Riêng chung – Truyện ngắn của Nguyễn Thanh

815

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày khai trường năm ấy, thầy giáo Nguyễn Đan trở lại học đường. Sau thời gian gần mười năm trốn quân dịch sống lầm lũi ngoài vòng pháp luật, giờ đây qua tuổi lính, Đan quyết định xin đi dạy học lại. Với hoàn cảnh của Đan, Giám đốc nha Trung học Sài Gòn vốn là giáo sư ngày xưa ở trung học Chu Văn An, Sài Gòn rất thương Đan, cấp quyết định cho chàng về dạy giờ tại thành phố Vị Thanh.

Nhà văn Nguyễn Thanh 

Vị Thanh ngày ấy là thị trấn heo hút cách không xa vùng rái độn. Từ nhà ở Cần Thơ đi xe hơi chạy hơn năm mươi cây số mới tới trường. Mỗi sáng Chủ Nhật, Đan thức dậy sớm lỉnh kỉnh với chiếc ba lô phong trần, đi xe ôm xuống bãi xe tại đường Hàng Xoài đón xe đò đến nhiệm sở.

Ngồi yên trên ô tô đang chạy, Đan có dịp nhìn quang cảnh vườn tược xanh um quen thuộc dọc hai bên đường. Qua mỗi chặng đường, âm thanh rì rầm của động cơ khiến tâm trí chàng bâng khuâng nhớ lại những sự kiện lịch sử không thể nào quên. Chợ Cái Răng gợi chàng nhớ đến trận tập kích lịch sử sấm sét của anh hùng Lê Bình cùng bốn chiến binh vệ quốc đoàn. Với vỏ bọc là những chú lái heo Ba Tàu, năm chiến sĩ quyết tử Việt Minh gan góc, quả cảm đến tận sào huyệt của giặc để giết tên đại úy đồn trưởng thực dân Pháp Rouen. Xe chạy về hướng Tây Nam gần đến khúc quành Tầm Vu cách xa Tây Đô, hơn hai mươi cây số, từ xa, Đan đã sớm nhận ra bên phải sừng sững tán cây đa cổ thụ xanh um thường phấp phới lá cờ đỏ sao vàng ở chót vót đỉnh cao ngọn cây mỗi khi có ngày lễ lớn của dân tộc. Trong ký ức chàng khoảnh khắc quay lại những hình ảnh hiên ngang của chiến sĩ yêu nước Huỳnh Phan Hộ, Ngô Hùng Giỏi… những dũng sĩ chân đất cùng những thanh niên yêu nước, chỉ với vũ khí thô sơ tầm vông vạc nhọn và súng oảnh tầm sào (súng trường mousqueton) trong kháng chiến chín năm nhưng đã mưu trí phục kích đoạt được khẩu trọng pháo 155 ly của giặc. Các chiến sĩ vệ quốc phải dùng đến hai con trâu pháo khổng lồ mới kéo nổi khẩu súng to về căn cứ.

Đến Kinh Cùng (Cầu Xáng) nhưng chưa là cùng đường, ngồi trên xe, Đan xót xa nhận ra một cảnh tượng đau lòng. Trên bờ, dưới sông, bà già, con nít từ vùng sâu rầm rộ kéo nhau ra thị xã, la hét đòi mạng với chính quyền. Trong một trận oanh kích dữ dội xuống vùng nghi có du kích Việt Công, phi cơ Mỹ bắn phá tan hoang trường học, thiêu chết hàng chục em học sinh bé nhỏ ngây thơ vừa mới học lớp sơ đẳng tiểu học. Xác các em bé nằm sắp lớp như chuột thui dưới những manh chiếu cũ, tàu lá chuối trên một chiếc xuồng do thân nhân từ vùng sâu chèo ra đòi mạng. Như đường vào đất Thục, hương lộ ngày ấy gồ ghề với mặt đường lở lói đầy hang lổ. Những chiếc xe đò nghĩa địa chở Đan phải ục ịch bò qua cầu Xẻo Trâm, Ngả Ba Vĩnh Tường, vị trí cây Mít Quỳ – nơi từng xảy ra nhiều trận đánh ác liệt giữa hai bên – và xã Đức Long rồi mới đến nơi Đan ru đêm, ngày thì đường phố nắng bụi mưa bùn. Một mình đến công tác tại thành phố cheo leo khỉ ho cò gáy, Đan theo thói quen không ở chung nhà trọ với các bạn bè đồng nghiệp. Chàng chủ động tìm thuê một căn phòng riêng biệt sát bên hông nhà lồng chợ cạnh một quán cơm bình dân. Với một cửa sổ ngó ra dòng kênh Xà No thẳng tắp, và một cửa nhìn về cánh đồng mênh mông hun hút. Thế giới riêng của Đan gồm một căn phòng khá rộng, chàng ngăn cách biệt ra thành hai gian nhỏ. Một gian đủ để chàng kê vài bàn học cho học trò ngồi khi anh dạy thêm. Nửa phòng còn lại, Đan vừa làm phòng nghỉ lúc không vẽ vừa là nơi sinh hoạt ca nhạc với anh em văn nghệ sĩ.

