Sài Gòn, thoắt 7000 đêm – Tạp văn của Nguyễn Hoàng Trung Hiếu

658


Nhà thơ Nguyễn Hoàng Trung Hiếu.

Sinh năm 1979.

Email: vplshieu@gmail.com

Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Atlantic. Thành viên Viện Trọng tài Hoàng gia Anh Quốc (CIArb).

Tác phẩm:

Sài Gòn 7.000 đêm & Thương… rồi nhớ (Tạp văn, NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM);
Nghệ thuật Hành nghề Luật sư (Sách chuyên khảo, NXB Thanh Niên);
Những ngày Luân lạc (Truyện, NXB Thanh Niên);
Qua những miền đất lạ (Tản văn – truyện ngắn, NXB Thanh Niên);
Kẹo gừng mùa đông (Thơ, NXB Văn học);
Mùa sau (Thơ, NXB Văn học);
Dòng đời (Thơ, NXB Trẻ);
Mùa sau (Thơ, NXB Văn học).

Sài gòn, thoắt 7000 đêm

Quay qua, quay lại, tôi đã ngủ trong thành phố này trên dưới bảy ngàn đêm.

Xét theo nhiều nghĩa, nhất là nghĩa đen, Sài Gòn, ngần ấy năm, hoàn toàn bình yên, chưa khi nào phải nghe pháo đạn rung lên vì binh biến. Bởi thế, tôi càng cảm nghiệm sâu sắc hơn, dư vị và nỗi lòng thời chiến mà nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, gửi trong ca khúc “7000 đêm góp lại” của ông. Đó là một diễm phúc mà nhiều lớp thanh niên thế hệ trước, cầu trong vạn lời kinh, Thượng Đế vẫn lặng im, như chưa hề nghe thấy.

Hồi ấy, quốc lộ 20 còn hiền lành, chưa có những chuyến xe chạy bạt mạng như ngày nay. Thậm chí, có nơi, trâu bò còn thản nhiên gặm cỏ, chẳng mảy may nghĩ đến chuyện mai rồi, mình sẽ trở thành món đặc sản của loài tự cho là có tâm nhất tinh cầu đầy cỏ này.

Tôi còn nhớ không khí bức bối trong cabin chiếc xe 12 chỗ ngồi, nhưng hàng ngày, phải gánh trách nhiệm đưa ít nhất 16 con người cùng vô số hành lý qua quãng đường dài hơn 130 km. Đôi khi, hoàn cảnh buộc con người ta phải miễn cưỡng vượt lên cả sứ mệnh. Nhưng dù sao, nó vẫn còn yên ả hơn một số chuyến xe lúc này, bởi tài xế thuở đó chưa có iPhone, chưa có dịch vụ gọi nội mạng miễn phí, chưa có những cuộc trò chuyện khiếm nhã giữa những lái xe với nhau, cứ vài phút lại chan chát vang lên, hỏi thăm trạm nào có cảnh sát giao thông đứng chốt, để tiện bề lướt nhanh hoặc sẽ đi ngang về tắt. Tất cả mọi thứ thời sự trong mền ngoài chiếu, nhanh chóng được gom vào cuộc đối thoại đầy tính khoe khoang, thỉnh thoảng, quá khích, họ lại còn cho nhau ăn những thứ con người ta dẫu muốn, cũng không sao ăn nổi.

Nhận giấy báo trúng tuyển vào đại học, tôi lên chuyến xe kỳ vọng nhất của đời mình. Trong cơn say chếnh choáng, không phải vì men, tôi đã hình dung một cách hết sức rõ ràng rằng, hai giờ nữa thôi, lần đầu tiên trong đời, sẽ thấy giảng đường đại học. Tôi đã xác tín ở điều đó, mặc dù, mỗi phút trôi qua, mắt tôi lại nhòa đi và tim tôi, càng lúc càng thêm nặng nhọc. Tất nhiên, tôi thiếp đi lúc nào, không ai biết được.

