‘Số phận’ – Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Lam Thủy

771

Hồi bé Phan thường nghe mẹ gọi chị An, nên mấy chị em Phan gọi là dì An (ở xứ Nghệ em gái hay chị gái của mẹ đều gọi là dì). Mấy chị em Phan biết gọi vậy mà chẳng biết mối quan hệ họ hàng với dì.

Nhiều lần Phan gạn hỏi mẹ:

– Mẹ ơi, nhà mình có mối quan hệ họ hàng với dì An như thế nào hở mẹ? nhưng mẹ cứ lờ đi, như sợ chạm phải một điều gì rất hệ trọng. Trong bụng Phan cứ mong mẹ nói chẳng có họ hàng gì cả, để Phan có quyền nói điều đó với các bạn hàng xóm, cùng đội Thiếu niên Nhi đồng. Bởi sợ bà trước đây là địa chủ, kẻ bóc lột, là nguồn gốc phong kiến, đế quốc… Tuy nhiên, cứ mỗi tuổi lớn lên, chắp nhặt từ câu chuyện của nhiều người, và nhìn cách sống, cư xứ với bà con xóm giềng có trước có sau, lại siêng năng cần cù lao động, hiền lành, ít nói… của dì nên Phan bớt dần cái căm giận, thù oán, ghét bỏ…

Ba dì An sinh ra trong một gia đình làm ruộng nghèo khổ, cái nắng gió khắc nhiệt của mùa Hè từ tháng Năm đến tháng Chín.Từ tháng Chín những đám mây màu chì, nặng trĩu đưa những cơn mưa tầm tã suốt tháng này qua tháng khác từ biển đến dãy Trường sơn, cùng với đất cằn cõi quê Phan kiếm bát cơm hàng ngày không phải chuyện giản đơn. lớn lên cái tuổi 17, trốn không đi lính khố xanh thì lại bị Tây bắt đi làm cu ly. Tưởng được làm cu ly làm đường ở quê gần bố mẹ, nhưng không được thế, Tây bắt cả mấy trăm người dáng người lam lũ, hành lý tư trang chỉ là những túi nhỏ một vài bộ quần áo dồn lên tàu đi từ ga Vinh như đàn lợn. Tàu lầm lũi chuyển bánh giữa đêm khuya đi về phương Nam. Ai cũng khóc, người gào khóc, người thút thít, người thì khóc thầm, những giọt nước mắt tuôn từ đôi mắt ngầu đỏ lăn trên những gò má đầy xương. Mọi người thầm thì trong họng: – Vĩnh biệt quê hương!Đi bốn đêm ba ngày mới tới Đồng Nai, miền đông Nam bộ, rồi từ ga tàu đi bộ hơn cả ngày mới đến một đồn điền cao su hoang vu, nơi rừng thiêng nước độc.

Hàng ngày từ sáng sớm tinh mơ cho đến tận hoàng hôn, ông phải làm việc vô cùng cực khổ, lúc thì cạo mủ, lúc khiêng những thùng mủ cao su nặng hơn cả cơ thể mình, mồ hôi chảy ướt hết quần áo, thức ăn nước uống khi nào cũng thiếu, lại thường xuyên bị cai đồ̀n điền hắt hủi, đánh đập.

Cảnh xa xứ, buồn, cực khổ, nhớ quê da diết, những lúc nghỉ việc ông thường đi lại với một gia đình cả vợ lẫn chồng rất tốt bụng người gốc Bắc cũng bị bắt đi phu mấy chục năm nay làm trong đồn điền cao su. Gia đình duy nhất có một người con gái khá xinh đẹp, hiền lành, nết na, giản dị, chất phát, có tâm hồn trong sáng, với thân hình trẻ trung, khỏe mạnh nhưng lại bị bệnh thong manh từ khi mới sinh ra – cả hai con mắt không nhìn thấy gì, không hề có khái niệm về màu sắc. Cùng cảnh ngộ nên ông được cả nhà quý mến, yêu thương đùm bọc, ông đem lòng yêu thương người con gái thong manh ấy và nên vợ nên chồng.

