Nguyễn Công Thành
(Vanchuongphuongnam.vn) – Lưu Trọng Ninh là đạo diễn gắn với những bộ phim gai góc, dữ dội nhưng cũng không kém phần da diết, thơ mộng như “Canh bạc”, “Hãy tha thứ cho em”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Dốc tình”, “Hoa cỏ may”… Đặc biệt, ông bị “ám” với “đau đớn, khắc khoải, thê lương” trong câu chuyện “Bến không chồng” của Dương Hướng. Năm 1999, Trọng Ninh vừa đạo diễn vừa đóng vai diễn viên nam chính (vai Vạn) cho bộ phim điện ảnh cùng tên (Phim đoạt giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2001). Thế nhưng ông vẫn chưa bằng lòng với bộ phim điện ảnh rất thành công trên mà tiếp tục chuyển thể “Bến không chồng” (thực chất là lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học này) thành phim truyền hình “Thương nhớ ở ai” dài 34 tập (đã phát sóng vào 14 giờ 20 phút, thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần trên VTV3 từ 04 tháng 11 năm 2017).
Làm lại đã khó, làm lại điều đã thành công muôn phần khó hơn. Đạo diễn Trọng Ninh, khi trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong cho biết: “Khi làm lại, điều khó nhất là phải thoát khỏi bóng của bộ phim nhựa. Cuối cùng tôi đã tìm ra lối thoát bằng cách tách nhân vật Vạn ra thành hai con người. Phần bản năng đam mê của Vạn đối chọi với con người của anh tạo ra xung khắc liên tục, tạo nên vấn đề thời thế. Rồi tôi đưa nhân vật mới, văn hóa Bắc Bộ vào, khiến bộ phim khác hẳn với bản phim nhựa”. Như vậy, cái mới và sự sáng tạo của Lưu Trọng Ninh khi viết kịch bản và đạo diễn phim Thương nhớ ở ai là “tách nhân vật” cũ, làm mới nhân vật có sẵn và xây dựng thêm nhân vật mới, tạo bối cảnh phim thật như cuộc sống nông thôn đồng miền Bắc hơn nửa thế kỷ trước.
“Thương nhớ ở ai” – phim chuyển thể từ tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng.
1. Đặt tên mới cho phim
Nếu phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng vẫn giữ nguyên tên tác phẩm thì đến phim truyền hình, Lưu Trọng Ninh đã đổi tên thành Thương nhớ ở ai. Tên phim được gợi ý từ bài dân ca quan họ Bèo dạt mây trôi:
“Thương nhớ… ai,
Sương rơi, đêm sắp tàn…
Trăng tà
Người đi xa có nhớ
Là nhớ ai ngồi
Trông cánh chim trời
Sao chẳng thấy anh…”
Tên mới gợi ra nhiều vấn đề nhờ đại từ phiếm chỉ “ai” chứ không còn nghĩa tương đối xác định để chỉ những người đàn bà mất chồng hoặc không lấy được chồng trong những năm chiến tranh và những năm đầu thống nhất đất nước. Thương nhớ ở ai gợi trường liên tưởng mênh mông và tạo ra những chiều kích cảm nhận khác nhau tùy vào khả năng nhận thức và tầm đón nhận của khán giả xem phim. Chủ thể và đối tượng thương nhớ không còn bó hẹp là những người đàn bà góa, lỡ thì do chiến tranh mà mở rộng ra mọi người đàn bà mất chồng, không có chồng từ quá khứ đến hiện tại, hướng đến tương lai…
2. Làm mới nhân vật trong tiểu thuyết
2.1. Nhân vật Vạn được Lưu Trọng Ninh “tách ra thành hai con người. Phần bản năng đam mê của Vạn đối chọi với con người của anh tạo ra xung khắc liên tục, tạo nên vấn đề thời thế”. Đạo diễn đã lựa chọn, gửi gắm nhân vật nam chính Vạn cho diễn viên Lâm Vissay (Việt kiều Đức, được đào tạo chuyên nghiệp về diễn xuất ở Đức). Lâm Vissay đã diễn hết mình, hóa thân vào nhân vật như thể đó là cuộc sống thật vì thế đã thực sự lột tả được gánh nặng đè nén lên vai người lính thời hậu chiến. Trong con người Vạn luôn xung khắc, mâu thuẫn giữa tình yêu với ánh hào quang anh hùng quá khứ. Có nhiều lần, ranh giới mong manh này tưởng như sắp đứt tung để Vạn được là chính mình nhưng ngoại cảnh “bắt” anh phải tỉnh, phải bỏ chạy (khi anh đang áp chặt cơ thể hầm hập vào bộ ngực trần căng tràn rạo rực, nóng hổi của Nhân bỗng tiếng xoong chảo vang rền cả xóm hoặc khi anh đang đè lên thân thể “trong ngọc trắng ngà” để che bom cho của Hơn trong sự hoan hỉ, khêu gợi của đôi môi đỏ mọng, ánh mắt lúng liếng thì tiếng kẻng báo yên vang lên).
