Linh Trang
Sau một vụ đâm suýt chết và hàng chục năm bị đe dọa, thế nhưng Salman Rushdie giờ đây vẫn đang nói về việc viết lách như một hành động bất chấp tử thần.
Salman Rushdie và cuốn tiểu thuyết là nguồn cơn cho bi kịch của ông
Khi Salman Rushdie bước sang tuổi 75 vào mùa hè năm ngoái, ông có lí do để mà tin rằng mình đã sống sót qua mối đe dọa bị ám sát. Cách đây rất lâu, vào Ngày lễ tình nhân năm 1989, Lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ruhollah Khomeini đã tuyên bố cuốn tiểu thuyết Những vần thơ của quỷ Satan của Rushdie là báng bổ và ban hành đạo luật hành quyết tác giả và “tất cả những người liên quan đến việc xuất bản cuốn sách đó”. Rushdie, một cư dân của London, đã trải qua một thập kỉ tiếp theo trong trốn chạy dưới sự bảo vệ liên tục của cảnh sát. Nhưng sau khi định cư ở New York vào năm 2000, ông sống tự do, vô lo vô nghĩ. Ông từ chối tin rằng mình đang bị khủng bố.
Tuy nhiên đã có lúc mối đe dọa kéo dài trở nên rõ ràng không chỉ trên phạm vi tiếp cận điên cuồng của Internet. Vào năm 2012, trong cuộc họp mùa thu thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên Hợp Quốc, tôi đã tham gia một cuộc họp nhỏ giữa các phóng viên với Tổng thống Iran đương thời Mahmoud Ahmadinejad. Tôi đã hỏi rằng liệu khoản tiền thưởng trị giá hàng triệu USD mà một tổ chức của Iran dành cho án tử đối với Rushdie đã bị hủy bỏ hay chưa. Ahmadinejad mỉm cười nhìn tôi với một tia nhìn có phần ác ý. “Salman Rushdie ư, bây giờ ông ta ở đâu?” Ngài ấy nói. “Không có tin tức gì về ông ấy nhỉ. Ở Hoa Kì ư? Nếu vậy thì anh đừng nên hỏi gì vì sự an toàn của chính ông ta.”
Trong vòng một năm sau đó, Ahmadinejad đã bị phế truất do không được lòng các giáo sĩ Hồi giáo. Rushdie tiếp tục sống như một người tự do. Năm tháng trôi qua, ông viết hết cuốn sách này đến cuốn sách khác, giảng dạy, thuyết trình, đi du lịch, gặp gỡ độc giả, kết hôn, li hôn và trở thành một nhân vật cố định trong lòng thành phố từng là quê hương của mình.
Nhớ lại những tháng đầu tiên ở New York, Rushdie nói với tôi: “Mọi người rất sợ khi ở gần tôi. Cách duy nhất có thể ngăn chặn điều đó là cư xử như thể tôi không sợ hãi. Tôi phải cho họ thấy không có điều gì mà phải sợ cả”. Một đêm nọ, ông đi ăn tối với Andrew Wylie, người đại diện và cũng là bạn của mình tại một nhà hàng cực kì nổi tiếng ở East Hampton. Khi đó họa sĩ Eric Fischl dừng lại bên bàn và đã nói rằng: “Tất cả chúng tôi không nên sợ hãi và rời khỏi đây sao?” – “Chà, riêng tôi thì đang ăn tối,” Rushdie trả lời. “Anh có thể làm những gì mình thích.”
Fischl không có ý xúc phạm, nhưng đôi khi có một giọng điệu chế giễu trong các bài tường thuật trên báo chí về “sự hiện diện không biết mệt mỏi của Rushdie trong cuộc sống về đêm ở New York,” như Laura M. Holson đã viết trên tờ The Times. Một số người nghĩ rằng ông ấy nên sống một đời khắc khổ hơn với tình trạng của mình.
Đối với Rushdie, việc cứ trốn tránh nghĩa là đầu hàng. Ông ấy là một sinh vật xã hội và sẽ sống theo ý mình. Ông ấy thậm chí còn cố gắng làm cho fatwa trở nên lố bịch. 6 năm trước đó, ông đã thủ vai chính mình trong một tập phim Curb Your Enthusiasm, trong đó nhân vật Larry David đã kích động các mối đe dọa từ phía Iran bằng cách chế nhạo Ayatollah trong khi quảng bá cho sản phẩm sắp tới của mình. David sợ hãi, nhưng nhân vật của Rushdie đảm bảo cuộc sống dưới một sắc lệnh hành quyết (dù có đáng sợ đến như thế nào) thì nó cũng có tác dụng tuyệt vời là khiến một người đàn ông trở nên… quyến rũ đối với phụ nữ.
