Sáo diều – Bút ký của Phương Uyên

582

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi là một cô bé sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên, vùng đất “nửa đồi nửa núi”, nửa thành phố nửa làng quê, nơi ruộng lúa vàng xen lẫn nhấp nhô đồi chè trung du xanh mướt mát.

Có những chiều bình lặng nơi đây, khi thả tầm mắt xa xa chợt vấp dải núi đồi đang vươn cánh tay dài, ôm ấp chở che những ruộng vườn, làng xóm…

Gió trời lồng lộng thổi về qua sườn đồi tràn vào thung lũng, nâng những cánh diều lên thăm thẳm trời xanh, diều cõng sáo theo gửi lại đất tiếng trầm, gửi vào mênh mang trung du tiếng bổng, sáo diều dặt dìu to nhỏ, lúc xa lúc gần theo ngẫu hứng của lão nghệ sĩ gió trời lang bạt kỳ hồ, khó ưa đỏng đảnh.

Tôi là một cô gái nhưng lại có niềm đam mê tình yêu với sáo diều từ bé.

Đam mê ấy ngấm tự trong tôi chắc từ thủa ấu thơ, nên đến tận giờ tuy đã là mẹ của hai bé gái xinh xinh, nhưng mỗi chiều có gió, tôi lại cùng các con ra cánh đồng phía trước, hì hụi đón gió nâng diều, cùng nhìn theo cánh diều no gió vút mãi lên cao mang theo bao điều mơ ước. Sáo diều vi vu hòa cùng tiếng cười của ba mẹ con khúc khích một chiều làng quê trung du yên bình lãng mạn…

Chiếc diều của tôi không mua, tôi yêu thích chiếc diều tre tự tay mình làm. Để làm được diều và sáo tôi đã được ông tôi dạy lại, giờ đây ông đã không còn nữa, nhưng mỗi lần làm xong chiếc diều là tôi lại nhớ tới hình bóng nụ cười ông.

Chiếc diều tôi làm là loại diều cổ rất cầu kỳ, nhưng nhớ đến ông, tôi luôn kiên nhẫn để hoàn thành được nó. Diều được làm bằng tre vót, uốn thành khung cố định rồi được bọc bằng giấy dó và không có đuôi. Diều mang hình dáng như trăng lưỡi liềm cong đều hai bên. Tre làm xương diều phải là tre già nhẹ và chắc. Giấy diều thì phải là giấy bản nhẹ và dai. Phải chọn một loại keo dán tốt nhất để không bị bung khi diều bay trên bầu trời lộng gió.

Để làm sáo còn khó hơn rất nhiều, tuy vậy tôi vẫn tự tay làm. Sáo diều được chọn từ ống cây mai, vầu, giang, có khi gặp may tôi gặp được một đoạn ống tre già có kiến làm tổ ở trong, điều đó khiến ống sáo cứng cáp, không vỡ và có một âm thanh khác biệt. Miệng sáo dùng các cây gỗ có dạng xoắn thớ sẽ rất tốt. Từng ống sáo được ngăn đôi, mỗi đầu mang một mũ sáo để đón gió vi vu những thanh âm trầm bổng. Làm được một chiếc sáo hay rất cần sự kiên nhẫn và học qua về âm tiếng, thật may cho tôi từ bé đã luôn ngồi cạnh xem ông làm và dạy cho tôi.

Ngây ngất khi diều vút lên cao, dõi mắt theo đến khi diều chỉ còn là một chấm nhỏ trên bầu trời xanh thẳm và ở dưới tôi nghe tiếng sáo vang lên mênh mang, thanh bình quá đỗi. Nhìn cánh diều trên cao mà không chao đảo, lơ lửng ở tầng không giống như chiếc lá đa đang được trời xanh ôm ấp. Liên tưởng này khiến tôi bất chợt dang tay ôm hai đứa con vào lòng che chở, những ánh mắt dõi theo cánh diều ngập tràn hạnh phúc.

Cứ mỗi lần nhìn diều nghe tiếng sáo là biết bao kỷ niệm thời thơ ấu trong tôi lại hiện về. Nhớ khi xưa còn nhỏ, được cùng ông làm diều, được cùng các bạn chạy thả diều trêu đùa nhau thỏa thích. Khi đó còn nhỏ nên tôi không thể thả được diều to, người thả diều bên cạnh hội trẻ con chúng tôi là ông. Nhớ lắm cái cảm giác diều được gió đỡ tay giật giật, khi được trời ôm rồi cả lũ trẻ hô ầm lên: “Diều lên kìa, lên rồi kìa.”. Cũng có khi cánh diều mắc gió mãi không lên làm đám trẻ chúng tôi bần thần ngẩn người chờ đợi. Tôi cũng không quên nổi hình ảnh mình là đứa trẻ bé ngây thơ cứ mải chơi diều hay bị bố mẹ la mắng vì mải chơi quá quên cả học bài, thổi cơm…

Diều thả vào cả bốn mùa, mùa hè gió đồng lồng lộng diều rất dễ lên. Mùa thu thả diều sớm để cột diều qua đêm nghe tiếng sáo đêm trăng thanh xa vắng…

Thơ ấu đã qua đi, giờ chẳng còn bạn, còn ông thả diều trên cánh đồng thân thương nữa, nhưng tôi hạnh phúc khi có hai con gái cùng tôi vẫn yêu cánh diều mơ ước, bước chân con trẻ chạy cùng tôi kéo giữ dây diều.

Tôi yêu quê hương, yêu ruộng lúa đồi chè, dù có đi xa nhưng tiếng sáo vi vu và cánh diều no gió thăm thẳm cao giữa trời xanh luôn gợi nhớ về quê hương, nơi tình yêu tôi vững vàng và lớn lên từ đó.

Nhớ…

P.U