Vào khoảng cuối năm hai mươi của thế kỷ 20, không biết vì số phận nghiệt ngã và cay đắng hay nỗi nhớ bố mẹ, quê hương nghèo da diết, ông dẫn vợ về thăm quê, lúc đó bố mẹ, anh em chẳng còn ai nữa. Đúng năm đó gặp trận lụt rất to cuốn trôi nhiều đoạn đường tàu, tàu hỏa Bắc Nam bị ngưng trệ mấy tháng trời, nên cả hai vợ chồng đành ở lại quê và chẳng bao lâu sinh được một người con gái đặt tên là An.

Khi dì An được vài tuần tuổi, túp liều tranh xơ xác, rách nát không đủ che nắng mưa cho cả nhà, ông quyết đi ngược sông Lam, rồi lên ngàn Sâu (nơi cụ Phan Đình Phùng làm căn cứ khởi nghĩa chống Pháp) để chặt gỗ, tre, nứa về làm nhà cho vợ con. Trước lúc đi ông đặt chiếc túi nhỏ có một bộ quần áo, bao gạo, muối vừng xuống chiếc chõng tre, hai tay ôm lấy con hôn thắm thiết, rồi nựn con:

– Con ở nhà ngoan với má. ba đi mươi mười lăm hôm, về ba sẽ làm nhà cho con ở-rồi nước mắt ông dàn dụa chảy xuống hai gò má gầy đem xạm. Rồi quay sang vợ nói:

– Em ở nhà trông con, anh cố gắng về sớm với hai mẹ con.

Bà bồng con đợi hai mươi ngày, rồi cả tháng chẳng thấy chồng về, bà cứ ôm con khóc hoài, khóc mãi…

Sau đó, bà nghe tin ông đã bị cọp vồ mất xác ở trong rừng sâu. Nhà không có, chỉ có túp liều tranh xơ xác, mắt mù lòa, tiền bạc không, con còn quá nhỏ, bà buồn khổ thất vọng đến tuột cùng không biết trông chờ vào ai, cũng chẳng biết cách nào để quay trở về với ba má ở Đồng Nai. Vào một đêm đông không một chút ánh trăng, những vì sao lấp lánh xa xôi. Gió mùa đông bắc liên hồ lùa qua mặt sông mang giá lạnh ẩn ướt. Bà đặt dì An vào rổ lót rơm, rồi bế con lần mò theo tiếng sóng của dòng sông, mò dần từng bước ra bến sông. Đến dốc cao người bà quỵ xuống không đi được nữa vì đói và thương con, bà cố ôm con bò dần tới gốc cây si, khóc nức nở cho con bú hết giọt sữa cuối cùng rồi đặt con ở đấy xuống sông trầm mình tự tử. Đêm khuya nghe tiếng trẻ con gào khóc thảm thiết, dân làng chạy ra chẳng thấy bà đâu, họ vội vàng đốt đuốc chia hai nhóm thượng nguồn và hạ nguồn của dòng sông tìm kiếm bà cho đến lúc chân trời ửng đỏ lấp sau những dãy sương mù dày đặc màu trắng đục, chồng xếp lên nhau đang trườn mình trên dòng sông đáng sợ. Những ngôi sao đang cứ lúc ẩn, lúc hiện mờ dần rồi tắt hẳn… sau ba ngày dân làng thấy xác bà, bụng sình nước, tay chân co quắp màu trắng nhợt, mắt mở to toàn một màu mờ đục nằm trên đống bùn ở dưới gốc cây bần lưa thưa cỏ dại cách bến sông vài ba cây số.

Ông cậu họ của Phan lúc đó hiếm con, xin xóm làng đưa dì An về nuôi, thương yêu chăm sóc như con đẻ của mình. Khi dì An lên năm tuổi, ông cậu có thêm một cậu con trai, cả họ hàng ai cũng mừng đặt tên là Phận. Hai chị em rất thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Càng lớn dì càng xinh đẹp, vóc người cân đối, thon thả. Mỗi khi dì cười đôi mắt nâu huyền lại bừng lên sức sống hăng say của tuổi trẻ, hồn nhiên, mũi cao thắng tôn hẳn trên khuôn mặt tròn màu trắng hồng, có mái tóc đen mượt mà dài đến thắt lưng lúc nào cũng tết thành quộn tròn, quộn vòng trên đầu thoang thoảng mùi hương xả lẫn với của nắng và mồ hôi. Dì không những xinh đẹp, duyên dáng mà còn hát rất hay với chất giọng trong trẻo, mượt mà của dân ca xứ Nghệ làm say đắm dân làng với những khúc ca Ví dặm trong những đêm trăng sáng hát phường vải. Dì không những được các anh trai làng để ý, mà các làng xa trong huyện cũng tìm đến dì. Dân làng ai cũng khen dì tốt số, may mắn và có phúc, lại được sống trong gia đình nho giáo có truyền thống. Là phận gái nên dì An không theo con đường học hành, suốt ngày luôn tay luôn chân làm việc một cách say mê, vui vẻ những việc nặng nhọc giúp bố mẹ nuôi em trai ăn học, không nề hà bất cứ công việc gì từ trong nhà hay ngoài đồng ruộng.

