Rọi mù u, đèn dầu dừa

1342

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đời sống vật chất con người trong thời đại kỹ thuật số hôm nay, nhờ tiến bộ nhảy vọt vượt trội của khoa học, không thiếu bất cứ tiện nghi cao cấp ở bất lĩnh vực nào. Từ thành thị đô hội phồn hoa đến nông thôn vùng sâu nước mặn đồng chua, hay miền núi heo hút xa xôi, công nghệ, điện nước, cung cấp, phục vụ hiệu quả theo từng sát-na tời gian, mang đến cho con người không ít những khoảnh khắc thần tiên nơi hạ giới. Chỉ riêng điện khí với trang bị thiết bị máy móc hiện đại cũng đủ khiến con người cảm thấy cuộc sống mình được phục vụ hơn bao giờ hết. Ngoài đường phố hay trong nhà, những ngày mưa gió, trời đất tối tăm mù mịt hay những đêm dài sâu thẳm chẳng trăng sao, chỉ một cái khẽ bật tay nhẹ nhàng vào công tắc điện bé tí trên tường cũng đủ làm cho tình huống thay đổi tích tắc với ánh sáng tràn ngập không gian.

Sự thụ hưởng đầy đủ trong cuộc sống hiện tại của con người với muôn vàn tiện ích lắm khi làm tôi không quên những khó khăn thiếu thốn điều kiện sinh sống trong những tháng ngày quê nhà làng xóm còn ngập chìm trong chiến tranh khói lửa. Tập tễnh ôm sách vở vào trường sơ đẳng vừa nửa năm, mới bập bẹ đọc viết được đôi vần quốc ngữ, thực dân Pháp, với hỗ trợ của bọn giáo phái phản động Năm Lửa từ Cái Vồn (Bình Minh hiện nay) hùng hổ tràn lên Tân Quới bắn phá đình chùa, trường học. Trong hoàn cảnh thời chiến, trường Tiểu học chúng tôi năm ấy không xa mấy đình làng tại ngả ba sông Trà Mơn – Cái Tắc, nó chỉ gồm một gian ba lớp khiêm tốn, nằm dọc theo con lộ đất nhỏ, ngoằn ngoèo bò theo bờ sông Cái Tắc ngầu đục phù sa, luồn chảy qua chiếc Cấu Đúc cũ kỹ gần trường.

Cầu có tuổi, xây dựng từ mấy mươi năm trước mà vẫn như ngạo nghễ chênh vênh nằm vắt mình ngang đôi bờ con sông quê bốn mùa lặng sóng. Giáo viên chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Quế *, lặn lội từ Cần Thơ sang dạy trường tôi bằng chiếc xe đẹp cà tàng, cuối tuần mới về nhà với vợ con. Thầy tôi, vốn người tầm thước khỏe mạnh nhưng tinh trầm tĩnh hiền lành. Thầy Quế đặc biệt có giọng nói to ấm, ân cần dạy dỗ học trò, yêu thương bọn nhỏ chúng tôi như đàn con ruột trong nhà. Tôi nhớ rõ mồn một nét chữ đẹp ấn tượng của Thầy trên bảng đen hay trong sổ điểm: từng con chữ đều đặn, tròn to vừa phải. Chữ Hoa thầy viết đẹp sắc sảo mà chân phương dễ đọc và chữ n thường đặc biệt của thầy bao giờ cũng viết nét cuối cụp tròn xuống dưới về bên trái mỗi hàng.

Thầy giảng bài chậm rãi, giọng nói rõ ràng. Vì muốn học trò giỏi, thầy hay gọi bất chợt, bảo lập lại lời giảng của thầy cho học trò luôn tập trung và nhớ bài. Đặc biệt, mỗi khi tập họp đệ tử thành hàng nghiêm túc ngay trước cửa chuẩn bị vào lớp, thầy Quế thường cho chúng tôi đọc thuộc lòng bài thơ mới, loại thất ngôn từng khổ bố câu, có tựa bài: “Trường học làng tôi” mà chưa biết tác giả là ai: Trường học làng tôi ở cạnh đình / Mỗi trường ba lớp vẻ xinh xinh / Trước trường có mấy cây đào lớn / Thường quyến lòng tôi những cảm tình…”

Bài thơ hay cả ý lẫn lời nhất là thi tứ, thi cảnh trong nội dung rất cảm động, học trò chúng tôi chỉ đọc lại theo Thầy vài lần ít hôm là nhớ ngay. Mãi về sau, khi học Văn,  theo con đường dạy Văn của các Thầy tôi ở trung, đại học rồi lân la đi vào xóm văn, tôi mới tình cờ biết đó là thi phẩm của nhà thơ Nguyễn Bính, tác giả Lỡ bước sang ngang, tác phẩm được tặng giải Khuyến khích của Tự lực Văn đoàn.

