Rưng rưng lòng dân – Trầm Hương

763

19.02.2018-18:10

 Ngày 3.1.2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và trao tặng danh hiệu

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu),

nguyên Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Ảnh: TTXVN.

 

Rưng rưng lòng dân

 

TRẦM HƯƠNG

 

NVTPHCM- Xuyên suốt những trang sách về lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, đọng lại trong lòng tôi là niềm rung cảm mãnh liệt về lòng dân. Đặc biệt, lực lượng tình báo, biệt động đã ẩn mình trong rừng người, được nhân dân đùm bọc, che chở đã làm nên bao kỳ tích.

 

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) – người chỉ huy Cụm Tình báo chiến lược A.18 – H.63 luôn mang nặng trong lòng món nợ với những người phụ nữ làm công tác liên lạc đã mưu trí, dũng cảm; vượt qua muôn vàn khó khăn, nghiệt ngã; lặng lẽ hy sinh cho sự an toàn của mạng lưới tình báo. Ông gọi lực lượng đặc biệt ấy là những nữ giao thông mật. Ông nói thêm:

 

“Cũng như là giao liên bên biệt động. Đội ngũ này linh hoạt lắm, đảm nhận một đường dây bí mật trải dài đến mọi miền đất nước. Ông Tư Cang chia sẻ: “Hồi còn nằm ở Củ Chi điều khiển đường dây liên lạc tình báo, biệt động, đặc công đánh vào Sài Gòn, có lúc trong đầu tôi nảy ra một ý nghĩ ngộ nghĩnh; nếu trong một giờ nào đó, mỗi người liên lạc của cách mạng đi vào thành với một ký hiệu đỏ trên tay, thì trên các nẻo đường tiến vào Sài Gòn, ta hình dung sẽ thấy những đường dây đỏ đan chéo nhau chằng chịt, từ Trảng Bàng, Củ Chi, Long An… Ngay tận Bến Tre, Bà Rịa, ở đâu có cơ quan Y4, có cơ quan Trung ương Cục đóng thì từ đó có những đường dây đỏ bủa về Sài Gòn. Từ hơn 30 năm nay, những địa chỉ đỏ tăng lên, những đường dây đỏ dày đặc như một mạng lưới…”.

 

Khi xâm nhập nội đô Sài Gòn, được gia đình bà Nguyễn Thị Yên Thảo cưu mang, hết lòng che chở; ông Tư Cang đã xúc động nghẹn ngào, thấm thía lòng dân, khi nghe cha Tám Thảo bộc bạch: “Nói thiệt với con, vốn ba hiện nay, ngoài nhà cửa và sạp vải Tân Mỹ ngoài chợ Bến Thành, tiền gởi ngân hàng tính ra cũng hàng ngàn cây vàng. Ba biết nếu giặc bắt con trong nhà thì ba trắng tay hết. Gia đình, tài sản không còn gì, con cháu không được đi học nữa, nhiều người phải vào tù…, nhưng ba thương con, thương cách mạng. Ba tin cách mạng sẽ thành công. Con cứ yên tâm ở đây mà làm việc cho cách mạng, có gì bất trắc ba chết, con mới chết”. Đêm Mậu Thân 1968, trên căn gác ngôi nhà 136B Gia Long, ông đã bắn phát đạn chia lửa cùng đội 5 Biệt động đánh vào Dinh độc lập bị vây bủa trong ngôi nhà đường Thủ Khoa Huân. Địch lùng sục từng ngóc ngách ngôi nhà nhưng ông đã được cứu sống bởi sự bình tĩnh, mưu trí của Tám Thảo. Nơi ông ẩn nấp cũng chính do tay chủ nhân ngôi nhà cưa đục trên tầng áp mái, để phòng khi vị “thiếu tá tình báo Việt Cộng” tránh gặp mặt những tên ác ôn. Sài Gòn không có rừng cây nhưng có rừng người cưu mang, che chở cho cách mạng trong những ngày đen tối nhất. 

