Sau những mùa sen một chữ đời

605

Lê Ngọc Minh Hoàng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nếu như tập thơ gần đây của Hữu Nhân xuất bản năm 2019 “Tôi, em và sen” ngồn ngộn những tâm tư, khắc khoải, trăn trở thì Sau những mùa sen dường như nhẹ nhàng hơn trong cảm xúc, dẫu người đọc vẫn thấy trong đó những nỗi niềm đau đáu với tình đời mà anh đã không ít lần gởi chúng vào thơ.

Tập thơ Sau những mùa sen của nhà thơ Hữu Nhân

Tân Thuận Đông

tình ơi… mênh mông…

phà ơi… qua sông!

Dòng cuối của tập thơ Sau những mùa sen của nhà thơ Hữu Nhân nghe mênh mông cảm xúc của một tâm hồn người con đất Hòa An dành cho quê hương Cao Lãnh của anh. Tôi gọi đó là những nốt thăng trong dòng chảy của thi ca, bởi khi cuộc sống có quá nhiều người làm thơ, quá nhiều nhà xuất bản thơ thì không dễ dàng được cầm trên tay một tập thơ đúng nghĩa. Cái na ná như thơ thì có vạn lần, nhưng giá trị thực của thơ thì đếm trên từng đốt tay.

Tôi may mắn được đọc hết tất cả những đầu sách của anh từ những năm 90 của thế kỷ trước, từ thơ, truyện ngắn cho đến tiểu thuyết, nên lần này khi được anh ký tặng đứa con tinh thần Sau những mùa sen thì tôi muốn tìm một chút khác lạ hơn với những gì mình đã từng quen, mà việc đầu tiên là lần mở từng trang sách ngược từ sau ra trước, như cách mà trẻ con đọc truyện tranh Doreamon của Nhật Bản vậy.

72 bài thơ trôi nhanh theo thời gian và lắng trong dòng mình một chữ “Đời” ẩn sau con chữ của Hữu Nhân. Nếu như tập thơ gần đây của anh xuất bản năm 2019 “Tôi, em và sen” ngồn ngộn những tâm tư, khắc khoải, trăn trở thì Sau những mùa sen dường như nhẹ nhàng hơn trong cảm xúc, dẫu người đọc vẫn thấy trong đó những nỗi niềm đau đáu với tình đời mà anh đã không ít lần gởi chúng vào thơ.

Bao nhiêu cay đắng xoáy tròn/ Bao nhiêu xa xót đang còn đợi nhau

Khi viết nhại ca dao với những gì mộc mạc, anh cũng mượn hình ảnh của nét chân quê mà gởi đến cuộc sống một thông điệp “cũ mà không cũ”. Tám câu lục bát mềm mại, nhẹ nhàng theo nhịp 2/4 đủ gọi thức sự lãng quên mà không ít người đã xem nhẹ trong cuộc sống hôn nhân ngày nay, đó là hai chữ thủy chung. “Mình đi còn nhớ gì không/ Một căn nhà rách nắng hong câu thề/ Mình đi mai mốt có về/ Đó đăng chài lưới bốn bề còn giăng

Hỏi thì hỏi vậy, thương thì thương vậy, nhớ thì nhớ vậy, nhưng đâu phải lúc nào ta cũng có câu trả lời xác đáng cho những gì chính mình hỏi đâu. Nhất là khi cuộc sống có quá nhiều ngã rẽ, có quá nhiều con đường, có quá nhiều sự cám dỗ, lôi cuốn, hào nhoáng phía trước thì liệu có mấy ai dành cho mình một khoảng lặng nhất định mà nhìn những gì đã xảy ra cho bản thân trong 24 giờ. Thế nên, có được những phút giây soi rọi lại mình, viết cho mình một dòng nhật ký bằng thơ, hay chỉ một đoản khúc nào đó thôi cũng là quý lắm rồi, huống chi cái đoản khúc ấy Hữu Nhân không chỉ dành riêng cho mình, mà còn nói thay nỗi niềm của bao người khác. “Người như một cánh chim trời/ Nhẹ tênh người đến để rồi người bay/ Theo biền biệt sợi câu dài / Quên đây bến đợi miệt mài lưới giăng

Tôi dừng lại ở chữ “bay” trong câu “Nhẹ tênh người đến để rồi người bay”, nghĩ ngợi một chút rồi tự lý giải cho mình vì sao tác giả không dùng chữ “người đi” mà phải là “người bay”. Phải chăng người đã không còn, chỉ còn hình bóng trong nỗi nhớ của người ở lại giữa chốn trọ trần gian này? Tôi thương khổ thơ thứ 6 trong bài “Đoản khúc cho mình” còn bởi vì 2 cặp tính từ “biền biệt”, “miệt mài” nghe da diết lòng mà sáng nghĩa thủy chung.