*

Sự hiện diện của thầy giáo Đan với phong cách làm việc của một người năng động mang tâm hồn nghệ sĩ bắt đầu mang lại màu xanh, hơi thở và sinh khí cho một thị trấn không đèn. Thời gian trong lịch làm việc của chàng khít khao trên từng cây số. Buổi sáng, chàng đến trường dạy môn Văn và Nhạc, Họa. Buổi chiều, Đan lo thực hiện cho một tờ báo của trường học và tạp chí có lửa Văn nghệ miền Tây của riêng chàng.

Đêm về, bên ngoài không gian hướng rừng U Minh không ngớt chói chang ánh sáng lập lòe chói mắt của những trái hỏa châu nhả ra từ những chiếc phi cơ đầm già L. 19 của giặc. Nơi phòng trọ, Đan tranh thủ cầm bút sáng tác, viết bài cho các báo và tạp chí văn nghệ ở Sài Gòn và tập dượt ca nhạc cho anh em trong ban nhạc sống Thanh Thanh của chàng. Cà phê Kim cặp bờ sông rợp bóng bạch đàn, cà phê Thụy Vũ đường Hàng Dương… quán rượu Mỹ Duyên bên kia cầu sắt, đêm đêm không ngớt vang vọng tiếng đàn, tiếng hát của nghệ sĩ trong ban nhạc của Đan đã làm phôi pha bớt đi vẻ tiêu điều của một đô thị nghèo thời chiến.

Lịch thi học kỳ cuối năm bắt đầu, chủ nhật này Đan không về nhà. Những trận mưa già làm sùi sụt nhà cửa, đường phố ẩm ướt bùn lầy, Đan thích hợp với cảnh bầu trời xám xịt của một vùng ngoại ô hoang sơ thời chiến. Hàng hàng dừa nước tàu lá xanh um đan kết nhau ngâm chân hai bờ kênh Xà No bị ăn bom nằm gục ngã la liệt là chủ thể họa phẩm sơn dầu Thành phố buồn  Đan vẽ còn dang dở từ mấy tuần nay.

– Ừ, tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này mà. Rời bục ngồi bằng khúc mù u, Đan đứng dậy ung dung lùi sau, đi tới đi lui, đôi mắt chăm chú nhìn họa phẩm thể hiện một tình cảm yêu thương tha thiết với đứa con tinh thần của mình. Rồi chàng nhoẻn miệng cười tươi, đôi mắt sáng rực lên trước tác phẩm của mình.

– Chào họa sĩ! Anh Đan nghĩ gì mà ra vẻ tâm đắc thích thú vậy?

– A, chào chị Kim Loan. Hôm nay, chị đến thăm anh Đẳng sớm. Có tin chi vui không chị? Dường như anh Đẳng đang bận công tác, mấy hôm rồi không thấy anh ấy về nhà.

– Nhân có chuyến xe anh của Loan từ khuya về căn cứ tại đây, em xin đi nhờ luôn nên đến sớm. Anh Đan vẫn vui khỏe phải không? Chừng nào cưới vợ, nhớ mời em uống rượu nhé.