Sự thay đổi rõ nhất là cách kết thúc số phận nhân vật. Trong tiểu thuyết Bến không chồng, sau khi xin Hạnh tha thứ cho tội lỗi của mình không được, Vạn đã tự tử. Ngược lại, Thương nhớ ở ai, Vạn bỏ đi khỏi khỏi làng Đông khi trời chưa sáng.
2.2. Nhân vật Hơn trong tiểu thuyết Bến không chồng là nhân vật phụ, rất mờ nhạt nhưng trong phim Thương nhớ ở ai, Hơn trở thành nhân vật chính.
Số phận của Hơn trong phim cũng có nhiều khác biệt so với nguyên tác văn học. Trong tiểu thuyết, chồng Hơn vì sợ bị đấu tố nên đã “cắn lưỡi” chết. Còn trong Thương nhớ ở ai, chồng Hơn bị đấu tố “oan” trong sự thương cảm của nhiều người. Anh ta bị bắn do Đột – chủ tịch xã xuất thân bần cố nông, luôn nuôi dưỡng thái độ “trả thù giai cấp”.
Hơn trong phim là người phụ nữ đẹp và hát hay. Dù cô chỉ hát có hai lần: đêm trước hôm chồng bị xử bắn và đêm trước khi cậu con trai tên Tốn lên đường ra mặt trận nhưng làn điệu Bèo dạt mây trôi: “Người đi xa có nhớ, là nhớ ai… ngồi trông cánh… chim trời. Sao chẳng thấy anh?” cứ thổn thức, nhức nhối trong tâm can khán giả.
Thêm nữa, trong phim Thương nhớ ở ai, Lưu Trọng Ninh để Tốn, người con trai và là niềm an ủi duy nhất trên cõi đời của Hơn, hy sinh ngoài mặt trận đã đẩy đến tận cùng sự bất hạnh của người phụ nữ bị oan sai (chồng bị đấu tố oan chết, con trai duy nhất không còn, cuộc đời Hơn trong phim đầy nước mắt).
Mặt khác, Lưu Trọng Ninh khi viết kịch bản và dàn dựng phim đã thay đổi tính cách của Hơn, chuyển cô từ người phụ nữ lẳng lơ, say mê Vạn và không ngại thổ lộ điều đó bằng cả cử chỉ, lời nói và hành động trong tiểu thuyết thành người phụ nữ đẹp người đẹp nết, đa tình nhưng giàu lòng tự trọng. Hơn thích Vạn nhưng không quá lộ liễu. Khi không được Vạn đáp hồi, cô một lòng thờ chồng, nuôi dạy con trưởng thành.