Có vẻ bằng mọi hành động công khai, Rushdie quyết tâm chứng tỏ bản thân không chỉ tồn tại mà còn có bước phát triển trong văn nghiệp và cả đời sống xã hội. “Không có thứ gì gọi là an toàn tuyệt đối,” ông viết như thế trong cuốn hồi kí ở ngôi thứ ba Joseph Anton xuất bản vào năm 2012 của mình. “Chỉ có những mức độ bất an khác nhau. Và hắn sẽ phải học cách chung sống với điều đó.” Ông hiểu rõ rằng cái chết của mình sẽ không cần đến những nỗ lực phối hợp của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo hay Hezbollah – một kẻ cô độc có thể dễ dàng thực hiện công việc ám sát. “Nhưng tôi đã cảm thấy fatwa đã xa khỏi đây một thế kỉ trước và giờ đây thế giới vẫn đang tiếp tục xoay chuyển,” ông ấy nói thêm.
Vào tháng 9 năm 2021, Rushdie kết hôn với nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia Rachel Eliza Griffiths, người mà ông đã gặp 6 năm trước đó, tại một sự kiện của PEN. Họ đã cùng nhau vượt qua đại dịch một cách hạnh phúc. Vào tháng 7 năm ngoái, Rushdie đã thực hiện những chỉnh sửa cuối cùng cho cuốn tiểu thuyết mới nhất có tựa đề Thành phố Chiến thắng.
Trong những năm qua, bạn bè của Rushdie đã rất ngạc nhiên trước khả năng viết lách của ông trong khi cái chết luôn treo trên đầu. Martin Amis đã nói rằng, nếu ở trong hoàn cảnh của ông, “tôi sẽ là người nặng ba trăm pound chứa đầy nước mắt và sự lo sợ mà không có cả lông mi hay là lông mũi.” Tuy thế Thành phố Chiến thắng đã là cuốn sách thứ 16 của Rushdie từ khi fatwa được ban hành.
Ông hài lòng với việc bản thảo đã được hoàn thành cũng như nhận những đánh giá tích cực từ những người bạn đã đọc qua nó. Trong thời đại dịch, Rushdie cũng đã hoàn thành một vở kịch về nàng Helen của thành Troy, và ông cũng đã nảy ra ý tưởng cho một cuốn tiểu thuyết khác. Ông đã đọc lại Núi thần của Thomas Mann và Lâu đài của Franz Kafka – những cuốn tiểu thuyết có ngôn ngữ tự nhiên để gợi lên những thế giới kì lạ, kín đáo như một viện điều dưỡng trên núi cao hay một bộ máy hành chính cấp tỉnh xa xôi. Rushdie đã nghĩ đến việc sử dụng một cách tiếp cận tương tự để tạo ra một trường cao đẳng tưởng tượng để làm bối cảnh cho cuốn sách tiếp theo của mình. Ông đã bắt đầu ghi chép trong khi chờ đợi mùa hè yên bình và mùa đông tới với các chuyến giao lưu để quảng bá cho Thành phố Chiến thắng.
Tuy nhiên vụ đâm xảy ra sau đó đã thay đổi mọi thứ. Rushdie đã phải nhập viện trong 6 tuần liền. Trong những tháng kể từ khi bình phục, ông ấy hầu như quanh quẩn trong nhà và dành thời gian đi khám bác sĩ, đôi khi là 2-3 lần một ngày. Ông ấy đã sống cuộc sống không có an ninh trong hơn hai thập kỉ qua, thế nhưng giờ đây đã phải suy nghĩ lại về điều đó.