Mùa Đông dì thích chăm những luống rau trong vườn rồi thu hoạch rau đưa ra chợ bán, giêng hai đi cấy lúa, mùa hè bề bộn mùa thu hoạch, đêm đêm lại gánh nước sông Lam chống hạn vườn cam, chuối dưới cái nắng lửa miền Trung và gió Lào khắc nghiệt, nên trong vườn lúg nào cây trái vẫn tươi tốt sum suê. Mỗi lần em đi học xa về dì lại lo chu đáo cho em từ cái ăn, quần áo sách vở, tiền bạc…Rồi những lần em trở lại trường, dì đi bộ mười mấy cây số đưa em lên tàu mãi tận ga Vinh. Tuổi thanh xuân của dì qua đi lúc nào chẳng biết, chẳng bận tâm đến chuyện chồng con.

Năm 1944, cậu Phận học xong tú tài ở Huế, sau đó cậu đi đâu biệt tăm, làm gì chẳng ai biết cả, người thì bảo theo Tây đi qua Pháp, người thì bảo ở Sài gòn hay Tam Đảo…Thương nhớ em bao nhiêu năm dì lặng lội hết ra Hà nội, vào Huế và các nơi khác để tìm em, nhưng vô vọng.

Tháng Chín, 1945 dì nhiệt tình tham gia đoàn quân cách mạng cướp chính quyền từ tay thực dân Pháp, vui vẻ với lòng đầy trách nhiệm hiến dâng gạo thóc và của cải cho chính quyền Cách mạng. Rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ được vài năm cả hai ông bà ông cậu mất, để lại cho dì An ba mẫu ruộng, hai ngôi nhà năm gian, cùng với một người giúp việc. Năm cải cách ruộng đất, dì An bị quy là địa chủ bị đấu tố, tất cả tài sản bị tịch thu. Dì về dựng một túp lều tre cạnh nhà Phan ở, chấp nhận sống cuộc đời khốn khó về cả vật chất lẫn tinh thần, nhưng chẳng bao giờ kêu ca hay than oán ai.

Không còn ruộng vườn, hàng ngày dì lầm lũi với gánh hàng la ghim đi khắp các làng gần xa. Dân làng, những ai trước đây quen biết thì vẫn thương và ái ngại cho hoàn cảnh của dì, số đông còn lại ai cũng muốn tránh né. Với lũ trẻ con được dạy ở trường, địa chủ là giai cấp bóc lột “phải đào tận gốc, trốc tận rễ”, ấy thế bây giờ dì lại thành dân buôn bán – cũng là giai cấp bóc lột nên càng bị người ta căm ghét, khinh bỉ gấp bội phần.

Phan thì cảm thấy dì bình thường như những con người xung quanh mình, cần cù lao động, chẳng ngại nắng mưa, hàng ngày đi bán hàng chẳng dối trá lừa lọc ai bao giờ. Thỉnh thoảng dì sang nhà cho Phan cục đường đen, họa hoằn lắm dì cho Phan vài ba quả chuối rồi bảo tôi ráng học và chăm làm giúp đỡ mẹ. Dì còn bảo Phan:

– Học giỏi và ngoan, cháu thích gì dì sẽ tặng cháu, làm Phan phấn khích! Nhưng cuối cùng nghe bọn trẻ con trong xóm nói hoài, nói mãi về giai cấp bóc lột, dù đó là những điều nói không thật nhưng nghe nghìn lần Phan cũng phải tin, đâm ra sợ sau này không dám nhận quà của dì nữa. Chính quyền ra luật cải tạo thành phần bóc lộ̣t, không được buôn bán mà phải tham gia vào hợp tác xã, khi thì bóc lạc, làm nón, khi thì diệt chiếu, làm lò vôi… tất cả mọi việc ban đầu dì còn bỡ ngỡ nhưng dì không hề nà bất cứ việc gì đều tham gia nhiệt tình vui vẽ với lòng đầy trách nhiệm. Nhưng chính sách thì thay đổi thường xuyên mà hiệu quả lại kém, bởi những người tưởng mình có đầu óc thông minh tuyệt vời hơn người, nhưng chẳng hiểu gì về qui luật của Thiên nhiên, quy luật xã hội, đưa ra những khẩu hiệu: “Với mo cau với tấm lòng Cộng sản thay Trời đổi Đất, sắp xếp lại non sông”. Cuối cùng việc gì cũng chỉ được một thời gian ngắn sau đó đều thất bại vì duy ý chí, thiếu tính thực tế, dì chẳng có việc gì để làm, để sống.

Tôi nhớ rõ một chiều hè, gió Nam (gió Lào) chuyển sang gió Nồm (gió biển), túp lều của dì tự dưng bốc cháy, cả xóm chạy đến cứu chữa, ngọn lửa bùng lên cao hơn cả ngọn tre, người thì xúc cát, người thì múc nước sông dội vào nom như trò chơi, chẳng thấm tháp gì cả. Ngọn lửa lại bùng cao lên, có mấy người dân quân la toáng lên, đòi quẳng dì vào lửa. Bảo dì là phản động, đã cố tình làm sai luật của xóm trong mùa hè: khi có mùa gió Lào từ tám giờ sáng đến năm giờ chiều không được ai để lửa, đun nấu. Nhưng dì có đun nấu gì đâu, mà do những hòn than lúc sáng còn sót lại trong đống tro tàn.

Dì bò lăn, bò lóc van khóc thảm thiết, xin trời đất, xin bà con xóm giềng dập lửa cứu nhà và đừng giết dì. Hơn ba mươi phút sau toàn bộ túp lều chỉ còn những cục than hồng cứ rực lên theo từng cơn gió thổi, trơ lại mình dì nằm trên bãi đất và tiếng van khóc rên rỉ nhỏ dần vì đâu còn sức lực.

Bắt đầu từ ngày đó dì An chẳng còn túp lều để ở, chẳng còn tiền bạc, cũng chẳng có ai dám giúp đỡ dì. Dì đến ở dưới gốc cây bàng rất to ở cạnh lò vôi không còn hoạt động để tránh gió lạnh của mùa đông, hàng ngày đi lang thang xin ăn ở những làng xa, hoặc ra sông bắt cá, bắt cua. Mẹ Phan vẫn thỉnh thoảng lén cho dì bát gạo, củ khoai, củ sắn, những thức ăn thừa sau đám giỗ (hồi ấy ai biết tủ lạnh là cái gì?) tất cả đổ vào nồi đun lên thành món hổ lốn đưa cho dì, để ăn được nhiều ngày.

Bố Phan công tác xa, thỉnh thoảng ghé thăm nhà, đưa mẹ Phan vài ba đồng và bảo đưa cho dì An nhưng phải kín đáo, đừng để ai biết. Có nhiều lần Phan chứng kiến dì đói quá nhặt cả con chuột chết, gà toi ở bến sông đem về vặt lông và luộc lên chấm với muối ăn ngon lành. Dì ngày càng xanh xao, bủng beo, tàn tạ…chưa đến tuổi năm mươi nom dì già hơn tuổi bảy mươi. Dân làng, xóm giềng lại xa lánh dì hơn.

Có lần bọn trẻ chăn bò nhịch ngợm thu nhặt những quả bom bi của Mỹ không nổ chất thành đống rồi dùng rơm rạ và củi khô để đốt, chúng nó lấp sau thân cây gạo to, bom nổ lúc dì đang bắt cua gần đó bị mảnh bom phạt vào đầu làm máu chảy xối xả, dì van khóc thảm thiết, còn bọn trẻ con chạy biến, chẳng có ai đến giúp dì băng bó viết thương. Dì chỉ biết dùng chiếc áo vá chằm vá đục ghì lên vết thương để cầm máu.