– Vẫn chưa nghĩ tới chuyện gia đình chị ạ. Lần này, lên thăm Trung úy Đẳng, chị ở chơi được mấy ngày. Họa sĩ Đan dừng tay cọ, mắt nhìn về Kim Loan với chiếc áo gió bạc thếch bụi đường.

– Chị Kim Loan hôm nay ăn mặc rất đúng mốt, trông chị rực rỡ như một hoa khôi.

– Anh Đan khéo nịnh em thôi. Em mét anh Đẳng đó.

– Tôi nói thực đấy mà chị. Dáng người chị tầm thước rất thích hợp với màu áo trắng tinh khôi và chiếc quần jeans bó sát đôi chân dài thanh thoát.

-…!

– Chị Loan ngồi chơi nhé.  Tôi gọi nước chị uống cho khỏe, đi đường xa chắc chị cũng mệt. Có biến động, Trung úy Lê Hoàng Đẳng liên tiếp mấy ngày nay dường như phải bay đêm suốt nên ít khi về nhà.

– Vậy hở anh? Loan thoáng buồn, nhìn Đan đứng trước bức tranh đang vẻ dở dang.

Hai người im lặng… Ánh hỏa châu vẫn lập loè ngoài không gian.

Tiếng bom nổ đì đùng dội xuống rừng U Minh từ phi cơ B.52 của Mỹ và tiếng máy bay phản lực bắn rocket từng loạt xuống xóm làng. Âm thanh gầm thét xé trời, làm rung  răng rắc cửa kính các dãy nhà nội ô.

*

Kim Loan là một nữ sinh trẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, yêu văn chương của trường trung học đệ nhị cấp Nguyễn Du tại quê hương bài ca vua Dạ cổ hoài lang (tiếng trống khuya gợi nhớ chồng). Loan có người anh đang công tác trong quân đội cộng hòa tại Vị Thanh, gặp và quen Đẳng quê ở Nha Trang trong lần liên hoan cuối năm học ở trường. Chàng là một sĩ quan không quân trẻ mang tâm hồn nghệ sĩ yêu hội họa Hai người có cảm tình đã tìm hiểu và yêu nhau – một mối tình thơ mộng giữa anh lính bay và cô nữ sinh trẻ đẹp thành phố trong thời chiến.

Trung úy không quân Lê Hoàng Đẳng thuê nhà ở sát phòng trọ – họa thất của thầy giáo Đan tại thành phố Vị Thanh. Kẻ đầu sông, kẻ cuối sông, đôi tháng một lần, vào cuối tuần hoặc ngày lễ, vì Đẳng thường bận công tác, Loan chủ động khăn gói từ đất Bạc Liêu xứ muối, lặn lội lên thăm người yêu tại Vị thanh. Lê Hoàng Đẳng ở thành phố biển tận miền Trung xa xôi gặp Kim Loan nơi cuối miền đất nước, cuộc hội ngộ định mệnh nơi miền đất lạ khiến cho tình yêu hai người như một bài thơ đẹp. Những ngày nghỉ lễ, Đẳng thường sang họa thất Đan, cầm cọ cùng vẽ với thầy giáo. Cuối buổi trong ngày, hai anh em thường kéo nhau ra tiệm cơm Hòa Lợi gần nhà lồng chợ. Trong bữa cơm, anh em cùng nhau tâm sự. Đôi lúc cả hai cùng tâm sự, cảm thấy xót xa về hoàn cảnh quê hương tóc tang vì khói lửa nhưng không ai thích nói về lý thuyết hay quan điểm chính trị của mình.

Trên con đường nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Đan tỏ ra thích thú và sở trường về chân dung và phong cảnh. Chàng say sưa trước cái tinh tế từng yem một trong đường nét, sắc màu qua những bức tranh chân dung của danh họa  Leonard de Vinci, Rubens, Tô Ngọc Vân… đầy tính “Họa trung hữu thi” trong họa phẩm kinh điển chan hòa chất thơ. Trong lúc Hoàng Đẳng yêu say đắm ánh sáng huyền hoặc và phong cách chuyển màu thần tình trong tranh tĩnh vật và phong cảnh của Renoir, Cézanne, Nguyễn Gia Trí,… tất cả như nói lên được chất thơ trong họa phẩm hàn lâm của những danh họa bậc thầy.

