Sài Gòn trong mắt tôi

158

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bước vào năm thứ ba làm việc và sinh sống tại Sài Gòn. Từ đáy lòng tôi, tôi đã yêu thành phố Sài Gòn bao dung, cởi mở và đáng yêu này rồi. Nhiều người hỏi tôi, có nhiều thành phố ở Trung Quốc phát triển hơn, mạng lưới giao thông thuận tiện hơn, có metro, tàu cao tốc, và có nhiều tòa nhà chọc trời, điều kiện sống cũng tốt hơn, vì sao em lại lựa chọn làm việc ở Sài Gòn nhỉ? Đây cũng là câu hỏi tôi luôn suy nghĩ vì tôi là một cô gái đang sống ở đất nước xa lạ, không có gia đình và bạn bè bên cạnh, sự khác biệt về văn hóa và ẩm thực, cùng với nhiều thách thức trong cuộc sống hàng ngày. Lựa chọn làm việc và sinh sống ở Sài Gòn có phải là một lựa chọn tốt nhất không?

Tác giả Tuyết Giảo

Phật nói: “Năm trăm lần nhìn lại ở kiếp trước mới có một lần chạm mặt ở kiếp này.” Tôi là một tín đồ Phật giáo chân thành, tôi tin rằng kiếp trước tôi phải có một  duyên phận sâu sắc với thành phố Sài Gòn. Trong thành phố lãng mạn và đáng yêu này, chắc hẳn tôi đã có nhiều lần “cái nhìn lại”, có những cuộc gặp gỡ thú vị và lãng mạn, có thể tôi đã từng “nợ” gì ở đây, vì vậy kiếp này tôi từ nơi xa xôi đến Sài Gòn để gặp gỡ.

Tôi từng đọc một câu của nhà văn Lâm Huyền: “Vì yêu một người nên yêu một thành phố”. Tôi yêu Sài Gòn đến mức chắc chắn là đã yêu rất nhiều người ở đây. Tôi nghĩ vậy, tôi yêu Sài Gòn và tôi càng yêu người Sài Gòn hơn. Người Sài Gòn nhiệt tình, hiếu khách, mộc mạc, bao dung và đáng yêu. Họ dường như sinh ra đã là những người lạc quan, yêu đời, luôn có nụ cười rạng rỡ trên môi, luôn tràn đầy năng lượng bất tận.

Tôi sống trong một khu dân cư bình dân ở quận 1, ngay trung tâm Sài Gòn. Khu phố này nằm trong những con hẻm dài và hẹp. Hẻm chỉ rộng khoảng nửa mét, nhưng mỗi ngày có nhiều xe máy đi qua. Buổi sáng, có cô bán rau đi xe máy rao hàng từng nhà, có chú bán dừa tươi với giọng trầm khàn “dừa xiêm, dừa xiêm” vang vọng trong hẻm, có cô bán bánh mì rao “bánh mì tươi, giòn”, và chú thu mua đồ điện cũ rao “Thu ti vi cũ, tủ lạnh cũ…” Những âm thanh rao bán thú vị vang lên từ sáng đến tối, như một buổi hòa nhạc giao hưởng sống động, từng người dân mộc mạc dùng giọng rao bán mạnh mẽ để tạo ra những nốt nhạc sống động nhất của cuộc sống. Năng lượng nhiệt tình, yêu đời và tích cực của người Sài Gòn mỗi phút mỗi giây khiến tôi, một người xa lạ, cảm thấy rằng tôi và Sài Gòn có một mối liên kết ấm áp và đơn giản nhất trên thế giới.

Những người Sài Gòn sống trong con hẻm này đơn giản, yêu đời, như những bông hướng dương luôn hướng về mặt trời. Gia đình cô chủ nhà của tôi là những tín đồ đạo giáo chân thành; mỗi Chủ nhật, họ đều ăn mặc chỉnh tề và không ngại thời tiết nắng hay mưa để đến nhà thờ cầu nguyện. Có lẽ vì lý do tôn giáo, cô chủ nhà rất nhân hậu, luôn tươi cười, với một trái tim bao dung và yêu thương; cô ấy là một người phụ nữ khoảng 50 tuổi. Cô giống như tất cả những người mẹ đầy yêu thương trên thế gian, yêu thương tôi, một đứa con Trung Quốc không có bất kỳ quan hệ máu huyết nào với cô.

Mỗi buổi sáng khi tôi đi làm, cô sẽ nói: “Chào buổi sáng, con hôm nay mặc đẹp quá, đi làm vui vẻ nhé.” Khi tan làm, gặp cô đang đón con gái đã vào đại học, cô sẽ chào hỏi: “Con tan làm rồi à, có mệt không?”Những lời chào hỏi của cô luôn mang lại cho tôi sự ấm áp, khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ.

Sống ở một đất nước xa lạ, khi bệnh và nhớ nhà có lẽ là thời điểm khó khăn nhất đối với những người rời xa tổ ấm. Nằm trên giường, cô đơn, mệt mỏi về thể xác và tinh thần dần dần nuốt chửng lấy bản thân. Cô chủ nhà như một thiên thần gõ cửa: “Cô đã làm nước chanh mật ong cho con, con uống nước chanh để lấy lại sức nhé. Con gái của cô lúc bị ốm cũng uống nước chanh mật ong này và đã khỏe đấy.”