Cuối cùng, cơn ác mộng cũng trôi qua, người phụ xế kéo tôi khỏi băng ghế, như muốn giải quyết cho xong món nợ. Tôi ngồi thụp xuống ven đường, cửa cabin đóng sầm lại, tôi đoán đã đến được Trạm Hai. Ba bốn người đàn ông ăn mặc như bốc vác tiến lại gần:

– Vào đại học đại cương phải không? Lên xe!

Họ tự chất hành lý của tôi lên chiếc xe “min-khơ” đầy ngang tàng và hoài niệm, mặc cho đôi mắt nhiều hoang mang của tôi đang tìm định hướng. Một người đàn ông khác đứng bên một chiếc Honda “cup cánh én đời 81” xanh rêu, vẻ đầy bực bội, vì có lẽ, anh ta đã chạm tay vào hành lý và đỡ tôi xuống trước. Cô bán trà đá khá lịch sự, nhưng đầy quyền lực trong dáng vẻ và giọng điệu:

– Thằng nhỏ vừa xuống xe, mặt xanh lè, ông kéo nó đi đâu vậy?

Tôi ngoái về phía sau, trên tấm bảng màu vàng nhạt, một hàng chữ lớn đỏ loét “Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức”. Vậy là yên tâm rồi. Nhưng chẳng hiểu sao, tôi vẫn thốt lên như tự hỏi:

– Thế còn Suối Tiên ở đâu?

– Kia kìa!

Cô chủ quán trà đá chỉ tay về phía Đông, nơi có một cái đầu người thật lớn đang trong giai đoạn thi công phần mão.

Hai người đàn ông vẫn chưa chịu rời mắt. Tôi quyết định gọi một ly chanh muối để chắc chắn sẽ được cô chủ quán trà đá “bảo kê” cho mình. Người đàn ông ít kiên nhẫn hơn, hằn học ném tàn thuốc vào đống bã mía gần đó, làm kinh động một đám ruồi nhặng, nhốn nháo bay lên như bầy ong vỡ tổ. Vừa bước đi, lão vừa lầm bầm:

– Má nó… Sáng giờ chưa được cuốc nào. Ngày gì đen như mõm chó.

Cô chủ quán quẳng về phía anh ta một cái lườm đầy miệt thị, gần như nụ cười chứa sự khinh bỉ và hiềm thù của gã lái chiếc Cup 81 màu xanh. Nhưng hề gì, nếu lời ông ta chân thật, thì cũng chỉ là những lời than phiền thường tình của những toán xe ôm. Và tất nhiên, chúng ta cũng chẳng nên tin họ lắm.

Ở dải đất Nam Bộ này, hầu như, bất cứ thanh niên nào, cũng được cuộc đời sửa soạn cho một cuộc gặp gỡ với Sài Gòn hoa lệ, ít nhất là trong trí tưởng tượng nhờ những áng văn, hoặc thậm chí, ngay giữa sự mềm mại của những giấc mơ thời niên thiếu. Ai đã hiện thực, ai còn hoài mong, điều đó phụ thuộc phần nhiều vào cơ may và định mệnh. Mà cho dù, ai đó chưa một lần đặt chân lên mảnh đất đầy hào sảng này, thì cũng đừng vội cho rằng mình kém may mắn. Vì ngay nơi tràn đầy cơ hội này, đã từng có không ít kẻ giấu nước mắt, thèm khát vẻ hồn hậu của những vùng quê. Cho nên, ngay dưới những cánh hồng diễm lệ, Thượng Đế cũng đã đặt sẵn những chùm gai rồi. Nhưng, ai đã có duyên đến được với Sài Gòn, hãy tận hưởng những tinh hoa đang quần tụ dưới vòm trời đa sắc ấy, tiện nghi, cuộc sống, cơ hội và tình yêu, thậm chí, cả những thất bại để chúng ta biết nỗ lực giành lại thành công.