Bạn đọc còn gặp nhiều động từ khá đắc trong thơ của Hữu Nhân ở những bài trong tuyển tập này như câu: Điên điển ngó trời thả từng cánh lang thang (trong bài còn chốn dung thân); Ngắt một trái thông khô/ Giữa núi rừng mênh mông/ Thả vào trong tĩnh lặng/ Thấu ta đến tận cùng (trong bài chạnh lòng nhớ quê); em về bỏ nhớ lại đây/ mang thương tôi đổ ngập đầy bến sông (trong bài dỗi hờn rất sen). Hay như: Sau bao nhiêu thứ bực mình/ Ta ngồi lại và rình rình nhìn ta (trong bài đánh liều đợi nhau). Hoặc là: Còn bao nhiêu thứ lặng thinh/ ta bày ra hết để nghinh giao thừa (trong bài ba mươi tết rồi)… Những động từ như “ngó, thả, ngắt, rình, bày, nghinh…” tưởng chừng như rất khó để đưa vào thơ cho hay, nhưng với Hữu Nhân thì không những thuận duyên mà còn sâu sắc, gởi cho bạn đọc những cung bật cảm xúc đầy đặn, thăng hoa như bữa tiệc dân dã miệt vườn nhưng sang trọng đến bất ngờ.

Nhắc đến bất ngờ thì tôi phải đọc đi đọc lại một số bài trong tập thơ này của anh, vì không nghĩ bài thơ kết thúc nhanh và bất ngờ đến vậy. Đó là những bài thơ 8 câu như: Lặt lá mai rằm, Con ải con ai, Một đêm ngủ chùa, Nghe sen gọi về, Tràn nguồn tin yêu… Và khi “buộc – phải – đọc” nhiều lần những bài thơ ấy thì tôi thấy mình lớn hơn một chút, đầy hơn một chút trong cách nghĩ có phần nông cạn vừa rồi bởi hiểu ra được một điều (theo cách riêng của tôi), là anh đã trao cho mình cái quyền được đồng hành trong sáng tác và cảm thức. Nếu bạn cầm trên tay tập thơ này, khi đọc đến đó thì bạn có thể xem bài thơ đã kết thúc. Song, bạn cũng có thể tự mình bổ sung một vài câu như kiểu chấp bút tiếp theo bằng cảm nghĩ riêng bạn để giải tỏa những thắc mắc hay chưa thuận ý với việc kết bài quá bất ngờ trong cách viết của anh. Thế nhưng, có những bài thơ ngắn khác mà theo cảm nhận riêng tôi thì không thể được phép làm như thế. Đó là các bài: Tiếng gà gáy trưa; Thôi kệ người ta; Thăm thẳm phù vân; Ru lại những chiều; Bên cổng trường xưa; Ngọn gió sau hè; Ngồi đếm sao đêm…