Đôi khi vào cuối tuần, con gái của chủ nhà sẽ làm móng tay cho tôi và mẹ cô ấy. Chúng tôi ba người vừa trò chuyện, cô bé vừa làm móng tay. Con gái chủ nhà giống như tất cả những cô gái trẻ, rất yêu cái đẹp và thích làm móng. Cô chủ nhà cũng đưa cô gái đị học làm móng trong một năm qua, và kết quả rất hiệu quả; chỉ một lúc sau, tôi và cô chủ nhà đã có bộ móng tay dễ thương. Cô gái cười hỏi: “Chị có thích không? Chị còn muốn làm thêm gì không?”

Trong khi đó, cô chủ nhà đọc Kinh nghe, không quên nhắc nhở tôi và cô bé: “Hai con phải yêu thương, bao dung, và hiếu thảo với ba mẹ…” Gia đình cô chủ nhà có lẽ chưa bao giờ coi tôi là một người nước ngoài hay một người lạ. Giáo lý mà họ tin theo dạy họ yêu thương mọi người trên thế giới, nên họ đã yêu thương tôi, một “người Sài Gòn”, như một “người trong nhà”.

Khu phố này là một trong vô vàn khu phố bình thường ở Sài Gòn, nơi có rất nhiều người Sài Gòn giống như cô chủ nhà của tôi. Những người hàng xóm thích ngồi trên ghế đá dài để trò chuyện, vừa nhặt rau vừa “buôn dưa lê” trên trời dưới đất. Có lúc họ cười to, có lúc lại im lặng, đôi khi thì thầm với nhau, tạo nên một bức tranh sống động của cuộc sống hằng ngày của người Sài Gòn. Mỗi lần tôi đi qua, họ đều mỉm cười chào hỏi với tôi, và tôi cũng đáp lại bằng nụ cười rạng rỡ của mình.

Đi sâu vào trong hẻm một chút, có một ông già rất thích trồng hoa và nuôi các loại cá thích thú. Ông luôn trang trí xung quanh nhà mình bằng đủ loại hoa cỏ xanh tươi. Tôi rất thích hoa và cây cỏ, nên mỗi khi đi qua nhà ông già, tôi thường dừng lại một chút để ngắm nhìn “báu vật” của ông. Mỗi lần thấy tôi, ông già sẽ gật đầu một cái, mỉm cười, rồi tiếp tục hút thuốc, thưởng thức những khoảnh khắc yên bình. Một “người Sài Gòn” như tôi mới lặng lẽ ngắm nhìn từng bông hoa, cây cỏ của ông già.

Khoảnh khắc yên tĩnh này bị tiếng cười đùa của trẻ con làm phá vỡ. Một cậu bé chạy đến bên tôi, hô to: “Cô ơi, cô ơi, con nhớ cô quá… Cô có biết bạn mới của con không?” Tôi ngồi xuống, nắm tay cậu bé và mỉm cười nói: “Chào con, cô cũng rất nhớ con. Con có thể giới thiệu bạn mới của con cho cô không?”

Cậu bé càng vui hơn, nghiêm túc nói: “Cô ơi, đây là bạn mới của con, bạn ấy 5 tuổi, tên là ‘Hương’…” Cô bé có chút ngại ngùng, e thẹn nhìn tôi nói: “chào cô, con tên là ‘ Hương’…” Cậu bé năm nay 6 tuổi, là bạn tốt của tôi. Cậu không bao giờ sợ rằng tôi là một người nước ngoài, ngược lại, cậu còn nắm tay tôi và giới thiệu cho tôi về những món đồ chơi nhỏ của cậu bé.

Trái tim của trẻ con luôn thuần khiết nhất. Chúng chưa biết gì về người nước ngoài, hoặc có lẽ chúng chỉ biết rằng tôi và chúng nói cùng một ngôn ngữ, là cô hàng xóm sống trong cùng một con hẻm. Nhìn những bông hoa, cọng cỏ mà ông già Sài Gòn trồng, cậu bé và cô bé chạy đến đầu hẻm bên kia để chơi, tiếng cười trong trẻo vang vọng khắp con hẻm.

“Trong mắt mỗi người có một ngàn Hamlet”, tôi nghĩ rằng mỗi người có một góc nhìn khác nhau về Sài Gòn. Sài Gòn trong lòng tôi là những con người dễ thương này. Đối với tôi, Sài Gòn là gia đình cô chủ nhà, tín đồ đạo giáo chân thành, là những cô hàng xóm ngồi “buôn dưa lê” trò chuyện trên ghế đá dài, là ông già trồng hoa cỏ, và hơn hết là những đứa trẻ đáng yêu, ngây thơ và lãng mạn. Họ là những người Sài Gòn bình thường nhưng chân thật nhất. Họ mộc mạc, nhiệt tình, hiếu khách, bao dung và yêu thương. Họ luôn khiến tôi xúc động và ấm lòng, một “người Sài Gòn” đến từ đất nước xa lạ.

Có lẽ trong mắt họ, tất cả mọi người đến Sài Gòn đều là “người Sài Gòn,” đều là “một gia đình.” Chính nhờ những con người dễ thương như vậy, tôi đã yêu Sài Gòn, thành phố này. Tôi nghĩ rằng hình ảnh Sài Gòn trong lòng tôi là những con người dễ thương, bao dung và yêu thương như thế

Tuyết Giảo