Sách – Ai viết, tặng ai và ai đọc?

638

Lê Ngọc Minh Hoàng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi nhận được tập truyện ngắn của bạn văn trước khi rời quán cà phê về nhà. Bạn gọi lại, nhắn: “Nhớ đọc nghen, có gì chia sẻ cảm nhận cho vui”. Không hiểu sao tôi lại nhớ 11 từ này trên suốt đường về.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Cầm quyển sách mấy trăm trang trên tay mà nghe trĩu nặng lòng mình. Lời nhắn cứ như một lời đề nghị da diết mong, khắc khoải chờ để bạn đọc hồi âm khi đọc hết tác phẩm của chủ nhân quyển sách, những đứa con tinh thần mà phải “cày sâu cuốc bẫm” lao nhọc họ mới có thể tạo cho chúng nên hình nên dáng. Sách tặng không, biếu không, sao lại phải nhờ đọc như thế chứ? Nghe mà cay mắt, xót xa. Phải chăng văn hóa đọc bây giờ không còn nhiều người tha thiết nữa?

Trên một diễn đàn văn chương tôi được nghe lời chia sẻ của những cây bút thế hệ 7X, 8X khi nhìn nhận về văn học bây giờ: một số truyện ngắn không còn dài dòng, lê thê như trước, mà đã cô đọng, xúc tích, ngắn gọn, các biện pháp miêu tả theo thể loại tản văn, tùy bút cũng thưa dần trong cách viết truyện ngắn của người trẻ hôm nay. Ít ai có thời gian để đọc một truyện ngắn năm sáu ngàn từ, và minh chứng đã có những cuộc thi viết truyện ngắn chỉ trên dưới hai ngàn từ mà thôi. Phải chăng sở thích đọc văn xuôi cũng đã dịch chuyển sang một xu thế mới? Một người bạn văn của tôi từng là tác giả của nhiều truyện ngắn cũng không còn thời gian để đọc những tác phẩm dài, nhất là những truyện trên không gian mạng. Thế nên lật mở một cuốn sách để đọc cũng còn nguyên ý nghĩa của hai từ “đọc sách” khi tôi về thăm một người bạn ở quê.

Vậy sao lại có lời nhắn gởi “Nhớ đọc nghen” như thế?

Câu trả lời có ngay trong chuyện không xa khi tôi lang thang ra nhà sách cũ, tìm những quyển sách ngày xưa mà mình chưa có điều kiện mua. Lật tìm từng kệ sách, xem từng bìa sách, lật từng trang sách ngã màu, bất chợt nhói lòng khi gặp quyển sách có chữ ký của một nhà văn ký tặng cho một bạn văn cũng là cây bút chuyên nghiệp. Mở xem, quyển sách vẫn chưa sờn gáy, tôi hiểu nó chưa được nhiều lần lật mở những trang bên trong, và để rồi một ngày nó có mặt nơi đây, trên kệ sách cũ, giá trị được cân bằng kg. Tôi mua quyển sách đó bằng chính giá bìa trước lời cảm ơn của người bán sách, vì tôi không muốn một ngày nào đó tác giả chữ ký kia sẽ rất buồn nếu gặp tập truyện của mình bám bụi nắng, gió nơi đây.

Lần khác, tôi đến một nơi mà sách nằm ngổn ngang dưới chân cầu thang, quyển này chồng lên quyển nọ, tôi lật tìm và chọn mỗi loại một cuốn mang về, nghe nhoi nhói trong lòng, giá trị của những quyển sách được những tác giả chắc chiu gọt giũa từng câu lại “bơ vơ” như thế. Chia sẻ câu chuyện này, tôi được một anh bạn văn trầm ngâm rồi nói: “Bây giờ có nhiều người chỉ thích đọc cái của mình viết mà thôi, còn người khác viết thì ít quan tâm nhiều”. Tôi lắng nghe và quan sát xung quanh, quả thật đã gặp nhiều bạn văn mở trang báo ra là lật tìm ngay tác phẩm của mình và đọc trước. Sao lạ vậy? Chắc là họ xem người biên tập có chỉnh sửa lại gì trong tác phẩm của mình không? Nghĩ vậy cho lành. Song, sau khi đọc bài của mình rồi thì tờ báo văn chương ấy cũng chỉ còn lật qua loa, xem những cái tên tác giả, tựa bài góp mặt trên tờ báo mà thôi.