Ngay trước lễ Giáng sinh, vào một buổi sáng mưa lạnh, tôi đến văn phòng ở trung tâm thành phố của Andrew Wylie, người đại diện văn học của Rushdie, nơi chúng tôi đã hẹn gặp nhau. Một lúc sau, tôi nghe thấy tiếng mở cửa. Rushdie, bằng một giọng nói mang theo dấu ấn của tất cả các thành phố mà ông đã qua – Bombay, London, New York – đang chào buổi sáng các đặc vụ và trợ lí, những người mà ông đã không gặp lại trong nhiều tháng qua. Cảnh tượng ông đi xuống hành lang thật đáng kinh ngạc, khi ông đã sụt khoảng 40 cân từ khi bị đâm. Ông cũng thay đổi thấu kính bên phải trở thành màu đục vì cuộc tấn công đã khiến con mắt bên đó bị mù hoàn toàn. Giờ đây ông thường đọc sách bằng iPad để có thể điều chỉnh ánh sáng và kích thước chữ. Có nhiều vết sẹo ở phía bên phải khuôn mặt. Ông đã nói được một cách trôi chảy nhưng bờ môi dưới đã xệ xuống nhiều. Dây thần kinh ở tay trái cũng bị tổn thương nặng.
Rushdie cởi áo khoác và ngồi xuống chiếc ghế đối diện với bàn làm việc của người đại diện. Tôi hỏi tinh thần của ông thế nào. “Chà, anh biết đấy, tôi đã khá hơn,” ông nói khô khan. “Nhưng xét cho cùng những gì xảy ra thì tôi lại nghĩ không đến nỗi nào. Về cơ bản, những vết thương lớn đã được chữa lành. Tôi có cảm giác ở ngón cái, ngón trỏ và ở nửa dưới của lòng bàn tay. Tôi đang thực hiện rất nhiều liệu pháp điều trị và được biết rằng mình làm khá tốt.” Và rồi tôi hỏi ông có thể gõ được bàn phím chưa, ông nói “Không tốt lắm, bởi vì những đầu ngón tay chưa lấy lại được cảm giác.” Còn việc viết thì sao, “Tôi viết chậm hơn nhưng cũng kha khá.”
Giấc ngủ không phải lúc nào cũng đến dễ dàng. “Đã có những cơn ác mộng, thế nhưng nó đang giảm dần. Tôi ổn. Tôi có thể đứng dậy và đi lại đâu đó. Khi tôi nói rằng tôi ổn, ý tôi là, có những phần cơ thể của tôi cần được kiểm tra liên tục. Đó là một cuộc tấn công gây nhiều ảnh hưởng.”
Nhiều lần, Rushdie nhìn quanh văn phòng và mỉm cười. “Thật tuyệt khi được trở lại,” ông nói. “Đây là một nơi không phải bệnh viện – nơi tôi đã đến nhiều lần trong các tháng qua. Và được ở trong cơ quan mà tôi đã đến hàng chục năm rồi là một không gian rất đỗi quen thuộc với tôi. Và được đến đây nghĩa là có thể nói về văn học, về sách, về cuốn tiểu thuyết Thành phố chiến thắng, để có thể nói về những điều quan trọng nhất với tôi…”
Tại cuộc gặp gỡ này và trong các cuộc trò chuyện sau đó, tôi cảm nhận được những bản năng mâu thuẫn trong Rushdie khi ông trả lời các câu hỏi về sức khỏe. Có bản năng muốn tiếp tục nói về văn học, về cuốn sách, về bất cứ điều gì ngoại trừ fatwa, và bản năng khác nhìn nhận một cách thẳng thắn những gì xảy ra. “Có một thứ gọi là ám ảnh cưỡng chế, anh biết đấy,” một lúc sau ông nói. “Tôi đã mắc nó và giờ thì rất khó viết. Tôi ngồi xuống để viết, nhưng không có gì ra hồn. Tôi viết, nhưng đó là sự kết hợp của sự trống rỗng và đống rác rưởi, những thứ tôi đã viết ra tôi sẽ xóa hết vào ngày hôm sau. Tôi vẫn chưa ra khỏi khu rừng ám ảnh đó, thật đấy.”
Ông cũng nói thêm, “Đơn giản là tôi chưa bao giờ cho phép mình sử dụng cụm từ ‘writer’s block’. Mọi người đều sẽ có lúc không có gì trong đầu. Thế nhưng một trong những điều tuyệt vời khi anh đã 75 tuổi và đã viết đến 21 cuốn sách là anh biết rằng nếu mình tiếp tục thì điều gì đó tuyệt vời sẽ đến.”
Làm thế nào để tiếp tục sống sau khi nghĩ rằng ông đã thoát khỏi nhiều năm bị đe dọa, tố cáo và nguy hiểm chết người? Và giờ đây, làm thế nào để phục hồi sau một cuộc tấn công mà chỉ cách ông vài milimet để cố gắng sống mà nó có thể tái diễn bất cứ lúc nào?