 

Khởi nguồn tìm tư liệu để viết quyển tiểu thuyết “Đêm Sài Gòn không ngủ” về Mậu Thân 1968, tôi được các cô chú cựu chiến binh chỉ ra một nhân mối đặc biệt và nhiệt tình cho tôi địa chỉ: “Gặp ông Tư Chu đi, 14 Nguyễn Ư Dĩ, phường Thảo Điền, quận 2”. Ông Tư Chu, tức Nguyễn Đức Hùng, chỉ huy một đội quân đặc biệt trong lòng Sài Gòn, được gọi theo cách của người Sài Gòn dành cho sự khâm phục, ngưỡng mộ là “Ông trùm Biệt động” khiến tôi ngán ngại. Nhưng rồi tôi dũng cảm gõ cửa.

 

Ôi, “Ông trùm” hiện ra trước mắt tôi là một người đàn ông thanh mảnh, với gương mặt trầm tư và nụ cười hiền. Ông đã mở lòng để những trang sử biệt động Sài Gòn hiện ra với những số phận con người thầm lặng góp phần làm nên cuộc chiến đấu thần thánh. Chiến sĩ của ông là em bé đánh giày, cô gái bán ba, anh xích lô ba gác, cả những “yếu nhân” nơi phủ đầu rồng, là những cô gái đẹp như hoa, dịu dàng, e ấp  giấu bên  trong một sức mạnh quật cường, ngùn ngụt lòng ái quốc. Tôi rung cảm đặc biệt với những thân phận “cò”, “vạc” đã làm nên đã làm nên những chiến công huyền thoại của biệt động Sài Gòn. Tôi tự hỏi điều gì đã giúp cho những “cò”, “vạc” ở Sài Gòn làm nên bản anh hùng ca bất tử của Sài Gòn. Và rồi, tôi – một “con vạc” từ Bến Tre lên Sài Gòn lập thân, lập nghiệp; nghiệm ra rằng, chính tính cách thân thiện, hào hiệp, bao dung, công bằng, chí thú làm ăn của người Sài Gòn đã cưu mang những anh hùng, nuôi nấng những nhân tố anh hùng, những hạt giống đỏ, những khát vọng, bức phá, vượt rào. Đội quân biệt động của ông Tư Chu đã biết “bình thường hóa” trong sinh hoạt đời thường, lẫn vào người Sài Gòn để làm nên những kỳ tích phi thường.

 

“Ông trùm” biệt động từng nói: “Chỉ có ở Sài Gòn mới có biệt động Sài Gòn!”. Ông trùm biệt động cứ day dứt hoài với với những chiến sĩ – hiệp sĩ trong đường dây biệt động của ông. Đó là anh Phan Kim Thạch – một sĩ quan phiên dịch cho Nam Hàn, sẵn sàng làm giao liên đưa hai ông trùm biệt động Tư Chu và Ba Thắng thoát khỏi Sài Gòn sau đêm Mậu Thân 1968. Những ẩn số Biệt động thật đáng cho người Sài Gòn thế hệ sau suy ngẫm, bởi có những người lái xe tuy nghiện thuốc phiện vẫn tràn đầy lòng yêu nước, sẵn sàng lái xe qua nguy hiểm, cái chết. Vì lòng yêu nước, muốn đươc cách mạng tin cậy, ông đã gồng mình, vật vã cai nghiện. Có người sĩ quan hoạt động đơn tuyến, vì đại cuộc đã tự móc mắt mình để qua mặt kẻ thù. Ở Sài Gòn có nhà tư sản dân tộc Bùi Duy Cận – người sáng lập và là chủ nhân Hãng sơn Bạch Tuyết, đã giúp hàng ngàn lượng vàng cho cách mạng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Cận lúc ấy sang Pháp chữa bệnh đã ủy nhiệm cho người cháu, hiến toàn bộ tài sản và hướng dẫn cách sản xuất sơn Bạch Tuyết cho cách mạng. Đó là câu chuyện “gia đình Biệt động” của má Vũ Thị Lượng, với chiếc xe ba gác, mẹ đẩy sau và đứa con tật nguyền đằng trước, chở rác rưởi, xà bần đi khắp thành phố Sài Gòn, chuyển vũ khí tận tay cho các chiến sĩ cách mạng. Ông Tư Chu mãi day dứt về sự hy sinh thầm lặng của anh Lê Huấn (Hai Hồ) – con trai một tướng lĩnh cao cấp Sài Gòn, quê gốc Quảng Nam đã hoạt động đơn tuyến trong lòng địch. Trong vai một sĩ quan quân đội cộng hòa, chính Hai Hồ lái xe đưa ông vào thị sát Bộ Tổng Tham mưu, chuẩn bị cho Mậu Thân 1968. Đó là người phụ nữ chấp nhận làm người chiến sĩ vô danh khi làm vợ một sĩ quan không quân Mỹ đã lấy được cho cách mạng tấm bản đồ chi tiết nội đô Sài Gòn và tấm bản đồ ấy đã giúp lãnh đạo phân khu nội đô nghiên cứu cho kế hoạch tổng tiến công…