Đến được Sài Gòn là một lẽ, cách người ta cập bến lại cũng là một thứ hệ trọng đáng bàn. Thượng Đế không đột ngột thả tôi xuống ngay chân tòa tháp Landmark 81 tầng đầy ngưỡng vọng, để sau đó phát hiện những khu nhà ổ chuột cách đó không xa, rồi thất vọng. Ngài dành cho tôi những bước đi tiệm tiến, đủ để chiêm cảm những nhịp gõ chân thực nhất của Sài Gòn, thế nên, chẳng bị bối rối hoặc lung lay.

Thú thật, “Paris phương Đông” hiện lên ấn tượng trong mắt tôi, ban đầu, không phải là cuộc sinh hoạt sa hoa của một số ít ngtfời giàu sang thực sự, nhưng nó gần gũi đến nỗi, tôi tưởng mình đã chở cả miền quê lên vùng ven ngoại thị, nơi trường tôi ở đó, từ từ dẫn tôi vào, khám phá thành đô.

Vở diễn trước tiên trong chuỗi kịch đời, là hiện thực của những người lao động xa xứ trong cuộc mưu sinh, không ồn ã. Rất bình dị, hiền lành. Họ là những người thu gom phế liệu, những người đẩy xe hủ tiếu gõ, những bàn tay xạm đi vì buôn thúng bán bưng, hát rong, bán vé số,…

Một buổi sáng cuối tháng 2, khi hương xuân còn chưa dứt trên những cội mai vàng lưu luyến tàn hoa, từ khu nội trú Tân Phú, tôi dạo bộ ra bưu điện gần lô cốt Trạm Hai một thời ấn tượng để nhận bưu phẩm. Lần lượt những chuyến xe đổ khách xuống lề đường với vô số ba lô hành trang chằng cột. Họ ngơ ngác một hồi rồi lại vui vẻ tản về các khu công nghiệp gần đó, lẫn trong những tốp người, thỉnh thoảng có vài chiếc áo trắng sinh viên, cũng đang trở lại trường sau kỳ nghỉ tết. Nơi đó, hầu như có đủ chất giọng của tất cả các vùng miền.

Tôi đặc biệt quý trọng những kẻ tha hương, là vì, dù tất bật cầu thực hay thậm chí phải làm thêm vào ban đêm, để trang trải cho cuộc sống thường ngày, nhưng trên môi họ, vẫn luôn nở một nụ cười lạc quan, ngay cả khi đang làm việc nặng nhọc. Không than vãn, không oán trách. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một nỗi niềm, cứ thế, ngày qua ngày, cần mẫn lao động, vì bản thân, vì gia đình, hay thậm chí vì đứa con đang học đòi chúng bạn, sắm sửa tiêu xài hoang phí trên những giọt nước mắt ngậm ngùi của mẹ cha.
Ngay những ngày đầu dạo sâu vào những quận trung tâm, mà theo cách nói vui nhưng cũng là mặc định “các quận có số” như 1- 3- 5- 10, tôi đã thấy nhiều người xa xứ, hăng say làm việc, như muốn quả quyết rằng họ đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai để an cư lạc nghiệp. Bán hàng rong ở các quán sá, công viên Sài Gòn, vỉa hè trường học, công sở, trung tâm thương mại… dường như đã trở thành nghề tối ưu của nhiều người con xa xứ, bởi họ không đủ điều kiện để tự mở cho mình một quầy hàng cố định bán buôn. Đối với họ, sĩ diện là thứ xa xỉ, chỉ cần có tiền lo cho gia đình, lo cho cuộc sống qua ngày, đã là quá đủ. Nếu dư giả chút ít gửi vài đồng quà bánh về quê thì lại càng mãn nguyện hơn.
Trong ki-ốt điện thoại công cộng thời internet chưa thịnh hành, tôi nghe được lời nhắn nhủ động viên rất tích cực của cô bán hàng rong:

– Cứ vào đi, Sài Gòn thiếu gì nghề để sống!

Hay một chiều tháng Sáu ẩm ướt, dưới lớp áo mưa trong suốt, hai người con của xứ biển miền Trung đứng “truyền nghề” cho nhau, bên vệ sông Sài Gòn:

– Nè, bỏ bịch đi, vô quán nhậu, cứ đặt lên bàn, lát ăn họ trả tiền. Đừng hối người ta nha. Ăn chửi đó!

