Sách được giải của Hội Nhà văn bị tố vi phạm quyền tác giả: Luật sư nói rõ!

697

Luật sư Phạm Duy Khương đưa ra những phân tích pháp lý về vụ cuốn sách được giải của Hội Nhà văn VN bị tố vi phạm quyền tác giả.

Liên quan tới việc cuốn sách “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” của tác giả Vũ Thị Trang bị TS. Hải Ninh tố vi phạm quyền tác giả, luật sư Phạm Duy Khương – Giám đốc SB LAW đã đưa ra những phân tích ở góc độ pháp lý.

Theo luật sư, nếu chỉ thông qua những bức ảnh được chụp đối chiếu những đoạn trong cuốn sách của tác giả Trang và các bài viết của TS. Hải Ninh, chưa thể kết luận ngay đó là hành vi vi phạm quyền tác giả.


Cuốn sách “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật”.

Chủ sở hữu phải tôn trọng quyền tác giả

Để có thể đánh giá được, có hai vấn đề cần phải đặt ra: Ai nắm quyền tác giả (quyền nhân thân) với những đoạn văn đó? Ai nắm quyền sở hữu (quyền tài sản) với những đoạn văn đó?

Nếu tác giả Vũ Thị Trang nắm quyền sở hữu thì có quyền sử dụng mà không cần phải xin phép. Tuy nhiên, việc sử dụng phải mang tính chất tôn trọng quyền nhân thân (quyền tác giả), cụ thể là phải có trích dẫn đầy đủ thông tin về tác giả.

Ngoài ra, phải xem xét tác phẩm của TS. Hải Ninh có đủ yếu tố để được bảo hộ bản quyền theo luật hay không. “Bản quyền chỉ được bảo hộ khi thể hiện được tính nguyên gốc và sáng tạo trong tác phẩm. Do đó, phải xem những đoạn văn đó có chắc chắn là do vị tiến sĩ này viết hay không”, luật sư Khương cho hay.

Khi tác phẩm có đủ các yếu tố được bảo hộ bản quyền (tính nguyên gốc và tính sáng tạo), tác giả sẽ có hai quyền là quyền nhân thân và quyền tài sản (quyền sử dụng).

Trong trường hợp này, có thể quyền tài sản của TS. Hải Ninh bị hạn chế, bởi người này đã được mời hợp tác, được trả tiền để viết cho tác giả Vũ Thị Trang, trừ khi hai bên có một thoả thuận khác.

“Muốn kết luận được, phải xem xét hồ sơ, hợp đồng ký kết thỏa thuận giữa hai bên về mặt quyền sở hữu. Ai đầu tư về mặt tài sản sẽ nắm quyền sở hữu. Nếu tác giả Trang là người trả tiền cho TS. Hải Ninh, cũng phải xét yếu tố nguồn tiền đó từ đâu.


Luật sư Phạm Duy Khương.

Đạo hay không phải có hội đồng đánh giá độc lập

Trường hợp đó không phải tiền của cá nhân mà là tiền được đơn vị dành cho đề tài, tác giả Trang là người được giao thực hiện dự án thì đơn vị chủ nhiệm đề tài sẽ là chủ sở hữu.

Chủ sở hữu mới được phép sử dụng, chứ không phải tác giả Trang. Dù vậy, việc sử dụng vẫn phải tôn trọng quyền nhân thân. Việc trích dẫn không được gây ảnh hưởng tới quyền khai thác thông thường của tác giả”, luật sư phân tích thêm.

Cùng đó, để kết luận một tác phẩm có là đạo văn hay không, phải có Hội đồng chuyên môn độc lập đánh giá. Trong tình huống hai bên không thỏa thuận được với nhau, bên có quyền lợi bị xâm phạm có thể yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm bản quyền.

Khi đó, cơ quan chức năng sẽ thành lập hội đồng chuyên môn để đưa ra quyết định có hành vi xâm phạm ở đây hay không.


Bản đối chiếu một trang trong cuốn sách với một bài phỏng vấn tác giả Đỗ Hải Ninh.

Trước đó, TS. Hải Ninh (Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại, Viện Văn học) cho rằng, cuốn sách “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” của tác giả Vũ Thị Trang đã vi phạm quyền tác giả.

Đây là cuốn sách được tặng thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình VHNT giành cho các tác phẩm LLPB VHNT xuất bản năm 2020 và nhận giải Tác giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ nhất, năm 2021.

Chị Ninh cho hay, Phần III “Ám ảnh tự do – xung đột giữa những cái tôi trong tự truyện Việt Nam đương đại” (trang 199 – trang 272) trong cuốn sách có rất nhiều thông tin là kết quả nghiên cứu của chị trong đề tài cấp Bộ “Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học”, được nghiệm thu năm 2019.

Những kết quả này xuất hiện trong cuốn sách mà không hề được chú thích, hay xin phép.

Theo Hồ An/Báo Giao Thông