Số phận các nhân vật nữ trong tập truyện ngắn “Đảo” của Nguyễn Ngọc Tư

249

 Lương Thiếu Văn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư Sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là nhà văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, cô được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực. Giải thưởng được trao hàng năm nhằm vinh danh các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và vùng Caribe.

Cô được biết đến với tập truyện mang tên Cánh đồng bất tận. Tập truyện nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2006 và truyện ngắn cùng tên đã được chuyển thể thành phim điện ảnh năm 2010. Hiện cô vẫn sinh sống và làm việc ở Cà Mau.

Ở Nguyễn Ngọc Tư, tôi không giới thiệu nhiều về chị vì cái tên ấy từ lâu đã trở thành thương hiệu cho tác tác phẩm được xuất bản. Cái tên trở thành một hiện tượng văn học Việt Nam hơn hai thập kỷ gần đây nhất không chỉ trong và ngoài nước, nhưng hình như chị không hề quan tâm đến điều đó. Viết như một bản năng, viết để ý tưởng được tuôn trào rồi để mặc nó muốn trôi về đâu, tấp vào bến bờ nào cũng được. Trong hành trình văn chương của Nguyễn Ngọc Tư, chị để con chữ nó tự “Trôi”. “Em thả trôi một mình. Nhưng những gì còn sót lại của một cù lao phân rã chẳng là bao. Vài ba mái nhà lấp ló trên mặt nước, một vài cái lu, những rẻo đất đủ rộng cho một người ngồi thì cũng có, lại trôi đờ đẫn đằng xa. Mãi mới có mảnh trất trôi gần, đúng lúc nó rùng mình nứt làm hai… Giờ thì mạnh ai nấy trôi.”(Trôi – Nguyễn Ngọc Tư).

Khi in và phát hành tập truyện ngắn “Đảo” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ có viết lời giới thiệu: “Những truyện ngắn, không thể ngắn hơn. Có thể nói đó là những bài thơ viết bằng văn xuôi về số phận của những con người luôn đấu tranh trong tuyệt vọng để được nhìn thấy… Những truyện ngắn cho thấy dường như Nguyễn Ngọc Tư đang ra khỏi hiện thực của những cánh đồng để tìm đến vùng hỗn mang tâm trí con người”. Một nhận xét khác làm người đọc có thể thấy được cách cấu tứ truyện của “Đảo”: “Hơn một nửa Đảo là những truyện ngắn dưới 2000 chữ, nội dung xoay quanh chuyện mất mác, tổn thương và những cuộc kiếm tìm niềm vui đơn giản trong cuộc sống: Yêu thương, thỏa mãn những mong ước và nhu cầu được tỏa sáng… Là tô đậm nỗi cô đơn của con người bằng nhiều vết mực khác nhau. Là tiếng thét câm của những con người không được nhìn thấy, nghe thấy…”.

Cũng như nhiều tập truyện ngắn khác trước đây của Nguyễn Ngọc Tư, phụ nữ luôn là nhân vật trung tâm của chị qua những câu chuyện kể, họ có thể là người con gái lạc lõng xua đuổi, một người vợ chịu đựng những thiệt thòi bất hạnh, nhẫn nhục trước những oan nghiệt của cuộc đời, người mẹ với những vết chai sần khổ nạn, người đàn bà luôn khao khát được yêu thương… nhưng chung quy tất cả đều tan rã như bọt xà phông, ảo ảnh chìm trôi đưa đẩy số phận họ đến một bến bờ vô định. Người đọc có thể cảm nhận số phận nghiệt ngã của các nhận vật nữ qua từng truyện ngắn của cô nhưng để bước vào thế giới của các nhân vật nữ đó, mấy ai có thể tường tận như Nguyễn Ngọc Tư cho được.

Tôi đọc nhiều tác phẩm của các nhà văn viết về người phụ nữ nhưng chưa bao giờ tôi cảm nhận được cái không khí tù túng, quánh đặc đến nghẹt thở trong tâm trạng mình qua ngòi bút miêu tả về họ của Nguyễn Ngọc Tư, ở một góc độ nào đó chị đã giúp ta khám phá, đi sâu vào nội tâm của người phụ nữ qua những lát cắt, những chiều kích rộng hẹp của không gian và thời gian khác nhau.