Có thể nói trong một rừng hoa lắm sắc nhiều màu như hiện nay, hoa thật hoa giả lẫn lộn vào nhau, khi mà người người làm thơ, nhà nhà làm thơ rồi được mạng xã hội như zalo, facebook, blog ca tụng cho nhau những mỹ từ có cánh thì sự thật giả ấy như một phép thử cho bạn đọc thẩm định đâu là ngôn ngữ thi ca. Tôi nhớ trong một bài diễn đàn trên báo, tác giả Tao Đàn từng bàn luận như sau: “Xã hội hóa các hoạt động văn học – nghệ thuật, trong đó có xã hội hóa văn chương nói chung, thơ nói riêng là một xu thế tất yếu ở Việt Nam… Tuy nhiên, cần nói ngay mà không sợ bị chẹn họng rằng, chưa bao giờ, tình trạng người người làm thơ, nhà nhà in thơ lại trở nên nhiễu loạn và lạc phương hướng như hiện nay”. Hay trên diễn đàn của văn chương phương Nam, nhà thơ Võ Tấn Cường viết: “Ngôn ngữ thi ca trên thi đàn đang trải qua cuộc lột xác với sự tân kỳ giả tạo biểu hiện bằng những con chữ uốn éo, hổ lốn và những cảm xúc tạp nham, bỗ bã. Những cây bút chưa thấu thị được ma thuật của ngôn từ đã sa vào xảo ngôn, giả trá, không hề có sự giao cảm với tâm linh của người đọc trong thế giới thẳm sâu của ngôn từ, làm cho ngôn từ thêm tăm tối, chết yểu và khiến người đọc thêm lãnh cảm với những bài thơ có giá trị”. Do đó, việc nhà thơ Hữu Nhân mạnh dạn phê phán những thói hư tật xấu của đời sống mà không ít những người đua chen vì danh vọng, bạc tiền mà tha hóa biến chất cũng là một cách phải hồi lại sự tồn tại của những bài chưa hẳn là thơ. Và trong tập thơ này, Sau những mùa sen, bạn đọc cũng nhiều lần gặp lại giọng thơ vừa mỉa mai, vừa chiêm nghiệm, có cả chút triết lý sâu xa. Đó là: Một lần hay mấy lần khờ/ Ta không qua hết ngu thơ thói đời (trong bài dại cùng hoa dại); đếm ngạc nhiên đếm ngỡ ngàng/ lạ quen sau trước sắp hàng điểm danh (trong bài lòng tin bóng nước); Muốn đi khỏi chốn thị phi/ Được không phải hỏi từ bi lòng mình (trong bài muốn nhấc chân đi); Nhưng có cháy lửa ơi, xin vừa đủ/ gió ngoài kia vẫn còn lớn lắm/ nếu không, ta tự thiêu mình (trong bài sậy lau khoe sắc); Từng lầm lỡ với phân trần/ giữa cuồn cuộn sóng với đầm đầm mưa (trong bài sống chết gọi nhau)

Cuộc sống vốn tồn tại cái tốt và cái xấu, sự hoàn hảo trong mỗi cá thể cũng chỉ là mục đích để phấn đấu hoàn thiện bản thân mình mà thôi, bởi “nhân vô thập toàn”. Lẽ đó, sau những va vấp, lỗi lầm, khiếm khuyết của bản thân, hay những sa ngã bởi tham, sân, si thì bản thể của con người vẫn còn nguyên tính thiện. Dẫu trăn trở có khi là cả bức xúc trước những điều trái tai gai mắt, nhưng Hữu Nhân vẫn dành cho người yêu thơ và cho chính anh một chốn quay về bình yên: Nép mình bên một góc sân/ vẫn còn mấy búp sen ngần ngật son (trong bài những ngày cuối năm); Em hãy nhóm dù lửa rơm cũng được/ Tro than nào bếp cũng nhận em ơi (trong bài nhóm thêm chút lửa); Giữa bao nhiêu những thình lình/ ta xin giữ chút thịnh tình cho nhau (trong bài sau những mùa sen)…

Hẳn trong chúng ta ai cũng thuộc lời căn dặn này: “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ở Sau những mùa sen, ta gặp lại điều đó, cũng bằng hai câu lục bát cuối bài giữa bao quay quắt: “Có thứ tha cũng ân cần/ một lần chì chiết một lần hố sâu”.

Là người con của đất Sen Hồng, uống dòng nước chín nhánh sông, bưng chén cơm của miệt đồng bằng châu thổ, lẽ đó trong tập thơ nào của nhà thơ Hữu Nhân khi xuất bản cũng ít nhiều có những bài thơ viết cho quê hương mình. Trong Sau những mùa sen cũng vậy, đó là: dinh Đốc Binh Vàng; Cao Lãnh riêng tôi; Hồng Ngự vùng biên; nợ má Tân Hồng; về lại Tháp Mười; làng nghề trăm năm… Ngoài ra, còn có cả những vùng đất xa xôi trong vào ngoài nước mà anh được đặt chân đến như: Góc hồ Đại Lãi, ra với Trường Sa, từ AngKorvat

Sống có trách nhiệm với chính mình, đó cũng là tình yêu quê hương, đất nước. Bạn đọc gặp anh tự nhủ với chính mình điều đó khi đứng và viết bên đền Hai Bà Trưng. Tôi mượn những dòng thơ cuối bài này để thay cho lời kết trong sự cảm nhận của riêng mình. Có thể nói, đọc Sau những mùa sen, tôi cũng thấy một phần cuộc sống của mình trong đó.

Tôi đứng đây và lặng lẽ cúi đầu

Nghe trong gió tiếng người xưa thì thầm

Phải biết chọn cho mình cái chết

Khi đất nước cần

Và biết chọn cho mình cách sống

Cho khỏi phụ lòng tiền nhân

Về Mê Linh

Tôi về nhặt chính mình.

L.N.M.H