(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau khi tốt nghiệp đại học Kinh tế tại thành phố Hồ Chí Minh anh quyết định về quê báo hiếu cha mẹ và gần gũi gia đình, bà con chòm xóm đặng giúp được ai thì giúp thay vì ở lại đây tìm việc làm như bao nhiêu bạn bè khác.
Đồng thời anh muốn về quê để tận hưởng không gian trăng thanh gió mát, lắng nghe âm thanh kẻo kẹt của lũy tre làng, tiếng dế gáy râm ran, côn trùng thỉ thả vốn lắng đọng trong anh suốt quãng đời thơ ấu. Anh nói một hơi khiến chị chạnh lòng.
– Em hoàn toàn đồng ý với anh ở quê rất thơ mộng, người nhà quê chân chất thật thà nhưng quê nghèo. Quê không có tiền mặt mà muốn có tiền mặt phải bán lúa. Mà lúa thì quanh năm rớt giá, được giá lại mất mùa. Anh có nghe điệp khúc ấy chưa?
– Tất nhiên điệp khúc ấy anh nghe đi nghe lại nhiều lần. Ai cũng nói được, ai cũng đăng đàn phát biểu rần rần; oang oang giữa hội nghị, trên bàn tròn hội thảo khoa học kể cả các nền tảng xã hội không thiếu chữ nào. Song chẳng mấy ai phản biện chính xác nguyên nhân, lý do được mùa mất giá. Hay tìm kiếm một kênh tiêu thụ khác hiệu quả hơn chứ không phải ngồi nghe, thụ động hòa âm với những điệp khúc quen thuộc đó.
Nói xong anh im lặng nhìn ra đường đang vào giờ cao điểm khá nhộn nhịp, nhìn vào quán nước trầm ngâm suy nghĩ, quan sát. Bàn bên kia đôi trai gái không ngừng bấm điện thoại, thi thoảng cười khúc khích. Bàn bên nầy bạn sinh viên tranh thủ học bài trên laptop, thi thoảng kiểm tra tin nhắn điện thoại để đối chiếu, so sánh kiến thức đã cập nhật. Góc đường hình tam giác một bà già bán vé số ngồi nghỉ mệt, đôi tay gầy rộc giữ chặt xấp vé số may rủi. Không khí hơi ngột ngạt chị bèn đánh tiếng.
– Về quê rồi có định quay lại phố thăm ai không?
– Có ai đâu mà thăm.
– Em không đáng để anh thăm hả?
– Có chứ, nhưng chắc gì em đã đón anh.
Câu chuyện đi – ở của chị và anh vẫn chưa đến hồi kết nhưng không hiểu sao hai người đã vội vã chia tay đường ai nấy đi, ngoại trừ cô chủ quán ký túc xá sinh viên thực lòng muốn giữ anh lại để mách lẽo với chị một câu chủ quan.
– Cậu Đại cũng thích cô Dung, mở lòng một chút có khi đem lại niềm vui cho cả 2 người hổng chừng.
Chị giả vờ không nghe, hất ngược mái tóc bồng bềnh ra sau gáy để lộ khuôn mặt căng thẳng giữa nét đẹp thôn nữ dịu dàng, thanh tú. Chị rời khỏi quán song bản tình ca Chiều – thơ Hồ Dzếnh, nhạc Dương Thiệu Tước từ giàn loa Bose 101 vô tư phát ra réo rắt nghe không sót lời nào nhất là đoạn cuối.
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây
Chị cũng ngỡ nhưng không biết ngỡ mình đang mơ hay đang tĩnh.
