Sơ kết cuộc vận động viết về đề tài Thương binh – Liệt sĩ

383

Sáng 18/7/2022, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM và Tạp chí Văn nghệ TP.HCM đã tổ chức họp sơ kết cuộc vận động viết về đề tài Thương binh – Liệt sĩ được phát động từ 7 tháng trước.

Tham dự cuộc họp, bên cạnh 3 đơn vị tổ chức, các nhà văn trong ban giám khảo, còn có sự hiện diện của PGS.TS – Nhà văn Trình Quang Phú và một số phóng viên các báo, đài trong địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Tại cuộc họp sơ kết đã có nhiều ý kiến thiết thực và bổ ích về việc thúc đẩy, tạo thêm sức hút cho cuộc vận động nhằm có thêm nhiều tác phẩm thực sự có chất lượng, gây được ấn tượng.

Theo kế hoạch, đợt 1 cuộc vận động sẽ kết thúc vào 30/9 để BTC tuyển chọn bài, biên tập, in sách và tổng kết, trao giải vào tháng 12/2022.
Văn chương TPHCM xin giới thiệu sau đây bài viết sơ kết của nhà văn Trầm Hương, Trưởng Ban Sơ khảo cuộc vận động sáng tác ký văn học về đề tài “Đền ơn đáp nghĩa”.

CUỘC VẬN ĐỘNG VIẾT VỀ ĐỀ TÀI THƯƠNG BINH LIỆT SĨ ĐÃ ĐI HAI PHẦN BA CHẶNG ĐƯỜNG, VỚI NHỮNG TÍN HIỆU LẠC QUAN VỀ MỘT QUYỂN SÁCH CHỜ ĐỢI PHÍA TRƯỚC
TRẦM HƯƠNG

Cuộc vận động viết về đề tài Thương binh – Liệt sĩ – thể loại ký văn học đợt 1 do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM và Tạp chí Văn nghệ TP.HCM tổ chức được phát động ngày 17/12/2021 cho đến nay đã đi qua hai phần ba chặng đường (Hạn chót nhận bài ngày 30/9/2022). Cho đến nay (ngày 24/6/2022), Ban tổ chức đã nhận được khoảng 100 bài viết của các tác giả, trên nhiều miền đất nước. Tạp chí Văn nghệ TP.HCM đã chọn đăng được khoảng 20 bài, giới thiệu đến độc giả…

Về nội dung: Hầu hết các tác giả bám đúng chủ đề “Ca ngợi sự hy sinh cao cả của liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ; tôn vinh những nhà tài trợ, hảo tâm, những người thiện nguyện đồng hành với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ chăm lo, hỗ trợ gia đình liệt sĩ (yêu cầu người thật việc thật; ưu tiên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Miền Đông Nam Bộ).

Hình thức thể hiện: Hầu hết các tác giả tập trung vào thể loại ký văn học. Tuy nhiên, cũng có một số bài viết bị loại vì không đúng thể loại, chủ đề. Một số truyện dài, hồi ký được lưu trữ, dành cho đợt vận động tiếp theo như truyện dài “Đường về quê mẹ” của Nguyễn Thu Hường, Ký và truyện “Tôi được sống” của Nguyễn Ngọc Hiến, Hồi ký “Nước mắt và niềm vui” của Vũ Thành Trung…