Ngày sắp tàn. Bóng hoàng hôn bảng lảng nhuộm vàng mặt nước con kênh Xà No thẳng tắp, lấp lánh trên những mái tôn dãy nhà bên kia sông lác đác mấy chiếc thuyền câu. Mặt cho kênh đào Xà No lềnh bềnh mấy giề lục bình, rong rêu lãng tử dưới chiếc cầu gỗ Đoàn kết chông chênh nối đôi bờ sông vắng dần người qua lại. Sau khi đi ăn xong cơm chiều ở quán, Loan đi về họa thất của thầy giáo Đan. Kim Loan mòn mỏi ngồi đợi bạn tình, tỏ ra thấp thỏm vì không thấy Đẳng lái xe jeep về nhà trọ như bao lần trước.

– Hôm nay, chắc anh Đẳng lại bận công tác nữa rồi chị Loan ơi. Thôi chị rán ngồi đợi, có thể một lát nữa anh ấy sẽ về.

– Nếu anh Đẳng không về, đêm nay, Loan biết ngủ ở đâu? Nghỉ một mình ở khách sạn, em không yên tâm anh Đan ơi!

– Nếu kẹt quá, chị cứ nghỉ đêm tạm tại phòng tôi để chờ anh Đẳng về.

– Phòng anh chỉ có một giường mà!

– Chuyện đàn ông dễ tính lắm chị ạ. Tôi sẽ vào ngủ đỡ trong trường học. Đêm nay, chị sẽ nghỉ trên giường tôi.

– Như vậy tội nghiệp Đan, em ngại quá! Chân tình, Loan vừa nói vừa nhìn  ông thầy giáo – họa sĩ bạn của người yêu. Nàng đưa mắt thấy thầy Đan thân hình gầy ốm với nước da men mét đang lúi húi tranh thủ vẽ nốt bức tranh “Chiếc cầu treo” mô tả cây cầu gỗ bắc qua kênh chỉ với hai màu đen trắng. Bất chợt, Loan nhận ra có chiếc võng vải dù màu rêu móc tòn ten bên giá vẽ .

– Hay là anh Đan vẫn nghỉ tại nhà. Có sẵn chiếc võng, em tạm ngủ võng đợi anh Đẳng về cũng được.

– À, vậy thì chị Loan cứ yên tâm nghỉ trên giường, còn tôi sẽ ngủ trên võng nhé. Tôi hay thức khuya vẽ tranh, viết bài, có đêm thức trắng. Khi nào mệt, tôi sẽ tựa lưng trên võng đôi phút là ổn rồi.

Ngày tàn vội. Không gian ngoại ô từ xa văng vẳng tiếng chim chiều lác đác bay về tổ. Bóng tối ập xuống nhanh chực quét tan ánh điện vàng vọt như ánh đèn ma nơi nghĩa địa. Không mấy chốc, hàng phượng vĩ xanh um tàn lá trước dãy tiệm buôn và những cây bạch đàn thân mốc thếch trên bờ kênh Xà No vụt chìm sâu trong biển đêm lạnh lùng. Trời đã sang khuya với mấy tiếng vịt trời lảnh lót báo hiệu canh ba. Loan sực nhớ  lại cái gu truyền kiếp của nghệ sĩ là thuốc lá và cà phê. Nàng ra phố mua hai khúc bánh mì thịt, một gói thuốc lá Rubis và cà phê đen mang về phòng trọ.

Trong lúc hai người đang ăn khuya, bỗng vang vọng không xa mồn một những tiếng: Cụp… cụp… cụp! Loan ngạc nhiên không biết âm thanh gì. Hiểu ý Loan, Đan trấn an: Tiếng pháo kích bên tiểu khu ở đây rót về vùng xa đó chị Loan, không sao đâu. Chưa được nửa tiếng sau, từ khá xa có tiếng: cum… cum… cum như để đáp lại tiếng pháo kích ban đầu. Trải nghiệm cuộc sống về đêm ở những vùng chiến thuật, Đan buông cọ giục Loan:

– Mau xuống hầm núp chị Loan ơi!

