Sách dành cho người yêu tiếng Việt của Cao Xuân Hạo

1444

14.3.2018-10:00

Sách Tiếng Việt, Văn Việt , Người Việt

do NXB Trẻ và Phương Nam book phát hành.

 

Sách dành cho người yêu tiếng Việt

của GS Cao Xuân Hạo

 

LÊ TIÊN LONG

 

NVTPHCM- “Mổ xẻ” tiếng Việt, văn Việt một cách chi li bằng ngôn ngữ giản dị, cuốn sách của nhà ngôn ngữ học nổi tiếng rất cần thiết với những người yêu tiếng Việt.

 

Tập hợp những bài viết được học giả Cao Xuân Hạo đăng rải rác trên báo chí từ năm 1982 đến 2001, cuốn sách Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt với bố cục chia làm ba phần theo tên sách.

 

Đây là những ý kiến của ông về các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ, văn học và văn hóa của dân tộc. Là một nhà Việt ngữ học lão thành, tất nhiên trung tâm nghiên cứu của ông là những vấn đề của tiếng Việt, nhưng ngoài ra ông cũng quan tâm đến những vấn đề có liên quan xa gần với ngôn ngữ như văn học và văn hóa.

 

Những ý kiến mà GS Cao Xuân Hạo đăng trên báo chí thường có một nét đặc trưng: rất ít khi dung hòa, cho nên thường gây nên trong lòng người đọc một phản ứng hoặc rất tích cực, hoặc rất tiêu cực. Người thì tán thưởng, người thì phản đối, chứ không mấy ai bình thản bỏ qua. Do đó, khá nhiều lời lẽ của ông nghe có phần chướng tai, tuy không bao giờ thô lỗ.

 

Trong cuốn sách, thể hiện rõ sự bức xúc của ông vì tên riêng nước ngoài bị phiên âm sai, do người viết không biết cách đọc, chứ không phải vì vần quốc ngữ không cho phép. Chẳng hạn như tên Reagan bị phiên thành Ri-gơn, lẽ ra phải phiên là Rêi-gân, tên Engels bị phiên thành Ăng-ghen, lẽ ra phải phiên là En-ghen hay Eng-gơn, Diesel bị phiên thành Đi-ê-den, lẽ ra phải phiên thành Đi-dơn… Từ năm 1994, ông đã cất công vạch rõ những sai sót về ngữ pháp mà các bình luận viên bóng đá trên truyền hình mắc phải.

 

Bàn về từ Hán Việt, ông phân tích: “Đừng tưởng thay thế từ Hán Việt bằng từ thuần Việt là bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, trong khi đó chính là làm cho tiếng Việt nghèo đi, và thay những cách nói đúng đắn và thích hợp với tình huống. Với ngôn cảnh hay văn cảnh bằng những cách nói ngô ngọng, lạc lõng, thậm chí vô lễ và man rợ.

 

Nếu gọi con gái bạn mình bằng quý nữ chẳng hạn là lố lăng, thì gọi một người đàn bà bằng đồng chí gái hay y tá gái cũng lố lăng không kém. Thủ tướng gái không bằng nữ Thủ tướng. Nhưng đầy tớ gái lại hơn nữ đầy tớNgài Tổng thống và vợ không bằng Ngài Tổng thống và phu nhân, nhưng thằng Út nhà tôi và phu nhân lại không bằng thằng Út nhà tôi và vợ nó. Nói chung, những sự kết hợp không tương thích đều cho những kết quả xấu”.

 

GS Cao Xuân Hạo cũng truy về các đại từ chỉ người và chỉ chỗ trong phương ngữ Nam Bộ, như ảnh, ổng, bả, trỏng, ngoải, bển… Ông chỉ ra cách dùng dấu “vân vân” (v.v…) và dấu chấm lửng (…), phân biệt các từ  với tuy và mặc dầu

 

Phần Văn Việt, là những bài viết phân tích của tác giả về nghĩa từ “mày ngài” trong câu thơ tả Từ Hải trong Truyện Kiều, “trăm năm trong cõi người ta” là gì, “gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung” hay “nghĩ cũng”….

 

Trong khi phần Người Việt và Văn hóa Việt, là các suy nghĩ của GS về việc ngôn ngữ có thể đóng góp gì vào việc tìm hiểu tư duy và văn hóa Việt Nam, văn hóa trong cách xưng hô của người Việt hay những vấn đề có tính thời sự đến ngày hôm nay như lương tri trong thời kinh tế thị trường, bàn về tự học…

 

Hầu hết những văn bản được sưu tập trong cuốn sách này đều là những bài báo không có tính chất chuyên môn, không đòi hỏi một vốn tri thức chuyên biệt nên độc giả không trong chuyên ngành ngôn ngữ cũng dễ dàng tiếp nhận.

 

Giáo sư Cao Xuân Hạo (1930-2007) sinh ra tại Hà Nội, là con của Cao Xuân Huy, cũng là một học giả nổi tiếng. Dòng họ Cao Xuân (quê ở Diễn Châu, Nghệ An) là dòng họ có nhiều danh sĩ. Từ nhỏ, Cao Xuân Hạo đã nổi tiếng với giai thoại tự học nghe, nói và viết thành thạo tiếng Pháp chỉ từ việc chơi với một người bạn Pháp. Ông từng là Giảng viên tại Đại học Tổng hợp Hà Nội và là nhà Ngôn ngữ học, dịch giả và là thành viên Hội Nhà văn Việt Nam.

 

Ông được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng Giải thưởng về dịch thuật năm 1985.

 

 

 >> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…