(Vanchuongphuongnam.vn) – Giật mình đêm. Giấc mơ còn lung linh sáng phía những giọt sương bám trên thành cửa kính. Giấc mơ về cánh đồng màu mạ non xanh ngái, về cánh đồng đương thì trổ mã, về cánh đồng lúa vàng trĩu hạt đang nhấp nhô theo từng ngọn nồm rượi mát. Đêm nối đêm. Mơ nối mơ. Căn phòng khu nhà ở sinh viên nhốt đầy giấc mơ của hắn. Những đứa bạn cùng phòng gọi hắn là thằng Mơ. Tại sao thằng Mơ lẩn thẩn lãng đãng không hoạt bát ít giao tiếp lại phải theo học ngành kế toán mà không học văn học thơ kia chứ? Con My cùng lớp đã có lần hỏi hắn thẳng thừng như vậy. Thằng Mơ không giận, không buồn, chẳng vui, con My và bạn bè xem hắn là hiện tượng lạ của lớp!
Chỉ có hắn mới biết vì sao hắn lại sống trong mơ nhiều đến vậy!
Từ ngày xa quê thực hiện ước mơ của mẹ, làm trai phải tung hoành ngang dọc, bỗng nhận ra trong những đêm ngụ cư chốn thị thành hắn nhớ mẹ, nhớ Em vô cùng.
Em, bạn từ thuở để chỏm của hắn, một cô bé tóc cắt ngắn kiểu con trai, tính tình ngang bướng, cỡi trâu như phi ngựa, ưa chọc phá mọi người. Hắn thì trái ngược hẳn, rụt rè nhút nhát, chỉ biết có nghe lời. Nghe lời mẹ, nghe lời những bạn cùng trang lứa, nhất là Em, thủ lĩnh của nhóm mục đồng.
Em lúc nào cũng bô bô toạc toạc, chẳng giấu diếm điều gì, ghét thì bảo là ghét, thương thì bảo là thương. Hắn thì luôn để trong bụng từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, đố ai biết hắn đang nghĩ gì, vui buồn không hé, lúc nào cũng đạo mạo hiền triết đến phát ghét.
Suốt quãng đời ở quê, hắn chỉ biết có mẹ, có Em và những người nông dân gần gụi chân lấm tay bùn. Hắn ăn lúa ăn khoai mọc lên từ bùn đất quê nhà. Hắn hít thở hương đồng cỏ nội để lớn để khôn. Ừ, mà lớn chứ đâu có khôn được chút nào, chẳng làm được việc gì cho ra trò ra trống. Em bảo hắn lười tệ, ngu tệ, dốt tệ. Ban đầu hắn lẫy giận nhưng rồi nghiệm ra thấy Em nói đúng. So với Em thì hắn là đồ bỏ, chỉ được cái mã đàn ông thôi, trói gà không chặt, đuổi ruồi không bay.
Nhưng hắn yêu Em, chẳng phải vì đẹp nết đẹp người chi. Em có những điều mà hắn không có, đó là sự xốc vác, ăn to nói lớn, bạo gan bạo miệng nhưng lại thật lòng tốt bụng.
Ở cánh đồng gió ngang gió dọc này hắn chỉ là ngọn cỏ nấp dưới chân cây lúa, ngủ nhờ bóng lúa, ăn bám chất mỡ màu đất lúa. Ngước lên, ngày không thấy ánh mặt trời, đêm không thấy bóng dáng trăng sao. Chật chội và tù túng. Chắc vì thế mà hắn nghe lời mẹ, chẳng từ biệt ai, học xong lớp 12 là biến đi ngay, gọi là đi lập thân lập nghiệp. Việc chọn ngành kế toán là một ngẫu nhiên như bao ngẫu nhiên khác trong cuộc đời của hắn.
Phía sau ô cửa phồn hoa, hắn tự hứa với lòng sau này công thành danh toại hắn sẽ về quê, gọi Em ra đầu làng khoe ngay cái danh mới đạt và sẽ nói với Em những điều mà hắn hằng ấp ủ bấy lâu nay: “Anh yêu em!”. Mà sao hắn lại kỹ tính đến thế chứ, chính hắn cũng không hiểu nổi mình. Thằng Chinh cùng phòng hôm nay nói yêu đứa này, ngày mai nói yêu đứa kia, một cách suôn sẻ và dễ dàng đến vậy. Có đứa xúi hắn yêu con My vì con My có tình ý với hắn. Hắn đâm hoảng tìm cách tránh né.