Cuộc thi thu hút không chỉ một số nhà văn, nhà báo đã khẳng định tên tuổi và tâm huyết đề tài viêt về chiến tranh, về những con người ngã xuống cho Tổ quốc mà còn một số người viết vì thôi thúc tự thân trước những người thân yêu như người cha, người em mình đã hy sinh; một số bài viết được gởi đến từ những người chưa từng cầm bút, chưa từng xuất hiện trên văn đàn hay báo giới. Thật cảm động, như chị Kiều Quốc Tuý vì “nhớ thương, khâm phục cha” mà viết những trang cảm động gởi đến người đang sống. Một số nhà báo từ Quảng Nam đã nhiệt tình gởi những bài viết mang tính đồng hành, đeo bám nhân vật, đề tài như Phan Quế Hà vối bài ký “Tên anh khắc vào đá núi”, vẫn chưa thôi day dứt khi khép lại những trang viết của mình, bởi 52 liệt sĩ trong trận ném bóm ở  Khe Hương, Tân Thuận, Sơn Tân, Quế Sơn vẫn còn nhiều người chưa xác định được danh tính. Câu chuyện nhà văn Bạch Phần, Đồng Tháp đậm chất nhân vân, khiến chúng ta nghiêng mình trước một Kiều Nguyệt Nga thời hiện đại, bởi “chị Kim Xoàn, đợi anh Tư Vân hơn mười năm ròng rã, ngày trở về chỉ còn tấm thân tàn phế! Vậy mà chị vẫn kiên nhẫn nuôi chồng trong hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn gian khổ! Chị xứng đáng là “Phụ nữ Việt Nam trung trinh, nhân hậu!”. Tác giả Vũ Minh Phúc gởi đến một chân dung thật ấn tượng. Đó cựu chiến binh Đào Văn Quân ở thôn Yên Từ, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam vẫn từng ngày lầm lũi đi đi, về về trên chiếc xe đạp càng tàng, suốt 360 ngày đi tìm mộ đồng đội. Và cũng từ chiếc xe đạp ấy, ông đã tìm được hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ. Tác giả Cao Kim ở Hội An tìm được một chân dung độc đáo. “Thầy Khiêm – một cựu chiến binh, thương binh dũng cảm cho y sĩ cưa đôi chân mình vằng cưa thợ mộc trong hoà bình là một chiến binh, lập quỹ khuyến học, “tuyên chiến” với học trò nghèo bỏ học; quyết chí đưa các em với những phận đời khác nhau nhau trở lại trường. Nhà văn Kim Quyên đã viết nên cổ tích giữa đời tthường khi con trai người cậu ruột hy sinh, vượt qua đói nghèo, trong vòng tay yêu thương của những người còn được sống sau “Ngày đau thương đó”, trở thành một bác sĩ, phó giám đốc bệnh viện An Bình với những nỗ lực chia sẻ cho bệnh nhân nghèo…
Cuộc vận động sáng tác nhận nhiều câu chuyện cảm động, những tấm gương anh hùng của thương binh liệt sĩ trong chiến tranh; nghĩa tình đồng đội, nhân văn, độc đáo với những chân dung thương binh thời bình.

Tuy nhiên, cuộc vận động sáng tác về đề tài thương binh liệt sĩ, thể loại ký văn học lần này, trải qua nửa năm phát động cũng có đôi điều suy ngẫm:
– Phải chăng tên gọi “Cuộc vận động sáng tác” không kích thích đông người tham gia thay vì tên “Cuộc thi”. Nhiều người nghĩ  cuộc “vận động” thì việc gởi bài cũng không cấp thiết lắm, trong khi thực chất cuộc vận động cũng là cuộc thi, với cơ cấu giải thưởng có giá trị như công bố ngày lễ phát động.

– Một số bài được gởi đến dù đề tài hay nhưng không chuyên nghiệp trong trình bày, thiếu hình ảnh xác tình và minh hoạ thuyết phục cho bài viết. Phải nhìn nhận rằng trong thể loại ký, ảnh chân dung nhân vật và tư liệu liên quan cũng là một phần cấu thành nên giá trị bài viết.
– Nhiều bài viết không chạm đến trái tim người đọc khi mô tả giá trị to lớn của hy sinh nhưng thiếu những chi tiết sống động, không đi sâu vào số phận con người, sự kết nối quá khứ và hiện tại.
– Thiếu mảng chân dung thế hệ con cháu, doanh nhân, những người thế hệ hôm nay thấu hiểu giá trị hy sinh để làm nên những giá trị mới trong hoà bình. Đây là mảng đề tài, là nội dung mà Ban tổ chức cuộc vận động sáng tác kỳ vọng…

