Sách mới: Phú Yên – Đất và người

1946

Phú Yên – đất và người là tập sách viết về vùng đất Phú Yên được tác giả Trần Huiền Ân dày công sưu tập tư liệu, và về cơ bản thì đây có thể được xem là tư liệu khá chính thức cho những ai đang muốn sưu tầm nghiên cứu về vùng đất này. Dữ liệu sơ thảo của sách được chuẩn bị từ năm 1996, đến năm 2019, qua nhiều lần chỉnh lý, bổ sung để được cập nhật đầy đủ, chuẩn xác.

Tác giả cho biết, là tập sách viết về đất nước – quê hương, nhưng không phải là địa chí Phú Yên, nên Phú Yên – đất và người không theo trình tự của một quyển địa chí, và tác giả không có tham vọng miêu tả, tường thuật đầy đủ mọi cảnh trí, sinh hoạt của Phú Yên kể từ thuở những lưu dân người dân Việt theo bước chân Lương Văn Chánh đến đây khai hoang, lập nghiệp rồi bước đầu thành lập dinh Phú Yên.

Tâp sách có 5 phần chính, đó là: Lược sử một vùng đất; Thiên nhiên; Đời sống kinh tế xã hội; Đời sống tinh thần; và Di tích – nhân vật.

Đáng chú ý, ở phần “Lược sử một vùng đất”, tập sách cung cấp khá trọn vẹn lịch sử hình thành của vùng đất Phú Yên từ năm 1558 với mốc sự kiện Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông nhà Lê trung hưng cử vào giữ chức Trấn thủ Thuận Hóa, và năm 1597 thì Nguyễn Hoàng giao Lương Văn Chánh nhiệm vụ chiêu mộ lưu dân vào tiếp tục khai khẩn, định cư lập ấp suốt dải đất từ Cù Mông đến Đèo Cả. Đây là bước đầu tiên của chúa Nguyễn trên đường phát triển, những lưu dân người Việt có mặt trên vùng đất Phú Yên.

Cũng ở phần đầu tiên của tập sách, bạn đọc có thể biết được các đơn vị hành chính của Phú yên qua các thời kỳ, từ bước đầu mở đất của Lương Văn Chánh đến thành lập dinh Phú Yên (1558-1771), giai đoạn chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Vương (1771-1802), trấn Phú Yên đến tỉnh Phú Yên (1802-1945), Phú Yên chín năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Phú Yên 21 năm chế độ miền Nam (1954 đến tháng 4/1975), và tỉnh Phú Yên ngày nay.

Ở trang 54, tác giả có cung cấp 1 tư liệu quý giá, đó là: Phú Yên còn là nơi phái đoàn ngoại giao đầu tiên của Hoa Kỳ đến Việt Nam. Cụ thể, người Mỹ đầu tiên đặt chân đến Việt Nam là John White, vào năm 1819 – Kỷ Mão dưới triều vua Gia Long, nhưng chỉ là một thương gia với tư cách cá nhân.  Đến năm 1832 – Nhâm Thìn, Minh Mạng thứ 13, một phái đoàn chính thức của Hoa Kỳ đến thăm nước Đại Nam tại Phú Yên. Phái đoàn do Edmund Roberts dẫn đầu, được tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Andrew Jackson ủy nhiệm.

Theo tư liệu của Robert Hopkins Miller (do Ngô Bắc dịch) thì trong bản tường trình của do Edmund Roberts thì khi đó các quan chức của ta nói bây giờ nước ta không còn gọi là An Nam như trước, mà là Việt Nam (Wietman, theo quan thoại Yuenan), và được cai trị, không phải bởi một vương (wang), mà là hoàng đế (hwang-te).

Edmund Roberts còn cho biết, khi đến Huế nếu muốn yết kiến hoàng đế phải tuân hành các nghi lễ của triều đình và chịu làm lễ ko-tow, lạy sát đầu xuống đất (ko-tow = khấu đầu).

Vũng Lấm – vịnh Xuân Đài chính là chứng nhân lịch sử. Năm 1836 – Bính Thân, phái đoàn của Edmund có trở lại Việt Nam vào vũng Trà Sơn.

Các đoạn trích:

(1) Xin hãy hình dung và nhẩm tính… Ngày ấy, một ngày cách đây trên 400 năm, Lương Văn Chánh nhận sắc chỉ đưa dân vào cõi Trấn Biên, nơi này có được bao nhiêu người? Kể cả những người dắt trâu bò, mang nông cụ theo sau vó ngựa Phù Già. Kể cả những người lâu năm định trú trong vùng châu thổ từ vịnh Bà Đài phía bắc đến cửa Đà Diễn phía nam, lên phía tây thượng nguồn sông Ba, sông Cái.Thật là khó. Âu cũng đành chào thua khuyết sử!

(2) Giữa thế kỷ thứ XVII triều đại nhà Minh ở Trung Hoa suy yếu, bị người Mãn Thanh đánh đổ. Một số quan quân trung thành với triều đại cũ không chịu sống dưới chế độ cai trị của người Mãn, đã bỏ nước kéo nhau di cư sang miền đất mới của nước Việt, được thu dụng cho định cư từ Hội An đến Hà Tiên, trong đó có Phú Yên mà Vũng Lấm là người Minh Hương, cho đến năm 1945 còn gọi như vậy.

