Ninh Văn Chất
Giới thiệu Sau cánh rừng lặng gió – tiểu thuyết của Lê Lâm (Nxb QĐND/NXB VH)
(Vanchuongphuongnam.vn) – tiểu thuyết Sau cánh rừng lặng gió, Lê Lâm đã cho người đọc thấy được những góc khuất của cuộc chiến tranh đã từng in sâu trong kí ức của người lính. Ở đó, diện mạo của cuộc đọ sức giữa ta và địch hiện lên với đầy đủ sự “trần trụi” của nó.
Nhà văn Lê Lâm
Trong văn học Việt Nam, những trang văn miêu tả về cuộc chiến tranh và những người lính chiếm số lượng đáng kể trong các sáng tác. Các tác giả thường là những người trực tiếp cầm súng chiến đấu, họ thực sự trải nghiệm những vất vả, gian khổ của người lính nên đã tạo được những “thước phim” hay gửi tới bạn đọc. Những nhân vật trong tác phẩm thường mang tính cách của một nguyên mẫu nào đó mà các tác giả đã từng gặp, từng sát cánh trong cuộc chiến đấu và nay được hồi tưởng lại trong mạch cảm xúc của người viết. Với tiểu thuyết Sau cánh rừng lặng gió, Lê Lâm đã cho người đọc thấy được những góc khuất của cuộc chiến tranh đã từng in sâu trong kí ức của người lính. Ở đó, diện mạo của cuộc đọ sức giữa ta và địch hiện lên với đầy đủ sự “trần trụi” của nó.
Với gần 400 trang, tiểu thuyết đã phản ánh được muôn mặt cuộc chiến mà mỗi chi tiết, mỗi hình ảnh đều là những tư liệu quý giá mà tác giả đã dày công tái tạo, gây dựng nên. Chân dung của các nhân vật dần hiện lên qua từng nét vẽ. Hùng, nhân vật chính của tiểu thuyết tiêu biểu cho một lớp thanh niên khao khát cống hiến cho sự độc lập, tự do của Tổ quốc. Được miễn nghĩa vụ quân sự nhưng anh đã tình nguyện lên đường chiến đấu. Để được toại nguyện, anh đã phải giấu những người thân và cả người yêu để dứt áo ra đi. Anh Liên, người yêu của Hùng là một cô gái mang đậm tính cách truyền thống của người phụ nữ thời bấy giờ: xinh đẹp đảm đang, chung thủy chờ đợi người yêu đi chiến đấu… Tình yêu đẹp của họ là niềm mơ ước của bao người khác tưởng chừng sẽ đi đến một kết thúc có hậu. Vậy mà hoàn cảnh chiến tranh đã gây nên bao sự éo le, trắc trở cho số phận của các nhân vật. Chiến tranh kết thúc, Hùng bị thương và trở về trong nỗi mặc cảm không muốn trở thành gánh nặng cho người yêu nên đã chọn cách “im lặng”. Anh Liên lấy Sinh, đó một cuộc hôn nhân không có tình yêu. Họ lấy nhau dường như chỉ để đạt một mục đích “tầm thường” nào đó hoặc thực hiện trách nhiệm của mình đối với người thân.
Bên cạnh những nhân vật mang tính cách đẹp, tác giả cũng rất thành công trong việc xây dựng nên hình ảnh những kẻ hèn nhát rời bỏ cuộc chiến. Đó là Dong và Linh, những người đã dùng mọi thủ đoạn để bị loại ra khỏi cuộc tuyển quân. Đó còn là Hối, một người đã rời bỏ đồng đội trong lúc chiến tranh đang trong giai đoạn gian nguy nhất. Tuy nhiên đó chỉ là thiểu số bởi vẫn còn đó rất nhiều những con người luôn hết lòng vì cuộc chiến đấu. Bên cạnh Hùng là những người lính sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, hy sinh vì đồng đội như: Bình, Nhân, Hải, Hòa, Thái… hay những người chỉ huy quân đội tài tình, am hiểm nghệ thuật quân sự như: Định, Cầm, ái… Họ là những người có bản lĩnh vững vàng và không dễ gì có thể khuất phục được. Đó còn là Chí, một người từng bị ép đi lính cho Ngụy nhưng đã rời bỏ hàng ngũ địch để trở về với quân giải phóng. Những hình ảnh về những cô gái giao liên người dân tộc như Hơ Giang và Hơ Lung cũng là những “cảnh quay” đẹp tạo nên dư vị riêng của cuộc chiến đấu. Ngoài ra tác giả cũng tỉ mỉ khắc họa chân dung của những kẻ ở bên kia chiến tuyến như: Long, Hậu… họ là những tên chỉ huy bất đồng quan điểm và luôn nghi kị lẫn nhau, điều đó đã tạo nên hình ảnh của một “đội quân rệu rã”.
