945, khi phát xít Nhật bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, làm hơn hai triệu người chết đói.
Theo GS – TS Đỗ Tất Lợi thì rau má có vị hàn, có thể dùng làm thuốc chữa các bệnh về nhiệt như: táo bón, nóng, gan, trĩ… góp phần ổn định huyết áp. Trong những ngày hè nóng nực mà được uống một ly sinh tố rau má dừa thì còn gì sướng bằng. Nhiều người còn gọi đùa: rau má là một loại “sâm” đặc biệt. Chẳng thế mà hình ảnh cây rau má đã đi vào văn học dân gian, và bước vào thơ ca hiện đại. Ta hãy nghe một cô gái tự bạch:
Người ta giàu bổ cơm bổ cá
Nhà em nghèo bổ rau má, khoai lang.
Những đôi trai gái yêu nhau trong cảnh bần hàn, vẫn nguyện lời thủy chung:
Giàu người ta ăn cơm ăn cá
Khó như em ăn rau má, đam đồng
Dù cho chờ đợi mấy đông
Đắng cay cũng chịu, mặn nồng cũng cam.
(Ca dao)
Và đây là giọng hò của cô gái Nam Bộ chèo xuồng ba lá xuôi dòng Hậu Giang:
Hò ơ… Thiếp nguyện với chàng một sàng rau má
Chàng nguyện với thiếp một rá rau mưng
Dù cho lên núi xuống bưng
Chàng ăn thiếp nhịn xin đừng bỏ nhau.
Trong những giây phút đùa vui của người lính ở các miền quê hoặc các bạn sinh viên, học sinh thường chọc yêu dân Thanh Hóa là: Ăn rau má phá đường tàu hoặc: Dược liệu hàng đầu là cây rau má.
Ngày nay rau má đã lên ngôi, không bị lép vế bên cạnh các loại rau cao cấp khác. Rau má dại còn được gọi là rau sạch, khách sành ăn thường rất chuộng. Các món cháo cá lóc, cháo lươn, lẩu mắm, vịt nấu chao, thịt trâu chấm cơm mẻ… không thể thiếu rau má bên cạnh các loại rau khác như: rau đắng, cù nèo, cải trời, rau ngổ, lá cách, ngò gai, húng quế, rau răm… cùng với khế chua, chuối chát. Ở các quán giải khát ta thường thấy có sinh tố rau má dừa… Nhiều gia đình nông dân ở Nam Bộ đã trồng hàng công rau má với quy trình chăm sóc tưới tiêu hiện đại, thu hoạch hai, ba lứa một tháng, có thể lãi gấp nhiều lần so với trồng lúa. Rau má thái phơi khô cùng với khổ qua (mướp đắng) làm thành một loại trà giải nhiệt rất tốt.
Cố nhà thơ Trịnh Anh Đạt, quê Hà Trung, Thanh Hóa, đã có bài thơ Rau má rất hay, đạt giải Nhất cuộc thi thơ của Tạp chí Văn Nghệ Xứ Thanh năm 1998 -1999, trong đó có những câu vừa dí dỏm vừa triết luận thật sâu sắc:
Vĩ nhân và các đời vua
Cũng từ rau má, ốc cua nên người!
Mới nghe em chớ vội cười
Cây rau má – “sâm” của người xứ Thanh.
Mỗi lần nhìn thấy rau má, hay chỉ ngửi mùi ngai ngái của nó là lòng tôi lại rạo rực một nỗi nhớ quê. Người dân quê tôi biết ơn cây rau má nhiều lắm. Nhờ nó mà biết bao số phận vượt qua được cơn bĩ cực, và không ít người đã công thành danh toại. Trong hành trang suốt đời của tôi mang theo luôn có cái “vị riêng” đăng đắng và ngai ngái của rau má “quê choa”.
L.X
Chú thích:
* quê choa : Tiếng Thanh Hóa có nghĩa là quê tôi hay quê ta – dùng ở ngôi thứ nhất