Năm 1865 – Ất Sửu, Ngự sử Nguyễn Văn Phương  tâu vua Tự Đức:

“Ba tỉnh  Phú Yên, Khánh  Hòa, Bình Thuận đất rộng người ít, mở mang được hết. Xin xuống sắc cho tỉnh Quảng Nam và các hạt lân cận như Quảng Ngãi khai rõ những người ngoại tịch và dân không có căn cước dẫn giao cho các tỉnh (Phú Yên, Khánh Hòa,  Bình Thuận) chọn đất chia cho ở, cấp trâu cho cày, đồ làm ruộng để khai khẩn cày cấy những ruộng bỏ hoang, dựng ra thôn xã, ghi vào sổ ngạch…”.

Vua Tự Đức cử Nguyễn Văn Phương làm Khâm phái doanh điền, đặt nha Doanh điền để lo liệu công việc, đến  hội với các tỉnh Quảng Nam, Quảng  Ngãi, Bình Định, đưa dân vào trong 3 tỉnh phía trong (có Phú Yên) định cư”. – Trích Dân số

(3) Ngược dòng về quá khứ, người dân Phú Yên còn nhắc mãi trận lụt năm 1924 – Giáp Tý, vừa mưa to, vừa bão lớn, như ông Trần Sĩ đã tả lại:

BÃO NĂM TÝ (23 Octobre 1924)

Đã ba ngày trời mưa tầm tã. Nước sông Tam Giang lên quá cao. Tối 22 Octobre, mưa càng to, trời đen như mực, gió bấc bắt đầu thổi dữ. 12 giờ khuya, mưa ngớt nhưng gió thổi càng mạnh, mọi người đều sợ có cơn bão to.

Ngoài đường, một cảnh gớm ghê: cây ngã, dừa rơi, tiếng người la lẫn với tiếng gió reo vi vút.

5 giờ sáng, bỗng nhiên mưa tạnh, gió ngừng.

6 giờ, chân trời mù mịt. Nước biển cứ theo chân tràn vào. Ngọn gió nồm nhè nhẹ đưa vào. Ai nấy đều la to: Nước dâng. Thình lình nghe một tiếng ầm rất lớn, rồi từ đó gió thổi mạnh, mạnh  xấp mấy lần ban đêm. Nước cứ dâng mãi, dâng một cách mau chóng lạ thường.

12 giờ trưa. Gió bớt thổi, nước rút dần ra biển.

Ôi, thành phố Sông Cầu khi xưa đẹp đẽ biết bao, mà bây giờ, cây gãy, cầu trôi, nhà sập, người và thú vật chết không chỗ chôn, kẻ sống sót không cơm ăn áo mặc, trong giây phút mà đã thành một cảnh điêu tàn thê thảm…

“Tuổi xanh má phấn da thơm

Tóc dài phết gót dính chơm dính chà

Hài nhi lên bảy lên ba

Gỗ trôi sóng dập dưới mà vách chôn

Hiệp Đồng chết hết bảy thôn

Người nào còn sống chạy dồn lên non

Nậu già chết đứng bồng con

Trai tơ chết vợ, gái non chết chồng”.

– Trích Khí hu

(4)  Bài Vè  sản  vật  Phú  Yên (khuyết  danh)  đoạn  đầu  nói  đến  các

loại  cây  trồng:

Xem trong địa thế Phú Yên

Lâm sản hải sản khắp miền thiếu chi

Phú Yên tỉnh nhỏ lo gì

Nhưng mà sản vật đủ thì nghinh ngang

Muốn ăn mía tây đi đến Thạch Bàn

Thạch Thành, Lương Phước rõ ràng mênh mông

Còn ăn mía ta đi đến tổng Xuân Phong

Tổng An Sơn, tổng An Hải, phủ trong tổng Hòa Tường

Ăn cam sành đi chợ Củng Sơn

Ăn xoài Đá Trắng, ăn thơm Chợ Đồn

Dẫu mà mấy chị có nôn

Vân Hòa ăn mít, dưa hồng Tuy An

Ăn dừa đường biển đi sang

Mỹ Quang, Long Thủy, Đồng Bàn, Đồng Xuân

Ăn đỗ phụng thì phải dời chân

Sơn Hòa, An Đức, An Xuân, Hòa Bình

Dùng bông đến tổng An Vinh

Tuy Hòa, Hòa Lạc, Phước Bình nghinh ngang

Dùng gai đi đến Định An

Còn dùng thuốc lá thì đến Tân An, Sơn Hòa…

Ở đây có nói đến thơm và mít. Hiện nay không còn mấy, nhất là thơm. Cam Củng Sơn, Vân Hòa trước kia có tiếng ngon chứ không bao nhiêu, mỗi vườn trồng vài ba cây, nay ở Củng Sơn còn chăng ở một đôi nhà, ở Vân Hòa thì tuyệt giống. Thơm mít cao nguyên Vân Hòa cũng vậy. Trong chiến tranh vườn thơm mít bị phá để trồng sắn, rồi đến lượt trồng mía và cà phê. Mít có trồng lại một số, nhưng thơm Chợ Đồn ngọt mà trái nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp, chẳng mấy ai trồng lại.

Sách hiện có bán tại Cửa hàng sách Văn hóa Văn nghệ (88-90 Ký Con, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM), và quầy M03 – đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, Q.1).

Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ xin trân trọng giới thiệu!