Chưa hết, ông cũng nói rằng, “Tôi thật may mắn. Điều tôi thực sự muốn nói là cảm giác choáng ngợp của lòng biết ơn.” Ông biết ơn những người đã thể hiện sự ủng hộ của mình. Ông biết ơn các bác sĩ, nhân viên phản ứng nhanh và lính cứu hỏa ở Chautauqua đã băng bó vết thương cho mình, và ông biết ơn các bác sĩ phẫu thuật ở Erie. “Vào một thời điểm nào đó, tôi muốn quay trở lại đó và nói lời cảm ơn.” Ông cũng biết ơn hai con trai lớn Zafar và Milan hiên đang sinh sống ở London, và vợ Griffiths. Cô ấy đã tiếp quản công việc vào thời điểm mà tôi trở nên bất lực. Cô làm việc với các bác sĩ, cảnh sát và các điều tra viên, cũng như việc phải chuyển viện từ Pennsylvania đến New York. “Cô ấy tiếp quản mọi thứ, cũng như chịu những gánh nặng tinh thần khi tôi suýt chết.”
Ông có nghĩ rằng mình đã sai lầm khi mất cảnh giác kể từ khi chuyển đến New York không? “Chà, tôi đang tự hỏi mình câu hỏi đó, và tôi không biết câu trả lời là gì,” ông nói. “Tôi đã có hơn 20 năm sống dưới một mối đe dọa. Vì vậy đây là một sai lầm sao? Ngoài ra, tôi đã viết rất nhiều sách. Những vần thơ của quỷ Satan là cuốn thứ 5, và giờ là cuốn 21. Vì vậy hơn ¾ của cuộc đời với tư cách là một nhà văn đã xảy ra kể từ fatwa. Theo một cách nào đó, ta không thể hối tiếc về cuộc sống của mình.”
Khi chúng tôi nói chuyện trở lại vài tuần sau đó trong một cuộc trò chuyện qua Zoom, ông nói: “Tôi không có việc gì khác để làm. Tôi muốn có một tài lẻ thứ hai nhưng tôi không có. Tôi luôn ghen tị với những nhà văn như Günter Grass, người có sự nghiệp thứ hai là một nghệ sĩ thị giác. Tôi nghĩ thật tuyệt biết bao khi dành cả ngày để vật lộn với ngôn từ, và rồi đứng dậy, đi bộ xuống phố để đến xưởng vẽ và trở thành một ai đó hoàn toàn khác biệt. Tôi không có được điều đó. Vì vậy, tất cả những gì tôi có thể làm là những vụn vặt. Miễn là có một câu chuyện mà tôi nghĩ là xứng đáng để dành thời gian thì tôi sẽ làm. Khi tôi có một cuốn sách trong đầu, nó giống như phần còn lại của thế giới ở đúng hình dạng của mình.”
Ông thừa nhận rằng thật là “chán nản” khi phải vật lộn với bàn làm việc. Ông cũng tự hỏi liệu những câu chuyện có sẽ đến không? Rushdie nhìn quanh, chỉ vào những cuốn sách xếp dọc các bức tường trong phòng làm việc của mình. “Tôi cảm thấy mọi thứ đều ổn khi tôi ngồi đây và có gì đó để mà suy nghĩ”.
Hiện tại ông đã gác lại ý tưởng về cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ Kafka và Mann, và đang suy nghĩ về phần tiếp theo của Joseph Anton. Lúc đầu ông đã cảm thấy mình hơi khó chịu với ý tưởng này, “bởi tôi cảm thấy như mình đang bị ép buộc và cuộc tấn công yêu cầu tôi viết về nó.” Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, ý tưởng này đã được thực hiện. Sách của Rushdie thường sẽ bao gồm một dàn nhân vật đông đảo, nhưng để viết về cuộc tấn công ở Chautauqua, một sự kiện diễn ra chỉ trong vài giây, ông ấy đã cố gắng hình dung ra một thứ gì đó trông… “vi mô” hơn.
Và cũng dĩ nhiên là bằng một giọng nói khác. Giọng nói của người thứ ba có phần xa cách mà Joseph Anton từng sử dụng đã không còn phù hợp nữa. Rushdie nói: “Tôi không cảm thấy đây là câu chuyện về ngôi thứ 3. Tôi nghĩ khi ai đó đâm dao vào mình, đó là câu chuyện của ngôi thứ nhất. Đó là một câu chuyện về ‘tôi’ thật sự.”
L.T
Theo Vanvn