Tập truyện gồm 17 truyện ngắn với độ dày khoảng 146 trang, có thể nói khá mỏng so với dung lượng mà Nguyễn Ngọc Tư muốn truyền tải qua đó. Mở đầu là “Biến mất ở thư hiên”: một câu chuyện có đôi chút ma mị khó tin nhưng ta chỉ cần chú tâm đến cốt chuyện: Sinh đột nhiên biến mất sau một kệ sách ở một thư viện chỉ sau một một cái nhìn lơ đãng của Hảo về một hướng khác và từ đó không còn xuất hiện và cô mải miết đi tìm. Tìm chỉ để hỏi cho ra lẻ: “…sao biến mất kỳ vậy, nếu chán nhau thì cứ nói thẳng, từ giả rồi đường ai ny đi, sao lại phải âm thầm chạy trốn”, dù bên cạnh Hảo đã có người tình nguyện thay thế chỗ của Sinh để rồi con người ấy lại biến mất kỳ lạ như Sinh “…vào khe của những cuốn sách, náu trong thứ bóng tối trong veo”. Tâm trạng Hảo lúc này ra sao khó ai đoán được. Đến thư viện để tìm hình bóng của Sinh hay nhân vật “Tôi” nào ai biết được. Ở “Xác bụi” thể hiện một tâm cảnh khác của người phụ nữ. Dù đã có chồng con nhưng bên tai vẫn luôn văng vẳng nghe lời gọi của người bạn cũ: “Đừng quên anh, Dịu!”. Thắt thỏm, kiếm tìm, nhờ ông đồng bà cốt vẽ cho con đường đi tìm thân xác ở chốn bụi bờ hoang bãi nào đó, để rồi sau giây phút đó chợt bàng hoàng nhận ra và “tự hỏi mình đã làm chi cuộc đời mình?”. “Đảo” lại đẩy thân phận người đàn bà trôi dạt ra khơi, người phụ nữ lại trở thành gái bán hoa cho những ai có tiền, lên hòn Trống làm vợ một đêm cho một người đàn ông mù vì được tiền. Ở nơi này cô tên là Đào, ở một nơi khác cô tên là Mỹ Châu đến độ bây giờ cô không còn biết tên mình là gì. Cuộc sống phải chăng chỉ là trò đùa của số mệnh đối với cô? Người đàn bà tên Lý trong “Sổ lồng” lại như nửa tỉnh nửa mê đang sống trong một thế giới khác: “…con Lý hùng hồn cầm cây mác vót vào giữa tim sông, sau khi chém nát mặt nước kiệt ròng, băm vằm dấu cặn bùn chiếc ghe để lại. Chỗ đó cách nhà Lý gần hai mươi cây số. Mặc kệ cây dao lút cán trong bùn, chị nhẹ nhõm thả tàu ngược về. Tĩnh lặng tràn trề, chị trôi ngửa như xác chết, mắt chong rờ rỡ bóng mây. Hơn nửa đời lí nhí cúi mặt, Lý bỗng nhìn thẳng vào trời không run sợ mảy may.”.

“Coi tay vào sáng mưa” kể về người đàn bà sống nghề bói toán đã để lạc mất con mình trong một ngày ở chợ Sương, vì mải mê đi theo đường chỉ tay như mê lộ của khách, để rồi những tháng năm dài dằng dặc kiếm tìm cho đến một ngày nọ, người lạ đưa cánh tay bị chặt đứt đến nhờ cô xem bói. Nhìn dấu vết trên cánh tay cô biết là “nó”. Người lạ lạnh lùng hỏi: “Đàn em tôi dặn hỏi kỹ, nó hỏi có phải vào tù nhiều lần không, hay chỉ ở một ln dài cho đến chết? À, nó còn hỏi chẳng may kêu án tử, thì nó bị bắn hay tiêm thuộc độc?”.  Trời ơi! Nó trở về trong hoàn cảnh này sao? Sau mỗi câu hỏi người đàn bà có cảm giác như mình vừa bị phạt một nhát vào người, rúm ró, gục ngả. Còn truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ” kia mới đáng nói nhiều hơn nữa, cốt chuyện được chuyển thể thành kịch bản phim và đạt được giải thưởng Cánh diều vàng năm 2023, lại là một câu chuyện không hề có những diễn biến tâm lý đầy kịch tích. Câu chuyện được kể từ người phụ nữ hàng xóm – cũng là bạn của vợ chồng Nhàn, nhân vật chính trong câu chuyện. Người phụ nữ tên Nhàn sống u uất, lặng lẽ trước những con cuồng nộ không đầu không đuôi của anh chồng, mỗi lần phật ý lại lên cơn “đốt nhà”. Cái tổ ấm ấy bị đốt cháy không biết bao nhiêu lần, sau mỗi lần đốt căn nhà được cất lại đến nỗi không có nơi ở nào tồi tàn hơn được nữa. Mỗi lần đốt nhà, trong mắt anh chồng chỉ có anh lửa không có Nhàn. Anh ta say mê ánh hào quang rực rỡ của lửa. Lần này cũng thế, nhưng lần này Nhàn không lách mình ra khỏi ngọn lửa, Nhàn chọn ở lại. Có lẽ khi cuộc đời bị bủa vây không lối thoát, với người kia ngọn lửa là ánh hào quang chói lọi nhưng với người khác lại là bóng đêm giá băng vĩnh hằng, họ phải tự chọn hủy diệt cuộc đời mình và phải chăng đó cũng là lối thoát duy nhất cho cả hai số phận?