 

Những phận đời chất chứa oan khuất, nỗi đau; chấp nhận những vỏ bọc không là mình đã làm nên ẩn số của lòng yêu nước mãnh liệt của người dân Sài Gòn. Cho đến phút cuối đời, ông Tư Chu vẫn còn day dứt trước món nợ máu xương. Chỉ sau một đêm Mậu Thân, hơn 88 chiến sĩ biệt động hy sinh, nhiều cơ sở nội thành bị vỡ, bị bắt vào các nhà tù cho trận “dứt điểm” không thành này (mà để có được một chiến sĩ biệt động thật kỳ công, ngoài lòng quả cảm, trung thành vô hạn với Tổ quốc còn phải có được những điều kiện bình thường hóa bám thành phố hoạt động, nên tổn thất này nhân lên hàng ngàn lần). Nỗi day dứt ấy vẫn đau đáu trong ông đến cuối đời, bởi sau ngày hòa bình, lực lượng biệt động đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, được giải thể quá nhanh, chưa kịp làm chính sách cho những người lính thầm lặng, đơn tuyến trong lòng địch.

 

Lần theo lời kể của ông Tư Chu, được sự dẫn dắt của lòng đa cảm, tôi đã đi đến nhiều địa chỉ ở Sài Gòn, được mở lòng, chia sẻ. Những trang viết đầy thêm mỗi ngày. Tiểu thuyết “Đêm Sài Gòn không ngủ” đã ra đời từ rung cảm mãnh liệt số phận những con người thầm lặng mà nghĩa khí rất đỗi Sài Gòn. Tôi cứ ám ảnh về đôi vợ chồng biệt động mà khi còn sống, ông kể về công lao và sự hy sinh của họ trong day dứt, ngậm ngùi. Đó là chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Thông – một con người tài hoa, tốt bụng, được nhiều người yêu mến. Ông gốc người Bến Tre, làm nghề dạy học, từng tham gia kháng chiến chống Pháp, bị địch truy lùng, cùng vợ lên Sài Gòn tham gia cách mạng. Ông vận động, thuyết phục được nhiều sĩ quan, viên chức, binh lính đối phương vào đội ngũ cách mạng như ông Năm Sơ Mi – người  Ấn lai, là thẩm sát viên ngoại hạng ở Tổng nha Cảnh sát chính quyền Sài Gòn. Năm Sơ Mi đã cung cấp cho ông Thông nhiều tin tức có giá trị. Ông Thông còn xây dựng được nhiều cơ sở để khai thác tin tức như phóng viên báo chí, sĩ quan quân trường Thủ  Đức, một thượng sĩ an ninh quân đội, lính quân cụ… Ông Thông còn có được người giao liên cần mẫn, tin cậy là chị Nguyễn Thị Ngọc. Ông Thông đã vận dụng, khai thác tin tức từ những mối quan hệ như một nghệ thuật, đáp ứng các nhu cầu của tổ chức đặt ra một cách trọn vẹn. Ông có người bạn đời trung thành, tận tụy là bà Huỳnh Thị Phát. Với nghề y tá, chăm sóc sắc đẹp, bà tiếp cận với các vũ nữ hạng sang, vợ bé các tướng lĩnh để khai thác tin tức. Bà đã từng tiếp cận nhân tình tướng Nguyễn Ngọc Loan – giám đốc cảnh sát Sài Gòn để lấy tin tức nóng cho biệt động. Cả vợ chồng bà và bốn người con đều tham gia kháng chiến. Sau Mậu Thân 1968, ông Thông bị sát hại ở nhà lao Thủ Đức. Bà Huỳnh Thị Phát bị địch giết ở ngã ba Tân Hiệp – Mỹ Tho. Bốn người con phải ly tán, tránh sự truy lùng của chính quyền Sài Gòn.