Văn hóa đọc dần mai một, người tìm mua sách và đọc sách càng lúc càng ít đi. Trên một trang mạng chuyên kinh doanh sách cũng đã nhiều lần khuyến mãi, giảm giá đến 80% giá bìa các đầu sách văn học. Nghe xót xa khi một tuyển tập một thời như báu vật gối đầu giường của bao thế hệ chỉ còn rao bán mười bảy ngàn đồng một cuốn, chưa bằng một nửa bình trà trong quán trà hoa.

Nhắc đến không gian tĩnh lặng của trà đạo khi có những kệ sách cho khách hàng ngồi đọc, tôi lại thêm lo khi chứng kiến một số người trẻ vào đây đọc sách. Họ là công chức, sinh viên, học sinh đến đây nghỉ trưa trong không gian tư giản, nhạc du dương này. Họ lật đến giữa quyển sách ngồi chăm chú dán mắt mình vào đó say sưa. Thoạt nhìn bạn sẽ cho rằng họ đang thả hồn vào từng con chữ, nhưng khi vòng ra sau lưng họ thì bạn sẽ như tôi, không tin vào mắt mình, vì họ đang chăm chú vào màn hình điện thoại thông minh mà lướt web, facebook. Những đôi mắt kính dày cộm kia liệu có được bao nhiêu chữ nghĩa trong đầu khi vào không gian sách của văn chương? Ở những thư viện tôi cũng bắt gặp những hình ảnh tương tự như thế. Hóa ra ngay cả việc tự dung nạp kiến thức cho mình từ những trang sách mà còn giả tạo, thì nói chi đến việc ai đó tặng sách và nhờ đọc sách thì tránh sao không khỏi sự băn khoăn.

“Đọc miễn phí” là ba từ mà ai cũng quen nghe, nhưng ít khi quen thích. Các trang văn học trên facebook hay blog của các nhà văn thì cũng chỉ dành cho những người sáng tác ghé thăm là phần lớn. Số lượt đọc và bình luận, chia sẻ cảm xúc ít khi vượt qua ba con số, lẽ đó mà khi tác giả xuất bản và phát hành một quyển sách thì cũng chỉ để làm quà tặng bè bạn văn chương với nhau, đã vậy còn khuyến mãi thêm lời dặn dò “Nhớ đọc nghen!”

Vừa rồi tôi đi dự một buổi sinh hoạt thì được nghe câu chuyện sẻ chia từ một nhà thơ rằng: 10 năm qua, cả một khu vực chỉ có 2 đầu sách văn học có chất lượng tốt mà thôi. Nghe mà giật mình rồi tự hỏi: Hàng trăm đầu sách đã có mặt trên văn đàn trong thời gian qua là thế nào? Những buổi ra mắt và giới thiệu sách rầm rộ của các nơi đã thổi phồng lên sự thật chăng? Sách bán chạy nhất trên thị trường đã mang đến thông điệp gì cho cuộc sống? Hay chỉ chạy theo thị hiếu của một số người đọc vội vàng? Phải chăng thương mại hóa văn chương đã len lỏi vào từng trang viết và danh xưng nhà văn, nhà thơ cũng được một số người tự phong cho mình để bằng chị bằng em. Một vài cây bút nổi lên như một hiện tượng của thị trường thương mại hóa.

Tôi khép lại quyển sách mình mua về từ kệ sách cũ và chia sẻ mấy dòng này khi nhớ lời bạn văn chia sẻ: “Nhiều người mình không tặng thì trách, chứ tặng sách rồi chưa chắc đọc gì đâu!”.

L.N.M.H