Người còn lại, nét mặt trông có vẻ trẻ trung hơn, hai ngón cái bậm liên hồi vào cạp rổ, do dự, ngập ngừng. Chị bạn tiếp tục động viên.

– Đi đi, mấy ngày là quen thôi à. Mà nè, chủ quán có đuổi thì đi, đừng cãi lại. Mình bán dạo mà…

Thế là, hai người đàn bà, rẽ ra hai hướng, với những bịch cóc ổi xoài gọt sẵn, vài xâu khô bò, mươi bịch bánh linh tinh, lại tiếp tục cuộc mưu sinh. Mặc cho phía đâu đó có người rủ rỉ, rằng Sài Gòn rất cô đơn, chỉ cần không có ai ăn tối chung một hai hôm, đã cảm thấy lạc lõng.

Giữa lòng thành phố với những con người luôn biết vươn lên, làm ra làm, chơi ra chơi, hào sảng và thẳng thắn, đã tạo động lực cho biết bao lớp trẻ dấn thân khởi nghiệp. Mặc dù, vẫn có nhiều thương gia bỏ Sài Gòn, đi tìm vùng đất mới. Nhưng tôi vẫn tự hào, trong những chuyến bay ngược lại, cũng có nhiều thương nhân, rời các kinh đô ánh sáng, tìm đến Sài Gòn, khuếch trương nghề nghiệp. Vậy, Sài Gòn đã phụ ai chưa? Chắc là chưa, tôi tin như thế, nên hơn bảy ngàn ngày, tôi chỉ biết sống và chịu sống, biết làm và chịu làm, biết chơi và chịu chơi, theo cách của Sài Gòn.

Có người bảo, Sài Gòn bất công. Tôi không tin vậy, có thể, vì nó quá đa dạng và phức tạp, nên cơ hội không chia đều cho tất cả mọi người. Bình đẳng hay không, tùy vào cách của mỗi người, đến đây cầu thực.

Đa dạng, đông vui, nhộn nhịp quá, nên Sài Gòn cũng là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ nhiễu nhương, là chốn dung thân của những kẻ biến cảnh trộm, cướp nơi đây thành “đặc sản”.

Tất cả những lớp người đó, lần lượt dạy cho tôi những kinh nghiệm của trường đời mà nhà trường không sao dạy được. Nhiều người kỳ vọng rằng, Sài Gòn sôi động sẽ giúp tạo ra những con người năng động, mạnh mẽ… và như thế, họ đến, ngồi lì ra đó, chờ biến đổi. Nhưng nếu phải nói một điều gì đó, với những người đang chuẩn bị đến với Sài Gòn, thì tôi phải minh định rằng, chính những ngtfời năng động, mạnh mẽ mới có thể tạo ra một Sài Gòn sôi động.

Và Sài Gòn, sôi động như hôm nay, nhờ vào những người đã đến và mặc cho vùng đất này chiếc áo sôi động.

Sài Gòn, những năm đầu, như ông thầy khó tính, bắt tôi trải qua bao cuộc mưa dập gió vùi. Vừa cho gặp người trong mộng đã vội đến lấy đi. Mới hăm hở bước vào thương trường đã cho bại trận. Nhân nghĩa chưa kịp lý tưởng đã nhuộm hắc ín một màu. Cuối cùng, ông thầy khó tính cũng chừa cho tôi một khoảng trống, để tự bước vào, tung tẩy với bạn bè khắp bốn biển năm châu.

Và rồi, cũng như một vòng đời của kiếp lá, tạ từ màu xanh mãn cuộc, rụng về cội, nên, một ngày không xa, tôi sẽ lại rời Thành phố, trên chuyến xe dài hơn 130 km, mắt càng lúc càng nhoà và hơi thở càng lúc càng nặng nhọc, hệt như những ngày tôi đến nơi đây, Sài Gòn, 7000 đêm trước.

N.H.T.H