Không ngờ mới xong lớp Năm (bây giờ là lớp Một), lên học lớp Tư chưa được nửa năm, giặc Tây bắn phá ngôi trường làng yêu thương, làm sập đổ tan hoang khiến cả trường đành phải nghỉ học. Giáo viên có gia đình tại địa phương về nhà tạm lo vườn ruộng. Thầy Quế trở lại thành phố. Về sau, khi đậu Sơ đẳng Tiểu học sang Cần Thơ tiếp học lớp Nhì (Cours Moyen), tôi may mắn gặp lại thầy ở cương một cán bộ quản lý.

Như vậy, trong thời gian thực dân bắn phá tan hoang ngôi trường duy nhất trong làng, việc học của thế hệ chúng tôi bị trễ đi mấy năm. Về sau, bọn tôi mới đi học tạm lại tại một ngôi chùa cổ phía sau nhà lồng chợ Tân Quới trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ phương tiện. Gần ba năm sau, với bộ đồ bà ba đen, tôi trở lại trường với những chiếc tập thô sơ xé ra từ những trang vở giấy cũ vàng của chị tôi và kết lại bằng dây chì hay may bằng chỉ thô. Học trò viết ngòi chấm mực pha bằng từng cục mực tím trong bình thủy tinh nhỏ. Ở nhà, ban đêm hay ngày gặp lúc trời tăm tối âm u, vì lúc bấy giờ không có dầu lửa, đèn cầy (nến), cả nhà phải thắp đèn dầu dừa, dầu mù u hoặc rọi mù u. Vì bấy giờ điện khí chưa đến nông thôn. Khi nào ra ngoài ban đêm phải dừng đuốc làm bằng lá dừa khô hay đèn soi cá (giống như đèn bão) làm bằng mo cau. Để có ánh sáng học bài hay đi lại trong nhà ban đêm, chúng tôi phải dùng đèn mù u, cây rọi mù u hoặc đèn dầu dừa.

Để có được đèn hay rọi mù u, vào những ngày không đến trường, mẹ tôi sai tôi đi ra bờ cản sau nhà hoặc khu vườn hoang hàng xóm lượm trái mù u. Tôi và thằng Tý em trai tôi phải mang theo giỏ tre hoặc chiếc thùng thiếc nhỏ để đựng vì lúc bấy giờ chưa có bọc ni lông. Mù u là loại cây rừng mọc hoang dã miền quê Nam bộ ngày xưa. Thân cao lớn, cành sum suê rất dai, lá lớn dày, to bảng nhưng nhỏ hơn lá măng cụt. Bông mù u có mùi hương nhẹ, thanh thoát, xa trông tựa hoa bạch mai trên ngọn Bình San ở Hà Tiên trước đây nhưng cánh hoa cũng lớn và dày hơn với nhụy hoa màu vàng sậm điểm xuyết giữa lòng hoa, trông rất ấn tượng. Giống như cây tử kinh, cây mù u trổ hoa bốn mùa với mật hoa ngọt thơm đậm đặc nên thường quyến rủ các loại côn trùng như ong bầu, ong ruồi, ong vò vẻ và bươm bướm.

Những lần đi lượm trái mù u, nhiều lúc tôi không tránh khỏi cảm giác bị mê hoặc bởi mùi hương nhẹ thoảng của hoa mù u và tiếng nhạc đồng vi vu của loài ong bướm đến hút mật. Trái mù u tròn vo, xinh xắn, to gần bằng trái cau ăn trầu, với lớp vỏ mỏng xanh bao ngoài lớp sọ cứng chứa cơm mù u (gần giống như trái dừa) đậm đặc bên trong. Trái mù u nhặt từ dưới gốc nó có thể còn lớp vỏ xanh hay bị vết loang lổ vì chim ăn, một phần lớn trái chín khô tróc trụi lủi lớp vỏ mềm bao ngoài trông không khác quả đầu tròn đẹp, láng co-óng của chú tiểu trong chùa. Lắm lúc, tôi phải lội lỏm bỏm dưới nước vớt những trái mù u khô nổi lềnh bềnh trên mặt mương, ao không khác nào đi dậm cá ở lạch đìa miền quê trong mùa nước cạn. Trái mù u mang về bóc sạch hết vỏ xanh, nếu còn, đem rửa sạch, phơi khô ráo lớp vỏ cứng chuẩn bị cho công đoạn sau. Đó là dùng một tấm thớt me dày đập nhẹ cho vừa nứt bể lớp vỏ cứng bao ngoài. Dùng mũi dao cạy cho tróc hết vỏ khô để lấy cơm trái mù u ra.