2.3. Nhân vật Đột trong tiểu thuyết Bến không chồng là bần cố nông mù chữ, trong thời gian ba tháng làm chủ tịch xã, luôn nung nấu hận thù, ai lão cũng qui cho là phản động, theo địch. Sau khi mất chức, nhân vật này không còn xuất hiện. Ngược lại, Đột trong phim Thương nhớ ở ai không chỉ có lòng hận thù mà còn có tình yêu mãnh liệt. Đột đã yêu ca kỹ Nương say đắm. Tổ chức cho Nương hát dân ca giữa đình, mang gạo đến nhà và công khai tỏ tình với Nương.
Sau khi mất chức, Đột trở về túp lều tranh, làm ruộng cất vó và chịu mọi nhẫn nhục để Nương chấp nhận. Hình ảnh Đột quỳ suốt đêm trước cổng để xin Hớn tha thứ cho tội lỗi xưa của mình gợi nhiều trăn trở cho người xem về sức mạnh tình yêu.
3. Xây dựng thêm nhân vật mới
Ngoài việc làm mới các nhân vật có sẵn, phim Thương nhớ ở ai còn bổ sung thêm một tuyến nhân vật hoàn toàn khác so với tiểu thuyết Bến không chồng như Nương – một ca kĩ; Liễu, Thị Mầu và sự hình thành của “xóm không chồng”.
Sự xuất hiện của Nương giúp nhân vật Đột – một nhân vật khá mờ nhạt trong tiểu thuyết văn học đã trở thành một gương mặt đầy số phận trên sóng truyền hình. “Đột gây tội ác khi bắn chết chồng của Hơn, nhưng đây cũng là nhân vật được nhiều người xem truyền hình nhớ đến khi có tình yêu chân thành với Nương – một ca nương về làng. Kiên trì theo đuổi tình yêu suốt nhiều năm ròng, nhưng điều thương cảm lại xảy đến khi đúng ngày Đột đến hỏi cưới Nương thì nhà Nương lại bị thả bom. Nương qua đời khi đang cất tiếng hát”.
Nhân vật Thị Mầu là một nhân vật lẳng lơ, bị phụ nữ trong làng khinh ghét nhưng cuối cùng lại chọn cách nhảy xuống sông trầm mình thay vì để một cán bộ văn hóa xã hãm hiếp. Một cái chết mà sau này đã khiến cả làng Đông sững sờ khi biết sự thật.
Điều đáng khâm phục hơn là việc tạo ra tuyến nhân vật mới nhưng rất phù hợp với câu chuyện trong tiểu thuyết. Đây không chỉ là “hành động dũng cảm” mà còn thể hiện sự thấu hiểu, thấu cảm của nhà văn, đạo diễn tài hoa Lưu Trọng Ninh đối với tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng.
4. Kỳ công tạo dựng bối cảnh làng quê xưa
Để tạo ra bối cảnh làng quê nông thôn miền Bắc nước ta trong những thập kỷ 50 đến thập kỷ 70 của thế kỷ XX giống như mô tả trong tiểu thuyết Bến không chồng, Lưu Trọng Ninh và ê kíp làm phim đã quay hơn 2000 cảnh, chắt lọc từ 18 ngôi làng khác nhau từ Hà Tĩnh trở ra. Sau đó, gộp chúng thành một làng, mỗi làng chỉ lấy một hoặc hai góc đẹp nhất. Đồng thời, Thương nhớ ở ai cũng là bộ phim truyền hình Việt Nam có thời gian xử lý hậu kỳ dài nhất (gần 3 năm).
Theo chia sẻ của ê kíp làm phim: “Chúng tôi phải làm thế nào để bối cảnh trong 18 ngôi làng đó đồng nhất. Và giải pháp là 18 ngôi làng đều nằm trong khung cảnh non nước đá vôi như kiểu Tràng An, Ninh Bình. Cho nên trong phim khán giả sẽ thấy thú vị khi Chùa Thầy được đặt trong cảnh Tràng An, nhà thờ đổ Nam Định, cầu đá Cự Trữ, làng quê Hà Tĩnh được đặt trong non nước Ninh Bình…”.
