Sài Gòn ơi! Đau đáu một nỗi niềm

1694

Hoàng Thị Thu Thủy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Rất nhiều “mĩ từ” dành cho Sài Gòn trong những ngày nơi đây trở thành tâm dịch Covid-19: “Sài Gòn đau”, “Sài Gòn bệnh”… riêng tôi lại cảm nhận một nỗi niềm lo lắng không yên, bởi nơi đó tôi có nhiều người thân thương ruột thịt, nhiều bạn bè và cả những người tôi không quen nhưng cảm nhận về sự thân thiện và cởi mở của “người Sài Gòn” đã khiến lòng mình đau đáu… Sáng nay, vẫn những con số, hôm qua và những ngày trước vẫn những con số, những hình ảnh, những khu phố giăng dây… Em tôi nói, em đã phải đi xét nghiệm đến mấy lần mỗi khi nơi em ở có người nhiễm bệnh Covid-19. Bất chợt bắt gặp bài thơ “Gửi Sài Gòn” của nhà thơ Từ Kế Tường, tôi như bắt gặp sự đồng cảm, nỗi niềm.

Tác giả Hoàng Thị Thu Thủy 

Gửi Sài Gòn

(Từ Kế Tường)

Sao xa quá một Sài Gòn em nhỉ?

Ở đây mưa và nắng, khói quê nhà

Không gửi được tháng ngày thành thiên lý

Theo lá mùa vàng hết cuộc tình ta

 

Em nơi đó lo âu thời chống dịch

Ngã ba đường, khu phố chật giăng dây

Góc quán nhỏ, ngày xưa thành phế tích

Nhớ hay quên lần chớp mắt, nắm tay?

 

Những nhịp cầu qua sông ngày bão gió

Tóc vai nghiêng tiếng sóng vỗ đôi bờ

Bóng cây dài chẻ đôi người viễn phố

Ta gửi buồn nông nỗi mấy câu thơ

 

Ngày và đêm bỗng dưng thành giãn cách

Ta loanh quanh đếm lại bước chân mình

Chợt bâng khuâng cuối chiều nghe chim khách

Kêu thắt lòng ngang mặt nước hồ xanh

 

Sài Gòn đó – Ta và em hai phía

Một nửa trời, chia một nửa vầng trăng

Bao giờ gặp? Sao nghe run nhịp thở

Biết có còn đủ sức đợi nhau chăng?

(Phú Vang 7-7-2021)

Bài thơ có 5 khổ, 20 câu, thi tứ dạt dào trong cảm xúc trữ tình nhớ mong, chờ đợi, hi vọng… Giọng điệu thủ thỉ, tâm tình, như câu chuyện giữa “mình và ta”, như nhắn nhủ, như chờ mong, như động viên cùng nhau vượt qua những tháng ngày đầy âu lo vì dịch bệnh. Bài thơ tình chan chứa một niềm yêu.

Sao xa quá một Sài Gòn em nhỉ?”, câu hỏi tu từ mở đầu bài thơ với cảm xúc da diết nhớ mong, có gì đó như gần gũi mà lại xa xôi, như vừa trong tầm tay với, bỗng vụt thành ngăn cách. Bởi vì: “Ở đây mưa và nắng, khói quê nhà/ Không gửi được tháng ngày thành thiên lý/ Theo lá mùa vàng hết cuộc tình ta”; “khói quê nhà” gần gũi, thân thương mà không gửi được cho em nên khoảng cách ngắn bỗng trở thành nghìn dặm – “thiên lý”…

Em nơi đó lo âu thời chống dịch/ Ngã ba đường, khu phố chật giăng dây/ Góc quán nhỏ, ngày xưa thành phế tích/ Nhớ hay quên lần chớp mắt, nắm tay?”. Không gian chia cắt không bởi chiến tranh, không bởi “thành xây khói biếc”, mà chỉ bằng những sợi giây ngăn cách; sự ngăn cách khiến cho điều giản dị bình thường nhất cho mỗi lứa đôi khi chiều về có thể tựa vai nhau trò chuyện trong “góc quán nhỏ” cũng trở thành xa xôi, bởi giờ đây “góc quán nhỏ” cũng trở thành “phế tích”. Những điều giản dị nhất, bình thường nhất, là thói quen hàng ngày giờ cũng trở thành mơ tưởng. “Em nơi đó” là đối tượng trữ tình cụ thể, không vu vơ như ca dao thuở nào, là phải nói nhớ quê nhà rồi mới dám nói nhớ em (Anh đi anh nhớ quê nhà); bởi cái tôi thi nhân đã nhắc “Nhớ hay quên lần chớp mắt, nắm tay?”. Vẫn là câu hỏi tu từ, hỏi ta, hỏi mình, hỏi để mà khẳng định, hỏi để mà nhắc nhở, hỏi để bày tỏ nỗi nhớ; dù là giãn cách tạm thời, là do dịch bệnh, thì xa cách vẫn là quá nhớ mong.

