Sách mãi là người bạn lớn – Tản văn của Lê Văn Huân

677


Tác giả Lê Văn Huân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Có người đã nói rằng: “Nếu bạn nói sách chẳng có lợi ích gì thì tôi sẽ nghĩ hôm nay là ngày ‘cá tháng Tư'”. Và nếu bạn vẫn tiếp tục khẳng định điều đó tôi sẽ nghĩ bạn cần một bác sĩ tâm lý. Xin bạn hãy nhớ đến câu nói của một nhà triết học: “Đối với tôi, sách chẳng cần thiết chẳng khác gì bánh mì ăn hằng ngày. Và hơn thế nữa sách đã thực sự là người bạn lớn của con người”. Trong những cuốn sách ẩn chứa linh hồn của suốt chiều dài quá khứ. Nhà thơ Giang Nam từng viết: “Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ”.

Ngay từ thuở ấu thơ, những trang sách đã gắn bó thân thiết với mỗi chúng ta, đã bồi đắp cho chúng ta về tình cảm yêu thương, tình nhân ái, khơi dậy nhen nhóm trong ta biết bao ước mơ, hi vọng và đã nâng cánh cho chúng ta bay vào tương lai… Nói về sách, nhà văn M.Go-Rơ- ki đã từng viết: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức, mới là con đường sống”. Một người không đọc sách chẳng hơn gì kẻ không biết đọc.

Những gì con người đã làm, đã nghĩ được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách. Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở. Càng đọc nhiều thì càng biết nhiều và đồng nghĩa với việc được đi nhiều, học nhiều. Thuở ấu thơ tôi đã từng được dạy, rằng: “Mặc dù các em chưa đến nước Anh, nước Nga nhưng ta cũng sẽ biết được cảnh sương mù Luân Đôn, cảnh tuyết rơi ở Mastxcova như thế nào!”. Nếu chúng ta biết phương pháp du lịch qua từng trang sách. Một cuốn sách hay trên giá sách là một người bạn tốt vô cùng thân thiết là một người thầy quý giá. Xem một cuốn sách hay khi đọc đến trang cuối cùng ta cảm thấy như mình vừa chia tay một người bạn và thật sự luyến tiếc làm sao! Có khi lại còn trách tác giả sao không cho câu chuyện tiếp tục diễn biến mà ngừng một cách đột đột. Cuốn sách tốt là tác phẩm cực kì quí giá do trí tuệ cao cả của con người tạo nên. Nó dường như được ướp lại, được giữ gìn một cách thiêng liêng như kho báu lớn nhất đối với cuộc sống. Chỉ có sách và người thầy mới làm nên trường học. Chúng ta hãy dịu dàng và tử tế nâng niu những phương tiện của tri thức. Chúng ta hãy dám đọc, nghĩ, nói và viết. Người biết đọc nắm trong tay sức mạnh để khuếch đại bản thân mình, để nhân lên những cách mình tồn tại, để lấp đầy cuộc đời mình một cách đáng kể và thú vị. Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người. Số lượng sách cứ tiếp tục lớn dần lên, và ta có thể dự đoán rằng rồi sẽ đến lúc học được từ sách cũng khó như học toàn bộ vũ trụ. Rồi tìm kiếm từng chút sự thật ẩn dấu trong tự nhiên cũng sẽ thuận tiện như tìm nó giữa vô vàn chồng sách.

Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. Một cuốn sách thực sự hay dạy tôi nhiều điều hơn là đọc nó. Tôi phải nhanh chóng đặt nó xuống, bắt đầu sống theo những điều nó chỉ dẫn. Điều tôi bắt đầu bằng cách đọc, tôi phải kết thúc bằng hành động. Có lẽ người ta đúng khi đưa tình yêu vào trong sách… Có lẽ nó không thể sống ở bất cứ nơi nào khác. Người không đọc không có ưu thế gì hơn người không biết đọc. Cuốn sách tốt nhất cho bạn là cuốn sách nói nhiều nhất với bạn vào lúc bạn đọc nó. Tôi không nói tới cuốn sách cho bạn nhiều bài học nhất mà là cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn bạn. Và điều đó phụ thuộc vào tuổi tác, trải nghiệm, nhu cầu về tâm lý và tinh thần. Một cuốn sách thực sự hay nên đọc trong tuổi trẻ, rồi đọc lại khi đã trưởng thành, và một lần nữa lúc tuổi già, giống như một tòa nhà đẹp nên được chiêm ngưỡng trong ánh bình minh, nắng trưa và ánh trăng. Đọc sách phải hành theo sách, nếu không sách chỉ là đống giấy vụn. Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Đọc được nhiều sách tốt nhưng nếu không đem áp dụng vào thực tiễn cuộc sống thì chẳng khác nào ‘cái hòm đựng sách'”. Khi nói về đọc sách nhà bác hoc G. E-Đi-Xơn “Đọc sách với trí tuệ chẳng giống như đối với thân thể” hay như M.Gorki ”Đọc sách đó là quá trình làm cho con người hòa hợp về mặt tinh thần với những khối óc vĩ đại của tất cả mọi thời đại, mọi dân tộc”. Vì thế đọc sách là cách học tốt nhất. Đọc sách để mở rộng tầm nhìn, kích thích suy nghĩ và làm phong phú trí tuệ, chứ không phải để nhớ lấy. Đọc sách là nuôi dưỡng trí tuệ. Đọc sách là thú vị, đọc lại cuốn sách đôi khi còn thú vị hơn. Đối với đại thi hào Nguyễn Du: “Sách vở đầy bốn vách. Có mấy cũng không vừa”, còn Nguyễn Trãi cho rằng: “Án sách, cây đèn hai bạn cũ/ Song mai liên trúc một lòng xanh”.

Vương Thù thì nói: “Sách Kinh nuôi căn bản con người, sách Sử mở mang tài trí”. Những người đọc sách tuy chưa thành danh nhưng cũng đã có một tư cách cao thượng, như những người làm điều thiện, tuy không mong báo đáp nhưng tự trong lòng cảm thấy khoan khoái. Dầu có bạc vàng trăm lạng chẳng bằng kinh sử một vài pho (Lê Quý Đôn). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng : “Sách là thuốc bổ, sách là thuốc chữa tội ngu. Học ở đâu? Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở dân”.

L.V.H