5. Kết thúc phim
Thứ nhất: Trong tiểu thuyết Bến không chồng, Hạnh dắt con về làng khi “dòng sông Đình loang loánh bóng trăng” và cô chỉ nói cho mỗi Nguyễn Vạn biết cháu bé là con của anh. Nhưng trong phim Thương nhớ ở ai, mở đầu tập cuối bằng việc Hạnh dắt theo con gái đã lên bốn tuổi trở về làng Đông trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Cô không ngại thông báo cháu bé là con của cô và Vạn. Làng Đông như chấn động với đầy lời lẽ dèm pha.
Tiếp đó, Hạnh mang con gái đến nhà Vạn ở, gọi Vạn bằng anh. Cô bảo người ta nói mặc kệ người ta còn số phận của cô là do cô quyết định. Thậm chí, cô hét lên, tiếng hét vang vọng khắp làng “Đứa nhỏ là con của tôi và anh Vạn đấy!”. Hạnh có bữa ăn đầu tiên với Vạn, hai người cùng cho con ăn. Hạnh liếc nhìn Vạn và thầm mơ về một gia đình hạnh phúc. Hạnh cũng đã mua quần áo mới cho Vạn, Hạnh còn hy vọng sẽ có nhiều dịp ra chợ huyện để mua quần áo cho chồng và con.
Nhưng Hạnh đã lầm tưởng, làng Đông chẳng để cuộc sống của Hạnh được yên. Khi Hạnh và Vạn vừa nằm trên giường, cũng là lúc dân làng Đông kéo đến vây kín căn nhà. Những ánh mắt nhòm ngó, những nụ cười khinh bỉ, chế giễu. Vạn chạy nhanh ra ngoài đánh đuổi dân làng. Nhưng đất đá ném ào ào vào căn nhà nhỏ, Hạnh và con gái chỉ biết ôm nhau khóc.
Thứ hai: Trong tiểu thuyết Bến không chồng, sau khi van xin Hạnh tha thứ cho tội lỗi của mình không được, Vạn đã tự tử. Dân làng không ai biết nguyên nhân cái chết của Vạn. Mọi người thương cảm và đi đưa đám ma rất động: “Đám tang không hề có tiếng khóc gào thét lên như mọi đám tang khác, nhưng tất cả mọi người ai cũng thấy mình đang khóc – khóc âm thầm lặng lẽ – khóc về nỗi đau nhân tình – khóc cho một linh hồn cô độc”. Ngược lại Thương nhớ ở ai, Vạn không tự tử mà anh dậy rất sớm, gánh nước đổ đầy chum, rồi lên thuyền bỏ đi khỏi khỏi làng Đông khi trời chưa sáng. Khi Hạnh tỉnh giấc, cô nhận ra không có Vạn bên cạnh. Cô chạy ra đến sông đầu làng, chỉ thấy Hơn đứng đó, xa xa là bóng một con thuyền mờ dần. Hạnh dắt con gái đi qua con đường hoa gạo, cô thầm mong Vạn sẽ trở về và cô tin Vạn sẽ trở về làng Đông – nơi mẹ con đang chờ Vạn.
Cách kết thúc mở tạo sự liên tưởng và dự đoán khác nhau về số phận của nhân vật Vạn và mẹ con Hạnh cho khán giả truyền hình nhưng bỏ sót thông điệp hòa giải hận thù giữa hai dòng họ.
Từ những thay đổi và sáng tạo trên, chúng ta có thể nói phim Thương nhớ ở ai được lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Bến không chồng của Dương Hướng. Bộ phim đã khắc họa sinh động đời sống làng quê miền Bắc giai đoạn 1954 – 1980. Ở đó, người dân quê không chỉ chịu đau thương vì chiến tranh mà còn phải chịu bao hủ tục, chôn vùi hạnh phúc cá nhân vì sự định kiến hẹp hòi của xã hội.
N.C.T