Càng nhớ nhung, cảm xúc càng dâng tràn: “Những nhịp cầu qua sông ngày bão gió/ Tóc vai nghiêng tiếng sóng vỗ đôi bờ/ Bóng cây dài chẻ đôi người viễn phố/ Ta gửi buồn nông nỗi mấy câu thơ”. Hình ảnh thơ vừa gợi cảm giác sóng đôi, quấn quýt; vừa gợi nỗi buồn vì xa cách; giọng trữ tình da diết một niềm thương. Hình ảnh “Bóng cây dài chẻ đôi người viễn phố” thật ấn tượng, sự tách bạch rõ ràng bằng động từ – “chẻ đôi” – không nhập nhằng; chỉ cần nhập nhằng là lây lan dịch bệnh, chỉ bằng sợi dây chăng ngang nhưng mỗi góc phố, góc chợ, công viên, trường học… đều lặng yên; nơi đó luôn có những con người không quản ngày đêm, mưa gió canh gác cho sự bình yên, mạnh khỏe của mỗi người. Thơ ca đã thi vị hóa khoảng cách bằng thi ảnh thật ấn tượng.

Ngày và đêm bỗng dưng thành giãn cách/ Ta loanh quanh đếm lại bước chân mình/ Chợt bâng khuâng cuối chiều nghe chim khách/ Kêu thắt lòng ngang mặt nước hồ xanh”. Cái cảm giác loanh quanh, tù túng trong giãn cách bởi đại dịch Covid-19 được nhà thơ biểu đạt bằng thơ nhẹ nhàng, dìu dặt nhờ nhịp điệu và thi tứ. Cái “bỗng dưng” không còn gây thảng thốt, lạ lẫm, bất ngờ, bởi không phải là lần đầu; cái “loanh quanh” lại như “đốn ngộ”, bởi “đếm lại bước chân mình”, nhịp sống chậm lại, bình thản hơn, không vội vã, hấp tấp, cũng là lúc nhìn lại mình kĩ hơn. Cái bất chợt cũng trở thành “đau đáu”, vì bâng khuâng, vì nhớ nhung, vì chờ đợi. Tiếng chim khách cuối chiều nhắc nhở nỗi cô đơn của cái tôi trữ tình. Dù không nói một chữ nào về cô đơn mà vẫn thấy cô đơn bởi thi ảnh gợi nhiều hơn tả; “mặt nước hồ xanh” vốn là lãng mạn, giờ cộng hưởng với tiếng chim khách cuối chiều sao mà buồn và nhớ đến thế.

“Sài Gòn đó – Ta và em hai phía/ Một nửa trời, chia một nửa vầng trăng/ Bao giờ gặp? Sao nghe run nhịp thở/ Biết có còn đủ sức đợi nhau chăng?”. Vẫn là câu hỏi tu từ ở cuối bài thơ như nhắc nhở, như trấn an, mong ngóng và chờ đợi – “Biết có còn đủ sức đợi nhau chăng?” – len lén một nỗi buồn; nếu không cẩn trọng, nếu không quyết tâm, đồng lòng thì hai phía “ta và em” vẫn là chia cắt; càng giãn cách, càng chia cắt và càng nhiều khó khăn. Câu thơ “Một nửa trời, chia một nửa vầng trăng” thật hay, gợi thật nhiều liên tưởng. Dịch bệnh Covid-19 là mối đe dọa với toàn cầu, với chúng ta; việc xa cách, chia ly ngỡ chỉ trong thời chiến, giờ là mối lo thường trực với mỗi vùng miền và đặc biệt là với Sài Gòn.

Bài thơ “Gửi Sài Gòn” đau đáu một nỗi niềm của thi nhân Từ Kế Tường và cũng của chúng tôi, mỗi ngày chúng tôi vẫn theo dõi, lo lắng và cầu mong đại dịch Covid-19 sớm lùi xa nơi mảnh đất của “người Sài Gòn thanh hậu”. Chúng tôi đã xúc động khi đọc bài thơ dạt dào thi tứ của thi nhân, khi viết lời bình này vẫn mong mỗi ngày các con số hãy giảm bớt, sớm bình yên và an yên cho mỗi người.

Huế ngày 7/7/2021

H.T.T.T