Sài Gòn mùa nắng bắt đầu từ tháng 11 đến cuối tháng 4 năm sau. Tuy nhiên thời tiết cũng trồi sụt theo từng mùa do hiện tượng El Nino dị thường xuất hiện sớm hay muộn. Riêng với chị năm nào cũng vậy, hể nắng là nóng. Đêm xuống không khí hầm hập không có quạt, không có máy lạnh đừng hòng ngủ được. Chị vẫn ngủ nude như mọi đêm trước đó. Nude giúp cơ thể giải phóng năng lượng, giúp bản thân dễ ngủ. Còn chỗ anh chắc giờ này mưa gió dữ lắm, chị thấy trên ti – vi nước từ thượng nguồn đổ về lênh láng, đường xá ngập lút đầu lút cổ. Thấy núi lở ầm ầm người ta chạy tán loạn, đất đá trôi lừ đừ, cây cối bứt gốc, nhà cửa chỏng chơ. Thương quá nhưng biết xoay trở kiểu gì đây? Sài Gòn Giáng sinh năm nào cũng mưa. Có năm đi chơi Noel về ướt hết trơn nhưng được cái ướt mà không lạnh, không run bần bật, không trôi mất dép lại có cảm giác man mác dễ chịu nữa. Người ta thường ví von cảnh kẹt xe, ngập nước thuộc về đặc sản Sài Gòn, xứ này mà thiếu nó có khi về quê sống sướng hơn. Chị cũng hùa theo bênh vực.
– Còn cô đơn nữa. Bởi cô đơn bao giờ cũng có dư địa của nó nên chả sợ ai cạnh tranh.
Một hôm bạn bè rủ nhau đến phố đi bộ Nguyễn Huệ hóng mát, chị thấy cặp tình nhân vui vẻ sóng bước bên nhau, tự nhiện buột miệng.
– Cậu ấy đẹp trai, còn cô kia hơi quê mùa một chút nhưng rõ ràng họ rất đẹp đôi và không hề cô đơn chút nào.
Nhỏ bạn đứng kế bên bổ sung thêm ý nghĩa cô đơn.
– Đôi khi cô đơn thấy mình lớn hẳn lên. Tự chăm sóc cho bản thân, thích nghi với môi trường sống, dễ hòa nhập vào cộng đồng hơn người có đôi có cặp.
Quên nữa, chị đang bàn về thời tiết cả nước nói chung, miền Nam nói riêng, bất ngờ chuyển kênh đời sống tình cảm, tinh thần – một chủ đề khá nhạy cảm là sao? Hay chị đã lỗi thời, già nua? Chưa đâu, chị mới 32 cái xuân xanh cơ mà!
Có điều chị chỉ sợ anh già bởi anh lớn hơn chị những 2 tuổi trong bối cảnh sống ở quê lam lũ, nhọc nhằn, vất vả. Rồi ăn uống kham khổ, lười biếng đi chợ, lưng chẳng còng tóc chẳng bạc mới giỏi. Bất giác chị nghĩ. Già hay trẻ, giàu hay nghèo bắt nguồn từ thời gian. Thời gian là lực lượng. Thời gian không đợi anh, đợi chị. Thời gian làm bệ đỡ thành phố lấy đà phóng lên mặt trăng. Hoặc chí ít cũng định vị mặt bằng thu nhập, dân trí – dân sinh vốn trở thành thương hiệu nổi tiếng từ trước ngày giải phóng.
– Sài Gòn đã từng sản xuất xe hơi hiệu LaDalat từ thập niên 60. Bây giờ chẳng lẽ cứ mỗi ngày gỡ một tờ lịch, mỗi tháng họp Hội đồng Nhân dân một lần, mỗi năm bắn mấy chùm pháo hoa lên trời cho dân chúng hả hê, selfie?
Thoáng tư lự, chị tiếp tục khẳng định lập trường tư tưởng lần nữa trước khi quyết định hành vi nên hay không nên thực hiện kế hoạch thay đổi bản thân. Bắt đầu từ chị và chị. Đó là ngoài thời gian làm việc ban ngày, ban đêm chị tham gia các lớp năng khiếu; học các khóa cao học. Học riết rồi chẳng biết mình trở thành tiến sĩ lúc nào; chẳng hay biết đàn, biết hát, biết khiêu vũ chuẩn luôn. Somg có lẽ kiến thức nền nó chỉ giúp chúng ta xây dựng móng nhà kiến cố. Còn tường nhà, mái nhà kể cả mấy chục tầng nhà thuộc phạm trù khác. Một hôm chị dẫn sinh viên thực tập mới hay mình thiếu thực tế khách quan, thiếu quan trắc sinh động sự vật hiện tượng chung quanh vốn dĩ không ngừng thay đổi. Đêm xuống chị chạy xe quanh thành phố mục sở thị mọi người xem gì mà đông thế? Ăn gì mà ngon vậy? Uống gì mà sắp hàng đứng đợi, tự tay kê bàn, bưng bê ly tách?
