Sài Gòn chưa gặp đã yêu – Tản văn của Nhất Mạt Hương

896

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi có hẹn với rất nhiều vùng đất, có vùng đất gần gụi, có vùng đất xa xôi. Những vùng đất đã đến luôn bắt gặp thật nhiều cảm xúc, cả mới mẻ lẫn quen thuộc so với những hình dung trước đó. Có vùng đất không biết bao giờ mới tới nhưng luôn dự cảm sẽ rất yêu thương. Và, dự cảm yêu thương nhất là dành cho Sài Gòn – thành phố trẻ trung và dồi dào sức sống!

Tán me Sài Gòn – Nguồn internet

“Có tự bao giờ, hàng me xanh ngát, mà nay đứng đó cho em làm thơ. Con đường ta qua, đến nay bao tuổi, em qua trăm buổi, em lại nghìn lần, mà sao bối rối khi cầm tay nhau. Em ơi hãy lắng nghe, nghe thành phố thở bằng tiếng sóng vỗ dưới những thân tàu”

Tôi yêu Sài Gòn từ những bài hát mà “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” ở trong tim suốt bao năm. Có lẽ một phần bởi ca từ là của nhà văn – nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh, tác giả trong lòng tôi suốt những năm tháng thanh xuân. Rồi “Thành phố trẻ”: “Em đi đâu về mà tóc đầy me, em ngồi em chải nghĩ gì vui thế mà cười một mình?”. Những lời hát vừa rộn ràng vừa da diết khắc họa trong tôi về một thành phố vừa nhộn nhịp, vừa trữ tình lại ắp đầy thương mến.

Tôi yêu Sài Gòn qua văn thơ, đặc biệt bút kí của nhà báo Minh Hương mà đã có dịp dạy cho học trò. Khi đọc cho chúng nghe, đứa nào đứa nấy tròn mắt, như uống từng lời. Có phải bởi tình yêu trong cô lớn quá đã chảy tràn ra câu chữ, thấm vào từng âm điệu để truyền cho lũ trẻ cũng chưa từng một lần đến đó. Để chúng hình dung ra một Sài Gòn nhiều nắng, lắm mưa – những cơn mưa ạt ào chóng vánh không thấy ở miền Bắc. Để biết phần nào tính cách con người Sài Gòn: phóng khoáng, đáng yêu. Dù có người – đã vào Sài Gòn nhiều lần, nói với tôi rằng, Sài Gòn giờ đây không khác Hà Nội là mấy và người Sài Gòn giờ cũng còn bao nhiêu dân gốc đâu, đa phần dân tứ xứ trong đó tỉ lệ không nhỏ là người miền Bắc. Nhưng tôi vẫn giữ nguyên cảm giác người Sài Gòn đáng yêu, đáng mến.

Bởi nơi đó có những tòa soạn báo đã để lại trong tôi bao ấn tượng, cảm tình. Tờ báo đầu tiên tôi bén duyên và gắn bó là tạp chí Tài Hoa Trẻ – chuyên san của báo Giáo dục và thời đại. Những sân chơi thơ, góc văn chương một thời đã thành thân thuộc, như một người bạn, một tri âm (dù giờ vì bận rộn mà đã lâu không qua lại, đổi trao) nhưng cái địa chỉ tòa soạn viết tên hàng tuần của những ngày gửi thư tay thì không bao giờ phai nhạt. Rồi Mực Tím, Áo Trắng… và sau này là Tuổi Trẻ Cười. Luôn có một cảm giác thật gần gũi, yêu thương của những nhắn gửi, sẻ chia, góp ý bài vở của các anh chị biên tập viên… để tôi tưởng như mình đang sống trong không khí của một gia đình. Vẫn đợi một ngày được vào tận nơi, gặp những người anh, người chị thân thương ấy giữa nắng, gió Sài Gòn.

Và cũng không hiểu sao, tôi luôn tin những mặt hàng sản xuất ở Sài Gòn có gì đó… đáng tin cậy. Như kiểu “đáng đồng tiền bát gạo”. Dù ít khi mua hàng trên mạng nhưng vẫn gửi gắm niềm tin vào những cái tên sau bao hồi tìm hiểu, băn khoăn, nghe ngóng. Những mĩ phẩm rất Việt, rất bình dân và rất đáng thử như: Thorakao, phấn nụ bà Phương, váy vóc của KK… đã chinh phục tôi một phần nhờ địa điểm là ở thành phố năng động và chân tình này.

Khi có người quen vào thành phố ấy, lòng tôi luôn nhen lên cảm giác ghen tị. Ghen tị vì với họ, dường như chẳng có nhiều khác biệt giữa các vùng đất, giữa các đô thị. Chẳng có gì để phải thiết tha và mong ngóng ở một thành phố sôi động mà nhiều khi đêm tấp nập hơn ngày. Chẳng có gì xôn xao khi những âm thanh ngày mới gõ cửa mang hơi vị mặn mòi của chân chất và phong lưu. Họ ngán những tối uống rượu liên miên, nhậu tới bến với gió, với muỗi bên trên và chân ngâm nước triều cường bên dưới – dường như một đặc sản mới của Sài Gòn.

Đôi khi tự hỏi, điều gì giăng mắc lòng tôi với những sợi tơ yêu thương mong nhớ một vùng đất chưa hề đặt chân đến? Có phải là một mối duyên lặng thầm chưa được kết? Sau này có dịp chạm mặt, liệu có vẫn yêu thương?

Không biết nữa nhưng chắc chắn một điều, sẽ tìm thấy thật nhiều đồng điệu từ những mơ hồ chưa rõ, từ những ấp ủ mong chờ và từ những thân thuộc tự sâu thẳm trong tim.

 Sài Gòn ơi, ta đã yêu người! Dù chưa gặp.

N.M.H