Năm 1966, chiến tranh ngày càng trở lên ác liệt, bến sông là nơi mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ. Cả xóm Phan phải đi sơ tán. Dì không muốn đi sơ tán, chỉ muốn sống bên bờ sông, hàng ngày còn có con cua, con cáy mà ăn, nhưng dân quân không cho dì ở lại, sợ dì làm gián điệp chỉ điểm cho máy bay Mỹ đánh phá. Dì cũng đành phải theo xóm làng. Lúc này dì sống ở bụi ngâu gần lều sơ tán của nhà Phan. Phan nhìn thấy đôi cẳng chân dì đen sì, lở loét, nước vàng rỉ ra, dì chỉ biết quấn giẻ rách hoặc lá chuối khô, đi đến đâu mùi hôi thối kinh khủng đến đó, có những khi thấy nhiều con giòi nhỏ cứ lúc nhúc ở vùng lở loét rơi xuống đất. Dưới con mắt của bọn con nít dì là con chó ghẻ hôi thối, đi đến đâu chúng ném đất, ném đá, chửi rủa, Phan thương dì lắm mà chẳng dám bênh dì, sợ bọn bạn bè bảo tôi đứng về phía giai cấp bóc lột. Có nhiều đêm Phan tỉnh gấc nghe tiếng dì than khóc:

– Ba má ơi, ba má bỏ con ra đi khi còn vài tháng tuổi, được bố mẹ đưa về nuôi yêu thương chăm sóc con, con đã làm lụng suốt đời để có nhà cửa, ruộng vườn, để người ta qui con là Địa chủ, làm đời con khốn kiếp đến cùng. Cả cuộc đời con chưa làm hạì ai bao giờ, chẳng biết lừa đảo, bóc lột… Ông Giời ơi, ông bà ơi, ba má ơi, bố mẹ ơi! Nếu thương con, cho con được chết, con khổ quá, con đau đớn quá, con nhục nhã quá!…

Sau một cơn mưa cuối Thu, vừa đói khát, vừa đau, vừa rét dì quằn quại không còn tiếng khóc than – chỉ nghe tiếng rên rỉ rất khẽ. Mẹ Phan nước mắt cứ ứa ra, cố bón cho dì được lưng bát cháo, đôi mắt dì mở ra lờ đờ, cố đưa bàn tay xương xẩu gày gò nắm lấy tay mẹ Phan như muốn trăng trối điều gì và cảm ơn mẹ Phan dì lịm dần rồi tắt thở. Chiều hôm đó chỉ có hai thanh niên tình nguyện khiêng dì bằng một chiếc võng gai của nhà Phan buộc vào khúc tre dài ba mét. Chẳng có hòm, chỉ có manh chiếu mỏng… Đưa tiễn dì đi có mẹ Phan, mấy chị em Phan lon ton chạy theo, đứa nào cũng dùng tay bịt mũi vì mùi hôi thối từ thân thể và quần áo của dì bốc ra. Đi qua một đồi cát vẫn còn rất nóng, cỏ khô cứng, hơi nóng bốc lên những sợi ngoằng ngèo trong không khí.

Cái huyệt nhỏ được đào vội, những mảng đất nâu vàng vương vãi xung quanh. Mẹ Phan lẩm bẩm những điều gì và khóc, ném ba nắm đất xuống hình hài của dì, mấy chị em Phan cũng khóc và làm theo mẹ.

– Xin vĩnh biệt dì về nơi yên nghỉ vĩnh hằng!

Những xẻng đất được hất xuống, hình hài dì cứ vùi dần trong cát, nhưng chính nơi này sẽ là ngôi nhà vĩnh hằng thân yêu và có lẽ nơi đó là nơi sung sướng, hạnh phúc nhất của dì, chẳng còn đói khát, khổ đau, nhục nhã…

