Sách khảo cứu lịch sử của Hoàng Xuân Hãn

616

31.5.2018-13:40

Bìa “Những bài khảo cứu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn”

 

Sách khảo cứu lịch sử của

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn

 

TIÊN LONG

 

NVTPHCM- Cuốn khảo cứu vừa ra mắt cho thấy giáo sư Hoàng Xuân Hãn là nhà nghiên cứu lịch sử nghiêm túc và uy tín.

 

Dù tốt nghiệp thạc sĩ Toán học tại Đại học danh tiếng Sorbonne (Pháp), với vốn chữ Hán sâu sắc, cùng tinh thần nghiên cứu nghiêm túc, trong những năm 1940, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) đã tìm và dịch các văn bia, thư tịch cổ để viết nên những cuốn khảo cứu có giá trị về Lý Thường Kiệt, La Sơn Phu Tử (Nguyễn Thiếp), về Chinh phụ ngâm.

 

Do hoàn cảnh đất nước, Giáo sư sang sống và làm việc tại Pháp, nhưng vẫn đau đáu về lịch sử, văn hóa nước nhà. Ông tiếp tục sự nghiệp khảo cứu lịch sử, trong đó có việc gửi bài cộng tác với Tập san Sử Địa, một chuyên san từng được xuất bản hàng quý do một nhóm giáo sư, sinh viên Đại học sư phạm Sài Gòn chủ trương.

 

Theo bản lưu trữ toàn tập Tập san Sử Địa của Trung tâm Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFFO), Hội khoa học Lịch sử Việt Nam đã thống kê được Giáo sư Hoàng Xuân Hãn có 11 bài viết đăng trên tập san này, trong thời gian từ năm 1966 đến 1975. Các bài viết này đã được Tạp chí Xưa và Nay cùng Nhà xuất bản Hồng Đức in thành cuốn Những bài khảo cứu của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn vừa ra mắt độc giả.

 

Qua 11 bài khảo cứu, bạn đọc sẽ được tiếp cận với các đề tài lịch sử ở thời Trịnh, Nguyễn, như tổng lược toàn bộ cuộc chiến tranh kéo dài gần 200 năm giữa hai họ Trịnh – Nguyễn. Gốc tích của chúa Trịnh và một bức thư Nôm do chính Trịnh Kiểm viết có hình thức dạng “chỉ truyền” để đi đến nhận xét rằng, tuy năm 1545, Trịnh Kiểm chưa xưng vương, ông đã tự coi mình là bậc vương giả.

 

Về quan hệ ngoại giao với nhà Thanh, Hoàng Xuân Hãn dựng lại chi tiết hành trình chuyến đi sứ năm Canh Thìn (1760) đời Cảnh Hưng của Lê Quý Đôn qua các sách Bắc sứ thông lục, Kiến văn tiểu lục và đặc biệt là bài trình bằng văn Nôm của phó sứ Trần Huy Mật.

 

Ngược về những năm đầu triều Lê Sơ, giáo sư viết bài Những lời thề của Lê Lợi (Văn Nôm đầu thế kỷ 15), cho độc giả biết lời gọi của Lê Thái Tổ với các công thần cùng thề nhớ ơn Lê Lai, hay lời thề nguyền nhớ công các tướng sĩ quân nhân sau khi đã đánh đuổi giặc Minh xâm lược.

 

Bước qua thời Tây Sơn, tác giả dịch cuốn Bắc hành tùng ký của Lê Tung để biết những sự việc thời mạt vận của nhà Lê. Cùng với đó, ông nghiên cứu về phe chống đảng Tây Sơn ở Bắc qua tập Lữ Trung ngâm của cựu thần nhà Lê là Lê Huy Dao.

 

Ở một góc nhìn khác về cuộc chiến giữa quân Tây Sơn chống quân xâm lược nhà Thanh, trong bài Việt Thanh chiến sử, Hoàng Xuân Hãn dịch cuốn Càn Long chinh vũ An Nam ký của sử gia Trung Quốc Ngụy Nguyên, để chỉ ra những sự thật cũng như những phần mà sử nhà Thanh giấu giếm sau thất bại.

 

Phần cuối sách, Hoàng Xuân Hãn giới thiệu cách đối chiếu năm âm lịch ghi theo Can – Chi trong sách sử xưa với công lịch ngày nay, hồi ức về hội nghị Đà Lạt giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Pháp mà ông là thành viên tham dự, cùng khảo cứu về quần đảo Hoàng Sa, mảnh đất đã gắn liền với đất nước Đại Việt từ khi dân Việt sinh sống ở đất Quảng Ngãi ngày nay.

 

Về Tập san Sử Địa, Giáo sư Phan Huy Lê nhận xét: “Những bài viết trên tập san thật sự là những công trình nghiên cứu có giá trị cao, sưu tầm tài liệu công phu, xử lý thông tin khoa học, thái độ khách quan trung thực và nhất là góp phần dấy lên tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và nêu cao các giá trị văn hóa dân tộc”.

 

 

 >> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…