Sách mới: Nắng ngoài ô cửa sổ

1670

“Nắng ngoài ô cửa sổ” là tập truyện ngắn mới nhất của nữ nhà văn Trần Ngọc Mỹ hiện đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hải Phòng. Về cơ bản, “Nắng ngoài ô cửa sổ” với 18 câu chuyện, mang đến cho độc giả một chuỗi không gian đầy ắp của sắc màu tình yêu về cuộc sống, tình cảm lứa đôi, tình mẫu tử thiêng liêng, những xúc cảm vô bờ bến giữa các thành viên trong gia đình, nét sinh hoạt dung dị nơi vùng quê, sự kiên nhịn của công cuộc mưu sinh, hay thậm chí đôi lúc là thực tế hờ hững vốn không khó để bắt gặp sau những cuộc chia ly tình ái.

Bạn rất có thể, sẽ nhận ra chính hình ảnh của mình, hay ai đó thân thuộc ngay ở truyện ngắn mở đầu tập truyện này mang tên “Ký sinh thành phố”. Tác giả đã khéo léo khắc họa nữ nhân vật Trầm xuất thân từ tỉnh lẻ, lên ở trọ chốn thị thành, và rồi một ngày phải khổ đau vì dang dở một mối tình như tranh vẽ trên ghế giảng đường vì sự cản ngăn từ gia đình. Tác giả mượn hình ảnh Trầm và Lan dời chỗ trọ, không biết bao nhiêu lần, vì nhiều lý do, nhưng dường như, Trầm đang chốn chạy khỏi tình yêu, khỏi vết thương chưa thể lành trong một sớm một chiều của bộn bề công việc, mối quan hệ bè bạn đang dang tay với cô.

“Yêu một người đã khó, quên một người càng khó hơn”– là tâm sự của Trầm, và cũng chính Trầm, lại quyết định “bỏ để mà thương” đối với Khương, một chàng trai đã đến với Trầm ngay lúc cô tuyệt vọng nhất, với Khương, anh chỉ mong muốn xoa dịu nỗi đau cho Trầm.

Tình yêu đó chính là sự hy sinh, và tác phẩm đã dẫn lối người đọc đến cuối câu chuyện mới nhận ra được tình yêu cao cả mà một người phụ nữ dành cho ai đó.

Hay với truyện ngắn “Ngày không ám khói”, bên cạnh một bức tranh mô tả về đời sống nơi làng quê, là câu chuyện tình cảm giữa cậu con trai Lân và cô bé Hiên chỉ vừa học xong lớp 12 là nghỉ ở nhà làm vườn, hai đứa trẻ xóm giềng cùng tuổi, chơi với nhau từ bé. Chuyện tình nào cũng bị ngăn cách, không vì lý do này, thì cũng vì lý do nọ.

Nhưng tác giả đã khéo léo giải quyết nút thắt bằng một nhân vật, những chi tiết tinh tế, đó là bà Phẳng – mẹ của Lân, của khát khao lập nghiệp trồng rau sạch từ Lân, và cả của Hiên.

Khói từ việc đốt lá ngoài vườn, khiến Hiên và mẹ Lân thêm phần căng thẳng, những khi mà ngày không còn cái ám khói mà theo Hiên từ trước đến ngay sẽ thực sự không tốt cho bà Phẳng, đã tạo ra một mối quan hệ cho Hiên, cho Lân, cho mọi người. Tình yêu vốn dĩ là thế.

Từ truyện ngắn “Bước nhẹ qua nhau”, My dường như rớt xuống đáy sâu của chữ tình mà Du nỡ đành đoạn dứt tình bỏ lại cô. Trong lúc đau đớn, tuyệt vọng nhất, tâm trí dần mê sảng, My chợt thấy mẹ mình ứa nước mắt. My biết đã đến lúc mình phải tỉnh rồi, lau nước mắt đi, “phải sống vì mình và người yêu thương mình, chứ đừng vì kẻ cạn tình với mình”.

Sách hiện có bán tại Cửa hàng sách Văn hóa Văn nghệ (88-90 Ký Con, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM), và quầy M3 – đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, Q.1).

Một số trích đoạn hay:

(1) – Nhịp tim của con chị đấy, chị nghe thấy chưa ạ?