 

Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai từng bị địch bắt vào tù, bị tra tấn dã man. Sau chiến tranh, bà vượt lên thương tật, là người vợ, người mẹ chèo chống đưa gia đình ra khỏi cảnh nợ nần, nuôi nấng hai con học đại học. Bà không chỉ là một tấm gương nữ thương binh vượt qua số phận mà còn là người đồng đội nghĩa tình, luôn tìm cách tìm về, chia sẻ với những đồng đội biệt động có những mảnh đời khó khăn. Dấn sâu đậm trong lòng bà về Mậu Thân 1968 kỳ lạ thay không chỉ những chiến công mà chính là lòng dân trĩu nặng nghĩa tình. Bà kể nếu không có dân cưu mang, đùm bọc, che chở, bà không làm nên được những kỳ tích biệt động như đánh vào những tụ điểm thông tin, bãi xe hậu cần của Mỹ, nhà đèn Thủ Đức, vận chuyển vũ khí, tài liệu vào nội đô…  Dù đang điều trị vết thương ở căn cứ do trước đó địch bắt bà tra tấn dã man, tra lươn vào chỗ kín của phụ nữ, bà vẫn tìm cách trốn viện, có mặt trong đoàn quân tham gia chiến dịch Mậu thân.

 

Đội 90 C của bà bị địch khủng bố, xé lẻ không tiếp cận được mục tiêu. Bộ đội hy sinh nhiều. Anh em biệt động vừa chiến đấu yểm trợ bộ đội, vừa vận chuyển thương binh đến căn hầm nhà ông Trương Văn Thàng. Căn hầm này khá rộng, trước kia chứa vũ khí, giờ có thể chứa được khá nhiều người. Ở Mặt trận Bảy Hiền, bà được dân che chở, làm công tác giao liên, trinh sát, cứu thương. Bà chứng kiến quá nhiều người hy sinh, có đồng đội chết trên tay bà. Vượt qua mưa đạn, máu lửa, bà vẫn ráng sức đưa thương binh xuống hầm trú ẩn. Từ căn hầm bí mật này đã mở ra một câu chuyện khác của Mậu Thân 1968. Số thương binh dần dần được đưa về tuyến sau. Hôm đó, hầm chỉ còn 5 thương binh. Các anh trốn lên sân thượng tắm nắng. Địch phát hiện được, xông vào nhà khám xét, bắt đi cả năm người. Chúng bắt luôn bà Nguyễn Thị Năm- vợ ông Trương Văn Thàng. Chúng đánh đập chị ấy rất dã man. Bà Mai cũng bị chúng tra tấn chết đi sống lại nhiều lần, bị chúng đưa qua bệnh viện Chợ Quán điều trị. Tại đây, bà Mai đã gặp cơ sở giấu vũ khí của mình là bà Nguyễn Thị Năm. Bà Mai nghẹn ngào kể: “Chị ấy người mảnh mai,ốm yếu lại bị bệnh phổi trước khi bị bắt; làm sao chịu đựng nổi những ngón đòn tàn khốc. Chị đã chết trên tay tôi ở nhà thương Chợ Quán, để lại đứa con gái nhỏ Trương Thị Kim Thư. Thư lớn lên bơ vơ, đi tìm cha khắp nơi… Hòa bình, Thư lại vất vả đi tìm hài cốt của mẹ. Mậu Thân 1968 có quá nhiều những số phận thầm lặng, đã góp phần làm nên những câu chuyện anh hùng của người Sài Gòn mà cho đến giờ nhớ lại, tôi thấy mình vẫn còn mang món nợ lớn ấy, chưa trả được!”.