– Cuộc vận động sáng tác nhấn mạnh “ưu tiên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Miền Đông Nam Bộ” nhưng cho đến nay, nhiều câu chuyện về thương binh liệt sĩ và con cháu ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được viết nhiều, trong khi tầm vóc những hy sinh cho thành phố  nhiều thế hệ rất lớn lao, cảm động. Đó là những thương binh liệt sĩ thành đoàn, những câu chuyện về Củ Chi đất thép anh hùng, vùng Nam Sài Gòn với chiến khu Rừng Sác, vùng phía Đông với cầu Rạch Chiếc ác liệt những ngày hoà bình gần kề, vùng đồng bưng Nhơn Trạch, vùng Tam Tân chiến khu sát nội thành trong kháng chiến chống Pháp và vùng bàn đạp nội đô trong kga1ng chiến chống Mỹ với lòng dân sâu nặng nghĩa tình, những tấm gương chiến đấu anh hùng, những nỗ lực xoá đói nghèo, làm giàu chính đáng từ những người con thương binh liệt sĩ quyết sống xứng đáng với cha anh… Chặng đường cuối cuộc vận động sáng tác ký văn học về đề tài thương binh liệt sĩ đợt một hy vọng sẽ nhận được nhiều bài dự thi hơn về thành phố anh hùng Sài Gòn Gia Định Chợ Lớn – Thành phố Hồ Chí Minh.

Ban tổ chức hy vọng sẽ có được những nhân tố bất ngờ vào chặng cuối cuộc vận động sáng tác. Chỉ còn 3 tháng nữa, “cuộc thi sẽ khép lại. Ban tổ chức kêu gọi sự nhiệt tình, dấn thân và tăng tốc từ những tác giả được truyền cảm hứng từ cuộc vận động sáng tác nghĩa tình này. Đặc biệt, lực lượng cầm bút tại Thành phố Hồ Chí Minh rất hùng hậu, chắc chắn sẽ tạo được mùa bội thu tác phẩm, với những dấu ấn trang viết và nhân vật độc đáo, những nhân tố mới, những đột phá từ nền lịch sử bi tráng của thành phố anh hùng.

Nhà văn Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội bảo trợ gia đình liệt sĩ TPHCM – trưởng ban tổ chức cuộc vận động sáng tác cho rằng với 100 ký chân dung nhận được sau 9 tháng phát động cuộc vận động viết về đề tài thương binh liệt sĩ là con số không nhiều cũng không ít, bởi mỗi ký chân dung được gởi đến là tấm lòng của người đang sống, với đồng cảm, trăn trở, trân quý quá khứ và chia sẻ. Đến 30 tháng 9 năm 2022, cuộc vận động đề tài ký văn học sẽ khép lại. Ban sơ khảo có một tháng chọn lựa tác phẩm vào vòng chung khảo. Và tiếp theo là phần làm việc ban chung khảo để chọn ra những tác phẩm trao giải. Ban tổ chức kêu gọi sự đóng góp bài viết từ nhiều tác giả trên khắp miền đất nước, sẽ tập hợp tác phẩm in sách. Quyển sách chia làm hai phần. Phần thứ nhất in những bài viết được trao giải. Phần thứ hai từ những tác giả có nhiều năm gắn bó với đề tài này, có những tác phẩm tao dấu ấn trong lòng độc giả, cả thành viên Ban tổ chức, ban sơ khảo và chung khảo cũng đóng góp tác phẩm vào tập sách quý này. Ông nhấn mạnh khi khép lại cuộc vận động năm nay, Ban tổ chức sẽ phát động cuộc thi tiếp theo về trường ca, tiểu thuyết, hồi ký…
Sau năm 2022, cuộc thi tiếp tục tiếp diễn, mời gọi và chờ đợi những trang viết về đề tài nghĩa tình, với lòng trận quý quá khứ và lòng biết ơn sâu sắc để không – ai -điều – gì – bi – quên – lãng.