Trong khi công chưa thành, danh chưa toại, phía sau ô cửa bọc kính của khu nhà ở sinh viên nơi góc phố phồn hoa ấy hắn vẫn thẫn thờ nhớ Em, nhớ về cánh đồng của mẹ. Chỉ là cánh đồng lúa như bao cánh đồng lúa trên dãi đất hình chữ S này lại xốn xang riết róng nỗi niềm đến thế? Phải rồi, đó là cánh đồng quê mình mà! Từ “quê mình” nghe thương làm sao, nhớ làm sao, nao nao trong dạ, rạo rực trong hồn.
Ừ! Có xa quê mới thấy hết ý nghĩa của cánh đồng quê, nơi chôn nhau cắt rốn. Những câu thơ viết về quê hương đọc được ở đâu đó lại ùa về thêu dệt nên ký ức. Gió thừa mứa cùng khói rạ rơm dắt díu về trời đã là một di sản tuổi thơ chìm khuất thớ lòng để rồi những khúc quanh đời lại bùng lên nhắc nhớ.
Nhớ trên lưng trâu, tiếng Em ơi ới gọi chiều.
Nhớ lũ trẻ con nối những vòng tay khờ khạo vây bắt bầy chim sáo và gió vẫn lào xào phía lưng chừng ráng đỏ.
Nhớ những ngày lập mùa trở tiết, không có cha, đòn gánh mẹ cong hai đầu nóng lạnh.
Nhớ cha, tính cách tính tình giống y hệt hắn. Ngày xưa cha nghe lời mẹ, cũng như hắn bây giờ, đi lập nghiệp đâu đó nhưng chẳng bao giờ trở về với mẹ con hắn.
Nhớ mùa xuân, Em áo hoa nón mới mang đọt xuân tình rây rắc trước ngõ nhà, mắt lung linh lấp lánh niềm kiêu hãnh, hắn lén nhìn qua tấm liếp cửa ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Em, cánh đồng con gái, nõn nường thời thiếu nữ.
Nhớ cánh đồng mùa hạ sục sôi cơn trắng đốt giọng đồng dao, lũ trẻ để sổng hồn nhiên đăm đăm đuổi bắt, đôi chân giẫm lên đất thô hậm hực nắng, mơ cánh diều bay cao. Lúa thiếu nước nghẹn đòng rát giọng, cây rơm lửng bụng, quang gánh gầy xiêu.
Rồi mùa đông, bù khú những cơn mưa sụt sùi rả rích. Hắn đứng nhìn hàng xóm, có cả Em nữa giúp mẹ chằng nhà chống bão. Cha ở phương trời nào, có biết mẹ đang quăng quật kiệt cùng lo toan cột mình vào chái nhà níu gió.
Ôi thương lắm, nhớ lắm Em ơi! Thương lắm nhớ lắm cánh đồng ơi!
Một lần định về thăm quê, con My và lũ bạn đòi dẫn theo. Thằng Mơ nói tránh:
– Quê nào chẳng giống quê nào, có gì lạ đâu!
Thằng Chinh nổi nóng:
– Quê mày có chi quý mà mày giấu kỹ vậy, hay cái đầu mày hẹp, cái bụng mày hẹp, đồ ích kỷ!
Một thoáng tỉnh ngộ, mình hẹp hòi quá chăng? Có thể lắm! Như cánh đồng quê không cò bay thẳng cánh, nhỏ và manh mún. Chỉ vài sào đất là bờ bọc bốn bên. Ven bờ cỏ dại, trâm trâm, chùm chày, dủ dẻ chẳng có ai trồng mà xanh mà tốt mà hoa mà trái. Quan trọng nhất ở đó có Em. Em thường lấy hoa trâm trâm xâu thành vòng xuyến, thành chuổi ngọc, đeo đầy tay đầy cổ, hết làm công chúa lại làm hoàng hậu. Hắn cũng muốn làm quân vương lắm nhưng chẳng dám mở lời. Lối mòn bờ bởi những dấu chân của mẹ của anh của chị mấy nắng mấy sương tảo tần nuôi lúa nuôi khoai. Có phải tại cái lối mòn khép kín này mà mẹ cứ giục hắn đi tìm con đường mới thông thoáng hơn, để rồi quân vương phải xa hoàng hậu, để mỗi đêm giấc mơ về Em, về cánh đồng cứ bám theo hắn như định mệnh. Nơi hắn đang ở thì thông thoáng mà sao giấc mơ của hắn thì chật chội, ích kỷ như thằng Chinh đã nói.