Các chị tôi, nhân lúc rảnh công việc chăn nuôi, vườn ruộng cũng bắt tay làm tiếp công việc này với hai anh em tôi. Công việc không gay go nhưng đòi hỏi sự tẩn mẩn cần cù, chẳng mấy chốc, một rổ lớn mù u khô được khựi ra, cơm mù u dựng đầy một thau lớn. Trong lúc ba tôi hì hục chẻ củi ngoài sân nhà, mẹ tôi tìm một cái chão lớn bắc lên hỏa lò đốt sẵn lửa, lần lần đổ hết thau cơm mù u vào. Chị ba tôi dùng một chiếc đũa dài to bảng trộn đi trộn đều lại đến lúc cơm mù u trong chão mềm ra, kết dính dần lại thành một khối mềm như mảng bột nếp trong cối quết bánh phồng những ngày giáp Tết.

Để làm rọi mù u, trong những ngày tao loạn thiếu dầu lửa và chưa có điện tới tận nhà như bây giờ, người dân quê chẻ sẵn trước một bó nan tre bằng chiếc đũa tre ăn cơm, dài từ 20 đến 25 cm. Khối mù u xào mềm được bốc ra từng cục nhỏ, vắt dính đều vào từ đầu que tre, tay bóp cho dính chặc nhưng đến gần cuối, chừa khoảng 4 cm một đầu que để cầm đốt khi sử dụng. Công việc này, phụ nữ, đàn ông, trẻ già đều làm được dễ dàng. Cây rọi mù u trông xa không khác một que nem nướng trong nhà hàng ẩm thực, chỉ có điều không giống nhau ở mùi vị do chất liệu tạo thành và môi trường sử dụng.

Muốn dùng dầu mù u làm đèn đốt đỡ ngặt, người ta xào lâu hơn trên ngọn lửa nung nhỏ cho đến khi cơm mù u chảy tan hết thành chất dầu hơi sánh. Sau đó, dùng tim đốt bằng vải hay bằng cách thụt ruột cây bấc, phơi khô để làm tim. Đèn mù u là loại đèn dã chiến. Chỉ dùng một cốc hay ly nhỏ đựng dầu với tim để ló ra ngoài là có được một chiếc đèn thô sơ, dùng đỡ trong thời buổi khó khăn thay thế đèn dầu lửa. Mẹ tôi là người phụ nữ khéo léo nữ công gia chánh. Ngoài tuyệt kỹ làm bánh, nấu ăn, mẹ tôi còn có sáng kiến dùng dầu mù u, kết hợp với dầu dừa, chu sa và sáp lấy từ vỏ thuốc tàu, chế tạo ra thuốc xức ghẽ rất hay, xài đỡ nhưng rất hiệu quả trong thời kỳ thuốc tây khan hiếm ở nông thôn.

Nhìn chung, đèn dầu dừa cũng cho con người ánh sáng sinh hoạt như đèn mù u nhưng trong thục tế, người sử dụng đèn dừa phải chịu tốn kém công sức hơn. Vì lẽ, trái mù u chỉ cần đi nhặt còn trái dừa, chất liệu để làm đèn dầu dừa, nếu vườn nhà mình không trồng nó thì ta phải đi mua, tốn tiền. Ba tôi ăn hương quả lo giữ phần thờ tự, đảm nhiệm được một miếng vườn nhỏ mấy công do nội tôi để lại có được gần chục cây dừa sai trái. Do vậy, nhà tôi cũng có đôi lúc thắng dầu dừa và sử dụng đèn dầu dừa. Cách làm đèn dầu dừa cũng đơn giản, giống như đèn mù u miễn là biết cách thắng dầu. Lúc còn ở nhà khi chưa vào du kích, anh hai tôi chịu trách nhiệm leo bẻ dừa mỗi khi gia đình tôi cần loại trái cây đặc trưng biểu tượng của vùng đất Nam bộ này.

Ngoài trái dừa tươi để uống giải khát, một thức uống nước ngọt thơm bổ dưỡng độc đáo, cơm dừa cứng cạy dùng để làm mứt mà ai cũng ưa thích, trái dừa khô cũng cho dầu qua cách chế biến gần giống như cách làm ra dầu mù u. Dừa thật khô, qua công đoạn lột sạch lớp vỏ xơ cứng bên ngoài cùng khá khó khăn, phải đổ mồ hôi, người ta phải dùng sống rựa hoặc dao phay bổ đôi một nhát thật mạnh, lớp vỏ cứng gọi là gáo dừa khô nứt làm đôi ra hai nửa phần. Công việc được phân bố khá đều đặn cho các thành viên trong gia đình: anh hai tôi là thanh niên khỏe mạnh có bổn phận leo bẻ dừa, lột vỏ dừa khô và bổ đôi nó ra. Chị ba hoặc chị tư tôi lãnh phần nạo dừa. Cơm dừa khô khá cứng, sau khi nạo ra trộn với nước lã trong thau, các chị tôi dùng khăn sạch bọc lấy xác, vắt lấy nước cốt dừa.