Ở những vùng xôi đậu thường xảy ra những trận pháo kích của hai bên, nhà nào cũng có hầm núp chất bằng bao cát để tránh đạn. Như phản xạ, vừa nói Phong vừa nắm tay kéo nhanh Loan kéo vô hầm… trong lúc một vài nơi ngoài phố, tòa hành chánh và hồ Sen trung tâm thành phố, đạn đại bác rơi nổ ầm ầm…trong bầu trờ đêm đen mịt như biển mực tàu.

Ba ngày Loan mòn đợi mong mỏi nơi phòng trọ Đan, nhưng chàng trung úy bay Hoàng Đẳng vẫn biền biệt bóng hình. Sáng nay, nghe tin đường xe bị đấp mô, nhiều đoạn bị đứt, Kim Loan chuẩn bị hành lý, ngồi chờ Phong mua hộ vé tàu chạy theo kênh Xà No ra Cần Thơ để đi xe hơi trở về Bạc Liêu. Một mình nơi bến đợi, Kim Loan cảm thấy nao lòng giở ra xem lại mấy bức thư cũ gần đây Đẳng đã gửi cho nàng. Từ hiện thực của một khối tình thư, lẩm nhẩm đọc lại, Loan linh cảm ở những bức thư xanh Đẳng gửi gần đây cho cô như có điều gì lạ. Không có cơ hội gặp nhau thường, tình cảm chàng biểu lộ trong nội dung thư vẫn càng tha thiết nồng nàn. Nhưng Loan bất chợt nhận ra nét chữ của Đẳng sao không giống nét chữ viết trong những bức thư của ngày đầu mới gặp nhau. Những nét đan thanh nghiêng nghiêng gần đây sắc sảo hơn và đẹp như rồng bay phượng múa. Kim Loan chợt cảm thấy băn khoăn: – Hay là Hồn Trương Ba, da hàng thịt…?

*

– Đan à, tao vốn là lính tàu bay, chữ viết gai góc khô nhan của tao như chữ bác sĩ, không như mày hạnh phúc được trời cho sở hữu nét chữ tài hoa. Tao lại không có năng khiếu văn chương bay bướm như mày. Nốc cạn tới đáy ly bia đầy nơi quán rượu bình dân, tiếp tục đốt thêm điếu thuốc Salem, Đẳng nhìn Đan với đôi mắt ánh lên một niềm tin, ký thác nơi bạn hiền:

– Là bằng hữu chia sẻ ngọt bùi nhau, từ hôm nay, tao nhờ mày một việc – chỉ một mình mày biết thôi. Trong thời gian tao bận công tác ít về nhà, mày nhận và giữ hộ tao tất cả thư Loan gửi. Mày đã hiểu hết hoàn cảnh tao cũng như chuyện tình cảm giữa tao và Loan. Mỗi lần nhận được thư Loan, mày cứ mạnh dạn bóc hết ra xem… Rồi mày thay thế tao, đóng vai tao là người yêu của Loan… để giúp hộ tao hồi âm cho nàng… Và đùm bọc, lo lắng san sẻ cho Loan nếu tao có mệnh hệ gì!

Qua cửa sổ xa xa về miệt Kiên Lương, Vĩnh Viễn… bầu trời lập lòe chói mắt ánh sáng hỏa châu trong tiếng bom rơi đì đùng  như địa chấn từ phi cơ B.52 của đế quốc Mỹ.

Trầm tư chốc lát, bỗng Đẳng đăm chiêu nhìn thẳng vào đôi mắt sâu vì thức khuya của Đan:

– Bởi lẽ trong công tác, không biết tao được về nhà lúc nào hoặc… không bao giờ trở lại. Rồi Đẳng một mình khe khẽ trong miệng: Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi! (Sa trường ai mỉa ta say/ Xưa nay chiến địa mấy ai được về!)… Đẳng ngậm ngùi với Đan như ký gửi cho bạn trọn cả trái tim mình. Đó là lần cuối cùng trong hoàn cảnh chiến tranh ngày càng khốc liệt ở Tây Nam bộ, Đẳng trở lại Vị Thanh  để gặp Loan nhưng người yêu chàng đã về xứ Bạc. Thương Đẳng là một tâm hồn đồng điệu, Phong hết lòng giúp anh hồi âm cho Loan theo lời ký thác tâm huyết của bạn. Trừ chuyện tình cảm với Loan mà Đẳng và Loan trong thâm tâm, cả hai đều thực lòng muốn Đan thay thế…