Thằng Chinh ác miệng, làng quê hắn có gì quý đâu chứ, đã quý thì hắn chắc không xa quê để phải nhớ phải mơ đến mụ người. Một lần nghe thằng Chinh kể về ngày mùa ở quê nó, hắn lại nhớ về ngày mùa quê mình.
Vào mùa, bờ ruộng quê là nơi râm ran không chỉ là chuyện nông tang đồng áng mà cả chuyện ăn hỏi cưới xin ma chay giỗ chạp, hôi hổi nóng chuyện làng chuyện xóm. Có lần mẹ hắn với mẹ Em thủ thỉ chuyện gì mà bà con lối xóm cứ nhìn hắn cười trêu, cười ghẹo. Em thì miệng toe toét cười, còn hắn thì đỏ mặt đỏ tai.
Thức ăn nửa buổi bày biện trên bờ, dẫu chỉ là khoai là sắn là vắt cơm chấm với muối mè, là bát nước chè xanh vẫn no đủ hả hê lấy sức cho công việc còn lại. Hắn thấy Em ăn dữ lắm, muốn nhường phần của mình, gọi là sẻ chia, nhưng cái bản tính nhút nhát khiến hắn yên lặng.
Làm sao hắn quên được Em cầm cái nón lá quạt lấy quạt để dưới nắng trưa oi nồng, vệt bùn trên má khô hăng hắc không lấp đầy lúm đồng tiền sâu duyên thôn nữ. Con bù nhìn, thằng người rơm đầu bờ chẳng chịu đuổi chim cứ chăm chăm ngắm nhìn huống hồ chi hắn.
Ôi, ngày mùa vui quá, hương đồng độ lượng quá, ngồm ngộp cả hồn, thơm thớp cả một vùng quê.
Chuyện quê thì dài, chuyện học hành cũng không ngắn. Mùa thi nối tiếp những mùa thi, căng thẳng, lo lắng và bận rộn. Trong cái mệt nhoài đó, con My, thằng Chinh và mấy đứa nữa có thể gọi là thân nhất của Mơ ở khu nhà sinh viên này bỗng một lần hiện ra trong giấc mơ, dễ gì, hiếm hoi lắm! Những ngày tháng cuối đời sinh viên, thằng Chinh, cả con My nữa, lại làm thằng Mơ quan tâm nhiều hơn, tần suất xuất hiện trong đầu thằng Mơ nhiều hơn. Thằng Mơ sợ, phải về thôi, Em mong, mẹ đợi.
Xa nhà cũng đã bốn năm, thời gian vuông vức đóng khung một tấm bằng đại học. Thực ra mỗi năm hắn vẫn về quê đều đặn mỗi dịp tết đến hè sang, nhưng vẫn cứ ru rú trong nhà như thuở nảo thuở nào. Cái ồn ã chốn thị thành không lây nhiễm vào hắn một chút xíu, kỳ lạ thật!
Những chuyến đi năm lở tháng bồi với những đổi thay của làng quê từ gốc rạ chân rơm đến tư duy làm ăn đổi mới, nhưng hắn vẫn là hắn, cái nhìn về cánh đồng quê của hắn vẫn như trong những giấc mơ, không khác được. Là hoài niệm, là ký ức, là cũ càng, là ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Trong đôi mắt hắn mãi hiện hữu những giọt mồ hôi lấm tấm trên tấm lưng trần của trai tráng, vắt cơm nửa buổi và đường cày nhão nhoẹt sâu hơn những nếp nhăn trên vầng trán mẹ. Nửa khuya tiếng mớ của mẹ ú ớ gọi nước về cứu lúa, tiếng chặc lưỡi thương sắn mọt khoai hà thúng mê bung lận vẫn nằm sâu trong trái tim hắn. Với hắn, người quê nước lọ cơm niêu, đồng trưa đồng chiều, con rô con giếc, tấm lưng cong vẹo nắng mưa, bùn thêu sống áo, ngủ chạy lưng trâu, quay mùa mở vụ. Không giống giấc mơ tròn vành của người phố thị, người quê giấc mơ lồi lõm chắc lép theo mùa.