Còn mẹ tôi luôn phụ trách việc thắng nước cốt dừa lấy dầu vì công việc này đòi hỏi phải kinh nghiệm. Công dụng của dầu dừa rất đa dạng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày nay, không thiếu loại dầu ăn nước trong vắt đựng trong chai nhựa trông rất hấp dẫn với những tấm nhản quảng cáo hoa hòe sặc sỡ, bán trổi khắp nơi nhưng chưa ắt là sạch nên người tiêu dùng cũng nhắm mắt mà ăn. Chỉ có người sành điệu hay hàng quán uy tín mới sử dụng dầu dừa để chiên, xào đồ ăn, nướng thịt bò bít-tếch trên mẻ sành.

Phụ nữ Nam bộ ngày xưa hay dùng dầu dừa xức cho láng và đẹp tóc – một thói quen giống như người con gái miền Bắc nước ta hay dùng nước bồ kết gội đầu hòng giữ được vẻ đen huyền, láng đẹp và mùi hương nhẹ thoảng thanh thoát rất đặc biệt của mái tóc – chứ ít khi sử dụng nước hoa lòe loẹt như bây giờ: Ước gì được chút hương bồ kết/ Cho đá mềm đi núi ấm lên (thơ Hữu Thỉnh). Không dùng để thắp sáng, họ hàng trên của dầu dừa là nước cốt dừa có tác dụng đa dạng như làm các loại bánh ngọt, trộn cớm dẹp, làm bánh xèo, nấu ca ri, xào lăn thịt rắn, thịt bò với lá lốt… thật tuyệt vời. Riêng chất nước dừa trong vắt chiếm một dung tích khá lớn bên trong trái dừa, ai có kinh nghiệm sẽ không quên đặc biệt dùng nó để thắng nước màu hoặc chất phụ gia – thay thế cho bột ngọt là hóa chất dùng nhiều không tốt cho sức khỏe con người – để kho thịt heo, sử dụng lâu ngày, phục vụ đám tiệc, lễ giỗ, ngày Tết truyền thống…

Hiện tại, mọi người từ thành thị đến nông thôn, đã thực sự sống hạnh phúc với phương tiện vật chất đầy đủ, hiện đại. Ánh sáng điện khí tràn ngập nhà cửa, đường phố trong một đất nước thanh bình, thịnh vượng, bù lấp lại những ngày chiến tranh tang tóc đã qua. Tôi không thể nào quên chuỗi ngày gian nan cùng với hình ảnh thiêng liêng của các bậc sinh thành mang nặng công ơn dưỡng dục tôi chưa bao giờ được mảy may đền đáp. Tôi cũng nhớ đến anh chị em ruột thịt năm tháng chia sẻ ngọt bùi trong gia đình, tất cả chịu sống tù túng, cơ cực trong cảnh thiếu thốn, tối tăm phải dùng dầu và rọi mù u, đèn dầu dừa để nhờ lấy chút ánh sáng mong manh nhòa nhạt mà lao động, học hành.

Tôi cũng cảm thấy lòng khôn nguôi nhớ đến hình ảnh người thầy học đáng kính ngày xưa, yêu tha thiết văn chương và học trò, người kỹ sư tâm hồn đã dày công dạy tôi hiểu sâu sắc từng chữ và nghĩa trong bài học sách Quốc văn Giáo khoa thư. Từ đó, hình bóng lờ mờ trong trí nhớ xa xăm về những chiếc rọi và đèn mù u cùng với ngọn đèn dầu dừa hầu như chỉ còn trong cổ tích.

Tuy nhiên, những hình ảnh huyền thoại ấy không hề tách rời bao gian khổ nhiêu khê và ký ức triền miên về những nỗi buồn vui canh cánh trong đời tôi. Với tôi, đó là mảnh đất màu mỡ, tràn ngập phù sa đã nuôi dưỡng tôi trở nên một con người đúng nghĩa như ước mong khiêm tốn mà vô cùng sâu sắc của thi sĩ Trần Tế Xương trong một bài thơ chúc Tết con người **: Sao được cho ra cái giống người.

* Thầy Nguyễn Văn Quế, bút danh Văn Quê, gốc ở Cần Thơ nhà giáo làm thơ, sau 1975 là Chánh Văn phòng Ban Giáo dục TP Cần Thơ

** Trần Tế Xương, còn gọi là Tú Xương (1870-1907), nhà thơ trào phúng thời Pháp thuộc sống cùng thời với thi sĩ Yên Đỗ Nguyễn Khuyến.

N.T