Hóa ra họ ăn cơm tấm Huyền hẻm Đinh Tiên Hoàng, ăn bánh canh giò heo đường Lê Quang Định, ăn mì cay đường Nguyễn Trãi. Họ ăn cháo trắng ngã tư Hàng Xanh tuổi đời hơn 40 năm vẫn ngon như ngày mới khai trương, ăn xôi cade đường Trần Phú do người Hoa nấu, ăn cháo sườn bà Hào đường Trần Khắc Chân. Còn nhiều quán nữa món ăn nào cũng vừa ngon miệng, vừa bổ dưỡng. Cung cách phục vụ lịch sự. Người bán luyến thoắng một dạ hai vâng, đúng tính cách người miền Nam thân thiện, mến khách. Chị tiếp tục quan trắc thêm phố đi bộ Nguyễn Huệ bấy giờ thiên hạ thung dung dạo bước, đón những cơn gió vô ưu từ sông Bạch Đằng thổi lên. Họ cùng bạn bè, gia đình, người thân trò chuyện thỉ thả, chụp hình lưu niệm, uống cà phê bệt. Dưới ánh sáng lung linh của những tòa nhà chọc trời chung quanh khu vực Ủy ban Nhân dân thành phố khuôn mặt họ rạng rỡ hẳn lên. Chỉ số yêu đời cập nhật vào từng nụ cười hồn nhiên tươi tắn. Cuối tuần nơi đây có công diễn văn nghệ, biểu diễn thời trang, múa lân sư rồng phục vụ miễn phí cho bà con. Chị tự nhũ.
– Ở Sài Gòn không đến đây thì đến đâu?
Còn nữa. Họ dạo phố Tây – Bùi Viện sở hữu không khí vui nhộn, trẻ trung với tiếng nhạc xập xình du nhập khắp nơi trên thế giới về đây phục vụ cho các sắc dân mọi quốc gia, vùng lãnh thổ sang Việt Nam du lịch, làm ăn. Đến nhà thờ Đức Bà trang nghiêm cầu nguyện an lành, hạnh phúc. Dạo quanh Hồ Con Rùa lãng mạn ăn quà vặt cực rẻ, cực ngon; thụ hưởng không khí tĩnh lặng dưới hàng cây cổ thụ trầm mặt, lao xao. Chạy xe ra khu phức hợp Landmark hiện đại với hàng loạt block chung cư cao tầng sừng sững bên bờ sông Sài Gòn. Họ dõi mắt nhìn qua bầu trời Thủ Thiêm hứa hẹn tiềm năng phát triển. Đứng trên tòa nhà 81 tầng cao nhất Việt Nam, tọa lạc giữa các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, ẩm thực phong phú đa sắc màu. Ghé nhà hát Lớn Sài Gòn chìm đắm trong dòng nhạc thính phòng, cổ điển; xem nghệ thuật sắp đặt, thưởng thức các vỡ diễn opera, nghe cải lương với những câu vọng cổ mùi mẫn, da diết. Họ đến các quán đồ uống phục vụ xuyên đêm như Thức Coffee Cống Quỳnh, Cộng Coffee Bùi Viện, Đen Đá Coffee Pasteur, Snob Coffee Trần Hưng Đạo, Mr.8 Coffee Cách Mạng Tháng Tám.
– Chao ơi là nhiều, là hấp dẫn làm sao chị có đủ thời gian để nhâm nhi chứ!
Thôi được, chị sẽ đến một nơi đặc biệt nữa rồi tính. Đó là quán cà phê vợt ở đường Phan Đình Phùng trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố cuộc sống vẫn giữ nguyên hương vị cà phê truyền thống nồng nàn, đằm đã. Hằng đêm vẫn nhiệt tình đồng hành cùng khách hàng ở mọi lứa tuổi, giai tầng xã hội; sẵn sàng mời khách chứng kiến nghệ thuật pha chế thủ công điêu luyện, trung thực trong chiếc vợt vải lịch sử hơn 70 năm tồn tại vẫn còn ngon ngọt. Thậm chí có hôm đông quá khách phải tự tay kéo ghế kê bàn, bưng bê ly tách mới có cái để uống, để thả hồn vào những chùm sao đêm nhấp nháy trên bầu trời Sài Gòn bình yên .