Vâng, đó là cánh đồng quê trong hắn, trong giấc mơ giữa căn phòng ấm áp bọc kính của khu nhà ở sinh viên chốn phồn hoa. Hắn nhất định phải ràng buộc mình vào cánh đồng xa lơ xa lắc đó, không để trôi tụt mất hút. Chẳng có gì khó hiểu bởi sợi khói lam chiều mềm lòng níu giữ tâm tính hắn và dáng Em trong khói rạ đốt đồng mãi lãng đãng trong hắn buổi quê xưa.
Rồi hắn về, chỉ có mẹ ngong ngóng đón đợi. Hắn ngơ ngác tìm Em. Mẹ bảo Em đã theo chồng về ở bên kia xóm mới. Cái cục thinh lặng bấy lâu nay vỡ ra. Hắn nổi giận, la hét, rồi xách rựa chạy ra cánh đồng. Mẹ hốt hoảng đuổi theo. Hắn định tìm cây trâm trâm để chặt, cây trâm trâm có hoa kết thành vòng đeo của hoàng hậu từng làm say đắm đấng quân vương, nhưng bụi trâm trâm đã bị phá bỏ tự bao giờ. Mẹ đau khổ lôi hắn về, mặt mày xanh lè xanh lét.
Gió từ bên kia bờ kênh thổi về mát rượi, hắn bình tĩnh lại, thẫn thờ nhìn cánh đồng ngùi ngụi tiếc thương. Cánh đồng quê trong hắn ngày nào chỉ còn là ngụ ngôn cổ tích. Trâu nghễnh ngãng nhai tiếng cười nhìn máy cày hì hục trên cánh đồng đương nắng. Đôi đòn xóc nhọn hai đầu một thời gánh lúa có đôi có ba mà đã thành góa bụa. Máy gặt reo ngoài thềm, sân phơi vãi vàng màu trăng no ấm. Cánh đồng quê chừ khác lắm, hiện đại lắm, cũng như Em bây giờ đã có lứa có đôi, hắn nào hay biết!
Một đêm nhỏ to với mẹ, trời chưa kịp sáng hắn đã vội ra đi. Mẹ tiễn hắn ra đầu làng như lần tiễn chồng đi lập nghiệp. Biết đâu lần này nó cũng sẽ không về thì sao, ý nghĩ vừa thoáng qua như một luồng điện cao thế giật mẹ xuống đường. Hắn hốt hoảng hô hoán kêu cứu… và giật mình tỉnh giấc.
– Lại mơ nữa rồi!
Tiếng ai như tiếng con My. Hắn dụi mắt nhìn. Đúng là con My, sao con My lại ở bên hắn giờ này chứ? Mà chỉ có hai đứa? Thằng Chinh đâu? Thì ra, hắn đã ngủ quên sau buổi học nhóm căng thẳng và vất vả. Chỉ có con My ở lại “canh chừng” hắn, với hai gói mì và hai chai nước suối.
Tấm cửa kính đầy sương, sương chảy thành dòng trông như những đường cày rì tắc tiếng trâu một thời vẫn ẩn sâu trong trái tim những người con xa xứ để khi ngoảnh mặt nhìn cố hương cảm giác nợ quê đau đáu tận cùng. Không! Không thể đánh đồng quê và Em. Không thể nào nợ quê là nợ Em, yêu quê là yêu Em, một sự nhầm lẫn đến tội nghiệp và ngốc nghếch.
– Mình ra phố đi dạo một vòng cho tỉnh người!
Con My dụ hắn. Thằng Mơ biết nhưng vẫn nghe theo.
Đêm ký túc xá đầy sương.
N.B.H