Đọc Sau cánh rừng lặng gió, người đọc như được hòa theo bước chân của những người lính để thấu hiểu và cảm nhận được “sức nóng” của cuộc chiến. Độc giả hẳn đã từng quen thuộc với những hình ảnh chua xót mà chiến tranh đã gây ra nhưng có lẽ khi đọc tiểu thuyết này nhiều người sẽ phải rùng mình, thương cảm cho số phận những nhân vật của tác phẩm. Tuy đã bước vào giai đoạn cuối sau khi hiệp định Paris được kí kết nhưng với bút pháp tả thực, không né tránh thực tế, tác giả đã phác họa nên bức tranh về cuộc chiến đấu với sự gian khổ, khốc liệt nhất của nó. Hình ảnh những đoàn quân vượt sông bất chấp những trận mưa rừng, lũ rừng khủng khiếp hay những trận sốt rét rừng hành hạ hoặc có khi phải lội nước bì bõm vào ban đêm đã cho người đọc thấu hiểu thêm về nỗi vất vả của người lính nơi chiến trường.
Chiến tranh gian khổ là vậy nhưng những người lính như Hùng vẫn tràn đầy lạc quan, họ mang trong mình niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Trong những cuộc hành quân, mỗi khi gặp những khoảnh khắc hay những hình tượng “nên thơ”, Hùng vẫn thường nảy ra những tứ thơ hay, những cảm xúc dạt dào và khát khao được trải lòng mình với thiên nhiên, với con người. Đó là niềm yêu thích sáng tạo văn chương vô bờ bến mà không phải ai cũng có được. Còn cô giao liên Hơ Lung thì luôn hết mình vì kháng chiến, cô luôn sống vui vẻ cùng ước muốn giản dị: được nhìn thấy Sài Gòn khi hết chiến tranh.
Với văn phong giản dị, viết về chiến tranh nhưng không gồng mình hay lên gân, tác giả đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của tác phẩm. ống kính của tác giả hướng đến những góc khuất của cuộc chiến, qua những câu văn giàu hình tượng mang tính biểu đạt cao như: “Thay cho ánh đèn pha bây giờ là tiếng pháo từ trong đồn bắn ra. Tiếng đề-pa và tiếng nổ rơi “ục” nghe rất gần nhau trong tích tắc. Những cột khói dựng lên khắp cả cánh đồng mới bị cày vỡ, đất bụi bay mù mịt cùng với những cột khói” hay hình ảnh “Mặt trời lên đỉnh đầu, cái nóng như một mũi khoan khoan xuống cánh đồng. Bầu trời là một cái chảo khổng lồ, còn mặt đất như một cái nồi gang, có thể rang chín bất cứ vật gì” (trang 295)… đã tạo nên những thước phim có giá trị, làm lắng đọng nhiều cảm xúc trong lòng độc giả.
Sau những thành công của một số tập thơ như: Cơn mưa bất chợt (1990), Sóng (1992), Nẻo vắng đường xa (2000), Tự cảm (2002), Gió núi (2003), Lời của đất (2006)… thì với tiểu thuyết đầu tay Sau cánh rừng lặng gió, người đọc bắt gặp một Lê Lâm già giặn và tâm huyết với đề tài chiến tranh.
N.V.C
(Ban biên tập, NXB Văn hóa dân tộc)