Chị vào Sài Gòn học đại học rồi gặp anh, rồi yêu. Rồi mãi mê kiếm chữ, kiếm tiền mà không biết Sài Gòn có nhiều thứ để xem, nhiều món để ăn, nhiều đồ để uống. Sài Gòn có nhiều chỗ để đi mà chị đi chưa tới, nhiều chỗ dừng chân mà chị cứ bước mãi. Ra trường chị làm giảng viên một trường đại học dân lập danh tiếng, anh bỏ chị về quê. Chị cô đơn giữa thành phố 10 triệu dân suốt ngày hối hả làm ăn, chiều xuống vội vã về nhà kẻo kẹt xe, ngập nước. Hóa ra chị đã nhầm. Cuối tuần Sài Gòn vẫn chờ chị ở Bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ kính yêu ra đi tìm đường cứu nước. Là cụm di tích kiến trúc – bảo tàng lịch sử độc đáo. Chiều về Sài Gòn vẫn đợi chị ở bến xe miền Tây nhộn nhịp với diện tích 39.000 m2, đưa đón khách thập phương.
– Đích thị đây là nhịp cầu giao thông quan trọng kết nối thành phố với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Phía Đông Sài Gòn có chợ đầu mối Thủ Đức. Đêm xuống chợ này sẵn sàng bao hàng nông lâm sản giá gốc, bảo đảm chất lượng. Hàng hóa từ các tỉnh miền Đông Nam bộ đổ về. Còn ở phía Tây có chợ Bình Điền ở Bình Chánh chuyên bán các mặt hàng thủy hải sản từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn với giá cực rẻ, cực tốt, cực tươi. Ngoài ra còn có chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn chuyên bán thịt và rau củ quả các loại. Đặc biệt thịt heo, chị muốn mua bao nhiêu có bấy nhiêu. Ba khu chợ này tạo thành thế chân vạc vững chắc, cung cấp nguồn lương thực thực phẩm dồi dào, bình ổn giá cả cho toàn thành phố. Đến đây chị bóp trán suy nghĩ.
– Hình như vẫn còn thiếu một chỗ. Chỗ nào ta?
Chị vội vàng lao đến ký túc xá sinh viên, nơi cô chủ “rất chi nhiều chuyện”. Họ gặp nhau mừng vui khôn xiết, cô chủ bật mí.
– Cậu ấy đang ở đây.
– Cậu nào vậy cô, liên quan gì đến cháu.
– Cậu Đại, có liên quan không?
– Dạ có, dạ nhớ.
Chết khiếp, chị liệu rồi. Có là có cái gì? Nhớ là nhớ ai? Sao lẩm cẩm vậy Dung! Mà thôi, anh vào lại thành phố là vui rồi, hồ đồ một chút cũng chẳng sao. Chị sựt nhớ tiếng chuông zalo mặc định mỗi tối vang lên.
– Tin nhắn người lạ!
Chị quay về chung cư quá nửa đêm, ánh trăng thượng tuần chếch bóng. Chị đọc tin nhắn của anh, bật khóc. Không ngờ anh trải qua mấy năm gian khổ ở quê, không tìm được việc làm phù hợp, thu nhập bấp bênh. Giờ quay lại Sài Gòn gặp chị mà chị không kết nối để anh bơ vơ, lạc lõng. Giọt nước mắt hôi hổi lặm vào giấc ngủ không cần phải nude. Bởi.
– Nude nhỡ anh thấy xấu hổ lắm cơ!
Chị cười – nụ cười đồng hành cùng đêm muộn minh chứng lời khen thuở nào.
– Dung càng ngày càng đẹp, càng hào phóng giống hệt cô ba Sài Gòn. Thích không?
– Ồ, thích lắm luôn!
Sau đó một thời gian hai người chia tay, đường ai nấy đi mỗi người mỗi ngã. Hội ngộ lần này không biết sẽ như thế nào? Bỗng dưng chị nhớ lại lời cô chủ quán cà phê ký túc xá sinh viên “mở lòng một chút có khi đem lại niềm vui cho cả 2 người hổng chừng”.
– Vâng, thưa chị em sẽ mở lòng!
B.Đ.M