Sao chỉ ‘xin lỗi’ ?

609

10.9.2017-23:00

Thanh tra Chính phủ xác nhận phát ngôn của ông Nguyễn Minh Mẫn, quyền Vụ trưởng Vụ 3 là thiếu chuẩn mực, khiến báo chí phản ứng, cho rằng ông Mẫn ‘gây khó khăn cho hoạt động báo chí’.

Nhưng với thái độ xử lý ở mức: “đang họp bàn để thống nhất phương án yêu cầu ông Mẫn phải xin lỗi bằng hình thức như thế nào cho hợp lý”, thì cho thấy bản thân Thanh tra Chính phủ chưa đánh giá hết mức độ nghiêm trọng của sự việc.

Phát ngôn của ông Mẫn – một cán bộ hàng cấp cao của Thanh tra Chính phủ, tại buổi làm việc với lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM hồi cuối tháng 9.2016, không chỉ xúc phạm nhà báo, hoạt động báo chí mà là hành vi cản trở quyền tiếp cận thông tin của người dân, vốn được Hiến pháp ghi nhận. Đó là chưa nói, một sự việc đơn giản là xác minh phát biểu của một cán bộ “người nhà” mà Thanh tra Chính phủ phải mất gần 1 năm mới có được công bố, kể cũng là quá chậm trễ.

Trong phát biểu này của mình, ông Mẫn một mặt “đe dọa” các cán bộ dưới quyền mình (thành viên đoàn thanh tra) không được tiết lộ kết quả thanh tra “công trình này yếu kém hoặc ăn bớt vật tư…”, một mặt định hướng cho đối tượng mà ông thanh tra (Trường ĐH Quốc gia TP.HCM), không được tiếp và cung cấp thông tin cho báo chí – cái mà ông gọi là “quấy nhiễu”. Ông còn lớn tiếng cam kết “phối hợp đuổi nhà báo”.

Ông Mẫn trước sau muốn bưng bít thông tin thanh tra với mục đích gì? Có phải là để bảo vệ cái truyền thống mà dân gian từng đúc kết kiểu chơi chữ: Thanh cha, thanh mẹ, thanh dì, hễ có phong bì ông cứ thanh kiu (thank you)?

Một trong những thiết chế quan trọng bậc nhất của bất kể xã hội văn minh nào cũng là công khai, minh bạch thông tin. Nó đòi hỏi chính quyền luôn phải đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng nhanh nhạy, chính xác và kịp thời cho công luận.

Chính vì vậy mà Quốc hội đã không ngừng ban hành, sửa đổi các luật Báo chí, luật Tiếp cận thông tin; mở đường cho một tập quán văn minh là: Người dân có quyền yêu cầu nhà nước, chủ thể hoạt động bằng tiền thuế của dân phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của chủ thể thực sự của quyền lực. Ở các luật này, cơ chế khiếu nại, khởi kiện được quy định khá chi tiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc từ chối cung cấp thông tin hợp pháp.

Chính phủ cũng nỗ lực thực hiện công khai, minh bạch, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính. Đầu tháng 3 năm nay, Chính phủ đã ban hành hẳn một nghị định quy định chi tiết về cung cấp thông tin cho báo chí. Theo đó, những tổ chức, cá nhân vi phạm “tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Sự giằng co giữa xu hướng bí mật và công khai thông tin thì khi nào cũng có. Nhưng xu hướng công khai thông tin cần phải được coi là xu hướng chủ đạo, thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Nếu chiểu theo những nguyên tắc đó, phát ngôn của ông Mẫn không đơn giản là sự xúc phạm báo chí và những người làm báo để chỉ cần “xin lỗi” là xong, mà phải bị xử lý, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

TRƯỜNG AN/TNO