Xe buýt giống như những chuyến xe cuộc đời, mang trên đó nhiều mảnh đời lớn nhỏ – người trẻ, cụ già, bà bầu, người đi chữa bệnh, nhiều nhất là sinh viên.
Cũng ngót 27 năm kể từ ngày mình bước chân vào trường đại học. Ngày đó hăm hở vào đại học giống mấy anh chị để không dùng cặp học sinh nữa mà có một cái túi xách trông rất là sinh viên.
Hăm hở là vậy nhưng xa nhà, lên Sài Gòn học, rồi mới thấy một tuần nó dài lê thê. Chờ mãi mới tới thứ Bảy để được chạy ù về Biên Hòa với ba mẹ. Dù gì mình cũng còn sướng, tuần nào cũng được về với ba mẹ. Tụi bạn ở xa tận Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế nhiều khi đến hè, đến Tết mới được về nhà một lần.
Cứ thứ bảy là mình lẽo đẽo chiếc xe đạp ra bến xe Lô hoặc xe buýt đón xe về Biên Hòa. Sài Gòn cuối tuần nhộn nhịp, nhiều thú vui nhưng hình như chưa đủ sức quyến rũ bằng ba mẹ nên chiều thứ Bảy nào học xong, mình cũng thấp thỏm mong tiết cuối hết mau mau để gò lưng đạp xe nhanh ra bến, kẻo lỡ chuyến xe cuối.
Bến xe Lê Hồng Phong ngày ấy, những chuyến xe chiều sập tối bao giờ cũng nhốn nháo. Tới bến là lo phóng lên xe tìm một chỗ đứng. Chiếc xe đạp được mấy anh lơ xe chuyền chuyền đỡ lên mui xe y như làm xiếc.
Ngày thường mình cưng con ngựa sắt bao nhiêu thì chiều tối thứ bảy nó được nhồi như đồ tung hứng bấy nhiêu. Có hôm về tới bến xe Biên Hòa, cổ xe quẹo một bên, cái vè xe méo xệch, chạy nghe loẹt xoẹt.
Bẻ qua bẻ lại, chạy tiếp. Nhớ có hôm, chạy vừa tới bến xe thì xe buýt xuất bến. Cái xe buýt mập ú, lừ lừ chạy trước mắt mình phát ghét. Thế là phải đuổi theo.
Anh lơ thương tình, đập vào thùng xe bộp bộp, bác tài ghé vô, thằng nhỏ may mắn trở thành hành khách cuối cùng trên chuyến xe về với ba mẹ. Cái cảm giác ấy còn nguyên tới bây giờ – lo lo, tủi tủi, hồi hộp, mừng mừng, vui vui, sướng sướng.
Xe buýt ngày ấy bình dân, cũ kỹ lắm, không được như bây giờ. Thường mình không có chỗ ngồi, có chỗ đứng là mừng lắm rồi. Người trên xe buýt cũng san sát nhau.
Mỗi khi xe thắng lại, cùi chỏ người nọ thúc vào vai người kia, ai cũng vậy nên chẳng buồn cự nự. Cả đám người ngoan ngoãn chồm tới, ngả lui theo nhịp xe chạy. Mùi hơi người nghe ngai ngái. Riết rồi cũng quen.
Sách “Sài Gòn chữ vội trên vai”.
Ba mẹ dặn lên xe buýt đông người coi chừng bị móc túi nên thằng nhỏ một tay lúc nào cũng nằm đúng vị trí sợ cái ví không cánh mà bay. Chắc ai để ý sẽ thấy buồn cười lắm.
Đi xe buýt thời đó cực vậy nhưng khi đã leo lên xe rồi thì bỗng dưng thấy mình đang ở trên cao, mấy bạn xe máy ngoài cửa sổ thấp lè tè, bé xíu. Các bác tài xe buýt lại được ưu tiên đường chạy bang bang rất oách.
