Sài Gòn trao cơ hội cho người trẻ – Tản văn của Bùi Tiểu Quyên

797


Nhà văn Bùi Tiểu Quyên.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên, sinh năm 1985, Long An. Hiện công tác tại báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh.

Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.

Tác phẩm:

  • Đi ngược chiều thương (tập truyện ngắn, NXB Văn Nghệ,2008);
  • Con tàu đi tìm sân ga (tập truyện ngắn, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2012);
  • Cỏ đồi phương Đông (tập truyện ngắn, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2014);
  • Cỏ lau vạn dặm (tập truyện ngắn, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2015);
  • Nửa đêm nằm nhớ (tạp văn, Nhà xuất bản Trẻ,2016);
  • Những cánh cửa đều mở (tạp văn, Nhà xuất bản Trẻ,2017);
  • Cỏ dại thênh thang (tập truyện ngắn, tác phẩm vào chung khảo Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VI-2018);
  • Sông  bao giờ thẳng (tạp văn, Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2019);
  • Chuyện chiếc máy ảnh chu du  Trường Sa (tập truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi).

Giải thưởng:

– Giải thưởng Nhà văn Trẻ – Hội Nhà văn TP.HCM 2014, với tác phẩm Cỏ đồi phương Đông.

Sài Gòn trao cơ hội cho người trẻ

Tôi vẫn nhớ hoài những buổi chiều bé con ra ngồi ngoài bờ ruộng, nghĩ đến ngày mình sẽ được lên thành phố. Thuở ấy, tôi luôn nghĩ rằng, chỉ có “lên thành phố” tôi mới có thể thực hiện được những giấc mơ của đời mình. Và có lẽ đã đúng như vậy, thành phố là mảnh đất lành cho những khát vọng, hoài bão của người trẻ. Không chỉ riêng tôi, có rất nhiều người trẻ đến từ những vùng quê nghèo khó đã tạo dựng sự nghiệp, thành công, thành danh từ thành phố này…

1. Những trang viết đầu tiên của tôi bắt đầu từ đồng ruộng. Nhưng thời ấy, việc gửi bài cộng tác cho báo ở Sài Gòn lẫn việc mua được tờ báo, đi nhận nhuận bút ở bưu điện cũng không dễ dàng một chút nào.

Ở phố, tôi tiếp cận được nhiều đầu báo, được đọc thoải mái trong thư viện và cũng có được nhiều cơ hội viết truyện ngắn cộng tác, từ những tờ báo dành cho tuổi học sinh – sinh viên như Tuổi Ngọc, Áo Trắng, Mực Tím, Tài Hoa Trẻ… đến những tờ báo lớn: Người Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ TP.HCM…

Ở phố, tôi bắt đầu những bước chập chững đầu tiên với văn chương và dần quen biết với các cây bút đàn anh, đàn chị, được đọc và học được nhiều điều quý giá từ những người đi trước; được dìu dắt, được nâng đỡ trên mỗi chặng hành trình.

2. Sài Gòn là mảnh đất dung hợp người dân ở khắp mọi miền đất nước, là nơi để người người mưu sinh và cũng là nơi bồi đắp, hiện thực hóa những giấc mơ của người trẻ. Nhịp sống ở phố luôn sôi động, phát triển từng ngày, người trẻ nhiều khát vọng sống trong môi trường này sẽ luôn thấy bản thân được khích lệ, truyền cảm hứng và động lực lớn lao để hoàn thành những mục tiêu đời mình. Văn chương là con đường âm thầm, trong nỗ lực tự thân của mỗi người. Nhưng tôi nghĩ, những bước đi đầu tiên ấy cũng rất cần đến những niềm khích lệ – dẫu vô hình nhưng ý nghĩa. Văn chương trẻ TP. Hồ Chí Minh trưởng thành, phát triển và có thể khác biệt qua từng giai đoạn, nhưng lúc nào tôi cũng thấy có một dòng chảy mạnh mẽ. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, nối tiếp và cùng nhau góp phần làm nên diện mạo văn chương của thế hệ mình.