 

Vậy đó, có biết bao những con người thầm lặng góp phần làm nên lịch sử nhưng không kịp nhìn thấy những ngày lễ trọng đại kỷ niệm những cột mốc lịch sử.

 

Bà Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1932, quê xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn – nguyên Bí thư chi bộ thị trấn Hạnh Thông, quận ủy viên Gò Vấp kể: “Chúng tôi được phổ biến kế hoạch Tổng công kích, tổng khởi nghĩa trước ngày N giờ G chỉ 3 tháng. Chúng tôi gấp rút cho đào hầm bí mật, chuẩn bị chỗ ém quân, chuẩn bị lương thực thực phẩm…”. Trưa 28 Tết, bà nhận 2 xe vũ khí trang bị cho một trung đội đánh vào Bộ Tổng tham mưu, đưa xuống hầm bí mật trong ngôi nhà ở ga Xóm Thơm. Đây cũng là điểm giấu ém bộ đội trước giờ nổ súng. Bà còn làm binh vận, chiếm thành thiết giáp.

 

Nhiều năm trôi qua, tôi bị ám ảnh dữ dội về câu chuyện bà Thu kể về đội quân tham gia đánh vào Bộ Tổng Tham mưu mà bà cùng các nữ giao liên của mình có nhiệm vụ dẫn đường. Sau khi địch phản công, 17 thương binh lần lượt được đưa xuống hầm căn nhà bà ở khu vực Miễu Ông Địa, ga Xóm Thơm, Gò Vấp. Các thương binh được bí mật điều trị. Một số anh bị thương nhẹ được giao liên đưa về tuyến sau, chuẩn bị tấn công đợt 2 vào thành phố. Trong số thương binh còn lại ẩn dưới căn hầm, có một anh bị thương nặng trên đầu, tổn thương não. Anh đau đớn, lăn lộn, không kiểm soát được hành vi, la lối, kêu gào thảm thương. Sợ bị lộ, anh em trong hầm không còn cách nào khác “cắn răng, nuốt nước, bịt miệng đồng chí ấy, cho đến khi anh ấy không còn sức để kêu gào, la hét! Chuyện làm ấy không ai muốn nhưng cũng không còn cách nào khác, bởi sự an toàn của đội quân trong căn hầm!”. Bà Thu kể trong nghẹn ngào, nước mắt.

 

