Sắc thu trong thơ chủ tịch Hồ Chí Minh

1809

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Văn chương, nghệ thuật là sản phẩm tinh thần của con người cũng như cỏ cây sông núi là tác phẩm của tự nhiên (Nature). Nhân loại được hình thành từ bàn tay của Tạo hóa. Do vậy có thể nói con người và thiên nhiên mang cùng chủng loại tế bào và nguồn “gen” giống nhau. Trên bình diện tâm lý, ngoại giới thường chỉ là một trạng thái của tâm tư (Le paysage n’est qu’un état d’ame). Vì thế xưa nay, các nghệ sĩ, thi nhân bao giờ cũng nhìn cảnh vật thiên nhiên qua lăng kính của tâm hồn mình “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Nguyên tắc này nếu đem áp dụng để đối chiếu với nội dung nhiều bài thơ nói về mùa thu của Bác Hồ, ta sẽ cảm nhận ra không ít điều suy nghĩ đáng nhớ.

Trong khi ở phương Tây, nhiều thi sĩ như Paul Verlaine, J.G.Whittier… đã nhìn mùa thu qua sự cảm nhận âm thanh não nùng của tiếng vĩ cầm làm tê tái lòng người: Thu ca (trong Chanson d’automne) hay cảnh lá hoa tàn úa. Trong thế giới thi ca Việt Nam cũng không hiếm những nhà thơ nổi tiếng đã phác họa cảnh thu bằng màu vàng của ánh trăng mờ ảo Tiếng thu (Lưu Trọng Lư), hoặc hình ảnh chiếc lá thu lảo đảo rơi từ cành cây vì cơn gió phũ phàng Cảm thu – Tiễn thu (Tản Đà)… thể hiện man mác một nỗi buồn ly biệt hay lòng nhớ nhung xa cách. Ngay cả trong thơ Đỗ Phủ, một thi hào đời Đường, trong suốt cả tám bài Thu hứng cũng trải rộng tâm hồn mình trên sắc thu lạnh lẽo u buồn trong bối cảnh xã hội loạn ly.

Nét đặc trưng ở thơ Bác là chân dung trời thu hiện ra rõ nét với những chi tiết, sắc màu và âm thanh ấn tượng. Bác không coi việc làm thơ, ngâm thơ không phải là cứu cánh ở đời “Ngâm thơ ta vốn không ham”. Trong hoàn cảnh bị giam cầm, Bác làm thơ phú chỉ như một một cái cớ khuây khỏa nỗi lòng, để chờ đợi một thời cơ thuận lợi cho việc lớn. Mỗi khi hạ bút gieo vần, Bác là để hướng tới mục đích phục vụ đồng bào, và sự nghiệp kháng chiến của toàn dân. Bác thường quan tâm đặc biệt đến thiếu niên, nhi đồng là những lá non hoa búp – là thế hệ tương lai của dân tộc. Nhân ngày Trung thu, Bác làm thơ gởi tặng các cháu.

“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”

Bác mượn vầng trăng thu “sáng như gương” để “tỏ lòng nhớ thương” những tâm hồn ngây thơ trong sáng “như gương” và không quên chúc các cháu ngoan ngoãn học tập để xứng đáng là cháu ngoan của Người.

Mùa thu năm 1948, sau chiến thắng vang dội của quân ta trên đường số bốn, Bác vẫn là linh hồn của cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp của dân tộc Việt Nam anh hùng. Suốt ngày dài đến cả thâu đêm, lúc nào Bác cũng bận rộn triền miên với việc chính trị, quân cơ mặc cho tiết thu lạnh lẽo đến với chiến binh, cán bộ ở núi rừng Việt Bắc.

Trong cảnh gió mưa thu mịt mùng giá lạnh, vị lãnh tụ giàu hồn thơ vẫn lắng nghe vang vọng tiếng sáo thu từ chốn rừng núi xa xăm:

Còi thu bỗng rúc vang từng núi
(Hốt văn thu địch sơn tiền hưởng)

 Tiếng “còi thu rúc vang từng núi” như khúc nhạc hùng tráng chào mừng đoàn du kích về lại thôn bản, giữa lúc tiệc rượu liên hoan chiến thắng chưa tàn:

Du kích về thôn rượu chửa vơi
(Du kích quy lai tửu vị tàn)

 Chỉ riêng bài “Thu dạ” gồm bốn câu thất ngôn tứ tuyệt mà tác giả đã chấm phá bằng nét bút linh động tài hoa được một bức tranh thủy mạc vừa nên thơ, vừa có hồn như một bức tranh thu trong bộ tứ bình.

Nhưng cái “hồn thu” trong thơ Bác càng độc đáo thêm vì dù trăng là nguồn cảm hứng, là người bạn thân thiết gần gũi, nhà thơ vẫn từ chối sự vồn vã mời mọc rất mặn nồng của nàng Thơ để đón nhận tin vui thắng trận từ “liên khu báo về” vào lúc giữa khuya:

Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu,
Ấy tin thắng trận liên khu báo về

(Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng,
Chính thị liên khu báo tiệp thì)

Nhìn tổng quan, các bài thơ về mùa thu của Bác mang sắc thái đặc trưng, rất khác biệt mà ta ít tìm thấy ở những bài thơ cùng chủ đề của tác giả khác trong thi ca thế giới hiện đại.

Cảnh thu trong thơ Bác được tả không theo quan niệm cổ điển của các nhà thơ xưa với chủ đích cá nhân hạn hẹp để thưởng nhàn hay gởi gấm tâm sự thầm kín của riêng mình. Sắc thu trong thơ Bác luôn ẩn chứa “hồn thu” của bức tranh thiên nhiên dạt dào sức sống và hơi thở của con người. Vầng trăng thu trong sáng hay từng trận gió mưa thu lạnh lẽo trong thơ Bác nhưng những yếu tố này chỉ làm phông cho nhà thơ biểu lộ tình cảm thiết tha nồng nhiệt và trái tim mênh mông cao đẹp của mình đối với dân tộc quê hương. Thơ Bác là tiếng ca âm vang hồn thu thiêng liêng của non sông máu thịt, biểu trưng cho tâm hồn lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới.

N.T