Đầu tháng 8 năm 1975, đất nước đã được thống nhất hơn hai tháng đúng lúc Phan về nghỉ hè, cả nhà Phan hân hoan, vui mừng và tự hào đón cậu Phận trở về làng với quân hàm Đại tá. Cậu về thăm nhà Phan và các nhà trong xóm và những người thân cũ. Đi với cậu còn có Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chính ủy Quân khu và nhiều người nữa với năm chiếc xe con không vào đường làng mà phải đỗ ngoài phố huyện. Thì ra cậu chính là người chỉ huy điệp báo của thành phố Sài Gòn-Gia Định cũ, từng nhiều lần quyết định sinh mệnh của hàng vạn người của phía bên kia. Vậy mà bây giờ trước mặt mẹ Phan và bà con xóm làng cậu đã òa khóc nức nở sau 31 năm trở lại thăm quê. Chiến tranh đã đi qua, hàng triệu người ngã xuống, hàng vạn người tàn phế tâm hồn và thể xác và bao người còn sống vẫn nặng bao nỗi đau thương, vất vã, nhọc nhằn, có nhiều người ngậm ngùi tủi nhục, đau đớn suốt đời vì Tổ quốc. Những năm tháng đó cậu hiểu và biết tất cả những gì đã xẩy ra ở quê nhà, vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc giao cho, đã nén nỗi đau riêng của mình hơn ba mươi năm qua để làm tròn bổn phận của người lính.

Cả nhà tôi đưa cậu thăm mộ ông bà, ngôi mộ được dì An xây thành lăng-dù bao nhiêu năm rồi khu lăng vẫn khang trang và rất đẹp. Nhưng đến khi đi tìm mộ dì An, suốt cả buổi chẳng thấy đâu, mẹ Phan rất bối rối. Thời gian gặp thì ngắn, quan khách lại đông mẹ Phan làm sao kể được những ngày cuối cùng và không thể nhớ chính xác khu mộ của gì yên nghỉ. Đã chín năm rồi chẳng có ai hương khói và chăm sóc mộ của dì. Cái nắng, gió và mưa của quê Phan, chỉ cần vài năm là ngôi mộ đã phẳng lì, chỉ biết khu dì nằm nhưng không biết mộ dì nằm ở đâu bây giờ?

Cậu bảo Phan đi mua cho cậu một trăm nhành hoa huệ trắng để viếng người chị suốt đời tần tảo nuôi cậu ăn học thành người. Nhưng đây đâu phải Sài Gòn, lấy đâu ra hoa huệ bây giờ? Cả huyện chẳng có lấy một cửa hàng hoa, đành hái hết hoa lan của cả mấy vườn trong xóm, tự tay cậu rắc hoa lan hết các mộ khu dì An nằm và rắc dọc con đường tiễn đưa dì về nơi an nghỉ cuối cùng. Cậu khóc lên nức nở:

– Em xin lỗi chị, em ngàn lần xin lỗi chị, chị hãy tha lỗi cho em! Em hiểu và biết tất cả những gì đã xảy ở quê hương. Chiến tranh mỗi người phải hy sinh theo mỗi cách khác nhau như thế đó chị à!

Sáng nay Phan ngồi mình trong tiệm caffe bên hồ Genơve. Ly caffe hơi nước cứ bốc nghi ngút, mắt Phan nhìn hồ, phố xá sao sạch và đẹp tuyệt vời, cuộc sống thật vương giã, phía bên kia hồ là dãy núi Alpơ trùng điệp, xa xa là đỉnh núi Mont Blanc đầy tuyết trắng. Cuộc đời Phan may mắn được đi nhiều nơi, nhưng làm sao quên sứ sở thân yêu của mình đã sinh ra và nuôi Phan lớn lên từ củ khoai, củ sắn ngọt bùi, từ tiếng hò ơ đêm trăng mẹ hát, từ câu Ví dặm, câu Kiều, từ cái nắng gió và mưa khu Tư, từ cái thời thơ ấu đêm đêm thổn thức đau nhói nghe tiếng than khóc thảm thiết của dì An… Cho Phan biết yêu thương, biết căm giận, biết lẽ phải trái giữa dòng đời! Phan ngồi thẩn người, buồn nhớ thương nhớ bố mẹ, dì An, cậu Phận và bao người thân yêu đã đi xa rồi chẳng bao giờ gặp lại, nhưng trong lòng Phan bố mẹ, dì An, cậu Phận và bao người thân thương chẳng bao giờ mất, mà vẫn đi theo Phan đến cùng trời cuối đất, suốt cả cuộc đời. 44 năm chiến tranh đã đi qua, với ngần ấy thời gian không thể làm phai mờ đi những dấu vết của chiến tranh. Những ai đã sống qua những năm tháng ấy vẫn còn mang y nguyên nhiều nhức nhối, đau thương, mất mát… trong lòng!

Budapest năm 2000.
Gơnevơ, một sáng cuối Thu 2019

N.L.T/Vanvn.net