Anh hùng Lực lượng vũ trang – nữ biệt động Lê Thị Thu Nguyệt cho đến giờ vẫn day dứt trước món nợ gia đình cơ sở đã cưu mang bà và đồng đội hoạt động ngay trong lòng nội đô. Vợ chồng Phan Văn Lộc (sinh năm 1899) và Lê Thị Tập (sinh năm 1919) gốc người Quảng Nam, vào Sài Gòn lập nghiệp. Ông bà đều tham gia kháng chiến chống Pháp và Mỹ từ năm 1945. Bà Lê Thị Tập – vợ ông Lộc từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt vào năm 1959 do hoạt động cách mạng nhưng bà kiên quyết không khai báo. Sau khi ra tù, ông vẫn làm nghề thầu khoán, tiếp tục là cơ sở của biệt động F100. Vợ ông là cán bộ giao liên của Ban Công vận Thành ủy. Tại ngôi nhà số 384/58 đường Lý Thái Tổ, quận 3, Sài Gòn (nay là số 384/58 quận 10- TPHCM), vợ chồng ông đã công khai nuôi dưỡng ba chiến sĩ biệt động Trần Cường, Lê Thanh Tùng, Lê Thị Thu Nguyệt. Cũng từ đây, gia đình ông Lộc đối mặt với một thảm họa bất ngờ, do chính người lính biệt động gây nên. Bà Nguyệt bộc bạch: “Tôi đã sống và được gia đình ông bà Lộc cưu mang, bảo bọc mấy tháng đầu năm 1963 để tiến hành nhiệm vụ liên lạc, mang thư từ, đưa đón khách của Bộ đội Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định ra vào thành phố, vận chuyển vũ khí tham gia trận đánh chiếc Boeing vận tải 130 sĩ quan Mỹ ngày 27.3.1963 tại sân bay Tân Sơn Nhất và trận đánh phái bộ quân sự Mỹ (MAAG) trên đường Trần Hưng Đạo ngày 26.5.1963. Do tôi biết rất rõ vụ bất cẩn của anh Lê Thanh Tùng và Trần Cường, chiến sĩ đội 159 Biệt động gây nổ mìn, làm anh Trần Cường hy sinh tại nhà bà Lê Thị Tập. Anh Tùng thoát ra được chiến khu nhưng gia đình ông Lộc phải chịu cảnh tan nhà nát cửa, tù tội. Ông Lộc và ba đứa con lớn là Phan Nhựt Đông (sinh năm 1940), Phan Thị Nguyệt Thanh (sinh năm 1942), Phan Quan Tấn (sinh năm 1945) đều bị địch bắt, tra tấn dã man. Nhà đất, tài sản bị tịch biên. Bà Lộc cùng bốn đứa con nhỏ phải tá túc nhà người cháu ruột là Phan Văn Mỹ. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chính, ông Lộc được thả nhưng chỉ sau mấy tháng qua đời do di chứng những trận đòn chết đi sống lại trong tù. Do không còn nhà cửa, gia đình bà Lộc gồm ba đứa con lớn bị bắt vào tù trước đó cùng bốn đứa con nhỏ tiếp tục sống nhờ người cháu ruột. Sau ngày hòa bình, bà Tập – vợ ông Lộc làm đơn xin lại ngôi nhà cũ  hoặc được căn nhà khác thay thế để có nơi thờ phượng chồng nhưng cho đến nay, đã hơn 50 năm nguyện vọng của bà Tập cũng chưa được giải quyết. Là một người chịu ơn gia đình, chứng nhân của tấm lòng ông bà dành cho cách mạng và sự bất cẩn của người lính biệt động, cũng nhiều năm liền, tôi sống trong day dứt”. Day dứt và xót xa, bà đi nhiều nơi, gõ nhiều cánh cửa nhưng cho đến nay, niềm mong ước chính đáng của bà Tập cũng chưa được thoả nguyện. Nghe bà Nguyệt kể, tôi rưng rưng mướn khóc và cũng quá đỗi kinh ngạc trước một sự thật hiển nhiên?!

 

Sài Gòn là vậy, lịch sử xuyên suốt là lòng dân nghĩa khí, nghĩa tình. Càng tiếp cận với những trang lịch sử được làm nên bằng những cuộc đời thầm lặng, tôi càng cảm nhận vẻ đẹp thành phố mình đang sống một cách máu thịt, sâu thẳm. Với tôi, bản thân Sài Gòn là một kho báu di tích lịch sử khổng lồ, chạm vào đâu cũng thấy mình đang mắc nợ, thấy tay run. Ôi Sài Gòn rưng rưng hai chữ lòng dân, nên những gì viết ra cũng thật quá khiêm nhường, bé nhỏ trước hiện thực sống động, ngồn ngộn, đầy ắp món nợ của những người đang được sống.  

 

 

 >> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…