Đối với tôi, viết văn viết sách là giấc mơ tuổi nhỏ, nhưng phải đến khi đặt chân lên phố thì tôi mới có nhiều cơ hội hơn để hiện thực hóa giấc mơ ấy. Từ những năm tháng còn viết truyện ngắn trên giấy vở học trò gửi cộng tác cho đến khi in cuốn sách thứ chín, có lẽ đã là một đoạn đường dài. Mà khi nhìn lại, hành trình ấy đều gói gọn trong khoảng thời gian sống giữa lòng thành phố. Còn nhớ, năm 2012, khi chính thức được kết nạp vào Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy như đã được bước vào “ngôi nhà chung” với niềm lạc quan tích cực. Như thể đã có một “nơi chốn thuộc về” trong lựa chọn văn chương của mình. Và cũng từ ngôi nhà chung ấy, tôi cũng như những bạn viết trẻ khác có nhiều hơn những cơ hội tham gia các chuyến đi thực tế sáng tác, về nguồn, các hoạt động của hội nghề nghiệp, mở rộng mối quan hệ quen biết với các nhà văn đi trước, được trao những giải thưởng văn chương khi còn rất trẻ…

3. Phố cho tôi một công việc nhiều trải nghiệm, nhiều cảm xúc và những mối quan hệ. Đọc, đi, nghĩ, viết là bốn yếu tố vô cùng cần thiết đốivới một người cầm bút. Tất cả những yếu tố này người viết đều có thể chủ động sắp xếp, nhưng sẽ khác nhau ở cơ hội “đi” đối với những công việc khác nhau.

Nghề báo – quả thật không có trong giấc mơ thuở bé – vậy mà tôi lại gắn bó song hành cùng sự nghiệp văn chương. Đôi lúc nghĩ lại, không lý giải được vì sao một người bản tính khá… hiền lành, không thích đám đông và lại càng không thích chốn thị phi, xô bồ cuối cùng lại có thể làm báo lâu đến như vậy. Nhưng rồi nhìn nhận lại, thấy có vẻ như chính nghề báo cho tôi thêm rất nhiều cơ hội để “đi”, để thu nhặt vốn sống, để thấm thía đời – người, và để chạm đến được những chiều kích sâu nhất của cảm xúc, tâm hồn. Tất thảy những điều đó – thậm chí là những tổn thương, thất bại nếu có – cũng rất cần thiết cho những người cầm bút, những người trẻ có hoài bão. Để được trưởng thành.

4. Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh được thành lập và hoạt động đã tròn 40 năm, còn thời gian tính từ lúc tôi kết nạp hội viên đến nay cũng chỉ mới 9 năm. Nhưng nhìn lại, đó cũng là cả một chặng đường tuổi trẻ tôi sống và viết trọn vẹn với văn chương, với tất cả những nỗ lực từ những ngày đầu cầm bút. Trong chừng ấy thời gian, có biết bao kỷ niệm với các cô chú, anh chị lẫn bè bạn văn chương cùng trang lứa. Không nhớ hết bao lần tôi tham gia cùng các sự kiện, hoạt động của hội nghề nghiệp, những chuyến đi thực tế sáng tác, sinh hoạt thơ văn…

Cũng từ “ngôi nhà chung” này, được cùng bạn văn tham gia các Hội nghị viết văn trẻ TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc… Chúng tôi – những người cầm bút trẻ – vẫn thường nói với nhau rằng, văn chương là sự nghiệp của riêng mỗi người, những cuốn sách ra đời là quá trình sáng tạo lặng lẽ. Nhưng những hoạt động sôi nổi từ hội nghề nghiệp chính là dịp để chúng tôi thấy được kết nối với nhau, được truyền cảm hứng sáng tạo. Tất cả cùng tạo sự cộng hưởng cho cảm xúc, để người cầm bút luôn tin rằng, trên hành trình chữ nghĩa – có lúc tưởng chừng như thật đơn độc này – vẫn luôn có những người cùng lý tưởng, những yêu thương quý giá ở cạnh bên.

Quê hương cho tuổi thơ một giấc mơ và nỗi nhớ thật lộng lẫy. Còn thành phố cho tuổi trẻ những cơ hội để qua những chặng đường. Nhìn lại, tôi luôn cảm thấy biết ơn. Mãi về sau này, có thể người sẽ bước qua những chặng đường rất khác, vẫn sẽ luôn nhớ và tri ân mảnh đất nghĩa tình này. Xin dành lời chúc đến Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, rằng Hội sẽ tiếp tục là ngôi nhà chung đầy ý nghĩa, luôn mãi là nơi lan tỏa ngọn lửa ấm áp cho những người cầm bút.

B.T.Q