Đánh giá về tập truyện ngắn Đảo, Nguyễn Hồng Nhung có một nhận xét khá tinh tế và thú vị: “Đọc Đảo của Nguyễn Ngọc Tư giống như ngồi trên một chiếc ca nô hỏng, lúc lao vút, lúc lại ì ạch men theo những luồng lạch của lòng người để chạm đến sâu thẳm tam hồn… 16 truyện ngắn là thế giới của những nhân vật bị bỏ rơi, mất mát, cay đắng bẽ bàng luôn mưu cầu hạnh phúc đơn sơ, trần tục nhưng không đạt được. Chúng đan cài vào nhau như một mạng nhện rối rắm, những phận người bị mắc kẹt giữa những sợi tơ ảo ảnh không thể vùng thoát ra được.”

Còn Hạ Băng nhận xét con chữ của Nguyễn Ngọc Tư, ta có thể nghe, ngửi, chạm tay vào được: “Đến với tập truyện ngắn Đảo của Nguyễn Ngọc Tư, bạn đọc nhận được những cảm xúc chân thật, gần gũi nhất, hòa mình vào những câu chuyện của tác giả, với những câu từ không quá hoa mỹ, kết hợp với lối tả thực, nhẹ nhàng đưa bạn đọc lên con thuyền lênh đênh sóng chữ về miền Tây sông nước, như là được nghe thấy, được ngửi thấy, được chạm tay vào từng chi tiết trong tác phẩm.”

Với Hoài Nam trong bài viết: “Nguyễn Ngọc Tư: Tiếng nói nquyền” nhận xét chị ở góc độ đấu tranh cho bình đẳng giới: “…Và sự bất bình đẳng giới cứ thế tiếp diễn, cho đến lúc Tư nói ra. Tư nói ra, như là nói hộ những người phụ nữ đã chịu sự câm nín truyền đời, những người phụ nữ mang kiếp vong thân bởi nỗi không còn cái bản ngã tự trị. Tư nói ra, và nếu vì thế mà cho rằng Tư là một nhà văn n quyền, thì đây là một văn chương nữ quyền rất ít thấy trong văn học Việt Nam hiện đại: nữ quyền mà không cần đến diễn ngôn thể xác, nữ quyền gần như phi tính dục.”

Vì sao Nguyễn Ngọc Tư lại đặt tên tập truyện ngắn này là Đảo? Chúng ta không thể biết nếu tự tác giả không khơi gợi một điều gì đó cụ thể. Ở các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư chị thường buông lửng cái kết mặc cho ai hiểu hay suy luận theo chiều hướng nào cũng được. Cô quăng nó ra giữa dòng đời để người đọc đón nhận và muốn trôi đi đâu thì trôi. Những nhân vật cô đề cập đến phần lớn là phụ nữ sống ở những miền quê, những thân phận bọt bèo, xế chiều lẻ bóng, các mẹ các chị… với những thói quen, cách ăn cách ở cách sống thể hiện trong ngôn ngữ bình dị đậm chất Nam Bộ. Thân phận bé nhỏ, sự cơ cực vì thiếu hiểu biết và những khát khao hạnh phúc giản dị luôn cháy bỏng của họ luôn xúc động trong tình yêu thương đồng cảm.

L.T.V