Xe buýt cuối tuần trời dần tối cũng là lúc bụng ngon ngót đói. Thỉnh thoảng có mấy người bán dạo chen lên xe với rổ bánh mì có quét dầu bơ bên ngoài thơm phức. Thế là cái bụng mấp máy kêu ọt ọt. Chỉ tiếc là cái túi ngày cuối tuần chẳng bao giờ dư nên mớ bánh mì ấy mãi cứ lòng đà lòng đòng, lên xe xuống đất theo người bán dạo, chưa có dịp chui vô bụng hắn.
Xe buýt giống như những chuyến xe cuộc đời, mang trên đó nhiều mảnh đời lớn nhỏ – người trẻ, cụ già, bà bầu, người đi chữa bệnh, nhiều nhất là sinh viên lứa còn non – mặt nghe ngao ngáo.
Thi thoảng người ta nhường chỗ cho nhau như sách tập đọc lớp Một ngày xưa có dạy. Có lúc trên những chuyến xe vội vàng ấy, mình tình cờ gặp lại bạn bè cũ. Vui vui. Xe buýt xập xình ở mấy trạm đèn đỏ, lướt qua những bảng đèn neon đủ màu sắc của Sài Gòn, rồi lao về phía Biên Hòa cho mình gặp lại mẹ ba.
Những chuyến xe buýt ngày ấy mãi là ký ức đẹp. Những chuyến xe ấy đã đi về đâu không rõ, chỉ biết nó chở theo một thời sinh viên nhiều kỷ niệm. Những chuyến xe buýt về nhà nghỉ Tết lại càng đặc biệt hơn, lỉnh kỉnh mang theo những cảm xúc rất lạ – sắp được ở bên ba mẹ nhiều ngày hơn. Những ngày ấy ba mẹ vui lắm. Nụ cười tròn vo, tan sạch những âu lo một năm sắp hết.
Nhiều lúc ngồi nghĩ: Phải dạy con thế nào để mỗi lúc xa nhà, chúng cũng nhớ nhà, nhớ ba mẹ giống như mình vậy. Thế rồi chợt nhận ra rằng nỗi nhớ thì làm gì có chuyện dạy.
Nỗi nhớ chẳng bao giờ học được cả. Yêu thương thì sinh ra nỗi nhớ mà thôi. Chỉ đơn giản có vậy. Ngôi nhà mà tình thương yêu ở đó chất không hết thì đi đâu xa, nỗi nhớ cũng lộp độp ùa về. Dẫu có già, đứng trước ba mẹ mình, bạn cũng sẽ thành con trẻ ngô nghê.
Chiều nay, cô bé con gọi ba sớm hơn mọi khi:
– Ba hả? Con nè!
– Hôm nay con được về sớm quá vậy?
– Dạ đâu có, con đang ở trường mà. Đang ra chơi ba. Ba ơi…
– Gì con?
– Ba ơi, con đang lau bảng, tự nhiên nhớ ba quá nên con gọi ba đó. Con nhớ ba quá à.
– Vậy hả? Ba cũng vậy. Một tiếng nữa là con về rồi. Xíu nữa về nhà mình gặp nhau rồi mà!
– Con biết rồi nhưng con gọi để nghe tiếng của ba, sẽ bớt nhớ nhiều hơn!
Ba chợt thấy lòng vui và yêu con vô cùng. Đúng là yêu thương rồi chẳng mất đi đâu cả. Nó biến thành nỗi nhớ của người khác dành cho mình. Ba yên tâm rồi, không cần dạy con về nỗi nhớ.
Yêu thương của ba dành cho con mà chất đầy thì nỗi nhớ của con sẽ luống cuống về bá vai, câu cổ ba mà, phải không con? Rồi có dịp đi xa nhà, con sẽ chợt thấy mắt mình cay cay khi nhận ra rằng:
“Mẹ ơi thế giới mênh mông
Mênh mông không bằng nhà mình”
Phố lung linh
những ngọn đèn màu
Đau đáu
nỗi nhớ nhà
hôm qua.
Theo Zing