Lời nữ hộ sinh cắt ngang dòng suy nghĩ của Hằng. Hằng khẽ gật đầu. Ừ, thiên thần bé nhỏ của Hằng đấy. Ai bảo Hằng chỉ có một mình. Hai quả tim đang đập. Hai quả tim đang đập trong một cơ thể, một cơ thể bé nhỏ đang nằm trong cơ thể của Hằng, thật kỳ diệu.

….

Hằng siết chặt vòng tay hơn để có thể cảm nhận hơi ấm của con áp vào da thịt mình, và lắng nghe hạnh phúc trong lòng trào dâng…

(Hạnh phúc của đàn bà, trang 53)

(2) Ánh trăng sáng dịu êm, đêm mùa thu trong trẻo, gió thổi mát rười rượi. Ngồi bên Hiên giữa khung cảnh  như thế này khiến lòng Lân xao xuyến quá, từng sợi tóc Hiên mềm mại trên vai mình, sự đụng chạm khe khẽ vào da thịt Hiên khơi lên cái ham muốn hừng hực trong Lân….

Lân luồn tay vào trong vạt áo, ghì chặt lấy eo Hiên… Biết nhau từ tấm bé, nhưng hai đứa chưa từng đi quá giới hạn… nhưng đêm nay, Lân không sao kìm hãm được ham muốn tan chảy cùng Hiên…

Hiên bừng tĩnh, Hiên giựt mạnh một cái. Lân trố mình nhìn người yêu.

_ Sao thế Hiên? Hiên không yêu Lân sao?

_ Không phải thế….

_ Vậy thì sao từ chối Lân, Lân sắp ra trường rồi, chúng mình sẽ tổ chức đám cưới

_ Lân giả đò ngây thơ đấy à? Mẹ Lân có đồng ý Hiên đâu. Chuyện chúng mình khó lắm.

Hiên quay đi, đôi vai rung lên, ánh trăng khuya dần nhòe nhoẹt, và lòng Lân đau như cắt.

(Ngày không ám khói, trang 77)

(3) Tôi biết, đêm yên tĩnh trở lại, khi âm thanh ồn ã của cuộc mưu sinh không còn quấn lấy Trầm, nỗi buồn vẫn chưa tìm đến làm trái tim Trầm nhoi nhói vết thương chưa lành. Trầm chưa thể quên mối tình đầu của mình. Khương đã đến với Trầm ngay lúc ấy, nhiệt tình và chân thành, với mong muốn xoa dịu nỗi đau cho Trầm, nhưng Trầm bảo yêu một người đã khó, quên một người càng khó hơn

… Mai và tôi ngồi ngoài hành lang đợi giây phút ca phẫu thuật hoàn thành, bác sĩ sẽ mở cánh cửa cho chúng tôi đón Trầm trở lại. Tôi sẽ kể cho Trầm nghe về căn phòng trọ khác mình mới tìm được. Ở đó, có hai ô cửa sổ thoáng đãng, một cây hoa leo màu mọc ngoài lan can rất đẹp, tôi còn chưa kịp hỏi loài hoa đó tên gì. Nhưng tôi đã tưởng tượng ra cảnh, tôi, Mai và Trầm ngồi bên ô cửa sổ thưởng trà, ngắm hoa, và nghe tiếng chuông gió leng keng ở phòng trọ mới.

(Ký sinh thành phố, trang 5)

(4) Anh ngồi xuống giường của mẹ và đưa mắt hướng ra phía ngoài ô cửa sổ. Hồi nhỏ, ngày nào Phương cũng chơi dưới gốc cây trứng gà kia. Còn mẹ ngồi đây, đúng vị trí mà Phương đang ngồi, khi thì mẹ nhặt rau, khi thì mẹ khâu vá, chốc chốc mẹ lại ngẩng lên nhìn Phương chơi ngoài đó và mỉm cười. Phương vừa chơi lò cò vừa gọi với vào nhà, vặn hỏi mẹ: “Mẹ nhìn gì thế mẹ?”. Mẹ tủm tỉm trả lời: “Mẹ nhìn nắng lũn cũn của mẹ”. Rồi cả hai cùng cười khúc khích.

(Nắng bên ô cửa sổ, trang 144)

Thông tin về tác giả:


Tác giả: Trần Ngọc Mỹ

Quê quán: Hải Dương

Là thành viên Hội viên Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Hải Phòng, Trần Ngọc Mỹ từng có những tác phẩm như Khát những mùa yêu (2015), Ban mai của bé (2015), Bài thơ vỗ cánh (2017), Cho những mùa hoa dấu yêu (2017).

Thông tin Nhà xuất bản:

Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP.HCM