– Không thể được, Loan là người yêu của Đẳng chẳng khác chị dâu của Đan. Lại nữa… Loan là em gái của một trung đoàn trưởng cộng hòa! Đan lẩm nhẩm. Dù Loan đã mấy lần lên gặp thầy giáo góa vợ Nguyễn Đan ở Tây Đô sau thời gian hay tin  buồn Đẳng tử trận…

*

Bình minh một ngày xuân đầu tiên đến sớm trong mùa hội non sông, không gian thành phố Vị Thanh như rộng lớn hơn, chói lọi với rừng cờ sao rực rỡ phấp phới tung bay trước cơ quan, nhà cửa khắp phố phường. Với nụ cười tươi thắm nở trên môi… ai nấy từ nhà ra phố chăm chú nhìn các anh chiến sĩ giải phóng quân trẻ măng, đầu đội mũ tai bèo, chân mang dép lốp nhưng có sức mạnh bạt sơn cử đỉnh – tượng đài Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi – làm rung sợ cả lầu Năm Góc. Bên cạnh đoàn quân bách chiến bách thắng đó không vắng bóng Nguyễn Đan và Kim Loan.

Tại Vị Thanh, trong cánh quân cách mạng từ Thác Lác, Hòa Hưng tiến về nội ô, có Kim Loan và chiến sĩ trẻ mang AK và B.40. Họ đi thẳng về Hồ Sen, tiếp quản trung học Vị Thanh trong sự tiếp đón nồng nhiệt của giáo viên và học sinh. Tại Tây Đô, từ trường trung học Phan Thanh Giản, thầy giáo – họa sĩ Nguyễn Đan cùng giáo sư Âm nhạc Nguyễn Đức Minh hăm hở phóng xe Honda nhanh ra đường Mạc Thiên Tứ  hướng dẫn đoàn quân cách mạng tiến về căn cứ vừa tiếp quản trường tiểu học Quang, Tham Tướng.

Mang nửa hồn thương đau từ khi Đẳng mất, trong những lần gặp lại giáo sư – họa sĩ Nguyễn Đan, Loan được chàng tâm huyết giác ngộ theo cách mạng. Nàng thoát ly gia đình ra chiến khu.  Cũng như ngày Đẳng còn sống lúc cùng vẽ chung nhau ở họa thất, Đan không bao giờ quên nhắc nhở người chàng trung úy cộng hòa luôn cảnh giác, không được oanh tạc vào trường học, nhà thương và khu nhà thường dân… Tái ngộ nhau trong ngày thống nhất đất nước tại Cà phê Hợp Phố khu La Tin Tây Đô, Đan và Loan cùng vui mừng xúc động lòng bồi hồi với kỷ niệm xưa:

– Giờ đây Hoàng Đẳng đã không còn, tình yêu đôi lứa riêng giữa anh ấy và Loan đã trở thân thành mối tình chung của ba chúng ta trong không gian rộng lớn của tình yêu đất nước – chủng loại tình cảm riêng chung của cả dân tộc son sắt cùng một chí hướng thiêng liêng nhìn về ngọc cờ sao và đinh ninh bước chân theo Bác Hồ vĩ đại kính yêu. Thầy giáo – họa sĩ Đan ngậm ngùi.

– Dạ!

Mang vạch tang đen trên ngực tưởng nhớ Đẳng, Kim Loan nhìn thẳng vào đôi mắt sâu lắng của Đan, trong lòng mang mang hoài niệm bâng khuâng.

Nắng sớm ban mai long lanh trên bầu trời thênh thang thành phố mùa xuân. Cơn gió Tây Nam nhẹ thoảng, hoa lá rụng triền miên. Từng cơn mưa vàng hoa sao, lá me giăng ngập con đường mang tên nữ anh hùng đất đỏ miền Đông. Từ máy thu thanh trong nhà đến loa phát thanh ngoài phố, nơi nơi âm vang rộn ràng giai điệu bản hùng ca “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.

06-2021

                                                N.T